Tác động của chuyển dịch cơ cấu lao động đến thu nhập và cải thiện mức sống của người dân

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 91 - 98)

8. Khung lý thuyết

3.3. Tác động của chuyển dịch cơ cấu lao động đến thu nhập và cải thiện mức sống của người dân

sống của người dân

Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn tất yếu dẫn đến sự biến đổi về thu nhập của người dân. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những lý do liên quan đến kinh tế là nguyên nhân chính khiến người lao động rời khỏi quê hương lập nghiệp. Có đến 68% lao động di cư miền Trung di chuyển nơi làm việc của mình chỉ mong thoát khỏi nghèo đói [41, tr.97]. Ở địa bàn Quảng Phú cũng không là ngoại lệ khi có 56,1% người được hỏi cho biết lý do phải đi làm ăn ở nơi khác là bởi “kinh tế quá khó khăn”. Khi di cư, họ hoàn toàn thay đổi nghề nghiệp của mình, phần lớn chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp để tồn tại và mưu sinh.

Bên cạnh đó, không ít người lao động sinh sống và làm việc tại địa phương cũng chuyển đổi nghề nghiệp ngay trên quê hương mình từ khi có sự xuất hiện của các xí nghiệp sản xuất, các khu công nghiệp lân cận cũng như sự đổi mới của các cơ sở hạ tầng. Có tới 59,3% người được hỏi cho biết bản thân họ chuyển nghề mới vì “thu nhập từ nghề cũ không đủ sống”. Như vậy, xuất phát từ các lý do kinh tế, người dân xã Quảng Phú không những di chuyển nơi làm việc mà còn chuyển đổi sang các ngành nghề mới với mong muốn cải thiện nguồn thu nhập của mình.

Quả thực, quá trình chuyển dịch cơ cấu cấu lao động đúng hướng đã mang lại một nguồn thu nhập mới cho người dân. Kết quả khảo sát cho thấy, trong 10 năm qua thu nhập của người lao động chuyển biến đáng kể cùng với quá trình chuyển

dịch cơ cấu lao động. Theo đó, mức thu nhập từ nông nghiệp giảm xuống và thu nhập từ các nghề phi nông nghiệp tăng lên.

Bảng 3.2: Cơ cấu thu nhập của người lao động năm 2004 và 2013 (%)

Nghề nghiệp Năm 2004 Năm 2013 Chênh lệch

Nông dân 47,7 37,2 -13,5 Công chức 7,4 12,3 4,9 Công nhân 13,1 14,4 1,3 Thợ thủ công 9,8 10,3 0,5 Buôn bán nhỏ 10,8 13,9 3,1 Dịch vụ (rửa xe, cắt tóc…) 10,3 11,4 1,1 Lao động tự do 0,8 0,5 -0,3 Khác 0 0 0 Tổng 100 100

(Nguồn: Kết quả xử lý số liệu)

Số liệu từ bảng 3.2 chỉ ra rằng đến thời điểm 2013, thu nhập của người lao động từ nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất. Điều này chứng tỏ, nguồn thu từ nông nghiệp vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người dân, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ làm nông trên địa bàn vẫn chiếm con số khá lớn, đến 34,3% so với các nghề còn lại và đến 39,7% so với cơ cấu lao động ngành. Tuy nhiên, so với năm 2004 thì thu nhập từ nghề này đã giảm đáng kể (13,5%-mức giảm cao nhất) cho thấy người dân đang thực sự tách dần và không còn phụ thuộc vào hoạt động nông nghiệp nữa. Theo đó, họ tham gia nhiều hơn vào các nghề phi nông nghiệp cũng như gia tăng nguồn thu nhập của mình từ các nghề đó.

