Du lịch Hải Phòng có tốc độ tăng trưởng GDP tương đối cao, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nhưng quy mô còn nhỏ bé, chiếm trên 3% GDP của Thành phố, tăng trưởng chậm và đặt ra những thách thức trong phát triển bền vững ngành du lịch thành phố trong thời gian tới.
Nếu chỉ xét riêng giai đoạn 2006 -2011, Hải Phòng có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của ngành du lịch bình quân đạt 15.74%, luôn đạt tốc độ tăng trưởng đề ra, hàng năm đón trên dưới 4 triệu lượt khách.Tuy nhiên nếu xét về cả giai đoạn 2001 - 2011, tổng lượng khách và thu nhập du lịch có kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của du lịch Hải Phòng, mức tăng trưởng thấp hơn một số địa phương du lịch lớn trong nước. Các tồn tại chính có thể thấy như sau:
Một số chỉ tiêu chưa đạt so với dự báo (lượng khách, thu nhập du lịch, số lượng và chất lượng cơ sở lưu trú, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch...). Công tác
xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư du lịch và xúc tiến quảng bá du lịch chưa thật hiệu quả, chưa thu hút được các nhà đầu tư vào các lĩnh vực Hải Phòng đang cần (thiếu khách sạn cao cấp, khu vui chơi giải trí...). Môi trường kinh doanh du lịch và đầu tư còn nhiều bất cập. Công tác lập quy hoạch phát triển du lịch còn chậm, quản lý quy hoạch còn yếu.
Đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế, chưa có nhiều cơ sở du lịch được đầu tư có quy mô lớn và hiện đại để khơi dậy các tiềm năng phát triển cũng như tạo đà cho phát triển du lịch trong những năm tiếp theo. Việc quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch thiếu đồng bộ và còn nặng về thủ tục hành chính. Việc thẩm định dự án đầu tư, phối kết hợp với các Sở, ngành hữu quan để trình Ủy ban Nhân dân thành phố cấp phép đầu tư còn nhiều bất cập, còn nhiều khâu, thủ tục rườm rà, tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát sau đầu tư và trong quá trình thực hiện dự án còn yếu. Trên địa bàn thời gian qua, thu hút nhiều nhà đầu tư với những dự án phát triển du lịch liên tiếp được cấp phép, tuy nhiên theo đánh giá của các sở, ngành chức năng như Kế hoạch - Đầu tư; Tài nguyên Môi trường, Văn hóa Thể thao và Du lịch, các dự án đầu tư còn manh mún, nhiều dự án chậm hoặc không triển khai. Tại hai trọng điểm du lịch Đồ Sơn và Cát Bà, đầu tư còn manh mún, chắp vá, chưa khai thác tốt lợi thế du lịch sinh thái rừng - biển - đảo, du lịch - văn hóa, chưa hướng mạnh vào mục tiêu trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cảnước, đạt đẳng cấp quốc tế.
Kết cấu hạ tầng du lịch còn yếu kém, thiếu đồng bộ, không đủ điều kiện tổ chức tổ chức các hội nghị, sự kiện lớn và các hoạt động du lịch lớn ở cấp tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; chưa có nhiều cơ sở lưu trú cao cấp, trong đó đặc biệt chưa có khách sạn 5 sao. Còn ít những khu vui chơi giải trí tổng hợp, cao cấp hiện đại, các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động du lịch, vui chơi giải trí còn nghèo nàn và thiếu sức hấp dẫn. Chưa khai thác tốt lợi thế về cửa ngõ đường biển của các tỉnh phía Bắc, hệ thống giao thông đường bộ và cảng hàng không. Một số
tuyến đường dẫn đến khu, điểm du lịch đã xuống cấp nhưng chậm được tu bổ, cải tạo, nâng cấp. Phương tiện vận chuyển khách du lịch còn ít và chất lượng kém; dụng cụ, thiết bị cứu hộ, cứu nạn còn nhiều hạn chế. Đường giao thông dẫn đến một số trung tâm, điểm tham quan du lịch ở khu vực nội thành, tuyến đường Hải Phòng - Đình Vũ, Cát Bà cùng với hệ thống phương tiện vận chuyển qua biển còn bất cập, chưa đầu tư đồng bộ và đúng mức; Sân bay Cát Bi chưa được nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế; chưa có bến tàu du lịch nội địa và quốc tế được đầu tư đồng bộ và hợp chuẩn, tàu khách quốc tế phải cập bến chung với cầu tàu hàng làm ảnh hưởng đến tâm lý cũng như chất lượng phục vụ du khách, do đó rất ít tàu khách quốc tế đến Hải Phòng.
Các hệ thống biển báo, chỉ báo, hướng dẫn, bản đồ, sơ đồ du lịch còn sơ sài, nhiều nơi không có. Chưa có các trung tâm cung cấp thông tin du lịch (kiosk, mạng internet…). Các nội dung giới thiệu danh lam, thắng cảnh chưa đạt yêu cầu, chưa có các thuyết minh viên tại một số điểm đến.
Công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch còn hạn chế. Hệ thống nước thải, xử lý chất thải tại một số khu, điểm du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa chú trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hoá phục vụ phát triển du lịch bền vững.
Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chưa có chiến lược dài hạn và các chương trình hành động cụ thể, chất lượng thấp, hình thức quảng bá chưa phong phú, kinh phí quảng bá biết chưa tạo được chyển biến rõ rệt trong nhận thức và quảng bá hình ảnh du lịch, chưa có bộ nhận diện thương hiệu (brand identity), video clip quảng cáo và ấn phẩm (tờ rơi, bản đồ du lịch, brochure…) còn nghèo nàn.
