1.2.2.1. Vai trò của phát triển du lịch đối với hội nhập quốc tế
tế thế giới đúng như Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đã đánh giá: “du lịch ngày nay trở thành một hiện tượng quan trọng nhất của đời sống hiện đại”.
Do đặc trưng của hoạt động du lịch nên phát triển du lịch có ý nghĩa trên nhiều phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái... Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế đa chiều, sự phát triển của du lịch cũng thể hiện vai trò của nó trên nhiều phương diện.
Về phương diện kinh tế
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, du lịch trở thành phương tiện, một công cụ quan trọng để mở rộng giao lưu với các nước, góp phần tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa đời sống kinh tế thế giới.
Do tính chất liên ngành, nên du lịch góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác (giao thông vận tải, tài chính, bưu điện, ngân hàng, công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp...) phát triển. Không thể thúc đẩy du lịch phát triển nếu kết cấu hạ tầng của các ngành kinh tế nói trên vẫn ở trình độ thấp. Do đây là những ngành cung cấp các dịch vụ chủ yếu cho hoạt động du lịch. Thông thường tài nguyên du lịch tự nhiên có ở các vùng hẻo lánh, xa xôi, vùng ven biển... Việc khai thác đưa những tài nguyên này vào sử dụng đòi hỏi phải đầu tư về mọi mặt giao thông, kinh tế, văn hoá - xã hội... Tại những vùng này, chính du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến tham quan lưu trú, đã tạo ra những nguồn thu nhập và nhu cầu bức bách để thúc đẩy cải thiện về kết cấu hạ tầng, mở rộng và nâng cấp nơi ăn nghỉ, xây dựng các khu dân cư mới, phát triển nhanh ngành nghề dịch vụ… Do vậy mà việc phát triển du lịch sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội ở những vùng đó, giảm đi sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng trong cả nước, đồng thời cũng góp phần làm giảm đi sự tập trung dân cư ở những trung tâm dân cư.
Nói cách khác, phát triển du lịch sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng sản xuất xã hội. Đó là một trong những điều kiện để đẩy nhanh quá trình
hội nhập kinh tế đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, hệ thống giao thông, các phương tiện, các loại tiêu chuẩn giao thông và mạng lưới thông tin liên lạc đã và đang được quốc tế hóa. Thực tế đã chứng minh, ở các nước du lịch phát triển, thu nhập ngoại tệ từ du lịch chiếm tới 20% hoặc lớn hơn thu nhập ngoại tệ của đất nước. Ngoại tệ thu được từ du lịch quốc tế thường được các nước sử dụng để mua sắm máy móc, thiết bị cần thiết cho quá trình tái sản xuất xã hội, nhất là đối với các nước đang phát triển.
Ngoài ra, du lịch còn mở ra thị trường tiêu thụ hàng hóa đa dạng và rộng lớn cho các ngành kinh tế. Thị trường du lịch hoạt động trong không gian lãnh thổ như thị trường nội địa nhưng lại có khả năng “xuất khẩu tại chỗ” nhiều hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa mang đặc trưng của một dân tộc, phân bố rải rác khắp mọi miền của đất nước như: món ăn dân tộc, hàng thủ công mỹ nghệ... Những hàng hóa này thường có giá trị và giá trị sử dụng không đáng kể đối với thị trường du lịch nội địa, nhưng lại có giá cả cao, lợi nhuận lớn do thỏa mãn được thị hiếu của khách du lịch. Mặt khác, có rất nhiều loại “hàng hóa” phục vụ du khách không thể vận chuyển đi bán ở thị trường thế giới thì lại có thể bán với giá cao, thu lợi nhuận cao tại nước mình như bãi biển đẹp, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, di tích lịch sử, công trình văn hóa nổi tiếng, phong tục tập quán đặc sắc...
Du lịch phát triển sẽ góp phần làm cho nền kinh tế của một quốc gia tham gia rộng rãi vào sự phân công lao động của kinh tế thế giới. Thông qua các chuyến đi du lịch, khách du lịch có thể kết hợp với thăm do khả năng đầu tư, tìm kiếm cơ hội buôn bán, tài trợ hay mở rộng giao tiếp để ký kết hợp đồng kinh tế, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng quan hệ hợp tác sản xuất giữa các ngành kinh tế trong và ngoài nước, gia tăng tích lũy để đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường khả năng cạnh tranh trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế.
Phát triển kinh tế du lịch sẽ thực hiện tốt việc tái phân phối nguồn thu nhập xã hội từ vùng này qua vùng khác, bộ phận dân cư có thu nhập cao sang bộ phận dân cư có thu nhập thấp, mở rộng mối giao lưu giữa các nước đúng như
Tuyên bố du lịch Osaka 1994 đã nhận định: “Du lịch là phương thức hiệu quả nhất cho việc phân phối lại thu nhập giữa các nước và như thế cũng góp phần cho sự nghiệp phát triển cân bằng hơn của nền kinh tế thế giới...”. Nói cách khác, du lịch góp phần đáng kể thúc đẩy nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng.
