10. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN
3.2.2. Biện pháp 2 Đa dạng hóa phương pháp, con đường rèn luyện
kĩ năng dạy học cho sinh viên
3.2.2.1. Mục tiêu
Nhằm tạo ra nhiều nhất các cơ hội học tập và phát triển cho sinh viên trong quá trình TTSP. Đa dạng hóa phương pháp, con đường rèn luyện kĩ năng còn giúp sinh viên tích cực hơn và thành tích học tập cao hơn
3.2.2.2. Cách thực hiện
1). Linh hoạt phương án rèn luyện theo nội dung
Nội dung rèn luyện các kĩ năng cần tổ chức bằng nhiều phương án giúp sinh viên một mặt có nhiều cơ hội học tập thuận lợi hơn, mặt khác sinh viên cũng nhận thấy rõ có nhiều con đường để thực hiện những nhiệm vụ học tập. Dựa vào nội dung các kĩ năng dạy học giảng viên có thể lựa chọn các phương án sau:
Phương án 1. Rèn luyện theo dạng thực hiện các bài tập nghiên cứu khoa học. Phương án này thực hiện khi sinh viên thực tập các kĩ năng thuộc nhóm những kĩ năng nghiên cứu người học và việc học.
Phương án 2. Rèn luyện theo dạng thực hiện các dự án nhỏ. Phương án này thực hiện khi sinh viên thực tập các kĩ năng thuộc nhóm những kĩ năng lãnh đạo và quản lí người học và việc học.
Phương án 3. Rèn luyện theo dạng thực hiện các bài tập thiết kế. Phương án này thực hiện khi sinh viên thực tập các kĩ năng thuộc nhóm những kĩ năng thiết kế dạy học và giáo dục.
Phương án 4. Rèn luyện theo dạng thực hiện các hoạt động giáo dục. Phương án này thực hiện khi sinh viên thực tập các kĩ năng thuộc nhóm những kĩ năng tác nghiệp.
Ví dụ 3.4: Chuyên đề rèn luyện kĩ năng thiết kế bài học rèn luyện theo dạng thực hiện các bài tập thiết kế, chuyên đề rèn luyện kĩ năng nghiên cứu rèn luyện theo dạng thực hiện các bài tập nghiên cứu, chuyên đề rèn luyện kĩ năng viết bảng rèn luyện theo dạng thực hiện các hoạt động giáo dục
2). Linh hoạt phương án rèn luyện theo phương tiện dạy học
Dựa vào điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường phổ thông mà đoàn giáo sinh đến thực tập cũng như tình hình PTDH của nhà trường, giảng viên hướng dẫn dự báo trước những thay đổi có thể xẩy ra làm cơ sở để xác định trước các phương án làm mẫu và luyện tập tương ứng.
a. Linh hoạt phương án làm mẫu
Căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất sẵn có hiện tại của mỗi nhà trường THPT, giáo viên có thể xác định các phương án làm mẫu sau:
Phương án 1. Làm mẫu toàn đoàn, giảng viên hướng dẫn thao tác mẫu quy trình thực tập cho toàn đoàn quan sát. Phương án này tiến hành được khi nhà trường THPT có phòng học với sức chứa lớn, đảm bảo chứa đủ cả đoàn TTSP và vật làm mẫu, mà vật làm mẫu ở đây rất nhiều khả năng là một lớp học sinh THPT, dễ quan sát hoặc giảng viên sử dụng công nghệ thông tin để minh họa các thao tác mẫu
Phương án 2. Làm mẫu theo nhóm chuyên môn, giảng viên hướng dẫn thực hiện thao tác mẫu quy trình thực tập cho từng nhóm sinh viên. Phương án này được lựa chọn khi trường THPT không có phòng học sức chứa lớn, giúp sinh viên rèn luyện các kĩ năng dạy học gắn liền với đặc thù môn học
b. Linh hoạt phương án luyện tập
Trong hoạt động tiền trạm, giảng viên đã tìm hiểu và dự báo trước tình hình cơ sở vật chất, PTDH của nhà trường THPT để từ đó giảng viên lựa chọn để xác định trước các phương án luyện tập sau:
Phương án 1. Luyện tập theo thứ tự. Phương án này phù hợp cho tất cả các nội dung thực tập với điều kiện mỗi bài thực tập có số lượng PTDH hỗ trợ phù hợp với số lượng sinh viên trong đoàn cùng tham gia. Cả đoàn được giảng viên tổ chức rèn luyện thứ tự cùng một nội dung giống nhau tại cùng một thời điểm diễn ra hoạt động rèn luyện.
