- Mười hai, các quy định pháp luật hiện nay về cho thuê lại lao động cũng chưa bảo đảm được tiêu chí về kỹ thuật lập pháp.
2.3. Một số kiến nghị bổ sung, cụ thể hóa và bảo đảm thực hiện pháp luật cho thuê lại lao động ở Việt Nam
luật cho thuê lại lao động ở Việt Nam
Cho thuê lại lao động đã tồn tại ở Việt Nam nhiều năm qua và đến nay khi Bộ luật Lao động năm 2012 được ban hành thì hình thức lao động này mới chính thức được pháp luật thừa nhận. Ngày 22/5/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lao động. Đây là một bước đổi mới đáng kể trong lịch sử lập pháp, đã tạo ra được hành lang pháp lý cho hoạt động cho thuê lại lao động. Tuy nhiên, có thể thấy pháp luật cho thuê lại lao động ở Việt Nam còn rất mới mẻ, các quy định của pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật cho thuê lại lao động tuy mới được ghi nhận và ban hành nhưng thực tế áp dụng thì đã gặp rất nhiều bất cập và chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, dẫn đến hiệu quả điều chỉnh của pháp luật về cho thuê lại lao động không cao. Các quy định pháp luật về cho thuê lại lao động chưa bảo đảm được nguyên tắc bảo vệ người lao động và chưa hài hòa lợi ích được giữa các chủ thể tham gia mối quan hệ này và xã hội, chưa làm cho thị trường lao động phát triển lành mạnh và cũng chưa nâng cao được hiệu quả quản lý của nhà nước với tư cách là chủ thể quản lý và giám sát hoạt động cho thuê lại lao động.
Để nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật cho thuê lao động hiện nay ở Việt Nam, cần phải đưa ra các định hướng sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa các quy định của pháp luật cũng như các biện pháp để bảo đảm thực hiện pháp luật cho thuê lại lao động ở Việt Nam như sau:
* Một số kiến nghị về bổ sung, cụ thể hóa quy định của pháp luật về cho thuê lại lao động ở Việt Nam.
Khi ban hành đạo luật riêng hoặc sửa đổi, bổ sung thì cần phải căn cứ vào các quan điểm, nguyên tắc chung của pháp luật lao động nói chung và pháp luật cho thuê lại lao động nói riêng, đó là: Phải bảo vệ người lao động, quyền và lợi ích chính đáng của người cho thuê lao động, người thuê lại lao động; Phải hài hòa lợi ích của người lao động, người cho thuê lao động, người thuê lại lao động và xã hội; Phải căn cứ vào thực tiễn của Việt Nam, đồng thời lựa chọn, tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia có hoạt động cho thuê lại lao động phát triển, nhằm xây dựng một hệ thống các quy phạm pháp luật cho thuê lại lao động phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội trong thời kỳ hội nhập sâu vào đời sống kinh tế quốc tế của nước ta. Từ đó, đưa ra những định hướng và các giải pháp cơ bản cho hoạt động bổ sung, cụ thể hóa các quy định pháp luật về cho thuê lại lao động ở nước ta.
- Những định hướng cho việc bổ sung, cụ thể hóa các quy định pháp luật về cho thuê lại lao động ở nước ta, đó là:
+ Cần phải bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam;
+ Cần phải tách các quy định về cho thuê lại lao động trong Bộ luật Lao động năm 2012 thành một đạo luật riêng để hoạt động cho thuê lại lao động đi vào thực tiễn một cách có hiệu quả;
+ Cần quy định rõ ràng mối quan hệ giữa các đạo luật khác nhau như: Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp, Luật Công Đoàn và các đạo luật về thuế, …. tránh sự chồng chéo giữa các điều luật và các Bộ luật;
+ Cần tôn trọng sự thỏa thuận của các bên khi tham gia quan hệ pháp luật cho thuê lại lao động dựa trên nguyên tắc chung của Bộ luật Lao động năm 2012 và các đạo luật khác có liên quan;
+ Nhà nước phải có các chính sách pháp luật để điều tiết và định hướng, đảm bảo sự bình đẳng, thuận lợi và hài hòa lợi ích cho các chủ thể tham gia quan hệ này.
