4. Khái quát kết quả nghiên cứu chủ yếu của các công trình khoa học đã công bố có liên quan và những
1.1.1. Quan niệm về luật nhân quả trong triết học Phật giáo
Phật giáo được ra đời ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ VI (Tr.CN), người sáng lập là Thích Ca Mâu Ni. Sự ra đời của Phật giáo bắt nguồn từ nền tảng văn hóa, xã hội Ấn Độ cổ đại trên 2500 năm trước đây và được xem là một cái nôi của nền văn minh loài người. Xã hội Ấn Độ cổ đại, ngoài phân chia giai cấp, còn có sự phân biệt đẳng cấp với nhiều tầng, bậc khác nhau, trong đó sự thống trị của đạo Bà La Môn là cơ bản. Xã hội tồn tại nhiều bất công, mâu thuẫn đan xen với nhau. Các cuộc đấu tranh chống áp bức, bất công rất mạnh mẽ, nhưng đều thất bại. Với khao khát được giải phóng khỏi bất công, sự thống trị, áp bức nhiều tầng bậc trước những thất bại trên hiện thực, người Ấn Độ đã tìm đến một phương thức khác - phương thức tự giải phóng tinh thần trong thế giới nội tâm. Phật giáo ra đời, phản ánh hiện thực xã hội ấy, đồng thời đáp ứng nhu cầu tinh thần con người lúc đó. Sự đón nhận của đông đảo quần chúng đối với giáo lý của tôn giáo này rất sâu sắc và nhanh chóng phát triển. Phật giáo không chỉ là một tôn giáo mà còn là một trường phái triết học không chính thống ở Ấn Độ cổ đại. Do đó, với sắc thái riêng, Phật giáo đồng thời nhanh chóng lan tỏa ra nhiều quốc gia, nhiều dân tộc trên thế giới, đặc biệt là châu Á, các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Luật nhân quả trong Phật giáo là phạm trù phản ánh mối quan hệ giữa cái phát sinh và hệ quả của chu trình vận động biến đổi vô cùng tận của mọi sinh vật. “Nhân” là nguyên nhân, “Quả” là kết quả. Nhân là năng lực phát
động, quả là sự hình thành của năng lực phát động ấy. Nhân và Quả là hai trạng thái tiếp nối nhau vô cùng tận trong chuỗi liên tục. Nếu không có Nhân thì không có Quả; Quả tiếp nối của nhân, đồng thời lại trở thành nhân của quả tiếp theo và kéo theo sự vô tận. Nó là cái phổ biến của mọi sự vật, hiện tượng và được hiểu như tính quy luật và gọi tắt là “luật nhân quả”. Tính phổ biến của luật nhân quả có trong cả những vật vô tri vô giác như: nước bị lửa đốt thì nóng lên, bị gió thổi thì tạo sóng, bị lạnh thì đóng băng; nắng lâu ngày thì hạn; mưa nhiều thì lũ lụt, gió nhiều thì sinh bão… Nhân quả trong các loài thực vật như: hạt cam sinh ra cây cam, cây cam sinh ra trái cam; hạt ớt sinh ra cây ớt, cây ớt sinh ra trái ớt… Tổng quát lại, giống ngọt sinh ra trái ngọt, giống chua sinh ra trái chua. Giống nào sinh ra trái ấy hay nhân nào quả ấy. Trong các loài động vật cũng không nằm ngoài quy luật sinh tồn do Nhân quả mà nên: thú sinh con, con lớn lên lại sinh ra thú…
Luật nhân quả được tập trung nhiều nhất vào xã hội con người. Đối với con người, luật nhân quả chi phối ở hai phương diện: thể chất và tinh thần. Về mặt thể chất: thân tứ đại là do bẩm thụ huyết của cha mẹ và do hoàn cảnh nuôi dưỡng. Cha mẹ và hoàn cảnh nuôi dưỡng là nhân, người con trưởng thành là quả và cứ nối tiếp như thế mãi, nhân sinh quả, quả chứa nhân, không bao giờ dứt. Về mặt tinh thần: những tư tưởng, hành vi trong quá khứ, tạo cho con người những đức tính tốt hay xấu, một nếp sống trong hiện tại. Tư tưởng và hành động quá khứ là nhân; tính tình và nếp sống hiện tại là quả và rồi lại trở thành nhân để tạo ra những tư tưởng và hành động tiếp theo là quả. Cứ như vậy, hiện thực của con người còn được tiếp nối cả trong kiếp, nghiệp, luân hồi… Nên có thể khái quát luật nhân quả đó chính là: nhân nào quả ấy.
