Điều kiện và tài nguyên du lịch tự nhiên

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch ở hải phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế luận văn ths kinh tế 60 31 01 pdf (Trang 47 - 52)

2.1.2.1. Tài nguyên đất

Hải Phòng là một miền đất trẻ, mới hình thành từ vài nghìn năm trước đây, nhưng một phần lãnh thổ cấu thành từ những tầng đất đá cổ xưa, được tích tụ , nổi cao thành lục địa vào hàng triệu năm trước. Cấu trúc địa chất Hải Phòng rất phức tạp, ảnh hưởng phức tạp tới hình thái địa hình. Lịch sử phát triển tự nhiên của Hải Phòng gắn liền với quá trình phát triển vùng duyên hải Đông Bắc. Về địa chất, đây là đới tiếp xúc giữa miền uốn nếp Việt Trung và vùng trũng Hà Nội, đặc điểm kiến tạo, cấu trúc địa chất, lịch sử phát triển và thành phần nham thạch phức tạp. Về địa lý, Hải Phòng nằm ở vị trí tranh chấp sự thống trị của khối khí xích đạo và cực, ở miền chuyển tiếp giữa núi và đồng bằng, giữa lục địa và biển.

Lãnh thổ Hải Phòng nằm ở miền uốn nếp Việt - Trung và thuộc về hai đơn vị cấu trúc nhỏ hơn là phức nếp lồi Quảng Ninh và võng địa hào Hà Nội ở phía tây nam. Ranh giới giữa hai cấu trúc này là đứt gãy sâu Kiến An, gần trùng với trục sông Văn Úc, kéo dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam ra phía biển, vòng sát phía ngoài quần đảo Long Châu.

Trong quá trình phát triển địa chất, một số hiện tượng địa động lực hiện đại ở Hải Phòng chi phối sự hình thành và biến đổi vùng đất ở đây bao gồm:

- Hiện tượng Kaster hóa: là kết quả hòa tan các đá vôi Tràng Kênh và Cát Bà dưới tác động tuần hoàn của nước ngầm và nước bề mặt. Ở đảo đá vôi Cát Bà, quá trình này xảy ra mạnh mẽ, phát triển các dạng kaster tự hở trên bề mặt như vách núi tai mèo, sườn đảo dốc đứng, các dạng hình máng, hình phễu, thung lũng kín, các khe tắc... Dưới đáy biển cũng có các hốc ngầm thuộc dạng kaster chôn vùi bị bùn sét lấp đầy. Tiêu biểu cho các dạng kaster là sự có mặt của các hang động. Do sự lắng tụ từ từ theo kiểu nhỏ giọt của bicacbonat canxi từ phần mái xuống nền hang động mà tạo ra các nhũ đá tô thêm vẻ kỳ thú của các “thạch động” này. Cũng có các hang động ngầm nối với nhau bằng các kênh ngầm hẹp

kèm theo các dòng suối khoáng ngầm ở Cát Bà và có thể cả ở tầng đá vôi nằm sâu khoảng 700m dưới mảnh đất Tiên Lãng.

Các hang động là một trong những nguồn lợi du lịch và phục vụ tiềm năng quốc phòng của Hải Phòng còn chưa được khai thác đúng mức. Vì thế cần phải tiến hành nghiên cứu, phân loại và sớm đi vào sử dụng, đặc biệt ở khu du lịch Cát Bà như hang Đá Hoa, hang Hùng Sơn (Quân Y), hang Trung Trang...

- Hiện tượng xói lở: là nét đặc trưng của một vùng đất ven biển mới hình thành nơi còn chịu tương tác giữa quá trình biển và lục địa. Hiện tượng này đang diễn ra mạnh ở bờ biển Cát Hải, Tiên Lãng và mỏm Đông Nam đảo Đình Vũ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, của các hoạt động du lịch nói riêng.

- Hiện tượng tích tụ trầm tích: hàng năm các sông thuộc hệ thống sông Thái Bình như sông Chanh, sông Bạch Đằng, sông Cấm, Lạch Tray, Văn Úc... chuyển ra biển Hải Phòng gần 4 triệu tấn vật liệu dưới dạng bùn cát lơ lửng và chất hòa tan. Cùng với hàng trăm ngàn mét khối vật liệu do xói lở bờ biển, lượng phù sa này trở thành nguồn vật liệu cơ bản tham gia vào quá trình tích tụ ở bồn nước Hải Phòng. Hiện tượng này là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến điều kiện vận chuyển đường thủy tới cảng Hải Phòng cũng như vùng nước đục ven biển Đồ Sơn ảnh hưởng đến tắm biển ở hòn đảo này.