Phương án 2.Luyện tập ngẫu nhiên, là việc sinh viên rèn luyện các kĩ năng dạy học không theo thứ tự, các nhóm khác nhau có thể rèn luyện các kĩ năng khác nhau trong cùng một thời điểm thực tập. Sau khi cá nhân hoặc nhóm sinh viên rèn luyện xong kĩ năng này thì họ ngẫu nhiên chuyển sang rèn luyện kĩ năng khác. Phương án này được lựa chọn khi quá trình thực tập mang tính đặc thù của từng chuyên ngành hoặc điều kiện cơ sở vật chất, PTDH không đáp ứng được với số lượng sinh viên TTSP.
3). Linh hoạt phương án rèn luyện theo trình độ của sinh viên.
Tiến trình rèn luyện của sinh viên được thực hiện qua các giai đoạn - Bước 1: Lĩnh hội lí luận về kĩ năng cần thực tập để hình thành kinh nghiệm đầu tiên.
- Bước 2: Quan sát sản phẩm, liên hệ với kinh nghiệm vừa được hình thành để hình dung quy trình thực tập
- Bước 4: Thực hành luyện tập theo mẫu trên mô hình giả định để củng cố quy trình rèn luyện
- Bước 5: Thực hành luyện tập trên đối tượng thực, trong các điều kiện khác nhau để củng cố vững chắc và phát triển vận dụng linh hoạt, từ đó hình thành kinh nghiệm mới.
Mặc dù tiến trình rèn luyện được tiến hành theo 5 bước nhưng khi đi TTSP là sinh viên đã được học lí luận dạy học cho nên không phải tất cả sinh viên đều cần trải qua thứ tự cả 5 bước rèn luyện mà có thể bỏ qua một số bước không cần thiết nếu trong kinh nghiệm của họ đã qua những bước đó. Tùy thuộc vào kết quả phân nhóm trình độ của sinh viên, giảng viên có thể lựa chọn các phương án thực hiện tiến độ tương ứng như sau:
Phương án 1. Đối với sinh viên chưa nắm vững lí thuyết, chưa liên hệ được với thực tiễn, kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế thì tiến trình học tập của họ được thực hiện theo trình tự sau: Bắt đầu ở bước 1 - bước 2 - bước 3 - bước 4 và kết thúc ở bước 5.
Phương án 2. Đối với sinh viên đã nắm vững lý thuyết nhưng chưa có kinh nghiệm thực tiễn dạy học thì tiến trình học tập của họ có thể được thực hiện bắt đầu từ bước 2 hoặc bước 3 - bước 4 và kết thúc ở bước 5
Phương án 3. Đối với sinh viên đã nắm kiến thức lí luận, có liên hệ được nhiều với thực tiễn dạy học thì trình tự dạy học có thể bắt đầu từ bước 3 hoặc bước 4 và kết thúc ở bước 5, thậm chí có thể chỉ diễn ra ở bước 5
4). Linh hoạt phương án rèn luyện theo phong cách học tập của sinh viên.
Trong quá trình học tập, sinh viên có thể lĩnh hội kiến thức bằng nhiều con đường khác nhau. Nhưng để chuyển hóa kiến thức đó thành kinh nghiệm bản thân thì bắt buộc họ phải rèn luyện tích cực. Do đó, các PADH phù hợp được lựa chọn theo PCHT thuộc nhóm 3 (Khái quát hóa trừu tượng + thực
hành tích cực) và nhóm 4 (Kinh nghiệm cụ thể + thực hành tích cực) trong cách phân loại của Kolb (1984).
Phương án 1. Sinh viên có PCHT thuộc nhóm 3
(1) Giảng viên trình bày các kiến thức lý thuyết của bài thực hành, minh họa ứng dụng liên quan đến nội dung học tập; sinh viên tiếp thu theo kế hoạch của giảng viên để hình thành kinh nghiệm ban đầu.
(2) Giảng viên sử dụng hình ảnh, vật thật (giáo án, kế hoạch dạy học, đề tài…) đã được chuẩn bị sẵn để minh họa cho sản phẩm hoặc kết quả thực hành mà sinh viên sẽ làm; sinh viên quan sát theo hướng dẫn của giảng viên và liên tưởng đến kinh nghiệm vừa được hình thành để nắm vững quy trình thực hành.
(3) Giảng viên làm mẫu và phân tích quy trình thực hành; sinh viên quan sát và làm theo các thao tác mẫu để củng cố quy trình thực hành, từ đó hình thành kỹ năng ban đầu.
(4) Giảng viên tổ chức cho sinh viên luyện tập theo quy trình; sinh viên luyện tập theo kế hoạch của giảng viên và quy trình thực hành để củng cố vững chắc kiến thức và phát triển kỹ năng, từ đó hình thành kinh nghiệm mới.