Biểu hiện cụ thể của nền kinh tế du lịch toàn cầu:
- Sự hình thành của các khối kinh tế khu vực, trong đó du lịch-dịch vụ đóng vai trò quan trọng: EU, khối Bắc Mỹ, ASEAN…
- Sự hình thành của nhiều tổ chức toàn cầu, khu vực, tiểu khu vực, trực thuộc hoặc không trực thuộc liên hợp quốc đang tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp điều tiết hoạt động du lịch thế giới.
- Sự phát triển của các công ty xuyên quốc gia, một dạng ban đầu của tổ chức kinh tế tương lai của nền kinh tế du lịch toàn cầu đang phát triển và chi phối quan hệ kinh tế du lịch quốc tế: các liên minh, hiệp hội lữ hành, khách sạn, hàng không…
Ở Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định thực hiện nhất quán: “Đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Do đó, du lịch chính là cầu nối giao lưu kinh tế có quan hệ chặt chẽ với chính sách mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước. Mở rộng du lịch quốc tế gắn liền với tăng lượng khách phục vụ, trong đó sự đi lại, tìm hiểu thị trường của khách thương nhân được chú trọng. Từ đó du lịch thúc đẩy đầu tư, buôn bán quốc tế… Bản thân hoạt động kinh doanh du lịch phải phát triển theo hướng quốc tế hoá, vì khách du lịch thường được ở nhiều nước trong một chuyến đi du lịch dài ngày. Hình thức liên doanh, liên kết ở phạm vi quốc tế trong kinh doanh du lịch là phương thức kinh doanh đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Hoạt động kinh doanh du lịch với lợi nhuận kinh tế cao, đến lượt nó lại kích thích đầu tư nước
ngoài vào du lịch và tăng cường chính sách mở cửa. Thông qua hoạt động du lịch góp phần thực hiện tốt hơn chính sách mở cửa, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Như vậy, phát triển du lịch là phù hợp với xu thế của thời đại, phù hợp với đường lối phát triển kinh tế của Đảng ta, là điều kiện để khai thác, sử dụng có hiệu quả, tiềm năng tài nguyên quý báu của đất nước, cùng với các nguồn lực khác đưa nước ta phát triển, tạo điều kiện hội nhập quốc tế thuận lợi hơn.
Về phương diện văn hóa - xã hội
Du lịch phát triển ngày càng tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc. Du lịch thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng, là nguồn cổ vũ cho hòa bình thế giới, thông qua du lịch, các nền văn hóa có cơ hội được xích lại gần nhau hơn, các dân tộc có nhiều cơ hội để thông cảm, hiểu biết lẫn nhau và giảm đi thành kiến giữa các dân tộc. “Tuyên bố Amman” tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần thứ nhất về hòa bình thông qua du lịch (tháng 11-2000) đã khẳng định du lịch là ngành công nghiệp hòa bình của thế giới. Theo đó, nền văn hóa hòa bình của nhân loại được xúc tiến và cổ vũ thông qua du lịch bền vững. Sự giao lưu về văn hóa - xã hội này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc làm sâu sắc quá trình hội nhập, thực sự gắn kết các nước với nhau bằng chất keo bền vững hơn cả. Quá trình này giúp các dân tộc ở các quốc gia khác nhau ngày càng gần gũi và chia sẻ với nhau nhiều hơn về các giá trị, phương thức tư duy và hành động; tạo ra sự hài hòa và thống nhất ngày càng cao hơn giữa các chính sách xã hội của các nước thành viên; đồng thời tạo điều kiện để người dân mỗi nước được thụ hưởng tốt hơn các giá trị văn hóa của nhân loại, các phúc lợi xã hội đa dạng; đặc biệt, hình thành và củng cố tình cảm gắn bó thuộc về một cộng đồng chung rộng lớn hơn các quốc gia của riêng mình. Không những thế, phát triển du lịch còn có ý nghĩa trong việc khai thác có hiệu quả và bảo tồn các di sản thiên nhiên thế giới, góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên và xã hội - một
trong những vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các quốc gia.
Du lịch là phương tiện tuyên truyền quảng cáo có hiệu quả cho đất nước chủ nhà về các thành tựu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giới thiệu về con người, phong tục tập quán… mà không phải mất tiền.