Với các nghề còn lại, nhìn chung mức thu nhập đều tăng. Trong tất cả các nghề phi nông nghiệp, nghề có mức tăng thu nhập cao nhất là công chức với 4.9%. Tiếp theo đó là các nghề buôn bán nhỏ với 3,1%, công nhân với 1,3%, dịch vụ với 1,1% và thợ thủ công với 0,5%. Nhìn chung, thu nhập từ lĩnh vực dịch vụ cao hơn hẳn so với công nghiệp. Kết quả này một lần nữa khẳng định sức hút mạnh mẽ từ lĩnh vực dịch vụ so với công nghiệp ở địa phương thời gian qua và trong tương lai. Cùng với đó, ý kiến của một cán bộ cấp cao chia sẻ: “Khi họ chuyển sang các ngành nghề khác thì

kinh tế có đi lên. Nói việc nâng cao thu nhập ở đây không chỉ riêng mỗi người, các hộ gia đình mà còn là toàn xã. Theo tiêu chí NTM thì thu nhập bình quân phải là

15triệu/năm, nhưng xã đây đạt được 17 triệu rồi. Thu nhập này chủ yếu từ ngành nghề dịch vụ, nói chung nhờ chuyển nghề cả, còn từ nông nghiệp thì rất ít” [Nam,

55 tuổi, cán bộ lãnh đạo xã Quảng Phú].

Có thể nói rằng, nhờ sự chuyển dịch lao động làm nông sang công nghiệp và dịch vụ, đã mang lại thu nhập ổn định hơn và cao hơn cho người dân địa phương nói riêng và nền kinh tế của toàn xã nói chung. Kết quả khảo sát cho thấy thu nhập trung bình/năm của người dân chủ yếu nằm trong khoảng 12-24 triệu (28,7%) và khoảng 24-36 triệu (24,1%). Chỉ có 17,3% người được hỏi có thu nhập trung bình dưới 12 triệu/năm. Với mức thu nhập như thế này cơ bản đảm bảo khá tốt cho cuộc sống của phần đông lao động. Không những vậy, khi so sánh mức thu nhập này so với 10 năm trước thì cũng có đến 74,3% ý kiến đánh giá ở mức cao hơn.

Như vậy, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động làm thay đổi thu nhập của người dân, từ đó mức sống của họ cũng thay đổi theo. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khi nền kinh tế phát triển lên, nông nghiệp sẽ không còn giữ vai trò quan trọng trong giảm nghèo như trước bởi tăng nông nghiệp sẽ đi kèm với tăng năng suất lao động, dẫn đến giảm nhu cầu đối với lao động nông nghiệp. Trong khi đó khu vực phát triển phi nông nghiệp mới phát triển cũng góp phần giảm nghèo do các hộ gia đình cải thiện thu nhập của mình nhờ có nhiều việc làm hơn, sử dụng hiệu quả hơn các yếu tố sẳn xuất [13, tr. 28-29]. Điều này hoàn toàn đúng với địa bàn Quảng Phú khi mà tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đang có xu hướng tăng lên làm tăng thu nhập của người dân, góp phần giảm tỷ lệ nghèo. Số liệu tổng kết từ các báo cáo của địa phương cũng cho biết, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5,7% vào năm 2006 lên 17,1% vào năm 2013. Tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm xuống chỉ còn 4,5% - mức thấp nhất trong 10 năm qua. Ý kiến tự đánh giá mức sống của người dân là minh chứng cho thấy rõ những dấu hiệu tích cực này.

Bảng 3.3: Tự đánh giá của người dân về mức sống qua các năm (%)

Mức sống Năm 2004 Năm 2008 Năm 2013

Giàu 0 0,4 1,3

Khá giả 9,7 17,3 30

Nghèo 16,5 7,6 3,3

Đói 0 0 0

Tổng 100 100 100

(Nguồn: Kết quả xử lý số liệu)

Đại đa số người dân cho rằng điều kiện kinh tế vẫn chủ yếu ở mức trung bình với tỷ lệ 73,8% (2004), 74,7% (2008) và 65,4% (2013), có nghĩa vẫn còn một bộ phận lớn người dân đánh giá mức sống của mình ở mức tương đối. Tuy nhiên tỷ lệ này đang có xu hướng giảm cùng với tỷ lệ nghèo, đói. Theo đó chỉ còn 3,3% đánh giá mức sống nghèo trong khi tỷ lệ này vào năm 2004 là 16,5% và năm 2008 là 7,6%. Trái lại, tỷ lệ đánh giá mức sống khá giả và giàu có lại tăng lên đáng kể và đạt mức tương ứng 30% và 1,3% vào năm 2013. Điều này cho thấy, kinh tế của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Khi chia sẻ về sự thay đổi mức sống của người dân, kết quả thảo luận nhóm cũng đã đưa ra những trao đổi rất thú vị: “Mặt bằng chung thì bây chừ mức sống