Địa hình lục địa và hải đảo của Hải Phòng khá phức tạp. Trong đó vùng núi thấp chia cắt mạnh chiếm 10% diện tích thành phố phân bố ở quần đảo Cát Bà, Long Châu và một số đảo khác trong vịnh Lan Hạ. Vùng đồi chia cắt mạnh chiếm khoảng 5% diện tích thành phố. Các dải đồi chủ yếu tập trung ở phía Bắc huyện Thủy Nguyên, trong phạm vi cấu trúc hình thái dương Hạ Long, trùng với vùng phân bố phức nếp lồi Hạ Long trên sơ đồ phân vùng cấu trúc kiến tạo. Vùng đồng bằng bằng phẳng chiếm 85% diện tích thành phố, trải ra các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Đồ Sơn, Anh Dương, phía Nam huyện Thủy Nguyên và nội thành Hải Phòng. Trên bề mặt đồng bằng có một số đồi núi sót

tập trung trong khu vực cấu trúc hình thái dương Kiến An, Đồ Sơn trùng với phân bố phức nếp lồi Kiến An như Núi Voi, Xuân Sơn, Phù Liễn, Kha Lâm, Núi Đối và Đồ Sơn.

Sự phong phú đa dạng về hình thái địa hình Hải Phòng đã tạo ra nhiều cảnh quan địa hình thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch như thể thao núi, tham quan, thắng cảnh, chơi golf...

2.1.2.2. Tài nguyên khí hậu

Hải Phòng nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới Bắc bán cầu, gần chí tuyến Bắc nên khí hậu Hải Phòng mang đặc điểm chung của khí hậu vùng đồng bằng miền Bắc và những đặc điểm riêng của vùng thành phố ven biên có nhiều đảo. Tính chất nhiệt đới của khí hậu Hải Phòng thể hiện có một mùa hạ nóng ẩm mưa nhiều và một mùa đông lạnh ít mưa.

- Mùa hạ nóng kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9: nhiệt độ trung bình đạt trên 25o C. Thời gian này trùng với mùa mưa, có lượng mưa tháng khá ổn định trên 100mm từ tháng 5 đến tháng 10.

- Mùa Đông lạnh kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau với nhiệt độ trung bình đạt dưới 200C. Đây là đặc điểm riêng của khí hậu miền Bắc nói chung và Hải Phòng nói riêng khác với khí hậu nhiệt đới tiêu chuẩn.

Khí hậu Hải Phòng còn chịu sự chi phối trực tiếp của biển. Biển thường xuyên ảnh hưởng trực tiếp tới các vùng trong thành phố theo hai chiều hướng có lợi và bất lợi:

- Ảnh hưởng bất lợi thể hiện rõ nhất ở các thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, dông, lốc và mưa lớn...

- Ảnh hưởng có lợi thể hiện ở khả năng điều hòa khí hậu của biển qua tác động của gió biển - đất.

Như vậy xét về góc độ đặc điểm khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như các điều kiện thời tiết bất lợi thì hoạt động du lịch ở Hải Phòng

sẽ kém thuận lợi hơn vào các tháng từ tháng 10 đến tháng 12 và từ tháng 3 đến tháng 5.

2.1.2.3. Tài nguyên biển

Vùng biển Hải Phòng là một bộ phận thuộc tây bắc vịnh Bắc bộ. Các đặc điểm cấu trúc địa hình đáy biển và đặc điểm hải văn biển Hải Phòng gắn liền với những đặc điểm chung của vịnh Bắc bộ và biển Đông.

Độ sâu của biển Hải Phòng không lớn. Đường đẳng sâu 2m chạy quanh mũi Đồ Sơn rồi hạ xuống 5m ở cách bờ khá xa. ở đáy biển nơi có các cửa sông đổ ra, do sức xâm thực của dòng chảy nên độ sâu lớn hơn. Ra xa ngoài khơi, đáy biển hạ thấp dần theo độ sâu của vịnh Bắc Bộ, chừng 30 - 40 m. Mặt đáy biển Hải Phòng được cấu tạo bằng thành phần mịn, có nhiều lạch sâu vốn là những lòng sông cũ nay dùng làm luồng lạch ra vào hàng ngày của tàu biển.