- Những giải pháp cho việc bổ sung, cụ thể hóa các quy định pháp luật về cho thuê lại lao động ở nước ta, đó là:
+ Cần quy định thống nhất, cụ thể các loại hợp đồng liên quan đến hoạt động cho thuê lại lao động. Riêng hợp đồng cho thuê lao động ký giữa doanh nghiệp cho thuê lao động và doanh nghiệp thuê lại lao động không chỉ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động mà còn chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự và Luật thương mại;
+ Cần quy định rõ ràng mối quan hệ giữa các đạo luật khác nhau như: Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật dân sự và các đạo luật về thuế, …. tránh sự chồng chéo giữa các điều luật, các đạo luật với các điều luật trong Bộ luật Lao động, ví dụ như: Luật Công đoàn, các quy định chung ở phần đầu trong Bộ luật lao động năm 2012 với các quy định về cho thuê lại lao động;
+ Quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lao động và doanh nghiệp thuê lại lao động. Trong đó, cần quy định trách nhiệm chính và trách nhiệm đến cùng đối với người lao động thuộc về doanh nghiệp cho thuê lao động. Doanh nghiệp thuê lại lao động có trách nhiệm trong việc bảo đảm các quyền lợi phát sinh từ hoạt động làm lợi của người lao động cho họ như: tiền thưởng và các phúc lợi xã hội khác… Quyền và nghĩa vụ của các bên đối với người lao động phải được thỏa thuận rõ trong hợp đồng lao động bằng văn bản, cũng như cần phải quy định rõ trong hợp đồng về các nghĩa vụ liên đới giữa bên cho thuê lao động và bên thuê lại lao động khi có sự vi phạm của các bên, quy định về trách nhiệm liên đới của các bên trong trường hợp phát sinh tai nạn lao động đối với người lao động;
+ Quy định trách nhiệm của các chủ thể khác: Người lao động, nhà nước, các tổ chức đoàn thể đặc biệt là các tổ chức đại diện cho giới sử dụng lao động, tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động trong quá trình các doanh nghiệp này thực hiện các quyền được pháp luật thừa nhận;
+ Mở rộng chủ thể được phép kinh doanh hoạt động cho thuê lại lao động, đồng thời mở rộng các ngành nghề được phép cho thuê lại lao động, nhất là các nghành nghề lao động phổ thông;
+ Không hạn chế thời hạn hoạt động của người cho thuê lại lao động, mở rộng các quy định về thu hồi giấy phép như: quy định các hành vi vi phạm sẽ không được gia hạn, cấp lại và bị thu hồi giấy phép;
+ Nên kéo dài thời gian thuê người lao động lên thời hạn 02 – 03 năm đối với các công việc đặc thù mà nếu thay thế người lao động sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện công việc của doanh nghiệp, chẳng hạn như: công việc quản lý, thực hiện gói thầu xây lắp, công việc xử lý các vấn đề tài chính, thuế, hay vận hành, sửa chữa máy móc, …, đồng thời nhằm giúp người lao động được ổn định và bền vững hơn trong công việc;
+ Nên quy định vốn pháp định căn cứ theo quy mô, số lượng người lao động cho thuê được người cho thuê lại lao động dự kiến tuyển dụng, căn cứ vào quỹ luơng, …. để quy định số tiền phải ký quỹ, chứ không nên bắt tất cả các doanh nghiệp đều phải ký quỹ 2 tỉ đồng như hiện nay;
+ Không quy định về điều kiện của người đứng đầu doanh nghiệp là phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ 03 năm trở lên, vì như vậy là không khả thi trong điều kiện pháp luật Việt Nam vừa mới ghi nhận hoạt động này;
+ Quy định các cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, đối với người cho thuê lao động và người thuê lại lao động, chứ không chỉ là các chế tài xử phạt hành chính như hiện nay, đồng thời các chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về cho thuê lại lao động cần phải nghiêm khắc hơn kết hợp cùng các biện pháp dân sự để xử lý các vi phạm pháp luật về cho thuê lại lao động, các biện pháp bảo đảm của nhà nước đối với hoạt động cho thuê lại lao động, để nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, tránh những rủi ro có thể xảy ra cho người lao động;
+ Quy định cơ chế để bảo đảm được quyền lợi chính đáng cho người lao động và phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra đối với người lao động;
+ Quy định cơ chế để bảo đảm thực hiện được tính công khai, minh bạch, rõ ràng và cân đối về mặt thông tin giữa các chủ thể tham gia quan hệ này, nhằm hạn chế những rủi ro không đáng có cho người lao động;
+ Quy định về cơ chế để bảo đảm ổn định và bền vững công việc cho người lao động;
+ Quy định về tiêu chí để đảm bảo kỹ thuật lập pháp trong pháp luật cho thuê lại lao động;
+ Cần phải ban hành Thông tư để mở rộng hơn nữa phạm vi hướng dẫn và giải thích các quy định về pháp luật cho thuê lại lao động trong luật để cơ quan hành pháp chủ động giải quyết các tình huống có thực phát sinh, đảm bảo hiệu quả điều chỉnh của pháp luật và các nguyên tắc của pháp luật cho thuê lại lao động;
+ Nên ban hành một mẫu để áp dụng chung về những nội dung cơ bản trong hợp đồng lao động và hợp đồng cho thuê lại lao động trong hoạt động cho thuê lại lao động, trên cơ sở tôn trọng sự tự do thỏa thuận của các bên nhưng không được trái với quy định của pháp luật, đồng thời phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật trong điều chỉnh quan hệ pháp luật về cho thuê lao động hiện nay;
+ Nên ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động cho thuê lại lao động ở Việt Nam, trong đó sẽ dự liệu các tình huống pháp lý cụ thể và đưa ra các quy định điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của quốc gia;
+ Cần quy định rõ thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động phát sinh, nhất là tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các thỏa thuận về quyền, lợi ích của người lao động giữa hai bên chủ thể cho thuê và đi thuê lại lao động.
