Cấu trúc thông tin

Một phần của tài liệu câu hỏi tiếng việt dưới góc nhìn lý thuyết thông tin (Trang 43 - 54)

10. Bố cục của luận án

1.4.1. Cấu trúc thông tin

1.4.1.1. Giới thiệu sơ lược về CTTT

CTTT là một lý thuyết của chuyên ngành ngữ dụng học được sử dụng để nghiên cứu các hình thức của giao tiếp ngôn ngữ (communicative aspects of language) trong mối quan hệ giữa trạng thái tinh thần (mental states) nhân vật giao tiếp với các hình thức ngôn ngữ (linguistic forms) và những nội dung được chuyển tải qua hình thức đó. Hướng tiếp cận đặt câu trong hoạt động giao tiếp (communicative action) này là một hướng nghiên cứu mang tính xã hội, phù hợp với quan điểm ngữ pháp chức năng, vốn nhấn mạnh chức năng ngôn ngữ với tư cách là công cụ phục vụ đắc lực cho hoạt động giao tiếp của con người. Vấn đề CTTT, vì thế, không chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết mà còn có giá trị miêu tả trên cứ liệu ngôn ngữ cụ thể. Dùng một lý thuyết còn nhiều cái mới để soi sáng một vấn đề tương đối cũ, như đã nói, chúng tôi không có tham vọng vượt qua những luận án cùng đề tài mà chỉ hy vọng trình bày được một cách nhìn mới về đề tài không mới.

CTTT ở cấp độ câu nhấn mạnh đến nghĩa quan yếu của câu trong mối quan hệ mật thiết với việc phân tích ngữ pháp (grammar analysic) và ngữ cảnh mà câu

được sử dụng. Bởi vì, tùy theo hoàn cảnh giao tiếp, tùy theo trạng thái tinh thần của nhân vật giao tiếp, một câu, với những nội dung xác định, hoàn toàn có thể được xử lý TT theo những hướng khác nhau. Ví dụ có một câu như:

(9) Áo này cô mặc hoài mà sao vẫn thấy mới?

Câu (9), với Sp2 này có giá trị như một lời khen (áo mới), nhưng với Sp2 khác thì đây có thể là một lời chê (áo cũ).

Cấp độ thấp nhất của CTTT là câu. Nói như vậy cũng có nghĩa là, một từ, nếu cung cấp được một TT nào đó thì từ ấy cũng đã làm thành một câu: câu chỉ có một từ (câu tỉnh lược hoặc câu đặc biệt). CTTT có liên quan đến nghĩa của câu (cả nghĩa tình thái và nghĩa biểu hiện) nhưng không hoàn toàn là nghĩa. CTTT có liên quan đến cấu trúc chức năng của câu (cấu trúc Đề - Thuyết) nhưng không có sự tương ứng hoàn toàn giữa đề và thuyết với cái cho sẵn và cái mới. Vấn đề này càng có ý nghĩa với câu hỏi vì bản thân câu hỏi thể hiện rất rõ CTTT đồng thời cũng là một phương tiện giúp xác định các thành phần TT, đặc biệt là TĐ, của các câu khác hỏi.

1.4.1.2. Hai thành phần TT

Nói đến CTTT của câu là nói đến hai thành phần TT mới và cũ, cái có sẵn

và cái được thông báo (the given information and the new information), tức nói đến tiền đề và điều được thông báo (với Sp1), điều được tiếp nhận (với Sp2). Sự thống nhất các TT xác định sẽ đảm bảo cho các nhân vật giao tiếp sự chia sẻ TT thông suốt và hiệu quả. Không ai chỉ giao tiếp với nhau bằng những TT cũ nhưng người ta cũng không thể giao tiếp được nếu không có những TT cũ ấy làm cơ sở. Sự chia sẻ TT cũ mang tính hiển nhiên đến mức, trong một vài trường hợp, nhờ sự hỗ trợ của ngữ cảnh và ngôn cảnh, Sp1 có thể tỉnh lược hết thành phần TT cũ, chỉ để lại trên bề mặt cấu trúc của phát ngôn những yếu tố biểu đạt TT mới mà Sp2 vẫn hiểu.

