sản phẩm du lịch
Nhờ nhận thức được các thế mạnh đặc biệt để phát triển du lịch, thời gian qua ngành du lịch Hải phòng đã tập trung khai thác đồng thời cả tài nguyên du lịch tự nhiên để phát triển du lịch sinh thái và tài nguyên nhân văn để phát triển loại hình du lịch văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh việc khai thác tài nguyên phục vụ du lịch là nhiều hoạt động của các ngành kinh tế khác như nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp... dẫn đến tình trạng tài nguyên môi trường bị đe dọa xuống cấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh và hoạt động du lịch trong tương lai.
2.2.2.1. Khai thác tài nguyên du lịch
Mặc dù tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của Hải Phòng rất đa dạng và phong phú nhưng nguồn tài nguyên được khai thác và sử dụng trong phát triển du lịch mới chỉ chiếm 12.9% trên tổng số nguồn tài nguyên hiện có. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch ở Hải Phòng còn mang tính tự phát và thiếu tính đồng bộ, thiếu quy hoạch dẫn đến phát triển tràn lan làm phá vỡ cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường (như ở Đồ Sơn và Cát Bà, khu vực núi đồi của huyện Thủy Nguyên, An Lão). Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư khai thác sử dụng tài nguyên vào những loại hình không phù hợp đã làm ảnh hưởng lớn đến các tài nguyên khác (ví dụ như bãi biển phía Tây Nam khu II Vạn Hương- Đồ Sơn bị san lấp để xây dựng khu làng biệt thự đã ngăn chặn bãi lắng phù sa cửa sông Văn Úc, đẩy lượng phù sa này ra ngoài bãi làm cho bãi tắm Đồ Sơn vốn đã đục lại càng đục hơn).
Tài nguyên nhân văn đã khai thác được một phần đó là một số di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống trò chơi dân gian, phong tục tập quán điển hình là khai các di tích về Lê Chân, Ngô Quyền, Nguyễn Bỉnh Khiêm, một số đình chùa với mức độ còn khá khiêm tốn, lẻ tẻ, rải rác thiếu bài bản, nên không tạo ra được sản phẩm đặc thù.
Việc khai thác tài nguyên nhân văn còn hạn chế, các di tích đang bị xuống cấp nghiêm trọng, một số di tích được trùng tu tôn tạo nhưng lại không đảm bảo được tính chân thật của lịch sử cũng như phong cảnh kiến trúc cổ. Các lễ hội và làng nghề cũng chưa được quan tâm đúng mức. Việc tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng địa phương về du lịch chưa sâu rộng, nhất là nhân dân ở các điểm du lịch. Các tour, tuyến du lịch tổ chức chưa hợp lý, nội dung khai thác đơn điệu cũng là lý do chính hạn chế lượng du khách đến Hải Phòng.
Hải Phòng có tài nguyên thiên nhiên, nhân văn đa dạng, phong phú với vị trí địa lý thuận lợi cho mọi hình thức hoạt động, giao thông mang tính chất đầu mối, cửa ngõ rõ rệt và một nền văn hóa đa diện rất thân thiện của vùng Bắc Bộ là những điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch thành phố. Bên cạnh đó Hải Phòng còn có một trong những thương hiệu truyền thống về du lịch nổi tiếng của Việt Nam, đó là Đồ Sơn. Ngoài việc khai thác phục vụ phát triển du lịch, các tài nguyên di lịch tiếp tục được khám phá, phát hiện tôn tạo hình thành những tuyến điểm, địa danh... hấp dẫn khách di lịch trong nước và quốc tế như: lễ hội chọi Trâu Đồ Sơn, khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, khu di tích lịch sử Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và các khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí, công viên nước Cát Bà... Hải Phòng còn lưu giữ nhiều dấu tích của quá trình dựng và giữ nước, hình thành và phát triển thành phố qua nhiều thời kỳ, các tạo vật quý hiếm của tự nhiên như Voọc đầu trắng và hệ động thực vật phong phú, đặc trưng. Tất cả những điều đó tạo nên một Hải Phòng Du lịch - một trung tâm du lịch không thể thiếu trong chiến lược phát triển quốc gia về du lịch.
Việc khai thác các nguồn tài nguyên phục vụ phát triển của một số ngành kinh tế trọng điểm ở Hải phòng đã và đang ảnh hưởng đến quá trình phát triển của ngành du lịch. Điển hình là ngành vận tải biển gây ô nhiễm nguồn nước (đặc biệt là nước biển do tràn dầu); ngành sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng do khai thác đá sẽ làm mất cảnh quan tự nhiên...