Công tác nghiên cứu thị trường chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Không có các đợt khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thị trường du lịch Hải Phòng một cách quy mô và chuyên nghiệp, chưa có chiến lược marketing dài hạn. Hàng năm, chưa tổ chức được các đợt khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thị trường
du lịch Hải Phòng một cách quy mô, chưa tham khảo và tranh thủ ý kiến các chuyên gia, tư vấn cả trong và ngoài nước đối với phát triển du lịch thành phố.
Hợp tác trong nước và quốc tế về du lịch còn yếu, chưa chủ động, tích cực và hình ảnh đang mờ nhạt. Kinh phí dành cho quảng bá, xúc tiến du lịch còn thấp. Công tác thông tin, tuyên truyền quảng bá xúc tiến chưa được tổ chức thường xuyên, còn mang tính chất thời vụ; hình thức tuyên truyền, quảng bá còn đơn điệu, thiếu tính chuyên nghiệp; chưa có chiến lược, hệ thống, chất lượng thấp, mới ở phạm vi trong nước và một số địa phương giáp biên với Trung Quốc. Việc xây dựng các chương trình xúc tiến du lịch ở các thị trường nước ngoài rất khó khăn. Nhiều thị trường du lịch ngoài nước và ngay cả trong nước cũng thiếu thông tin và hình ảnh về Hải Phòng. Đến cuối năm 2010 mới xây dựng được trang Website du lịch Hải Phòng. Việc phối hợp giữa các cơ quan thông tin tuyên truyền với các cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch chưa chặt chẽ. Nhận thức của một số cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương; đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch còn rất yếu cả về đầu tư kinh phí, hình thức, nội dung, phương thức tuyên truyền, quảng bá; đôi lúc chỉ coi đó là quảng cáo nên thiếu sự đầu tư chiến lược và phối hợp, hỗ trợ nhau để tạo thành sức mạnh tổng hợp. Liên kết, hợp tác trong quảng bá, xúc tiến du lịch chưa chặt chẽ, thường xuyên; việc hợp tác phát triển du lịch với thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh,… chưa mang lại kết quả tương xứng. Mối liên hệ công tác chuyên ngành giữa Sở với Hiệp hội Du lịch thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngành chức năng liên quan thiếu đồng bộ và chưa có các chương trình tổng thể phát triển du lịch trong dài hạn.
Sản phẩm du lịch đặc thù của Hải Phòng và các dịch vụ bổ trợ còn nghèo nàn, chưa có các thương hiệu mạnh, chậm hình thành các tuyến du lịch mới, chưa có nhiều tuyến du lịch liên thông với các địa phương trong vùng và quốc tế. Việc gắn kết sản phẩm du lịch với văn hóa, du lịch với thể thao, hội nghị, đầu tư kinh doanh...còn yếu, chủ yếu là khai thác thô tài nguyên tự nhiên sẵn có. Không
có các festival tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch như một số địa phương khác. Các sự kiện văn hóa, du lịch được tổ chức hàng năm nhưng hiệu quả không cao, chưa có sự gắn kết, thúc đẩy lẫn nhau. Nhiều lễ hội dân gian trên địa bàn thành phố có tính độc đáo, mang bản sắc văn hóa riêng, có sức hút du khách nhưng chưa được tập trung quảng bá tốt (kể cả lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn).
Công tác đào tạo nhân lực du lịch còn hạn chế. Cơ sở đào tạo nhiều nhưng chất lượng chưa cao; chương trình, nội dung đào tạo chưa phù hợp với du lịch thành phố, đặc biệt là thực hành thực tế và tay nghề còn thấp, ngoại ngữ hạn chế… Công tác đào tạo thiếu tập trung, quy mô nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo và giáo viên chuyên ngành có trình độ và kinh nghiệm tại các cơ sở đào tạo còn thiếu và yếu. Lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, hướng dẫn viên và thuyết minh viên điểm du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu, thiếu về số lượng và yếu về nghiệp vụ chuyên môn, hạn chế về kiến thức và ngoại ngữ.
Mặt khác, một trong trở ngại khiến du lịch Hải Phòng khó hội nhập và phát triển sâu rộng hơn đó là các doanh nghiệp tham gia ngành du lịch quy mô nhỏ bé, phân tán, thiếu sự liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển chủ yếu dựa vào tăng vốn - một bất lợi của hầu hết các doanh nghiệp, chưa đầu tư thích đáng đổi mới công nghệ, tăng cường quản trị doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặc dù đã được định hướng phát triển từ rất sớm nhưng du lịch Hải Phòng chưa có nhiều doanh nghiệp du lịch lớn có thương hiệu tầm khu vực và quốc tế, có ảnh hưởng lan tỏa trong vùng và tác động kéo tích cực đối với phát triển du lịch trên địa bàn (cho đến nay thành phố gần như chưa có doanh nghiệp lữ hành nào thực hiện việc đưa khách quốc tế vào Hải Phòng). Doanh thu hàng năm còn thấp và lợi nhuận đạt được chưa cao. Hoạt động kinh doanh mang tính mùa vụ rõ rệt, hiệu ứng đám đông, còn có hiện tượng chèn ép khách, tự ý nâng giá dịch vụ... vào mùa cao điểm du lịch.
Nhìn chung, đóng góp của ngành Du lịch vào phát triển kinh tế - xã hội thành phố còn khiêm tốn, chưa tạo ra nhiều việc làm cho người lao động và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Du lịch chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế thành phố, chưa có những khâu đột phá trong phát triển và không đạt được chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 09 của Ban Thường vụ Thành uỷ.
Những yếu kém nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là quan trọng.