Điều thú vị của luật nhân quả qua “duyên”. Duyên được hiểu là các điều kiện hỗ trợ cho nhân thành quả. Luật nhân quả còn thể hiện sự sâu sắc hơn ở tư tưởng về: một nhân không thể sinh ra quả mà phải là một tổ hợp
nhân, nhiều duyên mới sinh ra quả; trong nhân có quả, trong quả có nhân và thời gian từ nhân đến quả tiếp diễn nhanh chậm khác nhau.
Trong kho tàng Kinh (Sutra), Luật (Vinaya), Luận (Sastra) của Phật giáo tạo thành bộ thuyết giáo hoàn chỉnh từ sự ghi chép lời Phật giảng về giáo lý gọi là Kinh. Những giới luật được định ra làm khuôn phép tu tập gọi là Luật cho đến các vấn đề của Phật giáo được luận giải bởi các học giả cao tăng tổng hợp lại thành Luận. Trong đó, nhiều nội dung của giáo lý, phạm trù liên quan đến luật Nhân quả như:
Phạm trù nghiệp - nghiệp báo: nghiệp (Karma) có nghĩa là hành động và
phản ứng, quá trình liên tục của nhân và quả. Cuộc sống hiện tại là sản phẩm của ý nghĩ và hành động của chính con người trong quá khứ và trên ý nghĩa đó thì những hành vi hiện tại sẽ hình thành sự hiện hữu của mình trong tương lai. Nghiệp luôn đi liền với quả báo là sự hiện hữu của nhân quả, quả nhân, nghiệp báo. Con người sống trong mọi điều kiện, hoàn cảnh thì việc tạo nghiệp luôn là cơ sở để cho nhân quả hình thành. Gieo nghiệp tức là gieo nhân và như vậy, ở một khía cạnh nào đó, nghiệp là nhân, đồng thời là tác nhân để sinh ra quả, và là quả. Chuỗi nhân - quả tạo thành luật và luật ấy tác động đến mọi hoạt động của con người gọi là luật nhân quả.
Nghiệp báo là biểu hiện của ứng nghiệp theo đúng luật nhân quả. Nghiệp tạo ra bao giờ cũng đi liền với một lực nhất định, gọi là nghiệp. Nghiệp có sức mạnh lôi kéo, thúc đẩy con người tới những nơi do mình tạo ra nhân rồi sau đó phải nhận quả thì gọi là nghiệp lực. Báo là đền, đáp, nên khi gieo nghiệp tất sẽ có báo. Tùy nghiệp con người tạo nên là lành hay dữ; tốt hay xấu; thiện hay ác mà quả báo tương ứng gọi là nghiệp báo. Nghiệp được tạo từ thân, khẩu, ý, cho nên quả cũng từ đó mà ra. Phật dạy con người muốn tu tập thì phải làm sao cho cả ba con đường tạo nghiệp đó trong sạch đồng hành với nhau thì ứng nghiệp báo sẽ lành.
Nghiệp và nghiệp báo được luận giải rất phong phú, dưới nhiều lát cắt khác nhau. Nghiệp được tạo ra từ thân, khẩu, ý. Nghiệp bắt nguồn từ sự vô minh tức là “không sáng suốt”, không thấy rõ được thực tướng của vạn vật dẫn đến lầm lạc, mê đắm và cuối cùng là nghiệp do chính con người tạo ra.