Thông qua hoạt động du lịch, nhân dân thế giới, nhất là các doanh nhân sẽ hiểu rõ đất nước Việt Nam đang là nơi đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang trong thời kỳ mở cửa hội nhập, bắt đầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đang cần nguồn đầu tư rất lớn vào nhiều lĩnh vực để phát triển kinh tế. Việc đẩy nhanh nhịp độ phát triển của du lịch một mặt góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nhanh kinh tế dịch vụ, mặt khác, giới thiệu cho nhân dân thế giới hiểu biết sâu sắc hơn về một Việt Nam hòa bình, ổn định, năng động và giàu tiềm năng, một điểm hẹn trong giao lưu văn hóa đặc sắc và đa dạng.
Trong những năm qua, hội nhập Quốc tế của du lịch Việt Nam đã có nhiều thành công góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh ngành du lịch, góp phần tích cực trong quá trình đàm phán của Việt Nam vào WTO.
1.2.2.2. Vai trò của hội nhập quốc tế đối với phát triển du lịch
Khẳng định hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu lớn của thế giới cũng đồng thời chỉ ra con đường phát triển không thể nào khác đối với các nước trong thời đại toàn cầu là tham gia hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế tạo ra những tác động tích cực, những cơ hội mới cho ngành du lịch.
Tác động tích cực
Thứ nhất, quá trình hội nhập giúp mở rộng thị trường để thúc đẩy du lịch, thương mại và các quan hệ kinh tế quốc tế khác, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Ở Việt Nam, ngành du lịch có cơ hội để mở rộng hơn thị trường khách du lịch của mình, đặc biệt là sau khi Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trần Chiến Thắng cho rằng: hội nhập quốc tế giúp chúng ta nhiều cơ hội. Dịch vụ văn hóa, du lịch có cơ hội phát triển tốt vì đây là mảng có điều kiện giao lưu quốc tế mạnh. Cam kết mở cửa thị trường tạo cơ hội lớn cho văn hóa - du lịch bởi chúng ta có tiềm năng khai thác hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh. Việc khôi phục và phát huy các di sản văn hóa, loại hình nghệ thuật, lễ hội cùng những ngành nghề truyền thống cũng được mở rộng. Sự phát triển của du lịch còn mở mang giao lưu giữa các vùng, miền trong nước và với các nước, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ hai, hội nhập cũng tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế,
phát triển du lịch, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của các sản phẩm và doanh nghiệp; đồng thời, làm tăng khả năng thu hút đầu tư vào nền kinh tế. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đặc biệt là xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng về các ngành dịch vụ đã mở ra một cơ hội phát triển thuận lợi cho ngành du lịch đất nước. Sự cạnh tranh trong hội nhập là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch vươn lên tự khẳng định và hoàn thiện mình, phải có ý thức nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.
Thứ ba, hội nhập giúp nâng cao trình độ của nguồn nhân lực và khoa học công nghệ phục vụ phát triển du lịch, nhờ hợp tác giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học với các nước và tiếp thu công nghệ mới thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài và chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến. Ở Việt Nam, hội nhập quốc tế là cơ hội để có thể tiếp cận được với các nước trên thế giới về đào
tạo nguồn nhân lực du lịch có trình độ quốc tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường trong nước và theo kịp trình độ quốc tế về du lịch.
Thứ tư, hội nhập làm tăng cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường quốc tế, nguồn tín dụng phục vụ du lịch và mở rộng các đối tác quốc tế. Qua đó tăng khả năng huy động vốn cho hoạt động du lịch thông qua thị trường và doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ năm, hội nhập tạo cơ hội để các cá nhân người du lịch được thụ hưởng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đa dạng về chủng loại, mẫu mã và chất lượng với giá cạnh tranh; được tiếp cận và giao lưu nhiều hơn với thế giới bên ngoài, từ đó có cơ hội phát triển và tìm kiếm việc làm cả ở trong lẫn ngoài nước.
Thứ sáu,hội nhập giúp bổ sung những giá trị và tiến bộ của văn hóa, văn minh của thế giới, làm giàu văn hóa dân tộc và thúc đẩy hoạt động du lịch và tiến bộ xã hội.
Tác động tiêu cực
Hội nhập quốc tế tạo ra những cơ hội mới cho ngành du lịch nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít bất lợi và thách thức mới.
Thứ nhất, hội nhập làm gia tăng cạnh tranh gay gắt khiến nhiều doanh nghiệp và ngành kinh tế du lịch gặp khó khăn. Đối với Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng, hội nhập sẽ tạo áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp du lịch trong cạnh tranh. Phần lớn doanh nghiệp du lịch của nước ta thuộc loại nhỏ, chất lượng du lịch hạn chế, năng lực quản lý thấp nên để tồn tại trong một sân chơi chung không phải là điều dễ dàng. Đội ngũ nhân lực du lịch còn những bất cập và yếu kém như còn thiếu về kiến thức, tính chuyên nghiệp không cao, giao tiếp