* Một số kiến nghị về các biện pháp bảo đảm thực hiện pháp luật cho thuê lại lao động ở Việt Nam.
- Cần thiết lập cơ quan chuyên môn quản lý hoạt động cho thuê lại lao động thuộc Bộ lao động – Thương binh và xã hội và địa phương cấp tỉnh, chịu trách nhiệm ban hành các tài liệu hướng dẫn, giải thích các quy định của pháp luật. Ngoài cơ quan quản lý Nhà nước về lao động nói chung, tốt nhất nên thành lập một cơ quan quản lý hoạt động cho thuê lại lao động, cơ quan này nên được xác lập độc lập và chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động cho thuê lao động. Nhiệm vụ của các cơ quan này không chỉ là nắm bắt tình tình thực hiện pháp luật cho thuê lại lao động mà còn phải thường xuyên tổng kết đánh giá hoạt động cho thuê lại lao động, tổ
chức nghiên cứu và tư vấn cho Nhà nước nhanh chóng có những điều chỉnh kịp thời để làm cho luật pháp về cho thuê lao động ngày càng gắn với thực tiễn thị trường lao động ở Việt Nam và thực hiện có hiệu quả hơn.
- Hoạt động quản lý hoạt động cho thuê lại lao động của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên được phối hợp chặt chẽ, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam. Đồng thời, các cơ quan này cũng cần phối hợp với hoạt động của các tổ chức công đoàn các cấp, đặc biệt là công đoàn cấp cơ sở để đảm bảo được các quyền của người lao động khi họ làm việc cho người thuê lại lao động, bởi lẽ khi làm việc tại nơi làm việc của người thuê lại lao động thì họ không phải là đoàn viên công đoàn của người thuê lại lao động, nên có thể họ sẽ không được tổ chức công đoàn nơi họ làm việc bảo vệ. Nhưng về nguyên tắc thì tổ chức công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động, nên các tổ chức công đoàn cũng cần quan tâm thích đáng đến nhóm lao động này. Các quy định của pháp luật và quy định nội bộ của công đoàn nên có quy định về trách nhiệm của công đoàn trong việc bảo vệ các nhóm lao động dễ bị rủi ro, trong đó có cả nhóm lao động doanh nghiệp thuê lại để thực hiện các công việc tạm thời.
- Hoạt động cho thuê lại lao động cần được kiểm tra thanh tra thường xuyên để phát hiện vi phạm pháp luật, xử lý kịp thời. Như vậy cần phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao vai trò của cơ quan chủ chốt trong công tác này là lực lượng thanh tra lao động các cấp, đơn vị thay mặt Nhà nước giám sát việc thực thi pháp luật lao động nói chung và pháp luật cho thuê lao động nói riêng.
- Để tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về cho thuê lại lao động, cần phải nâng cao nhận thức của xã hội bằng cách giáo dục, tuyên truyền pháp luật lao động nói chung và pháp luật cho thuê lao động nói riêng đến từng cá nhân, người lao động để họ nâng cao nhận thức về pháp luật, nắm được các quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhằm chủ động hơn trong việc thực hiện và bảo vệ lợi ích của mình khi tham gia vào thị trường này. Đồng thời, cần nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về cho thuê lại lao động.
Kết luận chương 2
Tại chương 2 đã phân tích về thực trạng pháp luật cho thuê lại lao động ở Việt Nam và một số kiến nghị để bổ sung, cụ thể hóa và bảo đảm thực hiện pháp luật cho thuê lại lao động ở Việt Nam.
1. Nội dung mục 2.1 đã phân tích về thực trạng pháp luật cho thuê lại lao động ở Việt Nam hiện nay như phân tích về danh mục những công việc được thực hiện cho thuê lại lao động và những trường hợp không được cho thuê lại lao động, cũng như thời hạn cho thuê lại lao động; những điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động; thủ tục, thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động; quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ cho thuê lại lao động; những chế tài đối với vi phạm về cho thuê lại lao động,… Khi phân tích đã có sự so sánh với một số quy định về pháp luật cho thuê lại lao động ở một số quốc gia khác như : Anh, Đức, Mỹ, Nhật Bản, để thấy được những điểm chưa hợp lý của pháp luật về cho thuê lại lao động ở Việt Nam được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2012 và Nghị định hướng dẫn thi hành.
2. Nội dung mục 2.2 đã nêu lên những hạn chế, bất cập của pháp luật cho thuê lại lao động ở Việt Nam và nguyên nhân của những hạn chế đó.
3. Nội dung mục 2.3 đã đưa ra một số kiến nghị để bổ sung, cụ thể hóa và các biện pháp bảo đảm để thực hiện pháp luật cho thuê lại lao động ở Việt Nam.
KẾT LUẬN
Cho thuê lại lao động là một hiện tượng xã hội có tính pháp lý, là một hoạt