Chuyển dịch về số lượng lao động theo ngành

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 41 - 45)

8. Khung lý thuyết

2.1.1. Chuyển dịch về số lượng lao động theo ngành

Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn là một nội dung quan trọng của quá trình CNH, HĐH đất nước. Sự chuyển dịch này được biểu thị thông qua số lượng lao động phân bổ các ngành kinh tế khác nhau, bao gồm nông nghiệp (nông-lâm-ngư nghiệp), công nghiệp (công nghiệp và xây dựng) và dịch vụ.

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cơ cấu lao động nông thôn ở Việt Nam trong những năm qua đã có sự chuyển biến nhất định. Theo đó, số lượng và tỷ lệ lao động ngành nông nghiệp ngày càng giảm đi trong khi lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng lên. Có được kết quả này là bởi các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đã có những tác động trực tiếp tới sự chuyển dịch cơ cấu lao động như chính sách thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đầu tư và mở rộng các khu công nghiệp, dịch vụ, phát triển ngành nghề truyền thống hoặcchuyển đổi cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp [21]. Thực trạng đó cũng diễn ra tương tự ở nhiều khu vực nông thôn tại Thừa Thiên Huế. Theo số liệu niên giám thống kê từ 2004-2013 của huyện Quảng Điền, tỷ lệ lao động nông nghiệp đã giảm từ 58,7% xuống còn 41,5%, lao động công nghiệp tăng từ 12,5% - 20,9% và lao động dịch vụ cũng tăng từ 28,8% - 37,6%. [8]

Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động tại xã Quảng Phú trong 10 năm qua nằm trong xu hướng chung của huyện. Kết quả khảo sát cho thấy, cơ cấu lao động ngành chuyển dịch theo hướng giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp và tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ. Cụ thể, tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm từ 51,4% (2004) xuống còn 39,7% (2013), lao động công nghiệp tăng từ 25% (2004) lên 28,4% (2013), lao động dịch vụ tăng từ 23,6% (2004) lên 31,9% (2013). Như vậy,

xét về số lượng lao động trong mỗi ngành thì nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp theo là dịch vụ và cuối cùng là công nghiệp.

Biểu đồ 2.1: Cơ cấu lao động theo ngành từ 2004-2013 (%)

(Nguồn: Kết quả xử lý số liệu)

Trong giai đoạn 2004-2013, lao động nông nghiệp nhìn chung đã giảm về số lượng lẫn tỷ trọng. Với 237 mẫu điều tra, số lao động này đã giảm xuống 28 người (từ 109 người năm 2004 xuống còn 81 người năm 2013) làm cho tỷ lệ lao động nông nghiệp cũng giảm xuống 11,8%. Đối với một vùng thuần nông như xã Quảng Phú, mức giảm này đã cho thấy sự chuyển biến tích cực trong cơ cấu lao động thời gian qua. Trong nội bộ ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng từ hoạt động thuần nông, giản đơn, năng suất thấp sang các mô hình sản xuất có quy mô lớn. Ngoài các cây trồng truyền thống như lúa, lạc, sắn, nhiều nông dân đã tự học hỏi nhau, chuyển đổi sang trồng mía hoặc làm nấm sò, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hay hoạt động chăn nuôi trâu bò thay vì lấy sức kéo như trước thì nay người dân lại tập trung nuôi trâu vỗ béo bán thịt. Nuôi trồng thủy hải sản với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cũng phát triển hơn với mô hình thử nghiệm nuôi cá lồng trên sông Bồ. Với việc áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ngày càng phổ biến đã giảm công lao động trên đồng ruộng, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

Ở ngành công nghiệp, quá trình chuyển dịch diễn ra khá khiêm tốn. Số lượng lao động trong ngành này vào năm 2004 là 53 người thì 10 năm sau đó đạt 58 người. Cùng với đó, tỷ lệ lao động trong công nghiệp chỉ tăng thêm 3,4%. Địa bàn xã Quảng Phú không những được biết là một vùng đất thuần nông mà còn là nơi có nghề tiểu thủ công nghiệp nổi tiếng mây tre đan. Nhiều lao động tại địa phương tham gia vào các công đoạn sản xuất mặt hàng thủ công truyền thống từ xa xưa, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, với sự phát triển và cạnh tranh ngày càng khốc liệt của nền kinh tế thị trường, ngành tiểu thủ công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều lao động phải bỏ nghề để duy trì sinh kế. Do đó, tỷ lệ lao động công nghiệp có xu hướng giảm xuống. Cho đến khoảng năm 2008, nhờ sự xuất hiện của các khu công nghiệp Hương Trà, Phong Điền và các xí nghiệp may mặc lận cận

đãthu hút một lượng lớn lao động, đặc biệt là lao động nông nghiệp tham gia. Do vậy, công nghiệp có xu hướng phát triển trở lại. Tỷ lệ lao động ngành này vào năm 2013 cao hơn so với thời điểm 2004 nhưng vẫn ở mức tăng nhẹ so với toàn ngành.

