* Các sản phẩm du lịch phát triển trong giai đoạn 2011 - 2020 cần phải đáp ứng được các mục tiêu:
- Góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nhanh, mạnh và bền vững ngành Du lịch nói riêng và nền kinh tế thành phố nói chung.
- Có khả năng góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tác động dây chuyền và có sức lan tỏa đến các lĩnh vực khác như: Văn hóa, Thể thao, Thương mại, Bưu chính viễn thông, Vận tải, Đầu tư...
- Thu hút được nhiều lao động tham gia làm việc và có thu nhập cao
- Sản phẩm du lịch phải hữu ích, có bản sắc văn hóa truyền thống thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách và có giá cả phù hợp với sức mua của nhiều đối tượng khách.
* Các sản phẩm du lịch chủ lực
Tập trung xây dựng Bộ định hướng các sản phẩm du lịch chủ thành phố dựa trên 3 yếu tố: du lịch biển với những tiềm năng mà nước khác không có; những công trình kiến trúc, di sản văn hoá và Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà được UNESCO công nhận; dựa vào văn hoá bản địa. Cụ thể là: (1) Du lịch sinh thái biển kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm (leo núi, lặn biển...); (2) Du lịch lễ hội kết hợp với du lịch khảo cứu văn hóa, du lịch điền dã (làng quê)...; (3) Du lịch Đô thị, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện....), du lịch mua sắm (thời trang, hàng điện tử, mỹ nghệ, đặc sản,…). Phấn đấu xây dựng ít nhất một thương hiệu mạnh cho mỗi loại hình sản phẩm du lịch.
Hỗ trợ xây dựng và phát triển các sản phẩm lưu niệm, các ấn phẩm du lịch và bộ quà tặng du lịch Hải Phòng. Đẩy mạnh hoạt động thiết kế chế tác mẫu và sản xuất hàng lưu niệm du lịch Hải Phòng, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng thể hiện dấu ấn và bản sắc riêng của thành phố Hải Phòng, đạt hiệu quả kinh tế cao và thu hút khách du lịch. Sản phẩm lưu niệm du lịch khác với các sản phẩm mang tính trưng bày phải đáp ứng được các tiêu chí độc đáo, ấn tượng, mang dấu ấn riêng của địa phương, gọn nhẹ và phù hợp về mặt kinh tế. Để thực sự tạo ra được các sản phẩm lưu niệm có giá trị và duy trì một cách
lâu dài cần có sự tham gia, gắn kết của nhiều đơn vị, cá nhân. Đặc biệt phải giải được bài toán về mối quan hệ hợp tác giữa Nhà sản xuất - Người bán (doanh nghiệp du lịch, các ki ốt bán hàng…) - Người tiêu thụ (khách du lịch) thì mới có thể phát triển lâu dài và bền vững.
Tập trung đầu tư nâng cao chất lượng và tính hấp dẫn của các tuyến du lịch đã xây dựng. Trong đó quan tâm tạo điều kiện cho các hãng lữ hành để khôi phục, làm mới, khác biệt hóa tuyến liên vùng Hà Nội - Nội thành Hải Phòng - Cát bà - Hạ Long; Thành phố Hồ Chí Minh (hoặc Đà Nẵng) - Nội thành Hải Phòng - Cát Bà - Hạ Long; Hà Nội - Ninh Bình - Hải Phòng - Hạ Long; Hà Nội - Nội thành Hải Phòng - Hạ Long. Rà soát và hệ thống lại những tiềm năng, lợi thế của quần đảo Cát Bà và đưa ra mô hình phát triển những loại hình, sản phẩm du lịch khác biệt, hấp dẫn có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế; chú trọng nghiên cứu các sản phẩm du lịch cao cấp như khu vực vịnh Lan Hạ, vườn Quốc gia; du lịch khinh khí cầu, tháp truyền hình, các tuyến cáp treo ngắm cảnh Cát Bà... Nghiên cứu mở thêm tuyến du lịch sinh thái biển Hải Phòng - Bạch Long Vĩ; Cát Bà - đảo Long Châu; Đồ Sơn - Cát Bà (đường biển), Đồ Sơn - Tiên Lãng,… để phá thế “đường cụt” của Đồ Sơn, tạo ra những tour, tuyến du lịch liên hoàn, hấp dẫn du khách.
