Vấn đề tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người Hà Nội hiện nay

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của luật nhân quả trong triết học phật giáo đến đời sống tinh thần người hà nội hiện nay (Trang 102 - 106)

4. Khái quát kết quả nghiên cứu chủ yếu của các công trình khoa học đã công bố có liên quan và những

2.2.1. Vấn đề tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người Hà Nội hiện nay

Pháp lệnh Thủ đô, điều 1 ghi rõ: “Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; là nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và là nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước” [120]. Hà Nội còn là trung tâm văn hoá lớn của đất nước, nơi có những hệ thống công trình văn hoá tiêu biểu của cả nước, có những nét đặc trưng của văn hoá dân tộc, đi đầu trong việc xây dựng văn minh của thời đại công nghiệp và kinh tế tri thức, nơi tổ chức các sự kiện văn hoá lớn mang tầm quốc gia và quốc tế. Trong tương lai, Thành phố Hà Nội là đô thị đa cực, đa trung tâm, đa tầng bậc với các chức năng tổng hợp, trong đó đô thị hạt nhân đóng vai trò là đô thị lịch sử, là trung tâm hành chính - chính trị Quốc gia, trung tâm lớn của cả nước về văn hoá - khoa học - giáo dục - kinh tế, một trung tâm du lịch và giao dịch quốc tế có tầm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Do đó với tính chất, đặc điểm quan trọng của thủ đô, nên đời sống tinh thần của người Hà Nội cũng phải có bước phát triển tương xứng với vị trí của Hà Nội.

Theo quan điểm chủ nghĩa duy vật lịch sử, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội. Đời sống tinh thần người Hà Nội là cái phản ánh đời sống vật chất của người Hà Nội và do đời sống vật chất quyết định. Do đó, vấn đề đặt ra để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực luật nhân quả đến đời sống tinh thần người Hà Nội và phát huy những ảnh hưởng tích cực, tất yếu phải quan tâm giải quyết vấn đề đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội thủ đô Hà Nội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân Hà Nội. Theo đó, Hầ Nội cần phải giải quyết được vấn đề kinh tế - xã hội, đó là phát triển kinh tế tri thức (phát triển các ngành, sản phẩm chất lượng cao, sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao, phương thức quản lý kinh tế hiện đại, tiên tiến). Từng bước đổi mới cơ cấu kinh tế với tỷ trọng khu vực dịch vụ và công nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng cao với các ngành dịch vụ sản xuất, dịch vụ tiêu dùng chất lượng cao. Từng bước đưa Hà Nội trở thành trung tâm dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trung tâm du lịch, trung tâm giao thương và phân phối hàng hóa; công nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp đô thị sinh thái. Để hoàn thiện được mục tiêu này đòi hỏi Hà Nội phải giải quyết được bài toàn về vốn, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.

Thực tế cho thấy, ở đâu đói nghèo tồn tại ở đấy dễ xuất hiện sự lợi dụng hình ảnh tôn giáo để mê hoặc quần chúng. Người dân vẫn tin vào một sự che chở, ban phát của các vị thần thánh, trong đó có Đức Phật, để xóa bỏ sự nghèo hèn đang hiện hữu quanh họ. Họ đến chùa cúng lễ một phần bởi họ tin tưởng và mong chờ Đức Phật sẽ giúp họ thoát nghèo. Vì thế, không ít kẻ xấu đã lợi dụng cửa chùa để hành nghề bói toán, thực hành các hoạt động mê tín, lôi kéo, dụ dỗ, ru ngủ quần chúng nhân dân. Do đó, chính quyền các cấp ở Hà Nội cần chú trọng phát triển nhiều hình thức sản xuất kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương, nâng cao nhận thức, tạo việc làm để tăng thu nhập

chính đáng cho phật tử và nhân dân. Khi đó, họ không phải cầu xin thần linh, Đức Phật những điều ảo vọng như: không làm vẫn có ăn, cầu trúng số đề…

