Trong số nghiên cứu gần với chủ đề có nghiên cứu của Võ Thanh Hiếu (2005) về công nghệ xử lý nước thải sản xuất bo mạch điện tử và đề xuất phương án thu hồi đồng oxit ở công ty Fujitsu với mục tiêu tận thu đồng trong nước thải. Nghiên cứu đã thành công trên cơ sở công nghệ và dùng phụ gia của công ty mẹ [13]. Các nghiên cứu của Nguyễn Quốc Bình (2003, 2006) về ứng dụng công nghệ đốt nhiệt phân để xử lý chất thải rắn nguy hại tại Tp. HCM đã mô tả PR là một trong số đối tượng được đề tài thử nghiệm [3], [5]. Kết quả chỉ ra PR có nhiệt trị lớn, có thể đốt nhiệt phân kèm thu hồi nhiệt hoặc thu hồi một phân đoạn sản phẩm làm dung môi. Tuy nhiên việc thu hồi mới đề xuất trên nguyên tắc, dung môi thô thu được hỗn tạp và chưa có ứng dụng thực nghiệm.
Báo cáo đề tài “nghiên cứu tái chế photoresist làm phụ gia biến tính cao su nhựa kỹ thuật” của Vương Quang Việt và cộng sự (2010) [33] đã điều tra tỷ mỉ về tình hình quản lý mức thải PR ở các NM ở tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương và Tp. Hồ Chí Minh; bước đầu nghiên cứu về tính chất của PR, thăm dò một số blend: cao su thiên nhiên, cao su nitril, cao su Neoprene; thử nghiệm tính năng của một vài loại blend với PR. Nghiên cứu đã chỉ ra khả năng sử dụng blend này như sản phẩm cao su chịu dầu và cao su chịu nước. Đề tài cấp thành phố mới dừng ở định hướng, chưa xác định cơ chế hình thành blend của cao su nền và PR; chưa giải thích được ảnh hưởng của một vài thông số như hàm ẩm trong PR ảnh hưởng đến công nghệ và tính năng của blend sản phẩm - đây là nghiên cứu gần nhất với luận án.