8. Khung lý thuyết
1.2.3. Lý thuyết về phát triển kinh tế của Arthur Lewis
A.Lewis (1915 - 1991)là nhà kinh tế học sinh ra ở Castries, Saint Lucia, là con thứ tư trong gia đình. Sau khi giành được bằng cử nhân về khoa học vào năm 1937 và bằng tiến sỹ năm 1940 tại trường Kinh tế London, ông đã bắt đầu sự nghiệp giảng dạy và cống hiến cho khoa học. Ông đặc biệt được biết đến với những đóng góp cho kinh tế phát triển và được nhận giải Nobel kinh tế và năm 1979. [47]
Trong bối cảnh bùng nổ CNH ở các nước thứ ba, ông đã đưa ra lý thuyết phát triển kinh tế vào những năm 50 của thế kỷ XX và sau này rất được ưa chuộng vào những năm 60, 70. Trong lý thuyết của mình, Lewis đã đề cập đến “mô hình hai khu vực cổ điển”, cố gắng giải thích làm thế nào một nền kinh tế phát triển chuyển
dịch từ cơ sở nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hiện đại [46]. Mô hình mà Lewis đưa ra đã giải thích sự tăng trưởng là do có sự thay đổi cơ cấu kinh tế. Một nền kinh tế ban đầu chỉ chuyên về nông nghiệp được chuyển thành nền kinh tế gồm khu vực nông nghiệp và khu vực công nghiệp, trong đó khu vực công nghiệp đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Từ mô hình này, ông lập luận về mối quan hệ giữa khu vực nông nghiệp và khu vực công nghiệp, đồng thời đưa ra lý thuyết của mình để giải thích chuyển dịch lao động giữa hai khu vực trên cơ sở lý luận về tiền công lao động. Ông cho rằng, quá trình chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công
nghiệp là do thu nhập thấp ở khu vực nông nghiệp [4]. Như vậy, tiền công lao động hay thu nhập theo ông là yếu tố đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự chuyển dịch lao động nói trên.
Ngoài tiền công lao động, lý thuyết phát triển kinh tế cũng nhấn mạnh thêm những yếu tố khác để giải thích lực hút ở khu vực công nghiệp và lực đẩy ở khu vực nông nghiệp. Khi xem xét sự dịch chuyển giữa hai khu vực này, ông cho rằng ở khu vực nông nghiệp, dân số đông đúc, kinh tế thường kém phát triển, thu nhập thấp, sản xuất nông nghiệp lại phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên (như đất đai). Vì vậy, nếu tiếp tục khai thác các nguồn tài nguyên nông nghiệp truyền thống sẽ dẫn đến tình trạng suy kiệt, nguồn thu nhập có được sẽ dần giảm đi và có thể tiến về 0. Ngược lại, khu vực công nghiệp lại có năng suất lao động cao, thu nhập cũng cao hơn nhiều so với khu vực nông nghiệp. Trong khi ở khu vực nông thôn, tình trạng dư thừa lao động diễn ra do sự suy giảm các nguồn lực nông nghiệp mang lại thì xu hướng người lao động chuyển sang khu vực công làm việc là điều tất yếu. Đó là cách mà họ tồn tại, mưu sinh và mong muốn được nâng cao mức sống của mình. Tốc độ dịch chuyển này phụ thộc vào tỷ lệ mở mang các khu công nghiệp và tích lũy tư bản trong khu vực kinh tế. Lewis cũng cho rằng, sự chuyển dịch này là do yếu tố CNH mang lại. [19]
Áp dụng lý thuyết phát triển kinh tế của Lewis xem ra rất phù hợp với nghiên cứu dịch chuyển lao động nông thôn tại địa phương trong thời kỳ CNH,HĐH. Ở đó cũng có sự dịch chuyển kinh tế từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, bao gồm công nghiệp và dịch vụ, từ đó kéo theo nhiều lao động từ khu vực nông thôn sang các khu vực này làm việc. Hơn nữa, tiếp cận lý thuyết, có thể xem xét liệu có phải các yếu tố đẩy của khu vực nông thôn và yếu tố hút của khu vực công nghiệp có đúng với địa bàn nghiên cứu hay không, trong đó đặc biệt quan tâm đến yếu tố thu nhập liệu có phải là yếu tố hấp dẫn nhất khiến lao động ở nông thôn rời bỏ công việc nông nghiệp truyền thống để tham gia vào sản xuất hiện đại như lý thuyết đã đề cập hay là còn có những yếu tố khác đặc trung hơn cho địa bàn nghiên cứu. Đề tài sẽ chứng minh và đưa ra kết luận cho câu hỏi này.