Phật giáo chỉ ra con đường nhận thức về nghiệp. Khi sinh nghiệp (janaka kamma) cũng là khi nghiệp bắt đầu tiến trình sự sống qua mười hai duyên khởi nghiệp được gìn giữ, duy trì gọi là trì nghiệp (upatthambhaka kamma). Trạng thái nghiệp biểu hiện rõ bản chất thiện - ác; xấu - tốt để hiện hữu trong đời sống con người an vui, hưởng lạc hay khổ đau, bệnh tật... Tiếp theo là chướng nghiệp (upapilaka kamma) làm trở ngại nghiệp sinh ra đang duy trì, giống như đặt ra các điều kiện bất lợi để gây ra biến cố làm chuyển hóa trì nghiệp đi đến đoạn nghiệp (upaghātaka kamma). Đoạn nghiệp tức là đã tiêu diệt được sinh nghiệp và trì nghiệp. Ở thời kỳ đoạn nghiệp cũng có thể là kết thúc theo đúng chu trình của luật Nhân quả. Tuy nhiên, cũng có những nghiệp bị sát nghiệp (upaccheda kamma) xen vào làm gián đoạn sự sống. Khi chưa đến cuối của đoạn nghiệp thì gọi là sai thời. Điều này, phản ánh một cái rất phù hợp với hiện thực đời sống thực của con người nhất là ở thời kỳ tử nghiệp. Có nghĩa là hết số để đoạn nghiệp - đúng thời (kālamarana) hay chưa hết số vẫn phải đoạn nghiệp - sai thời (akālamarana).
Nghiệp còn được luận giải qua phương diện năng lực, tức biểu hiện ở sức mạnh của nghiệp đưa đến khả năng kết quả tương ứng. Nó là cực trọng nghiệp (garuka kamma). Cực trọng nghiệp là loại nghiệp có sức mạnh lớn nhất. Do vậy mà nghiệp thiện hay ác, lành hay dữ cũng thể hiện năng lực, sức mạnh tương ứng. Điều quan trọng nhất là quả hiện báo nên con người hoàn toàn có thể nhận thức được chính sức mạnh của nghiệp mà tu tập.
Tập quán nghiệp (ācinna kamma) là loại nghiệp được hình thành từ thói quen tuy không nặng nề, nhưng lại là loại nghiệp nguy hiểm, vì nó được hình
thành từ thói quen cố kết tạo nên định lực thâm hậu khiến cho con người khó đoạn nghiệp. Tích lũy nghiệp (katattā kamma) là nghiệp được tạo bất thường do một duyên nào đó thoáng qua, nên nó rất nhẹ, dễ quên. Nó có ảnh hưởng không nhỏ, bởi có thể tích tụ sinh ra trạng thái tâm lý bất thường. Nếu là duyên tốt sẽ tạo nên nghiệp lành, còn duyên xấu sẽ tạo nên nghiệp xấu. Cận tử nghiệp (āsanna kamma) là nghiệp được biểu hiện ở trước thời điểm lâm chung, con người có thể rơi vào hiện tượng tái hiện nghiệp, nghiệp chướng hoặc cảnh giới tái sinh. Đây cũng là thời điểm, người đang chuẩn bị ra đi hay người thân có những biện pháp tâm lý tác động làm cho quá trình hoàn nghiệp, sám hối được diễn ra tích cực nhất. Nó được hiểu như một giải pháp tu tỉnh để mong hóa nghiệp, chuyển nghiệp để tác thành quả thiện, quả lành khi lìa xa trần thế. Với cách luận giải trên, cho thấy nó hợp với thực tế cuộc sống, của con người về cuộc sống, cho nên khá hấp dẫn về mặt nhận thức, tâm lý.
