Luật cho thuê lao động của Đức được ban hành vào năm 1972 ( Employee Hiring Law of 1972). Luật đã cụ thể hóa những tiền đề về cấp phép, các quy định cụ thể đối với quan hệ việc làm và an sinh. Luật cũng bao gồm các ngoại lệ cho các tình huống thuê mướn lao động. Thuê lao động ở Đức nhìn chung bị hạn chế, và từ năm 2004 trở đi thì không còn hạn chế cho hoạt động cho thuê lao động nhưng các nguyên tắc cơ bản thì vẫn không thay đổi.
Luật đã trải qua rất nhiều sửa đổi. Năm 1991 thông qua quy định cấm thuê lao động trong ngành xây dựng. Năm 1993 mở rộng thời gian cho thuê lao động từ 3 tháng lên 6 tháng. Năm 1997 thì thời gian cho thuê lao động lại được tăng lên đến 12 tháng. Năm 2001 lại tăng lên mức 24 tháng cùng với một điều khoản mới, theo đó nếu một người lao động làm việc theo hợp đồng cho thuê trên 24 tháng thì phải được bên sử dụng lao động trả với mức lương và phúc lợi xã hội tương đương như các lao động thường xuyên tại doanh nghiệp. Đến năm 2003 luật về cho thuê lao động lại tiếp tục được sửa đổi, việc cấm cho thuê lao động trong ngành xây dựng tiếp tục được dỡ bỏ.Từ năm 2004 thì các hạn chế về thời gian đã bị xóa bỏ, và tiền công của người lao động sẽ được thực hiện trên cơ sở thỏa ước lao động tập thể đang có hiệu lực, trong đó có nguyên tắc “bình đẳng về trả công”.
Một số vấn đề cơ bản được luật quy định như: Hợp đồng lao động giữa người lao động và doanh nghiệp thuê lao động có thể không xác định thời hạn, quy định về tiền lương, vấn đề bảo hiểm hoặc những quy định về việc xử lý hợp đồng giả và hậu quả pháp lý của hợp đồng giả …
Nói chung, Luật đã cố gắng giải quyết mối quan hệ ba bên giữa bên cho thuê lao động, người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động.