3.1.2.1. Phương hướng phát triển du lịch
Phát triển du lịch với vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn là hướng tích cực để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hải Phòng, thúc đẩy các ngành khác phát triển, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế.
Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố về điều kiện tự nhiên thuận lợi, về truyền thống lịch sử hào hùng, về văn hóa - xã hội đa dạng, phong phú để đẩy mạnh phát triển du lịch. Quá trình phát triển phải đảm bảo môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và đặc thù văn hóa địa phương, tôn tạo, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa; tăng cường an ninh chính trị, trật tự an toàn xó hội, tạo mụi trường giao tiếp, ứng xử lịch sự, văn minh.
Phát triển du lịch phải là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, tăng cường sự hợp tác trong nước và quốc tế để đẩy mạnh phát triển du lịch và phải bảo đảm tính bền vững. Quyết tâm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, phấn đấu tăng nhanh tỷ trọng GDP du lịch trong tổng GDP của thành phố.
Đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng hiện đại, đồng bộ, tạo điểm nhấn; ưu tiên đầu tư cho các khu du lịch trọng điểm Cát Bà và Đồ Sơn thành khu du lịch tập trung có tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
Phát triển cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa, đảm bảo đạt hiệu quả cao về kinh tế, chính trị và xã hội, lấy phát triển du lịch quốc tế là hướng chiến lược,
3.1.2.2. Mục tiêu phát triển du lịch * Mục tiêu tổng quát
Xây dựng Hải Phòng trở thành một trong những cửa ngõ, điểm đến, trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm phân phối khách của vùng Duyên hải Đông Bắc và khu vực Đồng bằng sông Hồng. Phấn đấu đến năm 2015, du lịch Hải Phòng sẽ vượt qua khó khăn, khắc phục được những mặt tồn tại, chuẩn bị đủ điều kiện để đến năm 2020, du lịch Hải Phòng cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; có sức hấp dẫn mạnh mẽ, có tầm lan tỏa rộng; đưa Hải Phòng là điểm đến đáng khám phá, đáng lưu trú, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, khác biệt, có thương hiệu, mang đậm nét vùng đất, con người Hải Phòng và có tính cạnh tranh cao.
* Mục tiêu cụ thể
- Về kinh tế:
+ Đến năm 2015, có 1 khách sạn 5 sao, có tuyến bay quốc tế đến sân bay Cát Bi, tàu biển chở khách ra vào cảng thuận lợi, thông tuyến khách du lịch đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Cát Bà, Đồ Sơn trở thành khu du lịch Quốc gia; quyết tâm tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 và hoàn thành việc đưa Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới. Tổ chức đón và phục vụ 7.4 triệu lượt khách, tăng bình quân trên 12.67%/năm, trong đó khách du lịch quốc tế là 1.3 triệu lượt, chiếm 17.6%, tăng bình quân 18.95%/năm; tỷ trọng GDP du lịch đạt 7.14% trong tổng GDP của thành phố; doanh thu du lịch đạt 15,000 tỷ, tăng 31.26 %/năm.
+ Đến năm 2020, cơ bản hoàn thành Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Cầu Đình Vũ - Cát Hải, làm cơ sở xây dựng cầu cảng đón tàu thủy du lịch quốc tế đến Hải Phòng; phấn đấu xây dựng 3 - 5 khách sạn 5 sao, 01 Nhà hát quy mô lớn từ 2000 đến 4000 ghế tại khu vực trung tâm thành phố, 02 Nhà hát tổng hợp có quy mô từ 800 đến 1000 ghế tại khu du lịch Cát Bà và Đồ Sơn để tổ chức các
sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ khách du lịch và nhân dân. Tổ chức đón và phục vụ 9 triệu lượt khách, tăng bình quân 8.25%/năm, trong đó khách quốc tế là 2 triệu lượt, chiếm 22.2%, tăng bình quân 13.86%/năm; tỷ trọng GDP du lịch đạt 11.19% trong tổng GDP của thành phố; doanh thu du lịch đạt 45,000 tỷ, tăng 27.87%/năm.
- Về văn hóa - xã hội:
+ Phát triển du lịch nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, di tích lịch sử của thành phố, gắn chặt chẽ văn hoá, lịch sử với phát triển du lịch.
+ Phát triển du lịch nhằm tạo thêm việc làm cho xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo. Phấn đấu đến năm 2015 tạo ra 70,000 việc làm, năm 2020 tạo ra 100,000 việc làm, năm 2030 tạo ra 150,000 việc làm.
+ Phát triển du lịch nhằm góp phần phát triển thể chất, nâng cao dân trí và đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân; tăng cường đoàn kết, hữu nghị, tinh thần tự tôn dân tộc; khai thác và quảng bá những truyền thống văn hóa dân tộc; mọi thành phần xã hội đều có cơ hội bình đẳng thụ hưởng những giá trị tinh hoa thông qua hoạt động du lịch.
- Về môi trường:
+ Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường.
+ Đảm bảo môi trường du lịch là yếu tố hấp dẫn du lịch, đảm bảo chất lượng và giá trị thương hiệu du lịch.