Thành phố Hà Nội hiện nay là một đô thị lớn với 30 đơn vị hành chính, gồm 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện với diện tích 3.324,5Km2, dân số khoảng 7,1 triệu người [phụ lục 4]. Sau 5 năm thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, trên từng lĩnh vực, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế của Hà Nội chưa tương xứng với vị trí tiềm năng, tốc độ tăng trưởng của các năm không đồng đều. Năm 2009 và 2013, tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều tốc độ tăng trưởng bình quân của cả thời kỳ, chỉ đạt dưới 9%. Hai năm 2009 và 2013, lần lượt tốc độ tăng trưởng là 7,5% và 8,5% [phụ lục 5]. Tăng trưởng kinh tế của Hà Nội phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng của khu vực II gồm ngành công nghiệp - xây dựng. Khu vực III (khu vực dịch vụ) cũng có những thành tựu đáng kể với tốc độ tăng trưởng liên tục tăng lên qua các năm. Trong khu vực này, các ngành thương nghiệp, khách sạn nhà hàng, vận tải bưu chính viễn thông, tài chính tín dụng, kinh doanh bất động sản luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng của ngành. Ngược lại, khu vực I (gồm các ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản) tốc độ tăng trưởng rất chậm, thấp hơn nhiều tốc độ tăng trưởng chung. Đặc biệt là ngành nông nghiệp, giá trị tăng thêm của ngành này liên tục giảm đã làm cho tốc độ tăng trưởng của cả khu vực này giảm xuống. Nguyên nhân do quá trình đô thị hóa nên diện tích đất canh tác liên tục bị thu hẹp, năm 2008 Thành phố có 192,7 nghìn ha diện tích đất nông nghiệp, đến năm 2013 còn 187,2 nghìn ha, giảm 5,5 nghìn ha (giảm 2,9% so với trước). Chính sự tăng trưởng không đồng đều dẫn đến sự thay đổi cơ cấu kinh tế, một bộ phận người Hà Nội bị mất đất canh tác, thất nghiệp lại không được đào tạo chuyển đổi nghề... Cùng với đó là sự bất bình đẳng, chênh lệch về thu nhập, mức sống của một bộ phận người Hà Nội đã tạo ra cơ sở kinh tế cho niềm tin tôn

giáo phát triển. Nhiều người thấy xã hội bất công, nghèo khổ nên đã tìm đến thế giới của Phật để được động viên, giải tỏa...

Mặt khác, chính trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo cơ chế thị trường hiện nay, đòi hỏi cả hệ thống chính trị của Thành phố Hà Nội phải bằng nhiều con đường, biện pháp giáo dục tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức, phát huy những mặt ảnh hưởng tích cực của luật nhân quả để mỗi người phải từng bước hạn chế tham, sân, si; những dục vọng tầm thường; chế ngự sự ích kỷ cá nhân, làm giàu bất chính, vì lợi ích của mình mà chà đạp lên người khác.

Như vậy, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội trên của Hà Nội đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần người Hà Nội. Bởi, đời sống tinh thần người Hà Nội nảy sinh trên nền tảng điều kiện sản xuất vật chất, nó phản ánh sự chuyển dịch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Do đó, những ảnh hưởng của luật nhân quả trong tư tưởng triết học Phật giáo đến đời sống tinh thần người Hà Nội chỉ phát huy được mặt tích cực của nó và từng bước hạn chế tiêu cực khi kinh tế - xã hội nói chung và đời sống vật chất của nhân dân Hà Nội được cải thiện, từng bước phát triển bền vững, ngày càng công bằng, bình đẳng hơn; rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, khoảng cách phát triển giữa nội thành và ngoại thành. Biện pháp kinh tế - xã hội để nâng cao đời sống vật chất, chăm lo thúc đẩy đời sống tinh thần lành mạnh phong phú cho người Hà Nội, vẫn luôn là vấn đề đặt ra cấp thiết hiện nay, nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của luật nhân quả nói riêng và tôn giáo nói chung đến đời sống tinh thần người Hà Nội.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của luật nhân quả trong triết học phật giáo đến đời sống tinh thần người hà nội hiện nay (Trang 102 - 106)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(177 trang)
w