Có thể nói qua về hai quan điểm khá phổ biến trong giới ngôn ngữ học về hai thành phần TT trong mối quan hệ với hạt nhân của TT mới – TĐ.

1- Những tác giả như N. Chomsky (1971), S.Dik (1981), Jacobs (1993, 1995, 2001), E.Hajikova (1998), Vallduví (1992), Erterschik – Shir (1997) đồng nhất hai thành phần TT ở cấp độ câu là TT cho sẵn (giveness) và TT mới (newness)

với hai bộ phận cấu thành cấu trúc chức năng của câu: đề và thuyết có sự tương ứng đối một với cái chưa biết và cái đã biết. S.Dik (1989) từng viết trong tác phẩm

“The Theory of Functional grammar

Đề và TĐ thể hiện cái thiết chế mà Sp1 dùng để áp đặt lên khung vị ngữ về mặt TT ngữ dụng với Sp2 trong việc trao đổi TT. [172, tr.24]

Đề là thành tố có chức năng chủ đề chỉ một thực thể được Sp1 cho là đã biết hay đã được cho sẵn. [172, tr.25]

TĐ là thành tố cung cấp TT tương đối nổi bật hoặc quan trọng nhất trong ngữ cảnh và tình huống đã cho … thành tố TĐ được tìm thấy trong cặp hỏi đáp: trong câu hỏi thành phần chứa đựng TT yêu cầu nằm ở TĐ, trong câu trả lời thành phần cung cấp TT cũng nằm ở TĐ … thành tố được hỏi nhất thiết phải có chức năng TĐ vì nó là TT duy nhất được chia sẻ giữa Sp1 và Sp2 trong bối cảnh đã biết. [172, tr.99]

2- Những nhà ngôn ngữ học như M.A.K.Halliday (1970), M. Rooth (1985), M.Krifca (1997), K.Lambrecht (1994), Cao Xuân Hạo (1991) không đồng nhất hai thành phần TT câu với hai thành phần của cấu trúc chức năng câu. Sự sắp xếp TT mới – cũ, theo các nhà ngôn ngữ này, tùy thuộc vào sự quy chiếu: TĐ là cái mà Sp1 muốn Sp2 phải chú ý tiếp nhận và gợi cho Sp2 thấy có sự đối lập giữa yếu tố hiện diện với một thực thể nào đó có thể thay đổi vị trí của nó trong câu. Đề trong mối quan hệ tương phản luôn được xem là đề đánh dấu và có thể là thành phần thể hiện TT mới. Cao Xuân Hạo viết:

Thường thường, Sp1 có xu hướng chọn cái cũ làm đề, tức làm xuất phát điểm cho sự nhận định, và để phần có giá trị thông báo thực sự (cái mới) ra sau. Đó là một cách tổ chức phát ngôn thuận tiện và giản dị. đó cũng là cách đơn giản nhất để đảm bảo tính mạch lạc của ngôn bản hay văn bản: đề của câu thường cũng là đề của một đoạn độc thoại, đối thoại hay một đoạn văn. Nhưng điều đó tuyệt nhiên không phải là một quy tắc, dù là một quy tắc không tuyệt đối. [61, tr.74]

Cấu trúc thông báo có thể có những ảnh hưởng quan trọng đối với cấu trúc của câu. Ngoài phần áp lực rất quan trọng của nó đối với những hiện tượng như tỉnh lược, nhấn mạnh, đảo trật tự, .v.v. nhưng nó không phải

là cấu trúc đề - thuyết vốn nằm trên bình diện logic – ngôn từ (logico- discursive) và trong những ngôn từ ít dùng phương tiện hình thái học như tiếng Việt, nó được phản ánh trực tiếp trong cấu trúc cú pháp cơ bản của câu. [61, tr.77]

TĐ là một từ hay một ngữ đoạn được nêu bật lên trong phần thông tin mới của câu bằng trọng âm cường điệu. Việc nhấn mạnh vào từ (ngữ) này nêu rõ sự đối lập của nó với những từ (ngữ) cùng hệ đối vị lẽ ra có thể đặt ở vị trí của nó trong câu. [61, tr.116]

