Chức năng môi trường vùng đồng bằng

Một phần của tài liệu Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh quảng trị giai đoạn 2006 2010, tầm nhìn 2020 (Trang 101 - 109)

Vùng đồng bằng phân bố chủ yếu ở hạ lưu 3 hệ thống sông trong tỉnh có diện tích khoảng 27 000 ha chiếm tỷ lệ 6% diện tích toàn tỉnh.

3.2.2.1 Điều kiện tự nhiên

Đối với vùng đồng bằng, đặc điểm khí hậu thuỷ văn cùng chung những nét đặc thù của điều kiện khí hậu mang tính chuyển tiếp giữa khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh ở các huyện như huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và nhiệt đới gió mùa không có mùa đông lạnh ở các huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Chế độ bức xạ, nắng, mây phụ thuộc vào vị trí địa lý của vùng. Chế độ nhiệt chung bình năm có xu hướng tăng dần từ Bắc vào Nam (từ Vĩnh Linh đến Hải Lăng) nhưng tăng chậm. Theo hướng Đông – Tây nhiệt độ vùng này cao hơn nhiệt độ vùng núi và gò đồi. Độ ẩm đối với vùng này thường xuất hiện vào các tháng V, VI, VII, đặc biệt vào tháng VII độ ẩm ở mức thấp nhất, liên quan tới các đợt gió tây khô – nóng (gió Lào). Chế độ bốc hơi lớn nhất thường diễn ra trong tháng VII hàng năm, tháng có độ ẩm thấp. Lượng bốc hơi nhỏ nhất trong tháng II. Chế độ mưa ở khu vực đồng bằng bắt đầu từ tháng V, bị gián đoạn do hoạt động của gió Lào (tháng VI và VII), trong tháng VIII mưa mới ổn định và kết thúc vào cuối tháng XII, khác với vùng núi và gò đồi mùa mưa liên tục hơn từ tháng V đến tháng XI mới kết thúc. Từ tháng I đến hết tháng IV mưa ít, được xem như là mùa khô của vùng này. Chế độ gió ở vùng đồng bằng cũng có gió, đất - biển là loại hoàn lưu có chu kỳ ngày tạo ra sự lưu thông không khí trong vùng. Gió khô nóng – gió Lào là loại hình gió đặc thù của khu vực Quảng Trị nói chung và vùng đồng bằng nói riêng, xuất hiện vào mùa hạ. Các hiện tượng thời tiết đặc biệt có tính cực đoan mang tính thiên tai như: bão, lụt, hạn hán, gió khô nóng, mưa đá. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng hết sức nặng nề không chỉ trong sản xuất nông nghiệp và các hoạt động kinh tế khác kể cả đến tài sản, sức khoẻ và tinh thần của cư dân địa phương. Theo kết quả thống kê của Cục Khí tượng Thuỷ văn từ năm 1954-1995 có khoảng 53 cơn bão và áp thấp nhiệt đới biểu lộ vào Quảng Trị nói chung và vùng đồng bằng nói riêng. Đặc biệt

trận lũ lụt xảy vào năm 1999 đã gây thiệt hại không nhỏ đối với vùng.

Đặc điểm khí hậu như điều kiện ánh sáng, bức xạ quang hợp (số giờ nắng). Ở vùng này rất phòng phú, đây chính là nguồn tài nguyên khí hậu nông nghiệp cần được tận dụng triệt để khi sắp xếp bố trí cơ cấu cây trồng, mùa vụ trong vùng. Sinh khí hậu nông nghiệp đối với vùng đồng bằng với nhiệt độ trung bình năm 25 > Tnăm ≥ 22ºC tương đương với tổng nhiệt độ năm trên 8000ºC. Điều kiện sinh khí hậu này thuận lợi cho thực vật và các cây trồng nhiệt đới phát triển tốt.

3.2.2.2 Tài nguyên thiên nhiên-tài nguyên môi trường

+ Đặc điểm thuỷ văn

Nước mặt:

Trên địa phận tỉnh Quảng Trị có ba hệ thống sông chính (sông Thạch Hãn và sông Bến Hải và sông Câu Lâu) với đặc điểm là ngắn và dốc đều xuất phát từ vùng núi chảy qua vùng đồng bằng và đổ ra biển. Những tư liệu về khí tượng, thuỷ văn thường thiếu, gián đoạn không thuận lợi cho việc tính toán trực tiếp theo số liệu thống kê. Trên mạng lưới thuỷ văn qua vùng đồng bằng có nhiều công trình thuỷ lợi như Nam Thạch Hãn cấp nước cho 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Đối với sông Thạch Hãn qua các thông số sau: F = 1820km2; Q0 = 91,0m3/s; Cv = 0,35; Cs = 2Cv, Q75% = 68,3m3/s chảy qua khu đồng bằng. Đối với sông Bến Hải đổ ra Cửa Tùng có diện tích lưu vực là 809km2 với tổng lượng nước đến như sau: F = 809km2; Q0 = 39,1m3/s; Cv = 0,35; Cs = 1,50, Q75% = 29,3m3/s.

