Phương tiện ngữ pháp

Một phần của tài liệu câu hỏi tiếng việt dưới góc nhìn lý thuyết thông tin (Trang 139 - 147)

10. Bố cục của luận án

3.1.3. Phương tiện ngữ pháp

Cơ cấu cú pháp của câu là một phương tiện định hướng CTTT. Tùy theo hoàn cảnh và tâm thế, Sp1 sẽ tạo ra những cơ cấu cú pháp thích hợp, phục vụ cho mục đích truyền đạt TT và đảm bảo tính tương thích của câu trong ngữ cảnh. Bất kỳ một thay đổi về trật tự, gia giảm thành tố cú pháp nào so với biểu thức cơ bản cũng đều tạo ra biểu thức mới và tạo nên những chỉ tố đánh dấu CTTT của câu.

3.1.3.1. Một số biểu thức cơ bản của câu hỏi tiếng việt

Câu hỏi tiếng Việt, vốn phân biệt với câu trần thuật ở tình thái phát ngôn hỏi, là một kết cấu đề - thuyết trong đó có sự thay thế hoặc thêm vào một yếu tố nghi vấn ở một vị trí nào đó. Theo chúng tôi, câu hỏi tiếng Việt có 6 kiểu cấu trúc cơ bản sau đây mà mỗi kiểu có một TĐ NV riêng:

- Cấu trúc tiểu từ tình thái nghi vấn đứng cuối câu

A + TTTT (NV)

Cấu trúc đầy đủ của kiểu câu hỏi này gồm một mệnh đề A, tương đương với mệnh đề được biểu thị bằng câu trần thuật, kết hợp với một tiểu từ tình thái nghi vấn cuối câu.

- Câu hỏi có các vị từ (ngữ vị từ) tình thái mang nghĩa nghi vấn đứng đầu

VT (NVT) TT + A + (TTTT)

Câu hỏi này được xác lập bằng mệnh đề A kết hợp với các vị từ (hoặc ngữ vị từ) tình thái có nghĩa nghi vấn (thường đứng đầu câu), như: bộ, liệu, chắc, có lẽ, có phải, hình như, chẳng lẽ, phải chăng, không lẽ, … và có thể có một tiểu từ tình thái cuối câu.

- Câu hỏi chứa cặp từ mang nghĩa đối lập “có” – “không”, “đã” – “chưa”

B có X không? Có A không?

Mệnh đề A hoặc hai bộ phận mệnh đề B và X kết hợp với các cặp vị từ mang nghĩa đối lập chỉ sự hiện thực/ không hiện thực, tồn tại/ không tồn tại, hoàn thành/ không hoàn thành “có/ không” và “đã/ chưa” tạo thành các khuôn nghi vấn. - Câu hỏi có các ngữ vị từ nghi vấn đứng cuối

Câu hỏi này còn được gọi là câu hỏi chắp vì được xác lập bằng mệnh đề A với một ngữ vị từ nghi vấn đứng cuối như: có phải không, có đúng không, có phải chưa, phải không, đúng không, phải chưa, đúng chưa, có được không, có nên không, được không, nên không, có chắc không, chắc không, có cần không, cần không, …Chúng tôi cho rằng kiểu câu hỏi chắp này khác với kiểu câu hỏi sau đây:

(138) Anh làm thế có đáng không?

Vì câu hỏi (138) là câu hỏi “có … không”,trong đó “đáng” là vị từ chỉ tính chất làm bổ ngữ trực tiếp cho vị từ “làm”.Xét về đặc điểm ngữ nghĩa và cấu trúc, câu này không khác gì những câu hỏi như:

(139) a- Con ăn đã xong chưa? b- Con ăn có ngon không?

Trong khi câu hỏi chắp yêu cầu xác nhận thực cách hoặc tính chất sự tình theo nhận xét, đánh giá chủ quan của Sp1.

- Câu hỏi có từ nối “hay” chỉ sự lựa chọn

B hay X

Mệnh đề A có hai yếu tố B và X nối với nhau bằng kết từ “hay”được trình bày hiển ngôn trên câu hỏi. Hai yếu tố này đẳng lập với nhau về chức năng ngữ pháp và tạo nên tập hợp chứa biến x với phạm vi xác định.