Khác với công nghiệp, lao động ngành dịch vụ tăng lên đáng kể. Với số lượng 50 người vào thời điểm 2004 thì con số này đã tăng thêm và đạt 65 người năm 2013, góp phần nâng cao tỷ trọng lao động trong ngành dịch vụ từ 23,6% lên 31,9%. Thực trạng này xuất phát từ các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, trước hết phải kể đến công trình cầu Tứ Phú được xây dựng vào năm 2006 tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương, buôn bán; bên cạnh đó xã còn thành lập khu thương mại-dịch vụ Hạ Lang, chợ Quảng Phú, thu hút nhiều lao động mở cửa hàng buôn bán. Không những vậy, nhiều người cũng tự học nghề và hình thành hoạt động dịch vụ ngay trên quê hương mình như cắt tóc, sửa xe máy… tạo nên sự phát triển khá rầm rộ trong lĩnh vực dịch vụ thời gian qua. Có thể nói rằng, năm 2006 là điểm mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành mạnh mẽ nhất trong giai đoạn 2004-2013 ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có 36% người được hỏi cho biết có chuyển nghề giai đoạn 2004-2013. Trong đó, nếu vào năm 2004 có đến 55% lao động trong nông nghiệp thì vào thời điểm 2013 tỷ lệ này giảm xuống còn 20,5%. Rõ ràng, trong số những lao động có chuyển nghề tại địa phương thì có đến hơn một nửa thoát khỏi nông nghiệp và tham gia ngày càng đông vào các ngành còn lại. Cụ thể, lao động trong công nghiệp tăng từ 25% - 34,2%, lao động dịch vụ tăng mạnh từ 20% - 45,2%. So với công nghiệp thì đa phần người lao động có xu hướng tham vào vào dịch vụ cao hơn. Quả thực, sự biến chuyển này đã góp rất lớn vào quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng CNH, HĐH ở địa phương.

Có sự khác biệt với giữa kết quả nghiên cứu của tác giả và thống kê từ các báo cáo kinh tế-xã hội của xã Quảng Phú về cơ cấu lao động trong thời gian qua. Theo đó, thống kê của xã cho thấy năm 2012 đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp. Nếu năm 2011, chỉ có 15,9% lao động trong ngành này thì đến năm 2012 đã tăng đột ngột lên 48%, cao hơn hẳn so với dịch vụ (18%). Trong khi đó kết quả khảo sát lại cho thấy xu hướng phát triển dịch vụ luôn là thế mạnh của địa phương. Không những vậy, khi so sánh số liệu thống kê của xã cũng cho thấy

những con số này khá chênh lệch so với tình hình chung của huyện Quảng Điền. Với nguồn thông tin định tính từ một số người dân và cán bộ cho biết, quy trình đánh giá và thu thập số liệu tại cơ sở vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Do vậy, số liệu thống kê từ địa phương là kênh thông tin chỉ mang tính chất tham khảo. Để xác định một cách chắn chắn sự chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành phi nông nghiệp, đòi hỏi cần có những khảo sát tiếp theo ở quy mô lớn hơn.

Bảng 2.1: Cơ cấu lao động giai đoạn 2007-2013 (%)

Năm Nông nghiệp Công nghiệp Dịch vụ

2007 54,7 14,3 31 2008 53 14,8 32,2 2009 51 15,7 33,3 2010 47,9 18,1 34 2011 57,8 15,9 26,3 2012 34 48 18 2013 32,1 49 18,9

(Nguồn: Thống kê từ các báo cáo kinh tế-xã hội của địa phương từ 2007-2013)

Mặc dù có sự khác biệt về cơ cấu lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ nhưng nhìn chung, cả kết quả nghiên cứu và thống kê của địa phương đều cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm dần, tỷ lệ lao động công nghiệp và dịch vụ tăng lên. Tuy nhiên, so với tiêu chí xây dựng nông thôn mới đưa ra đối với tỷ lệ lao động nông nghiệp là 35% thì theo kết quả khảo sát, sự chuyển dịch này vẫn chưa đáp ứng với chỉ tiêu đề ra (tỷ lệ lao động trong nông nghiệp là 39,7%). Tỷ lệ thuần nông mặc dù có giảm nhưng vẫn chiếm vị trí cao nhất, đây cũng là mặt bằng chung của huyện Quảng Điền. Hơn nữa, cũng có đến 62% người được hỏi trả lời không chuyển nghề trong 10 năm qua. Với tổng số 46% lao động xuất phát từ nông nghiệp, chỉ có 40% trong số đó chuyển sang phi nông nghiệp thêm một lần nữa khẳng định, vẫn còn khá nhiều lao động làm nông duy trì hoạt động sản xuất trên đồng ruộng. Điều này cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương trong thời gian qua vẫn chưa thực sự mạnh mẽ.

Tóm lại, từ 2004-2103 đã có sự suy giảm số lượng lao động trong nông nghiệp và gia tăng số lượng lao động công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là đối với lĩnh vực dịch vụ. Sự chuyển dịch này diễn ra mạnh mẽ từ năm 2006. Mặc dù sự chuyển dịch

cơ cấu lao động theo ngành tại địa phương vẫn chưa đáp ứng được chỉ tiêu đề ra nhưng cũng phản ánh được sự biến chuyển cơ cấu lao động đúng hướng ở xã Quảng Phú trong suốt 10 năm. Với xu hướng này, dự báo trong những năm tới, lực lượng lao động nơi đây sẽ tiếp tục chuyển dịch, trong đó dịch vụ sẽ là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển hơn cả, giúp địa phương đạt được các tiêu chí theo yêu cầu của công cuộc CNH, HĐH.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 41 - 45)