Tài nguyên nước mặt vùng đồng bằng với các đặc trưng như sau: Mưa bình quân nhiều năm X0 = 1835mm

Lớp dòng chảy Y0 = 1102mm Bốc hơi Z0 = 733mm

Tốc độ dòng chảy của các dòng sông khi đi qua đồng bằng đều giảm, trong mùa khô nước ít do đó nước mặn xâm nhập sâu vào vùng đồng bằng. Phần lớn đồng bằng bị nước mặn bao vây trong mùa hè, nặng nhất là các xã Triệu Phước, Triệu Độ, Triệu Giang thuộc huyện Triệu Phong, Gio Mai, Gio Việt, Trung Giang, Trung Hải thuộc huyện Gio Linh, Vĩnh Giang, Vĩnh Thành thuộc huyện Vĩnh Linh.

Song song với tốc độ đô thị hoá, tốc độ phát triển công nghiệp cũng như việc sử dụng hoá chất trong nông nghiệp có khả năng gây ô nhiễm cho nguồn nước mặt. Mặt khác vùng đồng bằng còn chịu lũ bão (lũ tiểu mãn vào tháng V, VI và lũ chính tháng X, XI), việc áp dụng các biện pháp phòng chống lũ bão cũng ảnh hưởng tới nguồn nước. Việc khai thác nguồn nước cần đi đôi với quản lý khu vực, tránh nguy

cơ khai thác cạn kiệt dẫn đến hoang mạc hoá.

Nước ngầm:

Đối với nguồn nước ngầm trong vùng đồng bằng gồm 3 tầng chứa nước trong các thành tạo trầm tích Đệ tứ như tầng giàu nước trong các trầm tích Holocen thượng (Q23), tầng chứa nước trung bình thuộc các trầm tích Pleistocen thượng (Q13) và tầng chứa nước nghèo thuộc các trầm tích deluvi, aluvi – deluvi tuổi Pleistocen sớm - giữa và Pleistocen giữa - muộn.

+ Tài nguyên đất

Tài nguyên đất của vùng đồng bằng chủ yếu là đất phù sa của các sông suối bao gồm đất phù sa được bồi hàng năm và đất phù sa không được bồi hàng năm.

Đất phù sa được bồi hàng năm phân bố ở các bãi thấp, thường bị ngập trong mùa mưa lũ, đồng thời với quá trình này là sự bồi tụ của phù sa. Độ đục của sông mà lượng phù sa bồi tụ thay đổi ở các lưu vực sông khác nhau. Loại tài nguyên đất này thuộc loại đất tốt nhất trong các đồng bằng của tỉnh Quảng Trị, hạn chế duy nhất là hay bị ngập lụt hàng năm, nên sản xuất nông nghiệp không ổn định.

Đất phù sa không được bồi hàng năm, chúng đã thoát khỏi chế độ bồi tụ của sông do hình thành các hệ thống đê ngăn lũ hay do phân bố của địa hình cao. Nhìn chung đất chưa có biểu hiện bị thoái hoá, có thể được dùng trong canh tác màu.

Vấn đề suy thoái tài nguyên đất thường được hiểu là tổng hợp các quá trình làm cho đất mất khả năng sản xuất. Nhìn chung nguồn tài nguyên đất ở vùng đồng bằng tỉnh Quảng Trị chưa có dấu hiệu suy thoái. Trong vùng đồng bằng vùng bazan ở Vĩnh Linh với diện tích 6950 ha bao gồm đất nâu đỏ trên đá bazan và đất nâu vàng trên đá bazan có hàm lượng dinh dưỡng cao rất phù hợp để phát triển trồng cây công nghiệp…

+ Tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học

Đồng bằng với các dạng địa hình bằng phẳng và các trũng thấp tồn tại các khu vực ẩm, lầy với mức độ ngập nước khác nhau, nơi ngập nông có thể cạn một thời gian ngắn vào mùa khô, tại đây phát triển các quần xã thuỷ sinh ở đầm, ao, hồ. Tại đồng bằng các khu hệ và đa dạng thuỷ sinh vật nước ngọt gồm thực vật nổi và động vật nổi. Phân bố thủy sinh vật tại các thuỷ vực vùng đồng bằng: Trong các sông, ao, ruộng lúa vùng đồng bằng các loại tảo nhiệt đới phát triển mạnh, loài giáp xác sống nổi khá phổ biến trong các thuỷ vực. Các động vật đáy như cua, tôm, trai, ốc,… Tóm lại, đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật vùng đồng bằng tỉnh Quảng Trị nghèo nàn hơn so với vùng núi và gò đồi.

