Vùng cồn (gò đồi) cát ven biển có bề rộng từ 4-5km với diện tích khoảng 34 000 ha chiếm tỷ lệ 9% diện tích toàn tỉnh.
3.2.3.1 Điều kiện tự nhiên
Vùng ven biển và hải đảo (huyện đảo Cồn Cỏ) có đặc điểm khí hậu gần tương tự như vùng đồng bằng của tỉnh, song biên độ dao động nhiệt độ giữa ngày và đêm ở đây trung bình tới 6,1ºC, các chế độ bức xạ, nắng, mây, độ ẩm, độ bốc hơi, chế độ mưa xem như ở vùng đồng bằng. Đối với chế độ gió vùng ven biển và hải đảo ban ngày gió thổi từ biển vào đất liền, ban đêm thì gió được thổi từ trong đất liền ra biển, gió - đất - biển hoạt động theo diện hẹp ven biển, có tầng dầy không cao nhưng chạy suốt một dọc ven biển của tỉnh. Nguồn gió này là một lợi thế của vùng ven biển và đảo Cồn Cỏ, tạo nên cảm giác dễ chịu cho các khu du lịch nghỉ dưỡng
chạy dọc ven biển như vùng Cửa Tùng (Vĩnh Linh), …Triệu Phong, Hải Lăng. Điều kiện nhiệt ở vùng này (đai thấp) rất dồi dào, thuận lợi cho thực vật và các cây trồng nhiệt đới phát triển tốt, song ở đây chủ yếu là cát, giữa các cồn cát là các dải đất thuộc miền trũng. Ngày nay tận dụng điều kiện nhiệt này người dân đã trồng những cây thích hợp, xây dựng những làng sinh thái tại vùng cồn cát.
Đối với sinh khí hậu vùng sinh thái này thuộc loại sinh khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng, không có mùa lạnh, mưa rất nhiều, mùa ít mưa dài và khô như ở Cửa Tùng - Hiền Lương – Gia Vòng.
3.2.3.2 Tài nguyên thiên nhiên – tài nguyên môi trường
+ Tài nguyên nước mặt, nước ngầm
Nước mặt:
Hệ thống sông của tỉnh Quảng Trị đều chảy qua vùng ven biển đổ ra biển. Đây là vùng mưa lớn, nước mưa là nguồn bổ sung cho vùng cồn cát ven biển, tạo nguồn nước ngọt chính cho cư dân vùng cồn cát ven biển. Đối với đảo Cồn Cỏ, tài nguyên nước mặt chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa. Do cấu tạo chủ yếu là cát tại các cồn cát, nguồn nước này dễ dàng thoát ra tại các vùng thấp giữa các cồn cát cũng như chảy về phía biển. Tại vùng cồn cát hình thành nên các bầu nước hoặc những hồ nước. Nhìn chung nguồn nước mặt ở Quảng Trị nói chung và vùng cồn cát ven biển thuộc loại tốt, tuy nhiên khi dùng nước tại các vùng cửa sông ven biển cần lưu ý tới chế độ xâm nhập mặn.
Nước ngầm:
Tài nguyên nước dưới đất của vùng cồn cát chủ yếu liên quan tới tầng giàu nước nằm trong tầng trầm tích Holocen muộn với nguồn gốc sông - biển – gió phân bố dọc bờ biển của tỉnh. Thành phần chủ yếu của tầng trầm tích này là cát thạch anh vừa đến hạt thô, mài mòn và chọn lọc tốt có chiều dày trung bình 15m, hoặc tầng trầm tích sông biển Pleistocen muộn phân bố ở Vĩnh Trấp (Vĩnh Linh).
Dọc theo các dải cát từ Cửa Tùng đến Tân An có thể khai thác nước dưới đất bằng các công trình nằm ngang hay giếng tia. Tổng lưu lượng khai thác có thể đạt tới 10.000m3 /ngày. Tiềm năng nước dưới đất (loại nhạt) ở Quảng Trị nói chung và vùng cồn cát ven biển tuy không lớn nhưng có thể khai thác đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu dùng nước của cư dân vùng cồn cát. Mặc dù đã có quy hoạch quản lý bảo vệ nguồn nước dưới đất, nhưng quá trình nuôi tôm trên cát đã ảnh hưởng tới nguồn nước nhạt gây khó khăn về nguồn nước cho cư dân vùng cồn cát ven biển. Tại đảo Cồn Cỏ, đất đá cấu thành nên đảo chủ yếu là đá bazan trẻ và đất phong hoá từ bazan, nguồn nước ngầm ở đây tập trung trong các thành tạo trầm tích Đệ tứ và
đất phong hoá. + Tài nguyên đất
Tại vùng này phát triển nhóm đất cồn cát trắng, vàng và đất cát biển.