Du lịch phát triển kéo theo các dịch vụ phát triển để đáp ứng kịp thời các nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Trước hết để đáp ứng các nhu cầu tối thiểu về lưu trú và ăn uống cho khách, trong thời gian qua ở Hải Phòng, hàng trăm khách sạn, nhà hàng đã được đầu tư xây dựng, đặc biệt là ở những khu du lịch lớn (Cát Bà, Đồ Sơn...). Việc xây dựng các khách sạn, nhà hàng đồng nghĩa với việc khai thác các quỹ đất, với việc san ủi đất, chặt phá cây xanh... hàng ngàn ha đất đã được san ủi, sử dụng cho mục đích này và ít nhiều đã ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan khu vực. Việc khai thác các đặc sản địa phương phục vụ cho nhu cầu của khách đã làm giảm đáng kể các nguồn thủy sản, lâm sản... Hàng năm có hàng triệu lượt khách tham quan các danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố do vậy sự khai thác quá tải gây áp lực lên tài nguyên - môi trường là không tránh khỏi.
Việc khai thác các nguồn tài nguyên phục vụ cho mục đích phát triển du lịch ở Hải Phòng hiện nay phần lớn đã mang lại những lợi ích to lớn về mọi mặt cho nền kinh tế - xã hội ở các địa phương, mặt khác còn mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên du lịch. Tuy nhiên bên cạnh đó, một số tài nguyên đang bị khai thác quá mức và có nguy cơ bị cạn kiệt và suy thoái. Một trong những giải pháp nhằm hạn chế sự khai thác quá tải này là nhà nước cùng với các địa phương đã và đang xây dựng những quy hoạch phát triển tổng thể cũng như quy hoạch chi tiết các khu du lịch trọng điểm; ngoài ra các địa phương cũng đã đầu tư xây dựng quy hoạch tổng thể và các quy hoạch chi tiết của địa phương mình nhằm xác định giới hạn các khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt, các khu vực cần hạn chế khai thác... Đây thực sự là một giải pháp có hiệu quả cao trong việc quản lý và tổ chức khai thác bền vững các nguồn tài nguyên phục vụ phát triển du lịch.
2.2.2.2. Phát triển loại hình và sản phẩm du lịch
Sản phẩm du lịch của Hải Phòng đã từng bước được đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh. Các địa bàn trong thành phố đã đẩy
mạnh việc khai thác tiềm năng và thế mạnh về tài nguyên du lịch trong đó nổi trội là tài nguyên tự nhiên để xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với loại hình du lịch sinh thái bên cạnh việc bảo tồn và phục hồi các lễ hội truyền thống, tổ chức nhiều hoạt động du lịch văn hóa với nhiều chủ đề độc đáo, hấp dẫn. Nhiều sản phẩm du lịch mới được xây dựng đưa vào khai thác như các tuyến du lịch sinh thái, du lịch văn hóa với chủ đề khảo cứu đồng quê, du lịch trang trại, nhà vườn; một số sản phẩm du lịch có giá trị độc đáo như tuyến du lịch nội thành tham quan các đình chùa nổi tiếng của thành phố như đình Hàng Kênh, chùa Dư Hàng, đền Nghè; tuyến du lịch “du khảo đồng quê” từ Kiến An - An Lão - Vĩnh Bảo - Tiên Lãng... được nghiên cứu phát triển đã tăng sức thu hút khách du lịch, thúc đẩy sự hấp dẫn của du lịch Hải Phòng trong khu vực và trên cả nước.
Những cảnh quan, sản phẩm làng nghề, nghệ thuật văn hóa truyền thống đặc thù của miền quê Vĩnh Bảo đã gây được nhiều ấn tượng đẹp cho du khách, thậm chí cả những du khách du lịch khó tính như Pháp, Anh, Mỹ, Italia... Các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ của Hải Phòng cũng đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu của khách với nhiều chủng loại phong phú, được chế tác từ những nghệ nhân giàu kinh nghiệm của Hải Phòng, tuy nhiên mẫu mã còn hạn chế, chưa có những sản phẩm đặc thù.
2.2.2.3. Tình hình hoạt động của các tuyến du lịch trên địa bàn thành phố
Trên địa bàn thành phố hiện nay có 6 tuyến du lịch: Hải Phòng - Cát Bà, Hải Phòng - Đồ Sơn, Nội thành - Thuỷ Nguyên, tuyến Du khảo đồng quê, tuyến Đồ Sơn - Kiến Thuỵ - Tiên Lãng và tuyến du lịch nội thành. Các tuyến du lịch chủ yếu khai thác 3 loại hình du lịch: sinh thái biển; văn hoá và khảo cứu nông thôn; tham quan thành phố (city tour).
- Tuyến du lịch sinh thái biển (2 tuyến): Tuyến Hải Phòng - Cát Bà có thể đi bằng đường bộ (qua hai phà Đình Vũ - Cát Hải và Bến Gót - Cái Viềng), đường biển đi tầu cao tốc từ Bến Bính, Hải Phòng - Cát Bà hoặc đi theo hình thức liên vận xe ôtô và tầu. Tuyến Hải Phòng - Đồ Sơn đi bằng đường bộ. Đây
là các tuyến du lịch chủ lực, được khai thác mạnh nhất của du lịch Hải Phòng. Số lượt khách du lịch đến Đồ Sơn và Cát Bà ước chiếm 2/3 tổng số lượt khách du lịch tới Hải Phòng.
