10. Bố cục của luận án
1.3.2. Nhân tố giao tiếp
Nhân tố giao tiếp có khá nhiều, như nhân vật, ngữ cảnh, mục đích giao tiếp, chuỗi HV ngôn ngữ, đường kênh - hình thức giao tiếp, chuẩn mực tương tác, cách thức tương tác,… nhưng ở đây chúng tôi chỉ trình bày hai nhân tố là nhân vật giao tiếp và hiện thực ngoài diễn ngôn.
1.3.2.1. Nhân vật giao tiếp
Nhân vật giao tiếp được xác định là những người tham gia vào HT, trực tiếp tương tác lẫn nhau bằng các HV ngôn ngữ và cùng hướng đến một mục đích giao tiếp nhất định. Như vậy, nhân vật giao tiếp chỉ có Sp1 và Sp2, không có Sp3 (người được nói đến).
Căn cứ vào tiêu chí số lượng nhân vật giao tiếp, người ta chia HT ra làm ba loại: song thoại (1 Sp1 và 1 Sp2), đa thoại (một/nhiều Sp1 và một/nhiều Sp2), độc thoại (Sp1 cũng đồng thời là Sp2). Song, dù là loại nào thì nhân vật giao tiếp cũng hình thành hai tuyến, Sp1 và Sp2, ngay cả trường hợp độc thoại, Sp1 cũng phải tự phân thân thành hai nhân vật giao tiếp.
a- Nói đến nhân vật giao tiếp không thể không nói đến quan hệ vai và tính
liên nhân. Về hình thức, vai giao tiếp được chia thành hai loại trên cơ sở của mối quan hệ nghe – nói. Có những cuộc thoại mối quan hệ này chỉ diễn ra một chiều, tức là một người chỉ đảm nhận một vai trò nhất định, nhưng thông thường mối quan hệ này mang tính đa chiều, hai (hoặc hơn) nhân vật giao tiếp liên tục thay đổi vai cho nhau, lúc thì họ là Sp1 lúc thì họ là Sp2. Về thực chất, có thể xem cuộc đời như một cái sân khấu mà ở đó mọi người được mặc định hoặc tự sắm cho mình một vai nào đó và phải cư xử sao cho phù hợp với vai đó. Vai giao tiếp gắn liền với đặc điểm tính cách, trạng thái, năng lực của mỗi người, chi phối việc lựa chọn các yếu tố ngôn ngữ và quy định thái độ của người đó.Vai giao tiếp được xác lập một cách rõ ràng trong thế giới tinh thần của Sp2 “Trong một cuộc giao tiếp, người tham gia này phải xây dựng hình ảnh tinh thần về các đặc điểm , trạng thái, năng lực của người kia theo đích giao tiếp của mình để rồi căn cứ vào cái hình ảnh tinh thần đó mà định ra các chiến lược hay kế họach giao tiếp” [19, tr.16] và “Niềm tin mà người tham gia giao tiếp phải có trong giao tiếp bao gồm cả niềm tin vào tính phù hợp của cái hình ảnh tinh thần mà mình đã xây dựng nên với đối phương mình”
[19, tr.16].
b- Tính liên nhân và phép lịch sự
Trong giao tiếp, Sp1 không chỉ xây dựng hình ảnh tinh thần về Sp2 mà còn phải lựa chọn các yếu tố ngôn ngữ để xây dựng hoặc thay đổi hình ảnh tinh thần mong muốn của chính bản thân mình trong suy nghĩ của Sp2, trên cơ sở phù hợp với đặc điểm nền văn hóa và những quy ước của xã hội. Cái “quan hệ so sánh xét trong tương quan xã hội, hiểu biết, tình cảm giữa các nhân vật giao tiếp với nhau”
[19, tr.17] đã biến hoạt động giao tiếp trở thành một hoạt động tương tác thật sự. Quan hệ liên nhân được hình thành trên hai trục, trục của vị thế xã hội hay còn gọi là trục quyền uy (power) và trục quan hệ khoảng cách hay còn gọi là trục thân cận
(solidarity). Trục quyền uy, trục do quyền chức, tuổi tác, nghề nghiệp tạo nên, có quan hệ ngang bằng hoặc cao thấp, là trục cố định, vì một khi đã xác định đúng thì sẽ được giữ nguyên trong suốt quá trình giao tiếp. Ngược lại, trục thân cận, được hình thành theo quan hệ thể hiện trên thang độ từ xa lạ đến gần gũi, thân mật, là trục thay đổi liên tục trong suốt cuộc giao tiếp.
