Chức năng môi trường vùng đô thị

Một phần của tài liệu Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh quảng trị giai đoạn 2006 2010, tầm nhìn 2020 (Trang 115 - 121)

Quảng Trị có 2 thị xã (Quảng Trị và Đông Hà), 1cửa khẩu Quốc tế (Lao Bảo) và các thị trấn thuộc 7 huyện lỵ. Quảng Trị đang phấn đấu đến năm 2007 Đông Hà trở thành thành phố. Để đánh giá chức năng môi trường đô thị thuộc tỉnh Quảng Trị báo cáo đề cập chủ yếu đến các đặc điểm tự nhiên kinh tế xã hội của thị xã Đông Hà.

3.2.4.1 Điều kiện tự nhiên

+ Vị trí địa lý:

Thị xã Đông Hà nằm trong giới hạn toạ độ địa lý từ 16º07’53” đến 16º52’22” vĩ Bắc, 107º04’24” đến 107º07’24” kinh Đông, có ranh giới được giới hạn bởi:

+ Phía Bắc giáp với các huyện Gio Linh và Cam Lộ + Phía Nam giáp huyện Triệu Phong

+ Phía Đông giáp huyện Gio Linh và một phần huyện Triệu Phong + Phía Tây giáp huyện Cam Lộ

Thị xã Đông Hà là cửa ngõ Việt – Lào, cách thành phố Đồng Hới 93km về phía Bắc, cách thành phố Huế 70km về phía Nam, cách cửa khẩu Lao Bảo 83km về phía Tây, cách Cửa Việt 16km về phía Đông.

Thị xã Đông Hà có vị trí quan trọng về mặt chiến lược trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ, bảo vệ tổ quốc của khu vực miền Trung.

+ Địa mạo - địa hình - địa chất

Thị xã Đông Hà nằm trên nền của địa máng Trường Sơn, phát triển qua các thời kỳ cổ sinh, trung sinh và tân sinh với các pha kiến tạo Hecxini, indơsini. Vào đại tân sinh sau thời kỳ bán bình nguyên hoá, vận động tân kiến tạo làm cho địa hình phức tạp. Vùng gò đồi thuộc thị xã là trầm tích Paleozoi bị thoái hoá mạnh. Vùng đồng bằng gồm trầm tích bở rời nguồn gốc sông có tuổi Holocen.

Nét đặc trưng của địa hình thị xã Đông Hà là nghiêng và thấp dần từ Tây sang Đông, vùng đất đồi bị chia cắt bởi nhiều đồi bát úp, khe suối. Đất đồi của thị xã chiếm 44,1% diện tích, đất đồng bằng chiếm 55,9%. Có 2 dạng địa hình cơ bản sau đây:

Dạng địa hình đồi bát úp và thoải: nằm về phía tây và tây nam, có hướng thoải dần

về phía đông, độ cao trung bình 10m so với mặt nước biển, độ dốc trung bình 5 -10º tập trung ở phía tây, điểm cao nhất là 80m, phân bố chủ yếu ở phía tây phường Đông Lương, Đông Lễ, phường Năm, phường Bốn và phường Ba. Đất đá chủ yếu là nền đá phiến thạch và sa phiến. Nhìn chung thuận lợi cho việc bố trí các công trình xây dựng, ít phải xử lý phức tạp nền móng,…

Địa hình đồng bằng: là vùng đồng bằng thấp, trũng, phân bố ở các phường Đông

Giang, Đồng Thanh, Đông Lương, Đông Lễ, phường Hai và các lũng sâu theo các khe nằm rải rác phía tây đường sắt, độ cao trung bình là 3m. Khi xây dựng công trình phải xử lý móng và tôn tạo, phải được khảo sát địa chất công trình trước khi xây dựng.

+ Đặc điểm khí hậu

Thị xã Đông Hà có 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa và mùa khô. Mùa khô, gió mùa tây nam hoạt động chủ yếu từ tháng III đến tháng IX đồng thời là mùa khô hạn, nắng nóng kéo dài, cường độ gió tự nhiên mạnh nhất có khi cấp 6 –7, độ ẩm không khí rất

thấp, sức nóng và gió dữ dội. Mùa mưa, gió mùa đông bắc hoạt động vào khoảng tháng X đến tháng III năm sau, gió mang theo không khí lạnh và ẩm kéo theo mưa dầm ẩm ướt nhất trong năm. Ngoài 2 hướng gió trên, về mùa hè xen giữa là gió mùa đông nam từ biển thổi vào đất liền mang theo hơi ẩm và không khí mát mẻ làm nhiệt độ không khí thay đổi một cách đáng kể.