- Câu hỏi có đại từ nghi vấn

A (ĐTNV)

Trong mệnh đề A được xác lập cho câu hỏi này có một bộ phận được thay thế bằng đại từ nghi vấn và phần TT mới dành cho bộ phận này sẽ là TĐ thông báo của câu trả lời tương hợp.

3.1.3.2. Sự kết hợp các biểu thức cơ bản tạo thành câu hỏi đa TĐ

Bên cạnh một số cấu trúc luôn luôn kết hợp với nhau như cấu trúc có vị từ (ngữ vị từ) tình thái có nghĩa nghi vấn đứng đầu câu và cấu trúc có tiểu từ tình thái nghi vấn đứng cuối câu tạo thành các kết cấu “dễ/ liệu/ hình như A à/ hả?”, trong tiếng Việt còn có một số cấu trúc kết hợp với nhau để tạo thành câu hỏi đa TĐ, mà mỗi TĐ như thế đều được xác định là TĐ chính hay TĐ phụ.

Thường xuyên xuất hiện trong câu hỏi đa TĐ nhất là cấu trúc hỏi “có … không”, trong đó TĐ “có/không” có thể đảm nhận vai trò chính mà cũng có thể đảm nhận vai trò phụ.

- Cấu trúc “có … không?”kết hợp với cấu trúc có vị từ (ngữ vị từ) tình thái mang nghĩa nghi vấn đứng đầu:

(140) Liệu anh Long có đến không?

- Cấu trúc “có … không?”kết hợp với cấu trúc chứa đại từ nghi vấn: (141) Hôm nay có ai đến không?

- Cấu trúc “có … không?”kết hợp với cấu trúc có từ nối “hay”:

(142) Chị có bảo anh Long hay anh Bình đến gặp giám đốc không?

Tuy nhiên, cũng có một số cấu trúc hỏi không thể kết hợp với nhau, vì sự kết hợp đó làm thay đổi tính chất của câu hỏi, biến câu hỏi thông thường thành câu hỏi siêu ngôn ngữ (hỏi lại). So sánh những câu sau:

(143) a- Ai đến? a’- Ai đến à? a’’- Ai đến sao? a’’’- Ai đến ư?

3.1.3.3. Phương thức ngữ pháp đánh dấu CTTT của câu hỏi chính danh tiếng Việt

CTTT trong câu hỏi chính danh được đánh dấu bằng một số phương thức ngữ pháp sau đây:

- Chuyển vị trí TĐ NV: TĐ NV chuyển đến vị trí nào thì thành phần đứng ngay sau nó sẽ trở thành TTĐ NV:

(144) a- Anh có đến đó không? a’- Con bé học có giỏi không?

TTĐ NV trong câu (144)a là phần thuyết “đến đó”, TTĐ NV trong câu (144)a’ là một bộ phận của phần thuyết “giỏi”. CTTT của hai câu này, vì thế, khác nhau, với (144)a là cấu trúc thuyết -TĐ, với câu (144)a’ là tham tố - TĐ.

- Tách và chuyển vị trí TĐ NV: Trong câu hỏi có ngữ vị từ đứng cuối, các tổ hợp chắp vào dễ dàng tách ra trở thành hai bộ phận, trong đó “không” luôn đứng ở cuối câu, còn phần còn lại (có thể lược bỏ “có”)đứng ở đầu câu hoặc trước phần thuyết của câu:

(145) a- Có anh nói chuyện ấy phải không? a’- Anh có nói chuyện ấy phải không?

Tuy nhiên, việc tách này, trong một vài trường hợp, sẽ trở thành phương thức chuyển cấu trúc từ câu ngữ vị từ đứng cuối sang câu vị từ (ngữ vị từ) mang nghĩa nghi vấn đứng đầu:

(146) a- Có đúng ở đây chị cho thuê sách không? b- Phải anh là Nguyễn Văn Đặng không? c- Nên đi Hà Nội lúc này không?

d- (Có) chắc là tết này cậu Út về nước không?