Đất cồn cát trắng: ven biển có thành phần cơ giới nhẹ, chủ yếu là cát, tỷ lệ sét biến
động trong khoảng 4% - 8%, phản ánh từ trung tính tới hơi chua, độ pH 5,2-6,2; độ phì tự nhiên thấp; rất nghèo mùn (0,2-0,5%); lượng đạm, lân, Kali tổng số nghèo (đạm < 0,02%, lân < 0,01%, Kali < 0,02%); các chất dễ tiêu, lân, Kali nghèo, tổng cation trao đổi thấp, nhỏ hơn 1,5meg/100g đất.
Đất cát biển: diện tích khá lớn có mặt ở hầu hết dải ven biển tỉnh Quảng Trị trừ
khu vực Vĩnh Linh (Vĩnh Mốc), khoảng 9267 ha. Thành phần cơ giới của đất thường là cát pha, chua vừa đến ít chua, lượng mùn rất nghèo đạt 0,6% - 1%, đạm tổng số rất nghèo đến trung bình đạt 0,04% - 0,08%. Lân tổng số và dễ tiêu đạt 0,03%, 3-4,5mg/100g đất, thuộc loại nghèo, độ no bazơ trung bình lớn 60%. Dung tích hấp thụ ít, nhỏ hơn 4 meg/100g đất.
Đất mặn: nhóm đất này được hình thành do quá trình bồi lắng của phù sa sông, biển
hoặc hỗn hợp sông - biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước mặn, có thể là do mặn tàn hoặc của mạch nước ngầm mặn. Tuỳ theo độ mặn có thể chia phân nhóm đất này thành các đơn vị sau:
Đất mặn ít và trung bình: Diện tích của loại đất này khoảng 1217 ha. Độ mặn của
đất ít, hàm lượng Cl- giảm thấp, độ phì tự nhiên biến đổi mạnh, phụ thuộc vào nguồn gốc hình thành - với đất cát biển bị mặn thì độ phù thấp; với những đất có nguồn gốc phù sa bị mặn thì có độ phì khá hơn. Đất có phản ứng trung bình (độ pH từ 6,3 – 6,4), mùn nghèo (1,6%), đạm tổng số khá (0,12% - 0,15%), lân và kali tổng số từ nghèo đến rất nghèo đạt P: 0,05%-0,04%; K:0,3 % - 0,5%. Lân dễ tiêu từ nghèo đến rất nghèo đạt 4 – 6,5mg P2O5/100g đất.
Đất mặn nhiều: Phân bố ở các địa hình thấp và trũng, phần lớn vẫn đang ngập mặn.
Đất có phản ứng trung tính ở tất cả các tầng, pH = 6 – 6,4. Mùn ở tầng mặt trung bình đạt 2,6%, các tầng dưới rất nghèo 0,9%. Lượng đạm tổng số khá 0,17%. Lân tổng số trung bình ở tất cả các tầng đất (0,06% - 0,07%), kali tổng số từ trung bình đến khá (1,2%-1,3%). Lân dễ tiêu nghèo 3 – 5mg P2O5/100g đất, kali dễ tiêu trung bình (12-13mg K2O/100g đất). Đất có chứa hàm lượng Cl- cao, tầng mặt đến 0,17%, tầng kế tiếp thấp hơn nhưng cũng đạt 0,12%.
Nhóm đất phèn: Diện tích nhóm đất phèn ở đây không nhiều và hiện đang được
khai thác vào mục đích trồng lúa hoặc trồng cói. Trong quá trình canh tác trên loại đất này cư dân của vùng này đều chú ý đến việc cải tạo đất như thau chua, rửa phèn
bằng nước ngọt, kết hợp bón nhiều lân. Bởi vì chúng được hình thành do quá trình bồi tụ của phù sa sông phủ trên những thực vật giàu lưu huỳnh trong điều kiện ngập nước quanh năm, giàu sét, đất yếm khí, lưu huỳnh tồn tại dưới dạng H2S, cùng với sắt hình thành FeS2, ở trạng thái bị oxy hoá, FeS2 chuyển thành Sulfua sắt và axit sunfuric làm cho đất trở lên phèn.
+ Tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học
Thực vật
Đối với vùng cồn cát ven biển phát triển rừng trên các cồn cát tương đối ổn định với thành phần thực vật thường gặp như Mại liễu , Duối ô rô, Me rừng, Dé, Bồ ngót lông, Kim mộc, Cò ke lông, Cóc kèn, Trắc biến màu,…Ở đây còn phát triển các trảng cây bụi thứ sinh trên các đụn cát gồm thảm thực vật cây bụi thứ sinh hình thành sau khi rừng trên các cồn cát bị khai thác làm đất canh tác và cả sau khi khai thác gỗ. Diện tích của trảng cây bụi có diện tích lớn hơn nhiều so với rừng trên cồn cát, phân bố rộng hơn với thành phần loài cây thì nghèo hơn. Trên các cồn cát sát biển, sườn phía biển luôn có gió mạnh, thường gặp các loài cây bụi nhỏ, thân dai, thường có gai mọc kín. Trảng cỏ thứ sinh phân bố thành các mảng, thay thế trảng cây bụi và rừng mất đi trong quá trình khai thác. Trảng cỏ thường cao 0,1 – 0,2m. Nơi kế tiếp với bãi triều thường gặp phổ biến trảng cỏ cao rất đặc trưng, đó là quần xã Cỏ lông chông.
Do không có hệ thống đảo che chắn ở bên ngoài, sóng tác động trực tiếp vào bờ đã hạn chế sự phát triển của rừng ngập mặn ở các tỉnh Bắc Trung Bộ nói chung và Quảng Trị nói riêng. Rừng ngập mặn chỉ phát triển ở sâu trong cửa sông và trong các vũng vịnh khuất sóng.
Kiểu thảm thực vật như trảng cỏ, trảng cây bụi trên bãi cát biển và các bãi đá ven biển khá phổ biến ở các cung lõm của bờ biển. Do bị sóng tác động mạnh và thường xuyên trên bãi triều hầu như không có thực vật thân gỗ.
Động vật
Đối với vùng cửa sông của vùng này thành phần loài thuỷ sinh vật vùng nước lợ mang tính chất hỗn hợp giữa các loài nước lợ, nước mặn và nước ngọt thay đổi theo sự biến đổi độ mặn theo mùa vụ. Thành phần động vật ngoài cá vùng nước lợ rất đa dạng còn 3 nhóm sinh thái khác nhau: Các loài nước lợ chính thống, các loài động vật di nhập tạm thời vào vùng nước lợ sống ở đó vào thời gian sinh sản và các loài nước ngọt di nhập vào vùng nước lợ trong mùa mưa. Trong vùng triều, động vật thân mềm phát triển phong phú cả về thành phần loài và số lượng.
Đối với vùng cồn cát ven biển, tài nguyên du lịch là các điểm nghỉ ngơi, bãi tắm như bãi biển Cửa Tùng, bãi biển Cửa Việt, bãi biển Gia Đằng, bãi biển Mỹ Thuỷ. Mặt khác từ các điểm du lịch trên, trên phạm vi đồng bằng, cồn cát ven biển việc đi lại khá thuận lợi tạo điều kiện xây dựng các tua du lịch, không chỉ nghỉ ngơi ở bãi biển mà còn tiến hành du lịch tại các địa điểm du lịch văn hoá - lịch sử. Tại các bãi tắm ngành du lịch Quảng Trị chưa đầu tư thích đáng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng về tài nguyên du lịch.
Đảo Cồn Cỏ, một địa danh nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một điểm du lịch hấp dẫn không chỉ đối với di tích lịch sử mà còn du lịch thắng cảnh, du lịch tắm biển,…Hiện tại đảo Cồn Cỏ tiềm năng tài nguyên du lịch, chức năng môi trường du lịch chưa được phát huy.
3.2.3.3 Hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội và môi trường
+ Ngư nghiệp
Đối với vùng này, người dân với truyền thống đánh bắt hải sản lâu đời là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành ngư nghiệp, với ngư trường đánh bắt rộng, nhiều hải sản quý hiếm. Các loại thuỷ hải sản bao gồm cả thuỷ sản nước ngọt, nước lợ và nước mặn, chủ yếu là cá, tôm, mực. Trong đó phần lớn là hải sản nước mặn, hải sản đánh bắt là chính, hải sản nuôi trồng còn ít. Có thể nói giá trị ngành khai thác thuỷ sản, hải sản chiếm một tỷ lệ lớn trong cơ cấu ngành thuỷ sản, trong đó chủ yếu là hải sản nước mặn. Trong phong trào nuôi thuỷ sản phát triển khá mạnh ở vùng ven biển và hải đảo. Sản lượng nuôi tôm tăng nhanh do áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dần từ mô hình nuôi quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh. Bên cạnh việc phát triển ngư nghiệp, việc trồng rừng trên các cồn cát, việc cải tạo chất lượng đất tại các vùng thấp giữa các cồn cát, việc xây dựng các làng sinh thái với mô hình VAC đã tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo. Đảo Cồn Cỏ trở thành huyện đảo của tỉnh, việc đưa dân và tổ chức hành chính nhằm ổn định cuộc sống của cư dân trên đảo. Việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng với tốc độ nhanh, việc sử dụng các nguồn tài nguyên trên biển, trên đảo còn nhiều bất cập.
+ Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp
Công nghiệp chế biến chủ yếu là chế biến thuỷ hải sản, đóng tàu thuyền đi biển phục vụ cho ngành đánh bắt hải sản, nhiều ngành tiểu thủ công tại các tụ điểm dân cư tiến hành sơ chế bảo quản các loại hải sản có giá trị như mực, tôm, cua,… để làm vệ tinh cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy lớn chế biến hải sản xuất khẩu của tỉnh. Các hình thức chế biến hải sản truyền thống như: Làm mắm, chợp, nước mắm, ruốc,… phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.
Do quá trình phát triển nêu trên dẫn tới những tác động đến môi trường như môi trường nước, môi trường sống của cư dân, môi trường sinh vật,…
+ Hiện trạng phát triển thương mại - dịch vụ
Đối với vùng ven biển và hải đảo, với thuận lợi đường thuỷ theo sông, theo biển, với cảng Cửa Việt, với vị trí trung chuyển Đông – Tây là điều kiện tốt cho việc phát triển thương mại - dịch vụ. Nhìn chung các ngành dịch vụ trong thời gian có hạn có những bước chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng được nhu cầu hàng hoá trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, du lịch hoạt động sôi động hơn, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho vùng. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch thu hút khách thăm quan ngày càng được quan tâm song chưa đáp ứng được những đòi hỏi của sự phát triển du lịch bền vững. Mặc dù tài nguyên du lịch ở đây khá phong phú, quý giá cho việc phát triển du lịch văn hoá - lịch sử và du lịch sinh thái. Về mặt lịch sử Quảng Trị là vùng đất thuộc 1 trong 15 bộ lạc của nước Văn Lang vào thời đại của các Vua Hùng, nơi có dấu ấn người Việt cổ từ buổi bình minh lịch sử. Nhiều câu hỏi bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ cũng như khách du lịch đã và đang chờ đợi khám phá, khai thác,…đều liên quan tới vùng cồn cát ven biển.
Tỉnh Quảng Trị nói chung và vùng ven biển và hải đảo nói riêng có nhiều tiềm năng, lợi thế để hình thành các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng nhằm tăng nhanh nhịp độ phát triển du lịch, với chức năng môi trường. Tuy nhiên do hậu quả chiến tranh tàn phá nặng nề, điều kiện kết cấu hạ tầng kém phát triển cùng với thực lực nền kinh tế còn thấp, môi trường đầu tư chưa thuận lợi nên so với tiềm năng và lợi thế của tỉnh Quảng Trị nói chung và vùng ven biển và hải đảo nói riêng chưa phát triển tương xứng, còn gặp nhiều khó khăn. Đối với ngành du lịch tốc độ phát triển chưa cao, chưa tạo được nền tảng cho sự phát triển lâu dài. Hoạt động du lịch sinh thái còn quá mới mẻ so với sự phát triển và kinh nghiệm hoạt động của ngành du lịch. Triển khai các chủ trương, kế hoạch về phát triển du lịch sinh thái còn quá chậm, chưa có sự quan tâm và sự phối hợp của các ngành, cơ quan hữu quan.
Việc khảo sát, đánh giá xây dựng quy hoạch chi tiết các cụm điểm du lịch sinh thái của tỉnh, trong đó có vùng ven biển và hải đảo chưa được triển khai, các đề tài nghiên cứu về loại hình du lịch này của tỉnh hầu như chưa có gì. Đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch theo kiểu du lịch sinh thái hầu như chưa định hình. Ngoài ra còn có một số khó khăn khách quan khác như điều kiện về thời tiết, tính thời vụ, số ngày có thể hoạt động du lịch sinh thái không cao.
3.2.3.4 Đánh giá chức năng tài nguyên môi trường
Những thành tựu đã đạt được trong những năm qua tỉnh đã đầu tư chiều sâu nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng ven biển và hải đảo như đầu tư cho các phương tiện đánh bắt hải sản, thu mua hải sản cũng như việc xây dựng các tuyến đường bê tông vượt cồn cát đến bãi thu mua hải sản. Tạo điều kiện cho người dân