Trong lịch sử, phẫu thuật chỉnh hình trong điều trị vỡ thành trước xoang trán riêng lẻ đòi hỏi phải bộc lộ ổ gãy bằng đường rạch theo cung mày 1 bên (Jacques), hoặc 2 bên (Sebileau Lothrop) còn gọi là đường mổ hình cánh bướm hoặc đường rạch liên thái dương hình vòng cung, sau đó nâng chỉnh và cố định cứng. Bản thân Luce [62] không khuyên dùng đường cánh bướm do đường mổ này cắt bó mạch thần kinh trên ổ mắt 2 bên và để lại sẹo xấu.
Robert Shiba đề nghị chọn lựa đường rạch da tùy thuộc các yếu tố như: vị trí đường chân tóc và chiều cao xoang trán. Theo Donald, đường rạch da theo cung mày hoặc theo hình cánh bướm chỉ nên sử dụng ở những bệnh nhân có xoang trán rất thấp. Còn đa số trường hợp thì nên dùng đường liên thái dương. Tuy nhiên, nên tránh sử dụng đường liên thái dương ở những bệnh nhân hói đầu và những bệnh nhân có đường chân tóc lùi ra sau.
Đường mổ liên thái dương lần đầu tiên được mô tả bởi Hartley và Kenyon năm 1907. Hai mươi năm sau, Sachs khuyên nên sử dụng đường mổ này để bộc lộ thùy trán cả 2 bên. Từ đó đến nay, gần 1 thế kỷ, các nhà phẫu thuật thần kinh đã sử dụng đường mổ liên thái dương để vào phần sọ não phiá trước, giải quyết được nhiều bệnh ngoại thần kinh khác nhau [99]. Tuy vậy, mãi đến năm 1970, khi Tessier và sau đó là Henderson, Jackson đã báo cáo đây là đường mổ có nhiều thuận lợi trong phẫu thuật chỉnh hình để điều trị gãy Lefort II, Lefort III, từ đó đường mổ liên thái dương mới được ứng dụng rộng rãi trong phẫu thuật hàm mặt, và các phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Khi sử dụng đường mổ này, chúng ta có thể bộc lộâ rõ phần
giữa mặt, phần trên và phần bên của khung xương sọ mặt, vết mổ thường liền tốt và che dấu phần nào sẹo mổ ở trong chân tóc [55].
Đường rạch liên thái dương kinh điển bắt đầu ở rễ gờ luân tai và đi hình vòng cung lên tới đỉnh sọ sau đó tới rễ gờ luân tai bên đối diện. Đường rạch này có thể mở rộng về phía dưới như 1 đường rạch ở trước tai ngang mức bình tai hoặc xa hơn để bộc lộ nhiều hơn. Đến đây, phẫu thuật viên có thể rạch gập góc ra trước hoặc ra sau đỉnh sọ tùy theo yêu cầu cần bộc lộ. Bất lợi sau mổ bao gồm sẹo mổ lớn, và khả năng mất tóc ở đường sẹo. Đường liên thái dương thẳng kinh điển có thể để lại sẹo thẳng nhìn thấy được khi tóc mọc ra khỏi đường rạch hoặc khi tóc ướt [51].
Để làm nhẹ bớt vấn đề này, Monro và Fearon năm 1994, Fisher năm 1995 đã giới thiệu 1 phương pháp cải tiến gọi là « che dấu đường rạch ». Đường rạch được che dấu này là đường rạch hình « zigzag » giúp cho việc che bớt mất tóc do đường rạch hình vòng cung. Bất lợi của phương pháp này là làm cho đường mổ dài hơn, mất nhiều thời gian khi tạo đường rạch này cũng như khi đóng lại. Đường rạch dài hơn như thế cũng làm mất máu nhiều hơn. Thêm vào đó việc đặt đường rạch da sao cho đối xứng cũng không phải dễ.
Nhiều tác giả khuyên dùng đường rạch mở rộng tới vùng trước tai để cải thiện đường vào và bộc lộ khung sọ mặt. Tuy nhiên đường rạch trước tai có khả năng để lại sẹo có thể được nhìn thấy. Hơn nữa, các biến chứng của đường mổ liên thái dương như rụng tóc, giảm cảm giác và giảm vận động, tóp lõm vùng thái dương do teo cơ cũng đã được báo cáo với tỷ lệ cao, cũng như dị cảm và liệt dây thần kinh mặt, đặc biệt là liệt nhánh trán của dây VII [55].