Phối hợp với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước, thực hiện nối tuyến du lịch địa phương với tuyến du lịch quốc gia và quốc tế. Đặc biệt tranh thủ khai thác tốt các thoả thuận hợp tác quốc tế trong khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung”, “Tiểu vùng sông Mê Kông”, “Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ”, các nước Châu Âu và khối Asean. Cụ thể là tuyến đường bộ Hải Phòng - Côn Minh, Hải Phòng - Nam Ninh (Trung Quốc); Hải Phòng - Nghệ An - Lào - Thái Lan. Mở tuyến đường thủy du lịch Hải Phòng đi một số cảng quốc tế trong khu vực.
Ngoài các tour và sản phẩm du lịch truyền thống, nghiên cứu hình thành thêm tour tham quan Cảng Hải Phòng, tham quan cụm di tích chiến thắng Bạch
Đằng (chủ yếu giành cho khách nội địa), trải nghiệm làm muối, mắm tại Cát Bà và Đồ Sơn (dành cho khách quốc tế).
* Xây dựng các điểm nhấn du lịch chính tạo điểm nhấn cho sản phẩm du lịch
+ Đình, đền, chùa: Đình Kênh, Đình Nhân Mục, Đình Kiền Bái…
+ Các cụm di tích lịch sử sông Bạch Đằng, đền Trần Quốc Bảo, Nhà hát Thành phố…
+ Các điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch: Khu phố cũ nội thành Hải Phòng (với các biệt thự, khu nhà xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp), Bảo tàng thành phố, Khu di tích núi Voi, hang Thành ủy; Rừng - đồi - kính thiên văm tại Đồi thiên văn Kiến An; Hồ tập trận thủy quân nhà Mạc…
+ Các sự kiện văn hóa - lễ hội: Lễ hội kỷ niệm ngày mất của danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, lễ hội chọi Trâu, lễ hội nghề cá Cát Bà, lễ hội núi Voi…
* Khôi phục và phát triển các sản phẩm văn hóa dân tộc đặc trưng của Hải Phòng để khai thác du lịch gồm :
+ Rối cạn, rối nước, múa kỳ lân, múa rồng...
+ Các loại hình trò chơi dân gian : pháo đất, vật, thả diều sáo..
+ Chiếu chèo, hát văn, ca trù, nghệ thuật múa dân gian, nhạc dân tộc, hát đúm + Các làng nghề: tạc tượng Đồng Minh (Vĩnh Bảo), đúc đồng Mỹ Đồng (Thủy Nguyên), mây tre đan và cây cảnh nghệ thuật Dư Hàng Kênh...
* Nghiên cứu khắc phục tính thời vụ trong du lịch Hải Phòng với các hướng sau:
+ Tính toán, xác định khả năng kéo dài thời vụ du lịch trên cơ sở phân tích thị trường, điều tra, khảo sát và phương pháp chuyên gia.
+ Nghiên cứu thị trường để xác định số lượng và thành phần của luồng du khách triển vọng ngoài mùa du lịch chính.
+ Hình thành thời vụ du lịch thứ 2 trong năm bằng việc tổ chức các sự kiện, lễ hội, festival,… vào những mùa du lịch thấp điểm. Nghiên cứu hình
thành sản phẩm du lịch nghỉ đông cho các du khách vùng xích đạo (Malyasia, Singapo, Indonesia,…) tại Đồ Sơn, Cát Bà,… Dần dần hình thành các loại hình du lịch - mua sắm đô thị.
+ Nâng cao chất lượng sẵn sàng đón tiếp du khách quanh năm cho cả nước, vùng và khu du lịch.