Tuy nhiên, hai tuyến du lịch này mang tính mùa vụ rõ rệt. Vào mùa du lịch (mùa hè), lượng du khách quốc tế và trong nước đến rất đông, đặc biệt vào những ngày cuối tuần tại Cát Bà và Đồ Sơn, kéo theo các hệ quả là quá tải phòng ở, giá dịch vụ tăng vọt... Nhưng vào mùa đông, số lượng khách đến giảm mạnh, doanh thu giảm sút. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc khắc phục tính kinh doanh mùa vụ, không xây dựng được kế hoạch dài hạn, kéo theo sức hút của đầu tư du lịch giảm.
- Tuyến du lịch văn hoá và khảo cứu nông thôn (3 tuyến): tuyến Du khảo đồng quê, tuyến Đồ Sơn - Kiến Thuỵ - Tiên Lãng, Nội thành - Thuỷ Nguyên.
Các tuyến du lịch này đã được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng và triển khai tua mẫu. Tuyến Du khảo đồng quê được xây dựng từ năm 2000, gồm các điểm tham quan: Đồi thiên văn, Kiến An - Núi Voi, An Lão - Miếu Bảo Hà, Đình Nhân Mục, Khu di tích Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Bảo - Đền Gắm, Khu Suối khoáng nóng, Tiên Lãng.
Tuyến Đồ Sơn - Kiến Thuỵ - Tiên Lãng được xây dựng từ năm 2007, gồm các điểm tham quan: Bến tầu không số, Đồi Vạn Hoa, Đồ Sơn - Chùa Trà Phương, Đền Mõ, Kiến Thuỵ - Đền Gắm, Khu Suối khoáng nóng, Tiên Lãng.
Tuyến Nội thành - Thuỷ Nguyên được xây dựng từ năm 2008, gồm các điểm tham quan tại Thuỷ Nguyên: Làng cau Cao nhân - Đình Kiền Bái - Đền thờ Trạng nguyên Lê Ích Mộc - Khu sông Giá - Khu quần thể danh thắng và di tích Tràng Kênh, Bạch Đằng.
Trong 3 tuyến du lịch này chỉ có tuyến Du khảo đồng quê và tuyến Nội thành - Thuỷ Nguyên là được các công ty lữ hành khai thác và thường xuyên được du khách đến tham quan. Các công ty khai thác hiệu quả hai tuyến du lịch là Công ty TNHH Tân Hồng, TP.Hồ Chí Minh, Công ty OSC Việt Nam và Công
Điểm đến được nhiều du khách thăm quan nhất là Khu di tích Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đã thu hút được nhiều đối tượng khách đến du lịch tâm linh. Năm 2009, khu di tích Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đón được 150,000 lượt khách, và 6tháng đầu năm 2010 đã đón được 149,000 lượt khách. Điểm thăm quan Miếu Bảo Hà, Đồng Minh và điểm Múa rối nước và đình Nhân Hòa hiện nay đang được các khách sạn lớn của Hà Nội và một số công ty lữ hành như Mê Kông, Việt tour, Sài gòn tourist, Bến Thành tourist… khai thác phục vụ cho khách du lịch quốc tế.
- Tuyến Du lịch nội thành (City tour) được triển khai từ năm 2006, gồm các điểm tham quan: Bảo tàng - Nhà hát thành phố - Quán hoa - Tượng đài nữ tướng Lê Chân - Đền Nghè - Chùa Hàng - Đình Kênh: Đây là tuyến du lịch hấp dẫn và đã được các hãng lữ hành của Hải Phòng cũng như các tỉnh, thành phố bạn khai thác, trung bình mỗi ngày có khoảng 60 - 80 du khách (chủ yếu là khách quốc tế của các công ty lữ hành quốc tế của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc khai thác tuyến du lịch này còn nhiều bất cập do một số điểm tham quan còn chưa hấp dẫn nên các hãng lữ hành bỏ điểm tham quan, một số điểm không có kế hoạch mở cửa thường xuyên, không có thuyết minh viên, không đủ chỗ để xe nhất là xe du lịch lớn…
- Kết quả kinh doanh: Theo số liệu thống kê, doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và lưu trú có chiều hướng tăng về giá trị tuyệt đối nhưng chưa rõ rệt. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm có xu hướng giảm, còn 4% vào năm 2009 (do tác động của khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu) và năm 2010 tăng 5%. Doanh thu trung bình trên 1 khách ở mức 340,000đ, tương đối thấp so với mức bình quân chung của cả nước.
Có thể nhận thấy, việc phát triển loại hình, sản phẩm du lịch, các tour và tuyến du lịch đã khai thác được lợi thế tài nguyên du lịch, vị trí địa - kinh tế - chính trị của Hải Phòng. Tuy nhiên, loại hình và sản phẩm du lịch thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển du lịch, chính vì vậy du lịch Hải
Phòng chưa thực sự thu hút khách du lịch quốc tế và thời gian lưu lại của khách chưa đạt mức như một số trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.