Thực trạng ứng dụng CNTT trong thực hiện các chủ đề giáo dục

Một phần của tài liệu Quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục trẻ tại ở trường mầm non b xã đông mỹ, thanh trì, hà nội (Trang 57 - 60)

Tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ có ứng dụng CNTT trong chương trình giáo dục mầm non tạo ra một môi trường dạy học tương tác cao, sống động, hứng thú và đạt hiệu quả cao của quá trình dạy học đa giác quan cho trẻ. Những nội dung, tư liệu bài giảng được xây dựng để giáo dục trẻ mang tính chân thực, phong phú. Trong bài giảng điện tử, trẻ được làm quen với những hiện tượng tự nhiên, xã hội mà trẻ khó có thể được tiếp xúc trong thực tế.

Qua tìm hiểu cho thấy trong thực tiễn hiện nay các hình thức phổ biến của ứng dụng CNTT trong các chủ đề giáo dục trẻ ở trường mầm non B xã Đông Mỹ thực hiện bao gồm: Ứng dụng CNTT chủ yếu để soạn thảo văn bản, giáo án; tìm các hình ảnh minh họa, đoạn video; ứng dụng phần mềm MS.PowerPoint để phục vụ cho bài giảng điện tử khi tổ chức các hoạt động giáo dục theo chủ đề và các môn học, hoạt động:

- Ứng dụng CNTT trong hoạt động khám phá:

Đối với những hoạt động khám phá có nội dung khó có thể cung cấp kiến thức cho trẻ theo cách truyền thống thì giáo viên đã sử dụng các băng, đĩa tư liệu, cắt phim, tìm hình ảnh, phim trên mạng để tạo thành giáo án điện tử để dạy cho trẻ như:

+ Lồng ghép âm thanh, hình ảnh đang hoạt động để tạo hứng thú

+ Vẽ, can, cắt ghép, tạo ra các quy trình phát triển của con vật, sự vật, hiện tượng… để giải thích cho trẻ hiểu.

+ Chơi các trò chơi trong chương trình Kidsmart: Phân loại, sắp xếp theo quy tắc, tạo chuỗi logic…

Ví dụ 1: Trò chơi tương tác trong bài giảng “Sự phát triển của cây từ hạt”. Trên màn hình sẽ xuất hiện những bức tranh về các giai đoạn phát triển của cây. Nhiệm vụ của các bé là khi bức tranh nào xuất hiện, bé phải nói xem đó là giai đoạn nào trong quá trình phát triển của cây từ hạt. Hoặc trò chơi cho trẻ di chuyển chuột để sắp xếp các bức tranh theo thứ tự quá trình phát triển của cây từ hạt.

Ví dụ 2: Trong tiết học “Khám phá phương tiện giao thông”, cô thiết kế trò chơi “Ai nhanh nhất”: Trên màn hình sẽ xuất hiện hình ảnh các hình ảnh phương tiện giao thông khác nhau: ô tô, xe máy, xe đạp, máy bay, tàu hỏa, tàu thủy….Yêu cầu trẻ kích chuột để tìm đúng phương tiện giao thông đường bộ. Khi trẻ tìm đúng thì mặt cười xuất hiện cùng với tiếng vỗ tay. Nếu trẻ tìm sai thì sẽ hiện lên hình ảnh con mèo khóc.

- Ứng dụng CNTT trong hoạt động làm quen với toán:

Trong các tiết lập số, tạo nhóm số lượng tương ứng với chữ số, so sánh các nhóm đồ dùng…Giáo viên đã sử dụng các hình ảnh sưu tầm được theo chủ đề trên máy tính và tạo các hiệu ứng xuất hiện, âm thanh để tạo sự chú ý và gây hứng thú cho trẻ.

Giáo viên đã sử dụng các trò chơi ứng dụng: Sắp xếp các nhóm số lượng, thêm bớt, cộng trừ, chia nhóm:

Ví dụ 1: Trong giờ học “Chia 9 đối tượng thành 2 phần”, giáo viên đã thiết kế trò chơi “Hái hoa tặng bà và mẹ” trên màn hình sẽ xuất hiện vườn hoa có 9 bông và trẻ sẽ lần lượt bấm chuột di chuyển số hoa chia vào 2 giỏ hoa.

Ví dụ 2: Trong giờ học “Tách gộp nhóm có 8 đối tượng”, giáo viên đã thiết kế trò chơi: Nối hình ảnh các loại quả ở cột A với cột B, sao cho gộp các loại quả lại có số lượng là 8.

Ví dụ 3: Cho trẻ làm quen với số lượng 4, nhận biết số 4, thêm bớt tạo sự bằng nhau trong phạm vi 4 (chủ đề: Động vât).

Nhấp bút vào thư viện tài nguyên (biểu tượng quyển sách), chọn động vật, kéo thỏ lên màn hình chính, nhấp đúp bút vào bảng - chọn Duplicate

Tương tự kéo và nhân 2, 3 củ cà rốt. Sau đó cho trẻ đếm, so sánh số lượng 2 nhóm, thêm bớt (nhấp đúp bút vào bảng chọn biểu tượng thùng rác, nhấp bút vào con vật cần bớt rồi nhấp vào thùng rác, con vật sẽ biến mất) để tạo sự bằng nhau giữa 2 nhóm là 4. Cho trẻ viết số 4.