Chức năng quan trọng nhất của ngôn ngữ là giao tiếp và mục đích cuối cùng của giao tiếp là trao đổi TT. Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh, CTTT tuy có quan hệ mật thiết với cấu trúc chức năng của câu, với nghĩa câu nhưng không đồng nhất với cấu trúc câu, không đồng nhất với nghĩa và càng không trùng hợp với cấu trúc thông báo trong “phân đoạn thực tại” với khái niệm “tỉ lực thông báo”

(communicative dynamism) của J.Firbass (1966) (xem mục 2.2.). CTTT của câu không trải dài theo trục thời gian như thế, tức nó không hoàn toàn mang tính hình tuyến như cấu trúc thông báo trong phân đoạn thực tại mà chúng là một sự chồng chéo lên nhau rất phức tạp. Tỉ trọng thông báo có nhưng không nhất thiết phải tổ chức theo cái hướng tăng dần, thậm chí, trong một số trường hợp cụ thể, phần đề, với trật tự thông thường ở đầu câu, mới chính là phần được Sp1 thông báo đến Sp2 mà M.A.K. Halliday (1991) gọi là đề tương phản.

1.4.1.3. Trong luận án này, chúng tôi sẽ theo quan điểm ngôn ngữ học và sử dụng

hệ thuật ngữ về CTTT của K.Lambrecht (1994)

K.Lambrecht (1994) chia toàn bộ TT trong câu ra làm hai thành phần là TT TGĐ ND (pragmatic presupposition) và TT XN ND (pragmatic assertion), tương ứng TT cũ và TT mới, cái có sẵn và cái thông báo, cái đã biết và cái chưa biết. Trong đó, TT TGĐ ND đảm bảo sự chia sẻ giữa Sp1 và Sp2 vì (i) có sự hiện hữu về mặt tri nhận trong ngữ cảnh; (ii) được cung cấp từ ngôn cảnh; (iii) được xác lập bằng các biểu thức xác định hoặc được quy chiếu bằng các biểu thức hồi chỉ trong các phát ngôn hiện hữu. Còn TT XN ND đảm bảo sự tương thích trong việc truyền đạt và tiếp nhận giữa Sp1 và Sp2, là cái (i) chưa hiện hữu về mặt tri nhận trong ngữ cảnh; (ii) chưa được đề cập trong ngôn cảnh; (iii) không được xác lập bằng các biểu

thức xác định hoặc quy chiếu bằng các biểu thức hồi chỉ trong các phát ngôn hiện hữu. Có thể miêu tả hai thành phần TT này trong các ví dụ sau:

Bảng 1.1. Hai thành phần TT của câu hỏi tiếng Việt

Ví dụ TT TGĐ ND TT XN ND

Ai biết nhà anh Bình? Biết nhà anh Bình Ai

Anh có đi họp không? Anh Có đi họp không

Anh hay tôi đi? Đi Anh hay tôi

Bộ phận TT quan trọng nhất của thành phần TT XN ND là TĐ (focus)