Tính liên nhân là một yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với kết quả của họat động giao tiếp, nghĩa là giao tiếp đạt được đích hay không tùy thuộc khá nhiều vào việc giải quyết mối quan hệ này. Trước hết xin được đơn cử hai biểu hiện sau:
Thứ nhất, thái độ Sp2 tác động mạnh đến thái độ Sp1, và ảnh hưởng trực tiếp đến hướng vận động HT. Với một Sp2 thờ ơ, tỏ ra không hưởng ứng điều Sp1 nói như nhìn chỗ khác, cười với người khác, bắt bẻ một cách vô lý, … chắc chắn Sp1 sẽ không có hứng thú để nói tiếp, cuộc thoại vì thế phải chuyển hướng hoặc dừng lại. Cuộc thoại chỉ đi đến đích khi Sp2 có thái độ hợp tác, có ý thức tiếp thu những điều Sp1 nói. Sự hợp tác ấy vừa được thể hiện bằng các yếu tố ngôn ngữ như
“ừ”, “vậy hả?”, “sao vậy?”, “sao nữa?”, “vậy sao?”, “tiếp đi!”, …vừa bằng các yếu tố phi ngôn ngữ như mắt nhìn tập trung, thái độ chăm chú, tình cảm biểu hiện phù hợp với nội dung đang tiếp nhận, …
Thứ hai, sau khi đã xác định được mối quan hệ liên nhân với Sp2, Sp1 phải chọn một cách nói sao cho phù hợp với tính cách, trình độ, năng lực của Sp2. Sự tôn vinh hay xúc phạm thể diện đều ảnh hưởng đến kết quả giao tiếp. Một khi nhận thấy Sp1 không giải quyết thỏa đáng mối quan hệ liên nhân với mình, Sp2 sẽ không hợp tác và cuộc thoại phải dừng lại, khoảng cách của hai nhân vật vì thế cũng bị đẩy xa ra.
Liên quan đến tính liên nhân, người ta hay nói đến thể diện (face) các nhân vật giao tiếp mà cách thức để tôn vinh thể diện đó chính là phép lịch sự. Phép lịch sự là một yếu tố thuộc địa hạt liên nhân trong hoạt động giao tiếp “Chúng có chức năng giữ gìn tính cách hài hòa quan hệ đó (ở mức thấp nhất là giải tỏa những xung đột tiềm tàng, tốt hơn nữa là làm cho người này trở nên dễ chịu đối với người kia)”
(C.K.Orechioni, 1994).
Hiện thực ngoài diễn ngôn là những sự kiện thuộc bức tranh thế giới. Bức tranh ấy, nếu là chung giữa các nhân vật giao tiếp thì được gọi là bức tranh chung về thế giới, làm điều kiện cho sự vận động và phát triển HT; nếu là riêng thì là vốn văn hóa và khối tri thức nền tạo nên trình độ, năng lực, … của các nhân vật giao tiếp. Các nhân vật giao tiếp chỉ có thể giao tiếp được với nhau khi có chung một lượng tiền giả định bách khoa nào đó. Cũng có thể nói ngược lại, mục đích của sự giao tiếp là tác động để làm thay đổi, đến một mức nào đó, lượng tiền giả định bách khoa của các nhân vật giao tiếp.
Hiện thực ngoài diễn ngôn gồm 4 bộ phận: hiện thực - đề tài của diễn ngôn; hoàn cảnh giao tiếp (ngữ cảnh rộng), thoại trường (ngữ cảnh hẹp) và ngữ huống giao tiếp (các yếu tố tạo nên ngữ cảnh ở từng thời điểm cụ thể của cuộc giao tiếp).
Đề tài của diễn ngôn tuy rất đa dạng, từ một mảng của hiện thực của thế giới khách quan như một cảm xúc, một tư tưởng, một tình cảm, một nguyện vọng, một sự kiện, một cảnh vật, … cho đến bản thân ngôn ngữ nhưng chỉ được chấp nhận khi đặt trong thế giới khả hữu và lấy thế giới đó làm hệ quy chiếu để thuyết giải nghĩa diễn ngôn.