Ở đây đặc biệt lưu ý là bão. Bão có ảnh hưởng trực tiếp đến thị xã với tốc độ lớn, có khi lên đến 100km/h (năm 1984), lại giật từng cơn và thường đổi hướng đột ngột, gây thiệt hại rất lớn. Bão tập trung nhiều vào các tháng VII, VIII, IX. Đặc điểm khí hậu thời tiết thị xã Đông Hà khá khắc nghiệt đối với sinh hoạt đời sống của cư dân, gây hại, lụt làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tới năng suất lao động của một số ngành.

3.2.4.2 Tài nguyên nước mặt, nước dưới đất

+ Nước mặt

Hệ thống thuỷ văn của thị xã Đông Hà gồm sông ngòi, hồ, đập là nguồn cung cấp nước cho thị xã. Theo kết quả điều tra năm 2000, trữ lượng nước mặt có thể khai thác được đánh giá ở thị xã Đông Hà là 127.330.175m3.

Sông Hiếu (Sông Cam Lộ) bắt nguồn từ Hướng Hoá chảy qua trung tâm thị xã với chiều dài 9km, rộng 150-200m. Sông ít dốc, lưu lượng trung bình 22,7m3/s, lưu lượng mùa lũ là 4400m3/s, lưu lượng mùa kiệt là 2,5m3/s. Đối với mùa kiệt những đợt xâm nhập mặn có lúc lên đến cầu Đuổi - Cam Lộ.

Sông Vĩnh Phước: sông chảy ven thị xã về phía nam, bắt nguồn từ vùng Triệu Phong đến ngã ba Đại Áng (Đông Lương) thì đổ ra sông Thạch Hãn. Sông Vĩnh Phước đã được xây đập tạo nên hồ chứa nước, là nguồn cấp nước chính của thị xã Đông Hà hiện nay.

Sông Trúc Kinh: nằm ở phía bắc của thị xã, sông bắt nguồn từ vùng đồi tây Gio Linh với lưu lượng trung bình 1,48m3/s.

Sông Thạch Hãn: bắt nguồn từ Ba Lòng, đoạn qua địa bàn thị xã dài 5km nằm về phía đông của 2 phường Đông Lê, Đông Lương.

Ngoài ra thị xã Đông Hà còn có một số hồ, đập nhân tạo phục vụ cho tưới tiêu, dân sinh, cải tạo môi trường và nuôi trồng thuỷ sản.

Hồ Trung Chỉ: có diện tích 3,2km2, trữ lượng nước 2,5 triệu m3, phục vụ tưới tiêu cho 450ha lúa của các phường Đông Lương, Đông Lễ và phường 2.

Hồ Khe Mây: diện tích 6km2, dung tích 950.000m3, thuộc địa bàn phường 3 phía tây nam của thị xã.

Hồ Đại An: có diện tích 0,8km2, chủ yếu là hồ thoát nước cho khu vực phường 5 Hồ Khe Sắn: có diện tích 0,5km2, thuộc địa bàn phường 1.

Hồ Cây số 6: ở phường 4 chủ yếu phục vụ môi sinh và cấp nước sinh hoạt cho phường 4.

+ Nước dưới đất

Nguồn nước ngầm của thị xã Đông Hà không đáng kể do cấu tạo địa chất, lớp đất sét dày phân bố khắp thị xã. Nước ngầm được sử dụng chủ yếu ở vùng ven dưới dạng giếng khơi, giếng khoan. Theo kết quả điều tra năm 2000, trữ lượng nước ngầm có thể khai thác được đánh giá ở thị xã Đông Hà là 16.734.823m3.

Hệ thống thuỷ văn của thị xã Đông Hà phân bố khá đồng đều, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất và điều hoà khí hậu.

+ Tài nguyên đất

Diện tích đất tự nhiên của thị xã Đông Hà là 72,55km2, trong đó đất nông nghiệp 1855 ha chiếm 25% đất tự nhiên (đất trồng cây hàng năm là 1525 ha); đất lâm nghiệp là 1865 ha, chiếm 25,6% đất tự nhiên (rừng tự nhiên 37 ha, rừng trồng 1802 ha); đất chuyên dùng 847 ha, chiếm 12% đất tự nhiên; đất ở 521 ha, chiếm 7,2% đất tự nhiên; đất chưa sử dụng là 2162 ha, chiếm 30,2% đất tự nhiên. Trong đó đồi núi 1328 ha, đồng bằng chưa sử dụng là 338 ha, sông suôi 372 ha và đất khác 11 ha. Như vậy đất chưa sử dụng còn nhiều, chiếm gần 1/3 diện tích tự nhiên, trong đó đất có khả năng phát triển nông nghiệp rất hạn chế do độ màu mỡ kém, thiếu nước tưới, tầng canh tác mỏng và phân tán, manh mún.