- Chuyển vị trí thành phần câu để đánh dấu CTTT: Thay đổi trật tự thông thường của thành phần câu có tác dụng biến vị trí TTĐ NV yếu nhất thành TTĐ NV thật sự của câu (thành phần nào được chuyển lên đầu câu sẽ trở thành đề tương phản và là TTĐ NV của câu hỏi):

- Chuyển tham tố đối tượng hành động : (147) a- Anh nói chuyện ấy với ai?

a’- Chuyện ấy anh nói với ai?

- Chuyển tham tố hạn định số lượng:

(148) a- Ở đây anh được bao nhiêu mẫu đất? a’- Đất ở đây anh được bao nhiêu mẫu?

- Chuyển nội dung sự tình:

(149) a- Có cách nào thoát ra ngoài không? a’- Thoát ra ngoài, có cách nào không?

3.1.3.4. Phương thức ngữ pháp đánh dấu CTTT trong câu hỏi phi chính danh tiếng Việt

Câu hỏi phi chính danh tiếng Việt, về cơ bản đảm bảo 6 kiểu cấu trúc của câu hỏi chính danh như:

- Câu hỏi có tiểu từ tình thái đứng cuối: (150) Vậy mà đẹp hả?

- Câu hỏi “có … không”:

(151) Mai chị có rảnh không?

(152) Bộ không biết đường hả ông?

- Câu hỏi có từ nối “hay”thể hiện sự lựa chọn, ví dụ: (153) Anh quên rồi hay sao vậy?

- Câu hỏi có đại từ nghi vấn:

(154) Sao giờ này rồi mà chưa đi làm?

- Câu hỏi chắp có ngữ vị từ mang nghĩa nghi vấn đứng cuối,: (155) Anh đã từng đến đây gặp anh ta, đúng không?

Và cả việc kết hợp các cấu trúc hỏi với nhau:

(156) a- Làm gì mà chạy hớt ha hớt hải thế? b- Bộ anh mới tới đây lần đầu hả?

Song, để đánh dấu tính không quan yếu của TT bề mặt, cấu trúc câu hỏi phi chính danh sử dụng một số yếu tố ngôn ngữ mà cấu trúc câu hỏi chính danh không có.

- Lặp lại một yếu tố của mệnh đề chính hoặc cả mệnh đề chính: (157) a- Kỳ gì mà kỳ?

b- Anh không giỏi, chẳng lẽ tôi giỏi à? c- Anh không giỏi thì ai giỏi?

- Sử dụng các liên từ như “mà”, “lại” để đánh dấu TĐ tương phản trong câu:

(158) a- Vậy mà cũng gọi là yêu nữa à? b- Gì mà chết?

c- Sao chị lại nói thế?

- Mở rộng câu bằng yếu tố đánh giá: (159) a- Anh nói gì kỳ vậy?

b- Chị nghĩ sao lạ vậy?

- Mở rộng câu bằng yếu tố so sánh:

(160) a- Anh dở thì ai giỏi?

b- Không hỏi anh thì hỏi ai?

- Mở rộng câu bằng yếu tố đối lập:

(161) a- Cá hư mà sao đòi giá cao quá vậy? b- Em đến mà sao không báo trước?

c- Cậu có nói mà lại cứ bảo không có nói là sao? d- Đi chứ sao không?

- Mở rộng câu bằng yếu tố thuyết minh:

(162) a- Anh có biết là tôi mệt lắm không? b- Ông Hoàng về rồi ông biết chưa? c- Mọi thứ đã rõ hết rồi còn hỏi gì nữa? 3.1.3.5. Một số cấu trúc của câu hỏi phi chính danh

Xác lập và kiến giải danh sách và mối quan hệ các kiểu cấu trúc trong câu hỏi phi chính danh là một việc làm thú vị và bổ ích, tuy nhiên trong phạm vi của luận án này, chúng tôi chỉ xin trình bày một số cấu trúc phổ biến biểu đạt một số TT chiều sâu thông thường của câu hỏi phi chính danh tiếng Việt.

- Cấu trúc biểu đạt TT khẳng định

A chứ gì/ chứ còn gì nữa/ chứ sao/ chứ ai/ chứ không à?