Bàn về nghiệp và nghiệp báo, Phật giáo đã chỉ ra cho con người hiểu được thời gian trả quả là lúc nhân duyên đầy đủ. Nó gồm: hiện báo nghiệp (ditthadhamma vedaniya kamma) tức quả ứng ngay trong thời hiện tại. Có thể là quả do nhân từ nghiệp quá khứ. Có thể do nghiệp mới đủ duyên để trả quả sinh báo nghiệp (upapajja vedaniya kamma) tức là nghiệp đưa đến kết quả trong đời tiếp sau. Kế tiếp hiện tại chủ yếu là cực trọng nghiệp thuộc sinh báo nghiệp. Hậu báo nghiệp (aparāpari yavedaiya kamma) là nghiệp mà quả của nó sẽ đến vào bất kỳ đời nào, còn lại đời tiếp theo mới hiện nghiệp, thì được tính từ đời thứ ba trở đi, tùy duyên trổ quả. Vô hiệu nghiệp (ahosi kamma) là nghiệp mà lực của nó không đủ mạnh để trả quả trong hiện báo, sinh báo, thì hậu báo không còn hiệu lực nữa nên trở thành vô hiệu. Ví như hạt muối thả vào cốc nước còn có vị mặn, nhưng khi thả ra hồ thì không còn vị mặn nữa nên không có nghĩa gì.
Hệ thống giáo lý chặt chẽ, đồ sộ, thâm sâu phản ánh một cách khá đầy đủ, toàn diện toàn bộ đời sống của con người trong tiến trình lịch sử xã hội.
Phật giáo đã cho ra đời triết lý sống không nằm ngoài Nhân - duyên - quả và nghiệp. Nó là cái căn bản tạo nên bằng thuyết duyên khởi.
Phạm trù duyên - duyên khởi: Ngay từ đầu, Phật giáo đã đặt ra mục đích
giải quyết vấn đề cơ bản của triết học và thể hiện tư tưởng biện chứng sâu sắc với phạm trù “duyên”. Phật giáo đã gạt bỏ vai trò sáng tạo ra thế giới của các “đấng tối cao”; của “Thượng đế” như vậy, bản thể của thế giới là tồn tại khách quan. Nó là sự thường hằng trong vận động của vũ trụ, và muôn hình vạn trạng, nhưng lại tuân hành nghiêm ngặt theo luật nhân quả. Quá trình giải thích sự biến hóa vô thường của vạn vật ấy luôn hiện hữu qua duyên để cho nhân tạo quả. Hiểu duyên là mối liên hệ giúp nhân tạo quả, là điều kiện để giúp cho vạn vật chuyển hóa từ quá khứ đến hiện tại và đến tương lai như chính nghiệp quả theo Phật giáo. Có “mười hai” mối quan hệ nhân duyên cơ bản chi phối sự biến hóa của vạn vật theo duyên khởi hay duyên sinh trùng trùng.
Giáo lý Duyên khởi được luận giải trong Tương Ưng Bộ Kinh II do Thế Tôn định nghĩa: “Do vô minh, có hành sinh; do hành, có thức sinh; do thức,
có danh sắc sinh; do danh sắc, có lục nhập sinh; do lục nhập, có xúc sinh; do xúc, có thọ sinh; do thọ, có ái sinh; do ái, có thủ sinh; do thủ, có hữu sinh; do hữu, có sinh sinh; do sinh, có lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh, hay toàn bộ khổ uẩn sinh” [153]. Thực chất nội dung của giáo lý duyên khởi muốn đưa
con người đi tìm căn nguyên sinh ra nhân để tạo quả được bắt đầu từ Vô minh (Avidyā) tức si mê, ảo kiến, không hiểu biết… khiến con người hành động bất thiện (akasala). Từ đó tạo điều kiện phát sinh hành (Sankhara). Phát sinh hành là biểu hiện của những hành động có tác ý và có tính cách đưa đến tái sinh qua thân, khẩu, ý. Hiểu Sankhāra tương tự nghiệp, nên hành cũng có tính thiện, ác, tốt, xấu. Xuất phát từ Vô minh dẫn đến hành. Cả hai đều thuộc quá khứ nên để có được tái sinh tốt thì bản thân con người phải có tuệ minh sát (Vipassanà) mới thoát khỏi vô minh và không đưa đến tái sinh bất thiện. Nó