Hải Phòng có bờ biển dài trên 125 km kể cả bờ biển chung quanh các đảo khơi. Bờ biển có hướng một đường cong lõm của bờ vịnh Bắc Bộ, thấp và khá bằng phẳng, cấu tạo chủ yếu là cát bùn do 5 cửa sông chính đổ ra. Trên đoạn chính giữa bờ biển, mũi Đồ Sơn nhô ra như một bán đảo, đây là điểm mút của dải đồi núi chạy ra từ trong đất liền, có cấu tạo đá cát kết (sa thạch) tuổi Đevon, đỉnh cao nhất đạt 125 m, độ dài nhô ra biển 5 km theo hướng tây bắc - đông nam. Ưu thế về cấu trúc tự nhiên này đã tạo cho Đồ Sơn có một vị trí chiến lược quan trọng trên mặt biển; đồng thời cũng là một thắng cảnh nổi tiếng. Dưới chân những đồi đá cát kết có bãi tắm, có nơi nghỉ mát nên thơ và khu an dưỡng có giá trị. Ngoài khơi thuộc địa phận Hải Phòng có nhiều đảo rải rác trên khắp mặt biển, lớn nhất có đảo Cát Bà, xa nhất là đảo Bạch Long Vĩ. Biển, bờ biển và hải đảo đã tạo nên cảnh quan thiên nhiên đặc sắc của thành phố duyên hải. Đây cũng là một thế mạnh tiềm năng của nền kinh tế địa phương.

2.1.2.5. Đánh giá chung về tài nguyên du lịch tự nhiên

Hải Phòng có có vị trí địa lý là tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng quan trọng cho phát triển du lịch, đó là Hải Phòng có bờ biển và được bao bọc bởi các

con sông, có các cửa sông lớn trực tiếp đổ ra biển và nối với các địa phương trong nội địa của vùng Bắc Bộ. Vị trí địa lý của Hải Phòng ở trung tâm của vùng duyên hải Bắc bộ, cửa ngõ chính ra biển của Hà Nội và của vùng Bắc bộ.

Tài nguyên tự nhiên quan trọng thứ hai là địa hình cảnh quan của Hải Phòng gồm đồng bằng ven biển, đồi núi sót trong đất liền, sông hồ, biển, dải đất ven biển, quần thể đảo đá vôi ven biển, các hang động, tùng áng, địa hình lồi lõm về phía biển.

Tài nguyên sinh vật của Hải Phòng tương đối đa dạng và phong phú, nơi tập trung và có giá trị nhất đối với hoạt động du lịch là vườn quốc gia Cát Bà với 745 loài thực vật bậc cao thuộc 495 chi và 149 họ thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm ở Việt Nam như Lát Hoa (Chukrasia tabularis), Kim Giao (podocarpus fleuryi)... Hệ động vật ở vườn quốc gia Cát Bà cũng rất đa dạng với 20 loài thú, 69 loài chim, 15 loài bò sát, 11 loài ếch nhái, 105 loài cá, 100 loài thân mềm, 69 loài giáp xác. Đặc biệt ở khu vực phía Đông Nam đảo Cát Bà và vùng đảo Bạch Long Vĩ còn có nhiều loài san hô có giá trị phục vụ du lịch. Tháng 12 năm 2004, Cát Bà đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và điều này được xem là một thuận lợi đối với việc khai thác và bảo vệ những tài nguyên du lịch vô giá của Hải Phòng, phục vụ sự phát triển du lịch không chỉ của Hải Phòng mà còn của vùng duyên hải Đông Bắc.

Nguồn nước của Hải Phòng chủ yếu là nước mặt, lấy từ các hồ và dẫn từ Hải Dương đến. Mặc dù hệ thống sông ngòi chằng chịt nhưng nhiều sông bị nhiễm mặn nên sự thiếu hụt nguồn cấp nước tại chỗ là hạn chế đáng kể ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố. Khu vực hải đảo và ven biển có nhiều tiềm năng phát triển nhưng đồng thời lại cũng là khu vực trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, nên đây cũng là thách thức đối với Hải Phòng.

Khí hậu Hải Phòng nhìn chung thuận lợi hơn cho phát triển du lịch so với các vùng khác ở đồng bằng Bắc Bộ bởi mang những nét chung của vùng đồng bằng miền Bắc, đồng thời lại mang nét riêng của thành phố ven biển có nhiều

đảo. Tuy nhiên khí hậu 2 mùa rõ rệt với mùa đông lạnh, đôi khi có sương muối, mùa hè mưa bão gây úng lụt, xói lở... cũng tạo nên sự bất lợi cho hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch biển, du lịch ngoài trời.

Tài nguyên du lịch tự nhiên của Hải Phòng là khá đa dạng và phong phú được hình thành bởi đặc điểm tổng hợp của các yếu tố địa chất - địa hình, khí hậu, thủy hải văn, lớp phủ thực vật và thế giới động vật. Với nguồn tài nguyên này, ở Hải Phòng có khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch như sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng, tham quan, thắng cảnh...

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch ở hải phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế luận văn ths kinh tế 60 31 01 pdf (Trang 47 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)