Phương án 2. Sinh viên có PCHT thuộc nhóm 4
(1) Giảng viên đặt ra nhiệm vụ thực hành cụ thể; dựa trên kinh nghiệm đã có của bản thân, sinh viên tự tìm kiếm các kiến thức lý thuyết của bài thực hành để hình thành kinh nghiệm ban đầu về nội dung thực hành.
(2) Từ hình ảnh, vật thật hay mô hình dùng để minh họa sản phẩm hoặc kết quả thực hành; sinh viên chủ động quan sát và liên tưởng đến kinh nghiệm vừa được hình thành, từ đó chủ động xây dựng quy trình thực hành dựa trên kinh nghiệm đó.
(3) Sinh viên chủ động yêu cầu giảng viên kiểm tra quy trình và làm mẫu một số thao tác khó hay quan trọng trong quy trình, từ đó củng cố quy trình và hình thành kỹ năng ban đầu
(4) Sinh viên chủ động luyện tập tích cực theo nhiệm vụ được giao dưới sự kiểm soát của giảng viên để củng cố vững chắc kiến thức và phát triển kỹ năng, từ đó hình thành kinh nghiệm mới.
Tùy theo kết quả thực tế về phân nhóm PCHT của sinh viên trong đoàn TTSP, giảng viên lựa chọn PADH phù hợp. Đối với sinh viên có PCHT thuộc nhóm 3 thì tiến trình học tập theo phương án 1. Ngược lại, sinh viên có PCHT thuộc nhóm 4 thì tiến trình học tập theo phương án 2.
5). Linh hoạt phương án kiểm tra, đánh giá
Việc đánh giá kết quả rèn luyện kĩ năng dạy học của sinh viên cần thông qua nhiều kênh như giảng viên đánh giá, sinh viên tự đánh giá hoặc sinh viên đánh giá lẫn nhau. Trong kiểm tra, đánh giá cũng cần linh hoạt các phương án:
Phương án 1: Đánh giá theo nhóm nếu là sản phẩm của cả nhóm, có bình chọn cá nhân có đóng góp nổi bật để cộng thêm điểm.
Phương án 2: Đánh giá theo sản phẩm của cá nhân.
Tùy theo điều kiện rèn luyện ở trường TTSP mà có thể chọn đánh giá: Phương án 1: Đánh giá kĩ năng qua sản phẩm rèn luyện kĩ năng nếu quá trình rèn luyện đó kéo dài và việc thực hiện các thao tác diễn ra trong nhiều không gian khác nhau.
Ví dụ 3.5: Đánh giá kĩ năng nghiên cứu tìm hiểu trường THPT thì cần đánh giá qua sản phẩm là văn bản ghi lại công trình nghiên cứu, hay đánh giá kĩ năng thiết kế bài học thì cần đánh giá thông qua giáo án dạy học của sinh viên.
Phương án 2: Đánh giá kĩ năng qua quan sát sinh viên thực hành kĩ năng đó nếu việc thực hiện kĩ năng không mất nhiều thời gian và trong một không gian tương đối hẹp như trong phòng học, trong khuôn viên nhà trường THPT.
Ví dụ 3.6: Đánh giá kĩ năng viết bảng hay kĩ năng giao tiếp với học sinh trên lớp thì cần thông qua việc quan sát hoạt động thực tiễn của sinh viên.
3.2.2.3. Điều kiện thực hiện biện pháp
Nhằm đảm bảo tính khách quan, sự công bằng và kích thích tính tích cực độc lập, sáng tạo của sinh viên trong quá trình rèn luyện kĩ năng dạy học ở trường THPT thì việc đánh giá cần công khai cách đánh giá, các tiêu chí đánh giá, thang điểm và xếp loại trong đánh giá. Trong các tiêu chí đánh giá cần bổ sung các điểm khen thưởng cho những cá nhân, hoặc nhóm có những thành tích cao, có thái độ xây dựng tập thể lành mạnh. Việc công khai các tiêu chí và thang điểm trong đánh giá giúp sinh viên có thể tự đánh giá được hoạt động của mình để có những định hướng, điều khiển, điều chỉnh kịp thời và có cơ sở để phấn đấu đạt thành tích cao nhất trong khả năng và điều kiện cá nhân sinh viên.
Ví dụ 3.7: Sau khi định hạn thời gian thu sản phẩm để đánh giá, có thể đưa ra chính sách ai nộp bài sớm, chất lượng bài đạt loại khá trở lên thì được cộng thêm điểm, ngược lại nếu ai nộp bài chậm mỗi ngày sẽ bị trừ một điểm. Nếu nộp bài sớm mà chất lượng thực của bài chỉ đạt trung bình trở xuống thì không có điểm thưởng vì đây là những bài cẩu thả, thiếu sự đầu tư, công sức.