liên quan đến thức (Vinnàna). Thức nối liền quá khứ với hiện tại. Thức nối kiếp đã qua đến kiếp là cái hiện tại. Không có Thức thì không có chúng sinh. Thức là quả của Hành (Vipàka Vinnàna). Do Thức mà có Danh sắc. Thức là nhân cho Danh sắc (Nàma-Rùpa). Thức có nghĩa hội tụ đủ Danh (những yếu tố thuộc tâm), còn Sắc là hội đủ (yếu tố thuộc về thể xác vật chất). Từ Danh và sắc hình thành nên Lục căn (Salàyatana). Lục căn biểu hiện ở sáu cơ quan cảm giác (mắt, mũi, lưỡi, tai, thân và ý) để tiếp xúc với vạn vật làm phát sinh xúc (Phassa). Khi tương tác với ngoại cảnh qua sáu cơ quan xúc giác để thọ (Vedanà) hiểu xúc như nhận thức cảm tính. Nhờ xúc mà con người tiếp thu được những tác động từ ngoại cảnh vào làm phát sinh ái (Tanha). Ái là con người biết yêu, khát vọng, mong muốn, thích thú… Ái được hiểu như là tình cảm, cảm xúc, chiếm đoạt cho mình những thứ mình yêu, khát vọng, mong muốn, thích thú. Nội dung này được gọi là thủ (Upàdàna). Thủ đã làm nhân cho hữu (Bhana), tức là mọi ham muốn, khát vọng, yêu thích của con người đã được hiện hữu, tồn tại và cũng từ đây sinh ra nghiệp. Tiến trình khởi nghiệp (Hữu) tất phải tái sinh hậu quả dẫn đến sinh (Jàti). Sinh là cái hiện hữu đang tồn tại và có sinh ắt có tử. Đến được tử tức là đã theo lẽ sinh tồn là lão và tử (Jaràarana), già và chết.
Sinh - Tử, Tử - Sinh là vòng xoáy liên hồi không ngừng và đó cũng là quy luật của tạo hóa sinh tồn, với tất cả duyên, nghiệp tiếp nối luân hồi như một dòng chảy, không khởi đầu, không kết thúc, luôn chuyển hóa, vận động theo không gian và thời gian vô cùng, vô tận. Toàn bộ những vấn đề trên phản ánh vạn vật đều chịu chi phối bởi Học thuyết Thập nhị Nhân duyên hay giáo lý duyên khởi.
Lý luận về duyên khởi cũng không nằm ngoài luật nhân quả thì đều do vô minh sinh hành. Vô Minh là nhân, Hành là quả. Hành sinh Thức và như vậy, Hành lại là nhân, Thức là quả. Thức sinh Danh sắc, Thức lại trở thành nhân và
Danh sắc làm quả. Cứ như vậy, Danh sắc sinh Lục nhập; Lục sinh Xúc; Xúc sinh Thọ; Thọ sinh Ái; Ái sinh Thủ; Thủ sinh Hữu,; Hữu sinh Sinh; Sinh sinh Lão Tử. Mọi ưu tư, phiền muộn, khổ đau của con người cũng từ không hiểu biết (Vô minh) mà Hành… Cứ như vậy, vận hành mãi của Thập nhị Nhân duyên mà không nằm ngoài sự chi phối của luật Nhân quả.
Phạm trù Luân hồi: theo chữ Phạn là “Samsāra”có nghĩa là sự chuyển
sinh, sự chuyển tiếp, sự diễn biến liên tục của những kiếp sống. Sự chuyển sinh liên tục đó được biểu thị bằng hình tượng bánh xe (cakka) và được gọi là bánh xe luân hồi (Samsaracakka). Phật giáo luận giải luân hồi của muôn loài chúng sinh như một “vòng tròn sinh sinh - hóa hóa” của đời sống. Vòng tròn ấy không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc, và nó cứ quay mãi trong vòng trầm luân của sinh tử khổ đau cho đến khi con người biết tu tập và