Đặc điểm thổ nhưỡng tuy chưa được điều tra kỹ về thổ nhưỡng nhưng qua đánh giá sơ bộ thì Đông Hà có các loại đất chủ yếu sau đây: Đất feralit nâu vàng trên phiến sét, đất feralit trên sa phiến, đất phù sa bồi, phù sa không được bồi, đất phù sa Glây, đất cát,…Đất phù sa được bồi hàng năm, phân bố chủ yếu ở các vùng như ở khu vực triền sông Hiếu, sông Vĩnh Phước, diện tích khoảng 500 ha, thích hợp cho việc trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, cây màu lương thực. Đất feralit nâu vàng phát triển trên phiến sét, phân bố tập trung ở tây và tây nam thị xã. Đất này chiếm diện tích 3500 ha, thích hợp trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả và phát triển đồng cỏ chăn nuôi. Đất phù sa Glây phân bố rải rác ở các khu vực trồng lúa (Đông Lương, Đông Lễ, Đông Giang, Đông Thanh) có diện tích 200 ha. Đất phù sa không được bồi, phân bố ở Đông Hà, Đông Giang, Đông Lương, Đông Lễ, phường 3, phường 2, diện tích trên 1000 ha, thích hợp trồng lúa, cây lương thực, thực phẩm, hoa, cây cảnh.

Trong những năm gần đây, diện tích cây xanh đô thị của thị xã Đông Hà phát triển khá nhanh. Tuy nhiên hầu hết các cây đều ít tuổi, tán lá còn nhỏ nên độ che phủ bóng râm đối với các đường phố chưa nhiều. Năm 2000, thị xã đã trồng mới 667 cây xanh đường phố, nâng tổng số cây lên 2755 cây trên 14 tuyến đường chính. Các loại cây được trồng phổ biến là muồng, hoa giữa, phượng vĩ, bằng lăng và sấu. Bên cạnh đó còn có nhội, chẹo, me, xưa, long não, bàng. Khoảng cách các cây trung bình từ 5 – 6m nhưng phân bố không đồng đều.

Cây xanh đô thị góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường của thị xã Đông Hà, các ban ngành cần có kế hoạch phát triển cây xanh đô thị.

3.2.4.3 Hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội và môi trường

+ Dân số và sự phân bố dân cư

Theo kết quả của cuộc tổng điều tra dân số tính đến ngày 31 – 12 –2003 thị xã Đông Hà có 78028 người. Trong đó nam 38553 người chiếm 49,41% tổng dân số, nữ 39475 người, chiếm 50,59% tổng dân số. Sự phân bố dân cư không đồng đều. Dân cư tập trung chủ yếu ở phường 1 và phường 5, nơi dân cư ít nhất là phường Đông Thanh và phường 2.

Sự gia tăng dân số của thị xã chủ yếu là gia tăng tự nhiên, còn tỷ lệ gia tăng cơ giới là không đáng kể.

+ Các hoạt động kinh tế

Nông nghiệp: nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã, sản xuất nông

nghiệp chiếm tỷ trọng khá lớn trong GDP của thị xã, thu hút 80% hộ gia đình vùng ven. Mặc dù có những khó khăn về điều kiện thời tiết, thuỷ lợi, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn có những bước chuyển biến khá tốt, tốc độ tăng trưởng khá, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất hàng hoá theo hướng phát triển nông nghiệp ven đô.

Chăn nuôi: chăn nuôi đã được chú trọng đầu tư, chiếm tỷ trọng trên dưới 40% giá

trị sản xuất của ngành nông nghiệp, chủ yếu là các loài gia súc, gia cầm để lấy thịt và sức kéo phục vụ nông nghiệp.

Trong những năm qua diện tích nuôi trồng thuỷ sản không ngừng phát triển, thí dụ đến đầu năm 2004 đã đạt 82 ha: trong đó diện tích nuôi tôm sú là 47,7 ha (đào bới 24,4 ha) với lượng tôm thả trên 7 triệu con. Ngoài ra một số cơ sở đã tiến hành thí điểm việc nuôi baba với diện tích vào khoảng 3 ha với khoảng 12000 con.