của người dân cao hơn trước chứ. Nếu mức sống cao thì ra đường mình thấy, buổi sáng bao nhiêu quán cà phê, bao nhiêu quán ăn sáng, quán nào cũng đông khách, có quán nào là không có đâu. Thậm chí ở nhà đây, buổi sáng cũng có người đi bán đồ ăn quay đây. Thôn này để mà nói nấu cơm ăn buổi sáng thì chỉ còn 20% thôi, còn 80% là ăn chi chơ không phải ăn cơm nữa, có thể ăn ổ mỳ xíu chẳng hạn” [TLNTT, thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú].Chỉ với chỉ báo thay đổi cách thức ăn sáng cũng cho thấy sự thay đổi trong đời sống của người dân. Mức thu nhập cao, mức sống tăng, người dân ngày càng có điều kiện hưởng thụ các dịch vụ có sẵn ngay tại địa phương mình, đồng thời cũng trở thành động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ.

Mức sống tăng là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Theo tổ chức y tế thế giới WHO, một trong những tiêu chí không thể thiếu để đánh giá chất lượng cuộc sống là nhà ở. Quả thực, trong 10 năm qua đã có một sự thay đổi lớn về tình trạng nhà ở của người dân Quảng Phú. Những ngôi nhà không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn có giá trị về mặt tinh thần, là một hình ảnh tiêu biểu làm thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội của địa phương.

Loại hình nhà ở Năm 2004 Năm 2008 Năm 2013

Nhà tạm (tranh, tre, nứa, lá) 16,5 8,0 2,1

Nhà cấp 4, tường gạch, mái ngói 72,2 66,7 59,9

Nhà kiên cố, mái bằng một tầng 9,3 21,1 30

Nhà kiên cố, mái bằng nhiều tầng 1,3 3,8 7,2

Khác 0,8 0,4 0,8

Tổng 100 100 100

(Nguồn: Kết quả xử lý số liệu)

Kết quả khảo sát cho thấy, trong 10 năm qua tình trạng nhà tạm và bán kiến cố đã giảm xuống đáng kể. Theo đó, nếu vào năm 2004 vẫn còn đến 16,5% nhà tạm và 72,2 nhà cấp 4 với tường gạch, mái ngói thì đến năm 2013 tỷ lệ này chỉ còn ở các mức tương ứng 2,1% và 59,9%. Thay vào đó, tỷ lệ nhà kiên cố (mái một tầng và mái nhiều tầng) tăng đến 26,6% (từ 10,6% - 37,2%), trong đó nhiều gia đình không những có thể bê tông hóa nhà cửa mà còn đổ tầng cho ngôi nhà của mình.

Một người đi làm ăn xa chia sẻ: “Trước đây nhà tôi có 2-3 sào ruộng như chừ

không ai làm nữa cả. Hồi trước ở nhà cũng làm ruộng cho ba mẹ thôi. Học xong lớp 7 tôi không ở nhà làm ruộng mà đi làm thuê vì làm ruộng cực. Cũng chưa khi mô tôi đi làm xa mà nghĩ sẽ quay về để làm ruộng mô, làm ruộng cực, đói lắm. Kể từ lúc tôi đi xa, rồi giai đoạn ra Hà Tĩnh làm, kinh tế mới bắt đầu có, tiết kiệm được ít tiền để cưới vợ, xây nhà như chừ chơ không cứ ở nhà làm ruộng chắc không biết lúc mô mới lên được” [Nam, 37 tuổi, thôn Bao La, xã Quảng Phú]. Hay câu chuyện

của một người khác về những thay đổi trong cuộc sống khi bản thân tự tìm cách chuyển đổi nghề thông qua hoạt động thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp của mình: “Từ hồi trồng nấm xây được thêm cái nhà phía trước nữa. Lâu ni cũng

mua sắm được nhiều thứ trong nhà. Khi tê thua họ, còn chừ cũng ngang họ rồi (cười). Đi làm ruộng phải đi cả ngày cả đêm, lấy công làm lời thôi còn thực ra không có chi hết. Làm nấm đây có tiền tiết kiệm sau ni cho con đi học” [Nữ, 47 tuổi, thôn Hạ Cảng, xã Quảng Phú]. Có thể nói, nhờ chuyển đổi nghề nghiệp nên cuộc sống của người dân đỡ chật vật hơn trước. Bản thân họ cũng đã có tích lũy để xây dựng nhà cửa, mua sắm các thiết bị vật dụng trong gia đình, đầu tư cho con cái học hành, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của mình.