- Ứng dụng CNTT qua hoạt động làm quen chữ cái:

Giáo viên đã sử dụng các hình ảnh, các từ có chứa các chữ cái đã và sẽ học xuất hiện dưới các hình ảnh để cho trẻ phát âm và tìm chữ cái trong từ, sau đó xuất hiện chữ cái sẽ học và trẻ nhận dạng đặc điểm chữ qua các hiệu ứng cắt các nét chữ, tạo chữ cái giúp trẻ tri giác tốt cấu tạo các chữ cái. Ngoài ra, giáo viên đã tạo các ô chữ cho trẻ chơi lật ô chữ, tìm chữ cái theo phát âm, tả đặc điểm chữ:

Ví dụ 1: Trong tiết học “Làm quen chữ cái h, k”, cô đưa bài thơ “Cây đào” lên màn hình, trẻ tìm trong bài thơ có những chữ cái “h”. Khi giới thiệu cấu tạo của chữ “k”, trên màn hình sẽ lần lượt hiện lên 2 nét sổ thẳng và nét xiên trái, xiên phải để trẻ dễ dàng hình dung cấu tạo của chữ.

Ví dụ 2: Trong giờ học “Làm quen với chữ cái b,d,đ”, cô cho trẻ chơi trò chơi “Nhìn hình đoán tên con vật”: Trên màn hình là hình ảnh các con vật và tên của chúng được viết bên dưới mỗi con vật đó. Trẻ nghe đọc câu đố và đoán tên các con vật, sau đó kích chuột vào chọn đáp án đúng.

- Ứng dụng CNTT trong hoạt động làm quen với văn học:

Với những bài thơ truyện trong chương trình, chủ đề, giáo viên đã sưu tầm hình ảnh trên mạng thể hiện nội dung để dạy cho trẻ. Giáo viên đã scan hình ảnh, tạo hiệu ứng cho các nhân vật, lồng ghép âm thanh cho câu chuyện, tạo ra các câu hỏi tương tác để đàm thoại với trẻ, giúp trẻ hiểu rõ hơn nội dung của bài thơ, câu chuyện đang học. Giáo viên đã lồng ghép sử dụng các câu chuyện có sẵn trong các phim hoạt hình trên mạng để trẻ xem ở lần kể thứ 3 để tạo hứng thú, giúp trẻ nhớ lâu, tập trung hơn.

- Ứng dụng CNTT hoạt động giáo dục âm nhạc:

Giáo viên đã sưu tầm các băng đĩa cắt những đoạn phim, đoạn nhạc cần minh họa cho nội dung bài hát. Tạo các hình ảnh, scan nột dung bài hát hoặc âm thanh các nhạc cụ… Chép các bài nhạc bằng phần mềm Encore, mở cho trẻ nghe, tập hát. Giáo viên ứng dụng phần mềm để tổ chức các trò chơi âm nhạc như:

Ví dụ: Trò chơi Ô cửa bí mật: Cô thiết kế những ô cửa đánh số thứ tự, trẻ lên chơi kích chuột vào ô nào, ô đó mở ra và phát một bản nhạc, trẻ nghe và đoán tên bài hát và hát lại bài hát đó. Qua dự giờ, trẻ đã rất hứng thú với trò chơi này vì trẻ được khám phá tìm hiểu, đó là một trong những đặc điểm của trẻ lứa tuổi mầm non

- Ứng dụng CNTT trong hoạt động tạo hình

Giáo viên đã chụp, quay những thao tác mẫu khó, những hình ảnh phù hợp với nội dung đề tài cho trẻ quan sát và thực hiện.

Như vậy, đa số các hoạt động giáo dục trẻ của từng môn học đã được giáo viên ứng dụng CNTT để hỗ trợ cho bài dạy qua đó có thể đánh giá giáo viên đã có một số vốn kỹ năng về tin học để giúp cho việc soạn thảo, lấy tư liệu, hoặc thiết kế bài giảng điện tử dễ dàng hơn. Tuy nhiên, giáo viên chủ yếu sử dụng phần mềm Microsoft Office PowerPoint để thiết kế bài giảng. Do đó khi giáo viên tổ chức hoạt động học đa số vẫn sử dụng phần mềm này trình chiếu thậm chí trình chiếu cả giờ dạy thay cho việc trẻ sử dụng các đồ dùng trực quan để thực hành, ôn tập nên dẫn đến hiệu quả giờ dạy thường thấp. Thực trạng này xảy ra là do những hạn chế của khâu định hướng và tổ chức chỉ đạo của CBQL trong việc thiết kế và sử dụng các hoạt động giáo dục trẻ có ứng dụng CNTT.

Một phần của tài liệu Quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục trẻ tại ở trường mầm non b xã đông mỹ, thanh trì, hà nội (Trang 57 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)