Lâm nghiệp: Một mặt tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống cháy rừng, bảo vệ,

quản lý trồng và khai thác rừng theo đúng quy định, mặt khác tiếp tục đẩy mạnh phong trào trồng cây phân tán và trồng cây bóng mát đô thị. Xây dựng và phát triển

các khu vực rừng sinh thái kết hợp rừng kinh tế vườn đồi, vườn nhà ở Tân Vĩnh, Khe Lấp, phường 4. Tổng diện tích đất có rừng của thị xã Đông Hà khoảng 1721,1 ha, chủ yếu là rừng trồng. Rừng phòng hộ chiếm 175,7 ha, rừng khai thác chiếm 1545,4 ha. Hiệu quả kinh tế do rừng mang lại là gỗ, củi và lâm sản. Rừng còn là lá phổi sanh điều hoà khí hậu.

Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: thị xã Đông Hà hiện nay sản xuất công

nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chưa có sự bứt phá mạnh, mặc dù thị xã đã hoàn thành quy hoạch 2 cụm công nghiệp và chuẩn bị đầu tư xây dựng mặt bằng nhằm tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thúc đẩy sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh phát triển. Để phát triển mạnh song còn có những khó khăn, hạn chế sau: Thị xã Đông Hà là một đô thị trẻ, có quy mô nhỏ, từ ngày trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị (năm 1989) mới được quan tâm đầu tư phát triển, song khả năng đầu tư của các nguồn vốn còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm sản xuất lâu đời để trở thành những làng nghề truyền thống trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chưa có được uy tín về thị trường sản phẩm nên sản phẩm hàng hoá sản xuất ra chủ yếu phục vụ một phần trong tỉnh. Trình độ của các cơ sở sản xuất còn lạc hậu nên hiệu quả sản xuất kinh doanh rất thấp, khả năng tích luỹ để tái đầu tư rất khó khăn. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp còn thấp kém, chưa đủ điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển. Trình độ người lao động công nghiệp, khả năng tiếp thu công nghệ còn rất hạn chế. Môi trường đầu tư có hiệu quả đối với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn khó khăn nhiều mặt. Chưa xác định được hướng đi chiến lược và bước đi thích hợp đối với ngành công nghiệp của địa phương.

Thương mại và dịch vụ: Thị xã Đông Hà có nhiều thế manh để phát triển thương mại và dịch vụ. Giao thông thuận lợi tạo điều kiện để trao đổi hàng hoá với 2 miền Bắc - Nam, với các nước bạn Lào và Thái Lan. Bên cạnh đó hệ thống cơ sở hạ tầng đang từng bước được hoàn thiện, cùng với việc tiếp cận nhanh tới cơ chế thị trường, đã tạo điều kiện cho khối dịch vụ tăng nhanh. Toàn thị xã có 14 chợ tập trung mua bán trao đổi, giao lưu hàng hoá, tiêu thụ sản phẩm. Tuy ngành dịch vụ, thương mại đã có bước phát triển nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế, còn thiếu sự hướng dẫn chỉ đạo của nhà nước.

Giao thông vận tải: Thị xã Đông Hà nằm trên nút giao thông quan trọng: tuyến

quốc lộ 1A đi qua thị xã là 8km, đường quốc lộ 9 nối với Lào qua nội thị là 8km, đường sắt xuyên Việt chạy qua thị xã Đông Hà với chiều dài 8km và có một ga chính. Đường thuỷ do địa hình ở Đông Hà hẹp, sông thường ngắn với chiều rộng với 100-150m cũng chỉ có khả năng thông thuyền ở phía hạ lưu. Thuận lợi cơ bản của thị xã là gần biển, cách cảng Cửa Việt là 16km,các đoàn tàu nhỏ có thể theo

sông Hiếu vào thị xã. Thị xã có cảng Đông Hà nhưng hiện đã xuống cấp.

Hoạt động kinh tế đối ngoại: Thị xã Đông Hà có điều kiện để giao lưu buôn bán với các tỉnh ở 2 miền Bắc – Nam và với các nước bạn Lào, Thái Lan. Hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản (gạo, hồ tiêu), thuỷ sản và bia giải khát. Đông Hà phải nhập những mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, đồ hộp và các máy móc thiết bị,… tỷ lệ nhập khẩu của thị xã còn lớn.

Một phần của tài liệu Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh quảng trị giai đoạn 2006 2010, tầm nhìn 2020 (Trang 115 - 121)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)