thống kết cấu hạ tầng
3.2.2.1. Giải pháp hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch
Hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo sự phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng đạt mục tiêu phát triển du lịch chất lượng cao kết hợp với phát triển loại hình du lịch bình dân; phát triển gắn với bảo tồn di sản, thiên nhiên; kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa bản địa truyền thống đặc trưng của Cát Bà và yếu tố hiện đại cũng như phát triển hài hòa giữa loại hình du lịch cao cấp có mức chi trả cao và đại chúng; ưu tiên các giải pháp khắc phục tình trạng mùa vụ; xử lý rác thải, vệ sinh môi trường; mở rộng phạm vi nghiên cứu khu vực biển, đảo xung quanh Cát Bà; tạo mối liên kết khai thác với vùng biển đảo Long Châu, vịnh Hạ Long, đảo Bạch Long Vỹ, Đồ Sơn, khu bảo tồn thiên nhiên biển, đảo Cát Hải, thậm chí cả Khu tổ hợp Resort sông Giá - Thủy Nguyên; xây dựng quần đảo Cát Bà trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp, có thương hiệu đặc trưng tạo sự khác biệt đối với Việt Nam và thế giới; từng bước phấn đấu xây dựng Cát Bà trở thành khu kinh tế - du lịch phát triển mạnh của thành phố và đất nước.
Tiếp tục tiến hành quy hoạch chi tiết về phát triển du lịch và đầu tư nâng cấp một cách đồng bộ cơ sở hạ tầng du lịch: Hệ thống giao thông, khuôn viên cây xanh, bãi đỗ xe, công trình vui chơi giải trí, công trình thể thao tổng hợp… Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết phát triển du lịch thành phố đến năm 2020 định hướng 2025. Trên cơ sở đó
chú trọng đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng trọng điểm du lịch Đồ Sơn, Cát Bà, nội thành; xây dựng cảng địa phương nội địa và quốc tế chuyên doanh phục vụ du lịch; tiếp tục đầu tư phát triển và nâng cấp hệ thống giao thông thủy tuyến du lịch Hải Phòng - Cát Bà.
Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch du lịch nội thành và các địa bàn, khu có tiềm năng phát triển du lịch: Kiến Thuỵ, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Thủy Nguyên, An Dương... Rà soát lại quy hoạch những vùng khai thác tài nguyên khoáng sản, vùng, địa bàn phải bảo tồn cảnh quan, môi trường sinh thái, nhằm bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch Hải Phòng; tránh tình trạng khai thác tự phát, phá vỡ cảnh quan, môi trường như hiện nay.
Ưu tiên phát triển quy hoạch không gian hệ thống khách sạn và hướng các dự án vào khu vực phát triển đô thị, ưu tiên thu hút các dự án khách sạn hiện đại, đặc biệt là 5 sao trở lên, các dự án khu nghỉ dưỡng (resort) đồng bộ, công viên văn hoá giải trí, các dịch vụ tiện ích khác trên địa bàn thành phố, đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách du lịch.
3.2.2.2. Giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch
Phối hợp trong xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển các ngành liên quan, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện phát triển du lịch. Đảm bảo mạng lưới đường không, đường bộ, đường biển, đường sông để khách du lịch có thể tiếp cận thuận lợi đến mọi điểm, mọi địa bàn có tiềm năng du lịch của thành phố.
Tiếp tục rà soát và tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư và giải ngân vốn ngân sách cho kết cấu hạ tầng du lịch. Triển khai xây dựng bến cảng du lịch đường thuỷ nội địa tại khu vực Bến Bính - Hải Phòng, Hòn Dáu - Đồ Sơn và Bến Bèo - Cát Bà. Phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp sân bay Cát Bi đủ tiêu chuẩn để mở các đường bay quốc tế; mở tuyến du lịch quốc tế bằng đường biển... Quan tâm đầu tư nâng cấp và hoàn thiện một số tuyến giao thông phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn thành phố, đặc biệt quan tâm cho tuyến giao thông ra khu du lịch Cát Bà. Trong đó, cần
thống nhất với Công ty Âu Lạc để sử dụng tốt phà biển Tuần Châu - Cát Bà đưa khách vào Hạ Long và đón khách vào Cát Bà. Đầu tư, nâng cấp Bảo tàng Hải Phòng trở thành một điểm đến hấp dẫn trong tuyến du lịch Nội thành.
Huy động vốn từ nhiều nguồn cho đầu tư phát triển du lịch, đẩy mạnh hợp tác liên doanh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng cho du lịch (bến, cầu tầu du lịch, ga tiếp đón...) và vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch nâng cấp các phương tiện chuyên chở hiện có, đầu tư mới các phương tiện (tàu cao tốc, tàu gỗ, xe ô tô các loại mới, chuyên dùng để chuyên chở khách du lịch).
Đầu tư nâng cấp phát triển hệ thống hạ tầng xã hội về văn hóa, y tế, giáo dục như bảo tàng, nhà hát, cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và cơ sở giáo dục đào tạo... đủ điều kiện, tiện nghi để có thể tham gia phục vụ khách du lịch.
Phát triển hệ thông cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng, hiện đại, tiện nghi, đồng bộ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, bao gồm hệ thống khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thông tin, tư vấn du lịch, cơ sở dịch vụ đặt giữ chỗ, đại lý, hướng dẫn; phương tiện và cơ sở dịch vụ phục vụ vận chuyển khách du lịch ; cơ sở dịch vụ phục vụ tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao, hội nghị và các mục đích khác.