+ Tài nguyên khoáng sản

Tại vùng này than bùn phân bố như ở Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh. Đặc biệt tập trung nhiều nhất ở Gio Linh, có thể khai thác làm nguyên liệu cho sản xuất làm phân vi sinh với khối lượng lớn.

+ Tài nguyên du lịch

Tỉnh Quảng Trị với một truyền thống cách mạng kiên cường trong chống Pháp và chống Mỹ, ngày nay nhân dân Quảng Trị đang phát huy truyền thống đó trong lao động, trong công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá của đất nước nhằm đưa tỉnh trở thành một tỉnh phát triển bền vững về kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Vì vậy trên mảnh đất Quảng Trị còn để lại những di tích lịch sử, di tích văn hoá. Ngoài ra thiên nhiên cũng tạo nên những cảnh quan kỳ vĩ, hấp dẫn khách du lịch. Đối với Quảng Trị ngành du lịch là ngành kinh tế quan trọng, tỉnh uỷ đã có Nghị quyết 02 và phát triển du lịch và UBND tỉnh đã có chương trình hành động về phát triển du lịch đến năm 2010 nhằm định hướng và tạo đà cho du lịch phát triển. Trong vùng đồng bằng với các tài nguyên du lịch như di tích đôi bờ Hiền Lương, Cồn Tiên - Dốc Miếu, Sân bay Tà Cơn, nghĩa trang Trường Sơn, khu lưu niệm cố tổng bí thư Lê Duẩn,…

3.2.2.3 Hiện trạng phát triển kinh tế- xã hội và môi trường

+ Hiện trạng phát triển nông nghiệp

Theo định hướng phát triển của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX về phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bằng là nông nghiệp đóng vai chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh, trong đó ngành trồng trọt vẫn giữ vị trí quan trọng. Phát triển trồng trọt song song với mở rộng diện tích, đầu tư thâm canh tăng năng suất theo hướng cao sản. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị nói chung và vùng đồng bằng nói riêng trong những năm qua đã có sự tăng trưởng đáng kể. Tổng sản lượng lương thực có hạt trong 5 năm ước đạt 102,6 vạn tấn vượt kế hoạch đề ra. Sản xuất nông nghiệp đã phát triển theo hướng đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung ngày càng rõ rệt: Vùng lúa tập trung ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh khoảng 9000 ha, vùng trồng cây cao su tập trung, cao su tiểu diễn, hồ tiêu ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và một phần huyện Cam Lộ. Các hoạt động khuyến nông được quan tâm và mang lại hiệu quả thiết thực, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý ngành, cán bộ cơ sở xã được quan tâm đã góp phần thắng lợi Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn ngày càng được cải thiện. Các Chương trình kiên cố hoá kênh mương, kiên cố hoá giao thông nông thôn, Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông

thôn,…đã góp phần tích cực trong việc cải thiện đời sống, sinh hoạt của người dân ở nông thôn.

+ Hiện trạng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công

Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công có nhiều chuyển biến khá tích cực. Các huyện, thị đã khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, đồng thời tích cực du nhập một số ngành nghề mới.

+ Hiện trạng phát triển thương mại - dịch vụ

Về thương mại – dịch vụ - du lịch: Trong những năm qua đã xây dựng quy hoạch mạng lưới chợ trung tâm thị trấn như ở Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng, Cam Lộ góp phần đáp ứng cho nhu cầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn. Điều chỉnh bổ xung quy hoạch du lịch theo Nghị quyết 02 của tỉnh Đảng bộ, một số điểm du lịch đã được đưa vào khai thác, bước đầu đã gây được sự chú ý của du khách. Lượng khách du lịch đến thăm quan tăng theo hàng năm. Dịch Vụ vận tải hành khách và hàng hoá tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân trong tỉnh với nhiều loại phương tiện đa dạng.

