VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
Cho thuê lại lao động là hiện tượng phát sinh từ nhu cầu thực tế trong hoạt động lao động và hoạt động này đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng thực sự mới được đề cập đến ở Việt Nam từ đầu những năm 2000 khi mà làn sóng đầu tư nước ngoài ào ạt đổ vào Việt Nam bằng những thực trạng mà thiếu sự điều chỉnh của pháp luật.
Trước khi Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực (từ 01/5/2013), có một số ngành nghề được pháp luật cho phép hoạt động mang bóng dáng của quan hệ “cho thuê lại lao động” như dịch vụ bảo vệ, dịch vụ thuê người giúp việc trong gia đình, phục vụ quán ăn, công nhân bốc xếp … nhưng lại được nhìn nhận dưới góc độ quan hệ pháp luật dân sự chứ không phải quan hệ pháp luật lao động.
Trước đây, khi doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động mới hình thành và xuất hiện thì doanh nghiệp cho thuê lại lao động và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực cấp phép đăng ký doanh nghiệp đã vận dụng điều 18 của Bộ luật Lao động năm 1993 và các luật sửa đổi bổ sung sau này (năm 2002, 2006, 2007) để hoạt động và cho phép hoạt động cho thuê lại lao động nhưng lại coi đây là hoạt động dịch vụ việc làm. Trong quan hệ giữa các bên cũng xuất hiện ba chủ thể là người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức dịch vụ việc làm, nhưng quan hệ giữa họ về bản chất chỉ là quan hệ pháp luật dân sự phát sinh thông qua hợp đồng hoặc thỏa thuận dân sự và nó là quan hệ pháp luật dân sự liên quan tới quan hệ pháp luật lao động, chứ không hề tồn tại quan hệ pháp luật lao động giữa các chủ thể tham gia quan hệ dịch vụ việc làm. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật lao động lại có sự thừa nhận và cho phép doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động (cung ứng lao động). Vấn đề này được quy định tại Nghị định 85/1998/NĐ-CP ngày 20/10/1998 về tuyển chọn, sử dụng và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, Bộ ngoại giao, Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thành lập hoặc chỉ định tổ chức cung ứng lao động cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Trong khi đó, cho thuê lao động lại được coi là một hoạt động bị cấm nếu theo quy định tại Nghị định số 14/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/4/2001 quy định về quản lý, kinh doanh dịch vụ bảo vệ và Thông tư số 07/2001/TT-BCA của Bộ Công an.
Như vậy, có thể thấy khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động cho thuê lại lao động tại Việt Nam còn chưa rõ ràng, hầu như còn bỏ ngỏ và nếu có thì còn chứa đựng nhiều mâu thuẫn, điều đó đã làm cho quyền lợi của người lao động được cho thuê không đảm bảo và xuất hiện nhiều bất cập liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cả doanh nghiệp cho thuê lao động và doanh nghiệp thuê lại lao động..
Đứng trước thực tiễn đó, nhu cầu cần phải có các quy định pháp luật điều chỉnh mối quan hệ xã hội trong quan hệ cho thuê lại lao động ở Việt Nam là hết sức cần thiết. Đến nay, Bộ luật Lao động năm 2012 đã chính thức được ban hành và có hiệu lực từ 01/5/2013, đã chính thức ghi nhận và quy định một khung pháp lý cho hoạt động cho thuê lại lao động tại mục 5, chương III, từ Điều 53 đến Điều 58 và ngày 22/5/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2013/NĐ-CP để hướng dẫn thi hành. Từ đây, hoạt động cho thuê lại lao động đã chính thức được luật hóa và mọi hoạt động liên quan đến hoạt động này phải tuân thủ và thực hiện trong phạm vi pháp luật cho phép, đồng thời đây cũng là cơ chế để cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp và xử lý các vi phạm pháp luật phát sinh trong hoạt động cho thuê lại lao động.
Tại khoản 1 Điều 53 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định khái niệm về cho thuê lại lao động, đó là: “ Cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động.”
Cũng theo khoản 2 Điều 53 Bộ luật Lao động này thì : “ hoạt động cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện đối với một số công việc nhất định”.
Như vậy, có thể thấy rằng đây là một khái niệm mang tính pháp lý mới tại Việt Nam, lần đầu tiên được Bộ luật Lao động mới giới thiệu, nhưng lại quen thuộc đối với người sử dụng lao động đến từ các quốc gia khác, vốn quen thuộc với việc thuê người lao động tạm thời thông qua doanh nghiệp cho thuê lao động để đáp ứng nhu cầu do thiếu hụt lao động ngắn hạn. Đồng thời, đây cũng là hoạt động kinh doanh có điều kiện và chỉ áp dụng cho một số loại hình lao động. Còn đối với các doanh nghiệp thì đây có thể là phương án rất hữu dụng nhằm đáp ứng nhu cầu do thiếu hụt lao động ngắn hạn mà không cần phải chịu trách nhiệm như khi trực tiếp tuyển dụng người lao động đó. Ngoài ra việc cho thuê lại lao động này còn cho phép các doanh nghiệp sử dụng nhân viên với kỹ năng đặc biệt mà không cần phải tốn kém chi phí và trách nhiệm tuyển dụng lao động.