TRÁN Ở NƯỚC NGOÀI :
Đã có nhiều công trình nghiên cưú về vỡ xoang trán ở nước ngoài được đăng trên các tạp chí. S. Anthony (1987), Rohrich (1992) khuyên nên xóa bỏ xoang trán khi có tắc nghẽn ống mũi trán và sọ hóa xoang trán trong trường hợp vỡ vụn thành sau hoặc có rò dịch não tủy [14], [86], [87]. Cũng trong
năm 1987, tại trung tâm đại học y khoa Kentucky, Luce qua nghiên cứu 78 trường hợp trong vòng 9 năm (1977-1986) đã kết luận rằng: “ Xóa bỏ xoang trán bằng mỡ tự thân hoặc các vật liệu khác không còn là phương pháp điều trị được sử dụng nữa. Xoang trán không cần xoá bỏ nữa. Phương pháp điều trị được ưa chuộng là tái tạo xoang trán và đường dẫn lưu ống mũi trán ngay thì đầu. Ở những bệnh nhân có vỡ xoang trán với diện rộng, phá hủy ống mũi trán, dù thành sau còn nguyên thì cũng nên sọ hóa xoang trán” [62].
Theo Ch Ioanides (1993),(1999) điều trị hợp lý vỡ xoang trán đối với vỡ thành trước là nâng chỉnh, tái tạo chỗ mất chất và đặt ống dẫn lưu xuống mũi trong thời gian 4-6 tuần. Đối với vỡ thành sau thì hoặc là sọ hoá xoang trán hoặc bít tắt ống mũi trán.
Trong phần lớn các trường hợp, mảnh xương vỡ ở thành trước được lột hoàn toàn khỏi cốt mạc, sau đó chỉnh hình và cố định bằng chỉ thép hoặc bản vít. Trong trường hợp có vỡ thành sau hoặc có tổn thương đường dẫn lưu của xoang trán thì phải lấy mảnh xương vỡ ở thành trước ra và ngâm vào nước muối sinh lý. Lúc này mới có thể nhìn rõ ống trán mũi và xử trí thương tổn ở thành sau.
Donald [31] đề nghị nên phẫu thuật ở tất cả các trường hợp có vỡ thành sau, vì các biến chứng thường xảy ra cao nhất trong nhóm có vỡ thành sau [69]. Ông đề nghị lột bỏ niêm mạc thành sau, khoan mài xương thành sau để không sót niêm mạc, nếu xương thành sau bị mất hơn 25 % thì có chỉ định xóa bỏ xoang trán. Tuy nhiên, nếu bít lấp bằng mỡ trong những trường hợp mất xương nhiều thường đưa đến sự tái tạo biểu mô, nhiễm trùng và hình thành u nhầy do mỡ có khả năng tự tiêu. Chỉ nên bít lấp bằng
mỡ trong những trường hợp mất chất xương ít. Bít lấp bằng cốt mạc hoặc bằng xương chậu cũng rất hiệu quả. Nếu mất chất rộng ở thành sau thì tốt nhất là nên sọ hóa xoang trán.
Năm 1999, Stanley [93] nêu quan điểm trong xử trí vỡ xoang trán: “Sọ hóa xoang trán chỉ được áp dụng trong trường hợp tổn thương nhu mô não và tổn thương màng cứng, vì vậy sọ hóa xoang trán là chỉ định đặc biệt. Mặc dù khả năng bị chấn thương lại chỉ là giả thuyết, nhưng sự sọ hóa xoang trán đã lấy đi 1 thành phần có giá trị của khung xương sọ mặt là xoang trán mà vai trò của nó là hấp thu bớt chấn thương”.
Năm 2000, Giovanni Gerbino nêu quan điểm xử trí trong trường hợp có vỡ thành sau : nếu vỡ thành sau thì sọ hoá hoặc bít tắc xoang trán, nếu vỡ ống mũi trán mà thành sau còn nguyên vẹn thì đặt ống dẫn lưu từ xoang trán xuống mũi. Trong các trường hợp phẫu thuật, đường mổ được sử dụng nhiều nhất là đường mổ liên thái dương 77,3 % ; mổ qua vết thương hở ở vùng trán là 16,8% ; mổ qua đường trên cung mày là 5 % ; nội soi là 0,9% (1 trường hợp nhưng tác giả không nêu cụ thể kỹ thuật).
Năm 2003, theo Nicholas Kalavrezos [71] “ khuynh hướng điều trị hiện nay cuả vỡ xoang trán” là mổ hở thăm dò và bít lấp xoang trán trong những trường hợp có vỡ thành trước hoặc có tổn thương ống mũi trán. Trong trường hợp có vỡ thành sau cần thiết phải cách ly mô não với khoảng không xoang trán.
Năm 2004, qua tổng kết 26 trường hợp vỡ xoang trán, Mario Francissco [67] ưa thích sử dụng đường mổ liên thái dương, ngoại trừ những trường hợp có vết rách da rộng ở trán thì dùng vết thương làm đường vào.
Trong khi mổ nếu thử nghiệm xanh mêtylen âm tính trên bàn mổ thì nên đặt ống nong mũi trán.
Trong tạp chí “Archives of Otolaryngology Head and Neck Surgery” 6/ 2005, Donald khuyên “nên chỉnh hình và tái lập sự thông khí trong xoang hoặc sọ hóa xoang trán trong trường hợp vỡ nặng ở thành sau. Xóa bỏ xoang trán rất ít khi được chỉ định” [30]. Cũng đồng quan điểm với Donald, theo William E.Davis: “Trước đây khi vỡ thành trước xoang trán có tổn thương lỗ thông xoang trán, thì đòi hỏi phải làm vạt chỉnh hình xương và xóa bỏ xoang trán, nhưng ngày nay có thể chọn lựa cách chỉnh hình để nâng các mảnh xương vỡ sập sau đó theo dõi bằng CT và làm phẫu thuật nội soi về sau nếu cần. Phẫu thuật xóa bỏ xoang trán càng có khuynh hướng không được sử dụng nữa” [106].