“thành tố ngữ nghĩa của cấu trúc ngữ dụng của mệnh đề, là yếu tố phân biệt TT TGĐ ND với TT XN ND” [182, tr.213]. TĐ có thể nằm trong một vùng nhất định gọi là vùng TĐ (Focus domain). Vùng TĐ có cấu trúc bao gồm TĐ thực và những thành tố nằm trong vùng cú pháp của nó, được biểu hiện bằng một ngữ đoạn hoặc một cú đoạn. Có nhiều cách phân loại TĐ, nếu dựa vào tiêu chí cấu trúc, TĐ được chia thành ba loại: TĐ tham tố (argument focus), TĐ vị ngữ (predicate focus) và TĐ câu (sentence focus); nếu dựa vào tiêu chí phạm vi, TĐ được chia thành hai loại là TĐ hẹp (narrow focus) và TĐ rộng (broad focus); nếu dựa vào tiêu chí phẩm chất TT, TĐ được chia thành hai loại là TĐ TTM hay TĐ thông báo và TĐ TTTP. Trong hai TĐ chia theo tiêu chí phẩm chất TT, xét về cấp bậc, TĐ thông báo mang tính chính cấp (primary focus) còn TĐTP mang tính thứ cấp (secondary focus). TT TGĐ ND cũng có nhiều loại, bao gồm tiền giả định ngữ cảnh và tiền giả định ngôn cảnh. So với TT XN ND, TT TGĐ ND được xem là TT nền, TT tiền đề, TT cơ sở. Sự phân bố hai thành phần TT này trong câu chồng chéo, rất phức tạp: ngay trong TT cũ đã có TT mới và ngay trong TT mới cũng có TT mà với người này là quan yếu, người kia là không quan yếu. Đó là mối quan hệ biện chứng hai chiều, cái này làm cơ sở hình thành cái kia và cái kia là lý do tồn tại của cái này. Sự xác định hai thành phần TT ấy dựa trên sự giả định (assumption). Giả đinh là cái căn cứ để Sp1 tổ chức CTTT và biểu đạt ý đồ của mình đối với Sp2 và là cơ sở để Sp2, nếu chia sẻ được những giả định ấy, sẽ lĩnh hội được TT truyền đạt trong câu nói. Nói như vậy cũng có nghĩa là sự giả đinh không chỉ xảy ra ở TT TGĐ ND mà xảy ra ở TT XN ND.

Về TT, theo K.Lambrecht, thế giới diễn ngôn (universe of discourse) bao gồm hai phần, thế giới bên ngoài (the text-external world) và thế giới bên trong (the text- internal world). Thế giới bên ngoài là sự thể hiện của các yếu tố như nhân vật giao tiếp (gắn liền với tính cách, thói quen, đặc tính vùng miền, khối kiến thức nền, trạng thái tâm lý, tình cảm, .v.v.), thoại trường (setting), thời gian sự kiện (event time), thời điểm gốc (measured time), vị trí sự kiện lời nói (places of speech event), không gian quan hệ với nó (places situated in relation it) và ngữ cảnh (context) (nền văn hóa, đặc điểm tư duy, tâm lý, … của dân tộc). Thế giới bên trong bao gồm cấu trúc nội tại của các yếu tố ngôn ngữ làm nên nội dung và mục đích giao tiếp của ngôn bản. Muốn tạo nên TT, các yếu tố ngôn ngữ phải tồn tại trong các mối quan hệ và phải tương thích với ngữ cảnh giao tiếp. Trong mỗi mối quan hệ, chúng sẽ thể hiện một/ nhiều TT khác nhau. Khi người bản ngữ không muốn tạo ra một cấu trúc mới để diễn đạt một TT mới, họ sử dụng cấu trúc cũ và thay đổi CTTT bằng các dấu hiệu như ngữ điệu, trọng âm, hiện tượng hoạt biến và cách tổ chức vai nghĩa không theo trật tự thông thường, …

Thế giới thứ nhất cung cấp sở chỉ, biểu tượng theo một hệ quy chiếu nhất định cho thế giới thứ hai, vốn được mã hóa bằng các yếu tố ngôn ngữ và mối quan hệ giữa chúng. Sự biểu đạt TT, vì thế, có thể là những gì hiển hiện trên bề mặt ngôn ngữ hoặc cũng có thể là những gì được suy ra từ bề mặt ấy. Sự tương đồng đến một mức độ nào đó về bức tranh chung về thế giới và sự nắm bắt các quy tắc tổ chức câu của các nhân vật giao tiếp là yếu tố đảm bảo cho một đường truyền thông suốt. Bởi lẽ, cái TT mà thế giới bên ngoài cung cấp, chưa chắc đã ít hơn TT của thế giới bên trong, xét về tỉ lệ.

Sở dĩ ở mục 1.4.1.1. chúng tôi nói rằng TT không đồng nhất với nghĩa là vì nghĩa của câu là một chức năng của sự diễn đạt ngôn ngữ, cái được xem như nội dung của câu, còn TT là sự quan yếu (relevant), đặc biệt có tính đến trạng thái tinh thần của nhân vật giao tiếp. Nếu xem giao tiếp là cách tác động vào thế giới tinh thần của con người với mục đích làm thay đổi khối kiến thức nền theo hướng bổ sung hoặc sửa chữa thì yếu tố chính giúp thực hiện sự tác động đó là TT. Bởi vì, cái mà người ta giao tiếp với nhau là TT, điều người ta lưu ý trong mỗi dòng ngôn ngữ

được tổ chức theo những quy luật khá nghiêm ngặt của quy tắc ngữ pháp là TT và quá trình giao tiếp cũng chính là quá trình xử lý TT.

