Hoạt động cho thuê lại lao động ở Nhật phát triển khá mạnh mẽ, tuy nhiên mức lương của lao động cho thuê lại rất thấp, chủ yếu là làm các công việc giản đơn.
Năm 1985 luật số 88 được ban hành, và theo văn bản này thì hoạt động cho thuê lao động được cho phép ở 13 ngành nghề. Đến năm 1986 thì Luật được sửa đổi bổ sung, cho phép thêm 13 ngành nghề nữa, nâng tổng các ngành nghề được cho phép lên đến 26. Nhưng đến năm 1999 luật tiếp tục được sửa đổi, theo đó cho phép nhận lao động cho thuê ở tất cả các ngành nghề, trừ một số ngành đặc thù, và thời gian cho thuê lao động là 3 năm đối với 26 ngành nghề cũ đã cho phép đó, còn các ngành nghề còn lại thì thời hạn là 01 năm. Đến năm 2004 Luật lại được sửa đổi và ngành nghề chế tạo vốn bị cấm trước đó thì nay được phép cho thuê lao động.
Tuy nhiên, ở Nhật Bản không dùng thuật ngữ “cho thuê lao động” mà dùng thuật ngữ “phái cử lao động” mang ý nghĩa tương tự. Hoạt động phái cử lao động của Nhật Bản được chia làm 2 loại là: hoạt động kinh doanh phái cử lao động chung (loại hình này phải xin cấp phép hoạt động) và hoạt động kinh doanh phái cử lao động đặc thù (loại hình này chỉ cần thông báo đăng ký hoạt động).
Một số quy định cơ bản trong Luật số 88 quy định về hoạt động cho thuê lao động là:
Phạm vi công việc được hoạt động cho thuê lao động (Điều 4 Luật số 88); các quy định liên quan đến giấy phép (Điều 5 - 15); Cho thuê lao động đặc thù (Điều 16); về nội dung cơ bản trong hợp đồng cho thuê lao động hoặc thỏa thuận cung cấp dịch vụ phái cử lao động, các vấn đề an toàn và vệ sinh lao động, giải quyết khiếu nại … (Điều 26 ); Các biện pháp mà người điều hành công việc phái cử phải thực hiện như đảm bảo công việc phù hợp cho người lao động, phải trao đổi thông tin với người lao động về những vấn đề liên quan để người lao động biết rõ, thông báo với khách hàng,…. (Điều 32 – 35); Vấn đề xử phạt những chủ thể không thực hiện đúng các yêu cầu theo luật (Điều 55 – 62).
Nhìn chung, pháp luật phái cử lao động của Nhật Bản đã được sửa đổi bổ sung theo từng giai đoạn để phù hợp với thực tế và các quy định của Luật thì ngày càng chặt chẽ hơn để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động, đồng thời cũng tạo được điều kiện để các chủ thể tham gia vào hoạt động kinh doanh lao động phái cử có được những lợi ích nhất định, hài hòa với lợi ích của xã hội và tạo điều kiện để hoạt động phái cử này ở Nhật phát triển mạnh mẽ.