Công tác xúc tiến đầu tư, đối ngoại và kinh tế đối ngoại đã được kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả, phục vụ tích cực việc phát triển kinh tế của địa phương, tỉnh. Nhiều dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đã đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh như dự án đầu tư FDI 100% vốn nước ngoài (dự án nước tăng lực – Super Horse, cao su Camel, chế biến hồ tiêu. Qua việc đầu tư và phát triển nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đáng kể như hệ thống giao thông, hệ thống thuỷ lợi, nhiều công trình phúc lợi công cộng,…(bệnh viện khu vực ở Triệu Hải - Triệu Phong).

+ Hiện trạng môi trường vùng đồng bằng

Vùng đồng bằng, thực chất là vùng nông thôn nhiều vấn đề bức xúc như chất lượng nước mặt ở vùng hạ lưu các con sông thường bị ô nhiễm do tiếp nhận chất thải theo nước mưa chảy tràn, nước thải của các đô thị nằm ven sông. Chất lượng nước sông chỉ đạt loại B – TCVN 5942-1995. Vào mùa mưa độ đục rất lớn cùng với rác thải trôi nổi càng làm cho nước thêm ô nhiễm. Nước ngầm ở các khu dân cư đông đúc như thị trấn thường bị nhiễm coliform, fecal coliform. Đối với chất thải rắn, hầu hết các làng, xã ở đồng bằng chưa có đội thu gom chất thải rắn và bãi đổ thải chung. Nước sinh hoạt khá khan hiếm ở vùng đồng bằng, nguồn nước này chủ yếu là nước ngầm, ngoài ra còn có nước mưa, nước sông. Sự khan hiếm nước dùng cho sinh hoạt thường xuyên xảy ra vào mùa nắng nóng, kéo dài và gây nhiều khó khăn cho đời sống hàng ngày của cư dân vùng đồng bằng. Mùa gió Lào thường bị ô nhiễm

bụi trong không khí vào những ngày khô, hanh. Trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, do vận chuyển nguyên vật liệu trên các đoạn đường xấu, đường đất cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí mang tính cục bộ. Vệ sinh môi trường ở các hộ gia đình tại các làng xã có mật độ dân số cao, diện tích đất ở, đất vườn hẹp nên việc bố trí các công trình ăn, ngủ, giếng nước, chuồng nhốt gia súc, gia cầm, nhà vệ sinh không hợp lý.

Vùng đồng bằng thường xuyên bị lũ lụt đe doạ, rất nhiều xã nằm trong vùng đồng bằng hạ lưu các con sông thường bị úng ngập, chất lượng môi trường sau khi nước rút thường bị ô nhiễm nặng. Nước sinh hoạt bị ô nhiễm trầm trọng bởi chất hữu cơ do xác động thực vật thối rữa, không khí ẩm thấp, mùi xú uế do phân huỷ động thực vật, đất phù sa lầy lội, cây cối bị tàn phá, ruồi nhặng phát triển, rác thải, phân gia súc lan tràn,…Những vấn nêu trên cùng với sự thiếu thực phẩm sạch đã gây ra một số bệnh, dịch đối với người và gia súc.

Đối với việc sử dụng hoá chất trong sản xuất nông nghiệp như tình trạng bảo quản, cất giữ, kinh doanh và sử dụng không hợp lý phân bón, hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật còn phổ biến ở nông thôn đồng bằng. Tồn dư phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật trong đất, nước đã có những ảnh hướng đáng kể với hệ sinh thái thuỷ vực, như ruộng lúa nước, ao hồ,…Mặt khác trên thị trường trôi nổi phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, không được kiểm định chất lượng cũng gây tổn thất cho người nông dân khi sử dụng không chỉ thiệt hại về vật chất mà còn tác dụng xấu tới môi trường.

Tóm lại hiện trạng môi trường của vùng đồng bằng của tỉnh Quảng Trị cũng như tại các địa phương trong cả nước chưa có mạng lưới quản lý môi trường đến cấp huyện và xã. Vì vậy Sở Tài nguyên - Môi trường không nắm bắt được đầy đủ diễn biến môi trường ở các vùng nông thôn đồng bằng.

+ Các dạng tai biến

Vùng đồng bằng tỉnh Quảng Trị thường xuyên chịu những thiên tai như ngập lụt, bão, áp thấp nhiệt đới, hiện tượng cát bay, cát chảy,…

Cát bay chỉ trạng thái vận chuyển của cát bởi lực của gió, cát chảy chỉ trạng thái lăn

Một phần của tài liệu Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh quảng trị giai đoạn 2006 2010, tầm nhìn 2020 (Trang 101 - 109)