Ở dạng lý tưởng, một CTTT bao gồm hai thành phần, TT TGĐ ND và TT XN ND. TT TGD ND là cái mà Sp1, trong quá trình giao tiếp, ức đoán rằng nó hiện diện trong thế giới tinh thần của Sp2. Đó là TT mang tính xác định và được các nhân vật giao tiếp chia sẻ. TT này chính là điểm xuất phát làm cơ sở để tạo nên các TT mới. TT TGĐ ND không chỉ có được từ ngữ cảnh (gọi là tiền giả định ngữ cảnh) mà còn được cung cấp từ ngôn cảnh (tiền giả định ngôn cảnh) và thuộc về văn hóa (tiền giả định văn hóa), thuộc về kiến thức (tiền giả định kiến thức), thuộc về nhận thức ( tiền giả định nhận thức) đồng thời thuộc về sự tồn tại (tiền giả định tồn tại). Nếu tiền giả định nhận thức liên quan đến năng lực, sự hiểu biết của Sp2 thì tiền giả định tồn tại liên quan đến sự tồn tại của các sự vật, sự việc được phản ánh trong diễn ngôn.

Trong trường hợp thông thường, để tạo ra một TT XN ND, Sp1 phải tổ chức một cấu trúc nội dung mệnh đề ngữ dụng (pragmatical structured proposition) bao gồm hai thành phần TT TGĐ ND và TT XN ND, trên cơ sở giả định được cái Sp2 chưa biết hoặc biết chưa đúng, tính đến thời điểm nói. Trong trường hợp đặc biệt, Sp1 lấy ngay TT TGĐ ND làm TT XN ND, đó là trường hợp vượt cấp hoặc lùi tiền giả định mà ngôn ngữ học gọi là thao tác điều chỉnh ngữ dụng. Vượt cấp tiền giả định để khai thác tiền giả định cho những mục đích như khoe khoang hay bắt nọn. Ví dụ câu chuyện “Lợn cưới, áo mới”, cái TT mà các nhân vật giao tiếp muốn truyền đến nhau là khoe đám cưới to và cái áo mới. Lùi tiền giả định trong trường hợp bình thường là để giải thích với Sp2 cái mà Sp1 tưởng rằng Sp2 đã biết nhưng thực ra Sp2 chưa biết, còn trong trường hợp đặc biệt, lùi tiền giả định được sử dụng như một cách điều tra hoặc dò hỏi:

(10) - Con có biết phòng của Trung ở đâu không? - Dạ không ạ!

- 202 đó con.

- Dạ con cám ơn Bác!.

Mọi sự giả định đều dựa trên niềm tin, khi niềm tin không đúng thì sự giả định đó hẳn nhiên là sai. TT XN ND có thể sai chứ TT tiền giả định không được

phép sai, và nếu phải điều chỉnh lại một trong hai TT này thì bao giờ Sp1 cũng ưu tiên giải quyết TT TGĐ ND trước. Phải củng cố cái nền móng cho vững chắc thì mới có thể tính đến chuyện xây cái mới.

“Một phát ngôn không thể chấp nhận được (unacceptable) nếu nó có vấn đề về tiền giả định giữa Sp1 và Sp2”. [Lewis (1979), dẫn theo [61]]

Liên quan đến TT tiền giả định, chúng tôi trình bày thêm về sự hoạt biến của vùng giả định. Nếu sự quy chiếu mang tính chất xác định thì TT tiền giả định sẽ được xác định, còn nếu sự quy chiếu mang tính hoạt biến thì TT tiền giả định sẽ

Một phần của tài liệu câu hỏi tiếng việt dưới góc nhìn lý thuyết thông tin (Trang 43 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(191 trang)