Tuy nhiên, sự chuyển dịch cơ cấu lao động cũng tạo nên phân tầng mức sống. Trước hết, mức sống không ngang nhau với những lao động ở các ngành, nghề khác nhau. Những nghề phi nông nghiệp thường mang lại thu nhập cao hơn và ổn định hơn so với hoạt động thuần nông, do đó mức sống của những lao động có nghề chính là phi nông nghiệp cao hơn hẳn so với những lao động phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động nông nghiệp. Ghi nhận thông tin định tính cho biết: “Bây giờ về đây,

thấy nhà cửa của dân khang trang như chừ là cũng nhờ đời sống kinh tế khá giả lên đó chứ. Đại đa số cũng nhờ nguồn phi nông nghiệp cả. Giờ về nhà mô mà khá giả là nhà đó không có con em làm nông nghiệp, chắc chắn có người làm nghề hoặc buôn bán hoặc cán bộ công nhân nhà nước” [Nam, 36 tuổi, cán bộ lãnh đạo xã

Quảng Phú].

Bên cạnh đó, bản thân những lao động từng di cư hoặc gia đình có con em làm ăn xa cũng có thu nhập khấm khá hơn so với những lao động làm việc tại địa phương hoặc không có người thân đi làm ngoài. “Nếu có người trong nhà làm ở

miền Bắc, làm 3 năm về có được tay nghề thì tích được vốn, gửi về cho ba mẹ, làm được việc ni việc khác. Chủ yếu là nhờ cái đó. Còn nói nhờ đồng tiền mình làm ra tại đây thì không có. Bây giờ nhìn nhà khá là nhà nớ có con đi xa, làm được, họ gửi về cho gia đình, trở thành phong trào” [Nam, 65 tuổi, phó trưởng thôn Phú Lễ, xã

Quảng Phú]. Như vậy, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành và chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng đã có những tác động khác nhau đến mức sống của người dân, một mặt giúp người dân nâng cao đời sống kinh tế nhưng mặt khác cũng tạo nên sự phân tầng mức sống.

Tóm lại, cùng với sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành và theo vùng ở xã Quảng Phú giai đoạn 2004-2013, thu nhập của nhiều người lao động đã tăng lên đáng kể. Với lý do chủ yếu từ kinh tế, quá trình chuyển đổi nghề nghiệp và chuyển đổi nơi làm việc đã giúp bản thân người lao động giải quyết được vấn đề lớn nhất mà họ quan tâm. Không những kinh tế ngày càng khá giả mà mức sống và điều kiện sống của bản thân người lao động nói riêng và toàn xã nói chung cũng ngày càng

được cải thiện. Tuy vậy, sự chuyển dịch này cũng tạo nên phân tầng mức sống tùy theo công việc cũng như nơi làm việc của người lao động.

Có thể nói rằng, với sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong 10 năm qua ở xã Quảng Phú đã có những tác động nhất định đến bộ mặt kinh tế-xã hội của địa phương. Nhờ chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế đã có sự thay đổi tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp và tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động tạo nên nhiều việc làm mới, đặc biệt là việc làm trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, góp phần giải quyết lực lượng lao động dư thừa trong nông nghiệp, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp ở khu vực nông thôn. Cùng nhờ đó, thu nhập và mức sống của người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong thời gian qua chưa thể đẩy mạnh sự thay đổi cơ cấu kinh tế theo định hướng chung, đó là chưa thể phát huy hiệu quả tiềm năng của lĩnh vực dịch vụ. Không những vậy, sự chuyển dịch cơ cấu lao động còn gây nên tìm trạng thiếu hụt lực lượng lao động kế thừa nghề truyền thống của địa phương và tạo nên sự phân tầng mức sống do sự khác nhau của các nghề nghiệp và nơi làm việc của người lao động.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 91 - 98)