(163) a- Hai anh đang bàn chuyện công ty họp hôm qua chứ gì? b- Anh nói chứ ai?

A không/ chẳng (đã) X là gì? (164) a- Anh chẳng đã hứa là gì?

b- Anh chẳng đã từng tuyên bố sẽ đạt giải nhất là gì?

Không/ chẳng phải A sao? (165) a- Chẳng phải là anh đã hứa sao?

b- Không phải hôm qua chị gọi điện cho tôi sao?

- Cấu trúc biểu đạt TT phủ định có A (gì/nào) đâu? (166) a- Tôi có nói (gì) đâu?

b- Tôi có thấy thông báo (nào) đâu?

Việc gì/ ai lại/ đời nào (phải/lại) A? (167) a- Việc gì tôi phải nói dối?

b- Đời nào người ta lại vạch áo cho người xem lưng?

A làm gì?

(168) a- Tôi vào phòng ông ấy làm gì? b- Giờ này còn đứng đây làm gì?

- Cấu trúc biểu đạt TT cầu khiến

Có thể A không?

(169) a- Anh có thể ngồi sát vào một chút được không?

b- Cuối tuần này anh chị có thể đến nhà tôi được không?

- Cấu trúc biểu đạt TT ngờ vực, lo lắng

Phải chăng/ hay là/ không biết/ biết A? (170) a- Hay là họ chỉ muốn thử mình?

b- Không biết ngoài ấy giờ này thế nào nữa?

- Cấu trúc biểu đạt TT ngạc nhiên, thán phục

A biết mấy/ biết bao/ biết dường nào/ bao nhiêu? (171) a- Được thế thì hay biết mấy?

b- Biết làm sao mà đền đáp được ơn anh?

Sao A thế (không biết)? (172) a- Sao đẹp thế không biết?

b- Sao nó tài thế không biết?

- Cấu trúc biểu đạt TT thông báo

A có/ đã biết/ hay chuyện … chưa/ không?

(173) a- Anh có biết khu đất này sắp bị giải tỏa không? b- Chị có biết anh Hùng nhập viện lại hôm qua không? - Cấu trúc biểu đạt TT trách móc

Sao A (lại) chứ/ đi chứ?

(174) a- Sao tôi lại quên mất đi chứ?

b- Sao tôi lại nghĩ như thế được chứ?

Sao A mà lại không X?

(175) a- Sao anh đến mà không vào nhà? b- Sao đã làm mà không chịu nhận - Cấu trúc biểu đạt TT thách thức, đe dọa

A dám/ muốn chết hả/(tưởng) ngon hả? (176) a- Mày dám?

Có muốn A không? (177) a- Có muốn ăn đòn không?

b- Có muốn vô tù không?

- Cấu trúc biểu đạt TT kết tội

A (mà) không thấy …. Sao?

(178) a- Anh làm như vậy mà không thấy sai sao?

b- Anh không thấy như vậy là bất công với em sao? - Cấu trúc biểu đạt TT nhắc nhở

(179) a- Anh không nhớ hôm nay là ngày gì sao? b- Anh không nhớ tôi là ai sao?

- Cấu trúc biểu đạt TT từ chối

A (mà) … cái gì/sao được?

(180) a- Tao bị bong gân mà đi đá banh cái gì?

b- Bà con lối xóm với nhau làm vậy coi sao được?

A sao (được) mà A? (181) a- Nói sao được mà nói?

b- Biết sao mà nói?

- Cấu trúc biểu đạt TT chất vấn khẳng định, phủ định, …

A bao giờ/ ở đâu/ với ai?

(182) a- Tôi nói hồi nào? b- Tôi nói với ai? c- Tôi nói ở đâu?

Mức độ tương ứng giữa cấu trúc và TT biểu đạt mang tính tương đối vì một cấu trúc có thể biểu đạt nhiều TT chiều sâu khác nhau và một TT chiều sâu có thể biểu đạt bằng nhiều cấu trúc, phụ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp.

Một phần của tài liệu câu hỏi tiếng việt dưới góc nhìn lý thuyết thông tin (Trang 139 - 147)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(191 trang)