- Phân tích kết quả thực nghiệm sau khi xử lý
1.2.4.1. Khái niệm bài tập thực nghiệm
Trên cơ sở tổng hợp những quan điểm, khái niệm về bài tập đã được nhiều tác giả đưa ra; chúng tôi đề xuất khái niệm bài tập và bài tập thực nghiệm như sau:
- Bài tập là một dạng nhiệm vụ học tập có cấu trúc gồm những dữ kiện và những yêu cầu đòi hỏi người học phải thực hiện để nâng cao chất lượng lĩnh hội kiến thức hoặc rèn luyện các kĩ năng và phát triển năng lực cho người học.
- Bài tập thực nghiệm là một dạng nhiệm vụ học tập có cấu trúc gồm những dữ kiện và những yêu cầu đòi hỏi người học phải thực hiện bằng hoạt động thực nghiệm, qua đó phát triển năng lực thực nghiệm cho người học.
Có thể nói, quá trình thực hiện bài tập thực nghiệm chính là quá trình thực hiện các hoạt động thực nghiệm, do đó sẽ rèn luyện và phát triển năng lực thực nghiệm cho người học.
+ Những dữ kiện: là những thông tin được cho trước trong bài tập, làm cơ sở cho người học định hướng tư duy và định hướng thực hiện các thao tác vật chất nhằm giải quyết có hiệu quả những yêu cầu của bài tập.
+ Những yêu cầu: là cái mà người học phải thực hiện, nó chính là kết quả mong muốn người học cần đạt được. Trong quá trình thực hiện các yêu cầu của bài tập thực nghiệm người học sẽ chiếm lĩnh, nâng cao chất lượng tri thức và rèn luyện được các kĩ năng của quá trình thực nghiệm.
Như vậy, sau khi tiếp cận với bài tập thực nghiệm, nhiệm vụ đầu tiên của người học là phải thiết lập được mối quan hệ logic giữa những dữ kiện và yêu cầu cần tìm của bài tập. Đây là hành động cốt lõi cho quá trình tìm tòi tiếp theo và vì vậy giá trị rèn luyện năng lực thực nghiệm được quyết định bởi cách ra logic cấu trúc bài tập.