2.3.2.1. Nguyên nhân khách quan
Địa hình biển - đảo là một tài nguyên du lịch của Hải Phòng nhưng do sự chia cắt địa hình cộng với những bất tiện trong hệ thống vận chuyển tàu khách, phà biển đã vô hình trung làm nản lòng du khách.
Đặc trưng của khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều, phân ra 2 mùa rõ rệt (mùa hè và mùa đông) ở Hải Phòng đã quy định tính thời vụ của du lịch, nó tác động lên cả cung và cầu trong hoạt động du lịch. Mùa du lịch thường ngắn hơn, sự chênh lệch cường độ của mùa du lịch chính so với thời gian trước và sau mùa chính thể hiện rất rõ nét. Điều đó tác động đến việc sử dụng tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật và lao động không hết công suất, gây lãng phí lớn.
Các địa phương khác có các điều kiện du lịch tương tự đã tích cực, chủ động thu hút du khách, đầu tư tập trung vào kết cấu hạ tầng du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, gây sức ép cạnh tranh mạnh đối với du lịch Hải Phòng.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu, một số dịch bệnh ở người và vật nuôi trong thời gian qua đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố, số lượt du khách quốc tế có xu hướng giảm trong những năm gần đây.
2.3.2.1. Nguyên nhân chủ quan
Trước hết là chưa có sự nhận thức sâu sắc trong việc phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố, có tác động lan tỏa mạnh đối
với các ngành khác và là ngành có khả năng tạo ra nhiều việc làm cho xã hội một cách có hiệu quả nhất. Từ nhận thức đến hành động vẫn còn một khoảng cách xa. Nhìn chung, du lịch Hải Phòng vẫn chưa có Chiến lược phát triển du lịch dài hạn và có tầm nhìn xa 20, 30 năm để tạo ra khung pháp lý cơ bản cho mọi hoạt động phát triển du lịch.
Môi trường kinh doanh du lịch còn nhiều bất cập và kém hấp dẫn do các nguyên nhân: thiếu các quy hoạch du lịch chi tiết, làm hạn chế đầu tư vào du lịch; các thủ tục đầu tư, thẩm định, kiểm tra, giám sát đầu tư còn nhiêu khê, phiền hà và tốn thời gian do việc phối kết hợp với các sở, ban ngành có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư - du lịch còn nhiều hạn chế, cơ sở vật chất và nguồn cán bộ quản lý còn thiếu và năng lực còn yếu. Thành phố chưa có các cơ chế, chính sách ưu đãi riêng cho phát triển du lịch. Bên cạnh đó, chi phí cho dịch vụ hạ tầng (điện, nước, bến bãi...) còn cao, tình trạng mất điện, mất nước vẫn diễn ra vào mùa hè du lịch cao điểm. Công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch còn hạn chế, chưa có sự phối kết hợp quản lý giữa các ngành chức năng liên quan (thuế, môi trường, giao thông vận tải...), chưa có các giải pháp khắc phục tình trạng kinh doanh tự phát, manh mún và quy mô nhỏ bé. Chưa có các chính sách để thu hút các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn du lịch - khách sạn mạnh trong vùng và quốc tế đầu tư vào Thành phố.
Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch do chưa có chương trình dài hạn,
kinh phí eo hẹp và nhất là sản phẩm du lịch chưa đa dạng nên việc xúc tiến, quảng bá rất lúng túng, mang tính chắp vá, kinh nghiệm ít, tính sáng tạo hầu như chưa có, chưa tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà tư vấn để xây dựng thương hiệu cho ngành và cho từng sản phẩm du lịch đặc thù. Việc xúc tiến, quảng bá mới chỉ dừng lại ở việc quảng cáo thuần túy ở một số địa phương trong nước, chưa vươn ra tầm khu vực và quốc tế, chưa có các chương trình khuyến mại, tháng du lịch mua sắm giảm giá và các chương trình khuyến khích, kích cầu khác. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn nhân lực làm công tác quảng bá, xúc
tiến số lượng ít và hạn chế về nhiều mặt (kinh nghiệm, ngoại ngữ, kỹ năng quản trị và PR,…).
Việc định hướng phát triển các sản phẩm du lịch còn chung chung, mang tính hình thức và chưa thiết thực đối với các doanh nghiệp. Công tác nghiên cứu thị trường du lịch chưa đúng trọng tâm. Chưa có các chương trình hỗ trợ trong việc tìm tòi, tạo ra các sản phẩm du lịch mới. Đặc biệt, chưa có giải pháp để khắc phục tính mùa vụ trong kinh doanh du lịch ở thành phố.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực ngành du lịch chưa được chú trọng trong công tác đào tạo và sử dụng. Các cơ sở đào tạo du lịch chưa có các chương trình sát thực tế, chưa có sự đào tạo theo đơn hàng của doanh nghiệp, học sinh ra trường phải đào tạo lại gây tốn kém cho xã hội. Việc bố trí, sử dụng nhân lực cho du lịch còn nhiều bất cập, chưa có cơ chế để giữ chân và thu hút người tài, cán bộ có năng lực, các thuyết minh viên, hướng dẫn viên tâm đắc với nghề.
Chưa quan tâm, tranh thủ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng Cục Du lịch để tạo cơ chế chính sách về du lịch cho Hải Phòng. Việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các địa phương, các tổ chức du lịch quốc tế còn lỏng lẻo, mang nặng tính hình thức, chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch chủ chốt. Vai trò của Hiệp hội du lịch thành phố chưa làm tốt vai trò quy tụ các doanh nghiệp trong ngành để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, giảm thiểu tính cục bộ thị trường, khắc phục sự phát triển manh mún và tự phát. Các đơn vị quản lý các công trình văn hóa, thể thao, môi trường, giao thông vận tải…chưa tích cực, chủ động tạo điều kiện cho công tác phát triển du lịch. Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch chưa có sự phối kết hợp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, kinh doanh dịch vụ du lịch. Cộng đồng dân cư chưa được tổ chức giáo dục định hướng nâng cao nhận thức về du lịch, môi trường du lịch và các phương pháp phát triển du lịch cộng đồng.
Tóm lại, trong chương 2, tác giả tập trung phân tích, đánh giá thực trạng về phát triển du lịch ở Hải Phòng trong giai đoạn 2001 - 2011, tức là giai đoạn
ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hải Phòng nói riêng có bước phát triển trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt là từ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Qua phân tích, đánh giá thực trạng phát triển du lịch Hải Phòng đã thực sự không ngừng lớn mạnh, dần từng bước đã nâng khả năng hoạt động để thực sự trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. Sự lớn mạnh này, có nhiều nhân tố tác động trực tiếp, gián tiếp, nhưng trong đó nhân tố tác động mạnh mẽ là sự nỗ lực vươn lên, khai thác được nguồn nội lực của địa phương và của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm và loại hình du lịch mới được đưa vào khai thác kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì ngành du lịch Hải Phòng còn bộc lộ nhiều yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế so sánh, chưa thực sự trở thành trung tâm du lịch của cả nước và khu vực. Thiếu chiến lược nuôi dưỡng và phát triển các tài nguyên có ảnh hưởng trực tiếp cho hoạt động và phát triển du lịch một cách hiệu quả; định hướng phát triển du lịch chưa có phân kỳ chọn điểm, lĩnh vực làm đột phá để vươn lên thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Chương 3
PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở HẢI PHÒNG TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ HIỆN NAY