Chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành xét về góc độ tuổi tác

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 47 - 51)

8. Khung lý thuyết

2.1.3. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành xét về góc độ tuổi tác

Điều 6 Bộ luật Lao động quy định: “Người lao động là người ít nhất đủ 15

tuổi. Người lao động chưa thành niên là người lao động dưới 18 tuổi.”Độ tuổi đã

của người lao động. Tuổi lao động có liên quan đến sự phát triển về thể lực, trí lực, nhân cách. Bên cạnh đó, ở mỗi nhóm tuổi khác nhau cũng có định hướng nghề nghiệp và khả năng di động trong nghề nghiệp khác nhau. Đây là cơ sở dẫn đến sự khác biệt về cơ cấu lao động theo ngành trong từng nhóm tuổi.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi chọn những người lao động từ độ tuổi 28 trở lên đến hết tuổi lao động theo quy định của luật pháp nhằm tìm hiểu quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ 2004-2013. Theo đó, độ tuổi của những người được hỏi chia thành ba nhóm. Nhóm 1 từ 28-35 tuổi, nhóm 2 từ 36-45 tuổi và nhóm 3 từ 46-60 tuổi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp ở các nhóm tuổi đều có xu hướng giảm trong 10 năm qua. Năm 2004, tỷ lệ này ở nhóm tuổi 28-35 là 36,5%, nhóm tuổi 36-45 là 45,9% và nhóm tuổi 46-60 là 68% thì đến năm 2013, tỷ lệ này đã giảm xuống còn ở các mức tương ứng là 20,4%, 33,3% và 58,9%. Như vậy, tỷ lệ lao động nông nghiệp đạt mức thấp nhất ở nhóm tuổi 28-35. Bên cạnh đó, nhóm 28-35 tuổi cũng là nhóm có tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm mạnh nhất, đến 16,1%, trong khi mức giảm ở nhóm tuổi 36-45 là 12,6% và nhóm tuổi 46-60 là 9,1%. Như vậy, tuổi càng thấp thì càng dễ dàng thoát khỏi hoạt động nông nghiệp. Điều này lý giải vì sao khi có đến 47,1% người được hỏi trong độ tuổi từ 28-35 cho biết có chuyển nghề trong 10 năm qua, trong khi đó tỷ lệ này ở nhóm tuổi 36-45 là 39,3% và nhóm tuổi 46-60 là 28,2%.

Có thể nói rằng, nhóm tuổi từ 28-35 là nhóm tuổi tập trung các lao động trẻ, họ khá nhạy bén với thị trường lao động, là lực lượng nòng cốt trong lĩnh vực kinh tế- xã hội không chỉ ở khu vực nông thôn và còn ở khu vực thành thị. CNH, HĐH gắn liền với khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại là yếu tố giúp người lao động giảm giảm bớt thời gian trên đồng ruộng. Cũng nhờ đó mà công việc đồng áng không còn đòi hỏi nhiều nhân công và sức lao động như trước. Chính vì vậy, thanh niên trẻ dường như không còn đóng vai trò chủ lực trong hoạt động sản xuất nông nghiệp ở các hộ gia đình nông thôn. Bên cạnh đó, với sự phát triển của thị trường lao động rộng lớn ở các ngành công nghiệp, dịch vụ đã thu hút rất

đông lực lượng thanh niên tham gia. Hơn thế nữa, bản thân họ cũng không còn mặn mà với nghề làm ruộng nữa.

Kết quả nghiên cứu định tính của một thanh niên trẻ ở địa phương cho biết: “Thanh niên bữa ni không ai ở nhà làm ruộng nữa mô, toàn đi ngoài hết cả.

Khoảng vài năm nữa thì chỉ có người già làm ruộng đây chứ thanh niên thì không còn ai nữa mô. Thanh niên chừ 10 người chỉ còn 02 người ở lại làm ruộng thôi bởi vì xu hướng bữa ni kinh tế với vẻ bề ngoài của thời đại nữa nên không ưa làm ruộng. Chừ em đi khắp xóm ni, gặp đứa mô thanh niên hỏi coi hắn có ở nhà làm ruộng không, chắc chắn tụi hắn lắc đầu. Giống như tôi bây giờ, nếu sau này có về làng thì tôi cũng không bao giờ làm ruộng” [Nam, 28 tuổi, thôn Bao La, xã Quảng Phú].

Biểu đồ 2.3: Cơ cấu lao động theo ngành xét về góc độ tuổi tác (%)

(Nguồn: Kết quả xử lý số liệu)

Khác với ngành nông nghiệp, nhìn vào biểu đồ 2.3 có thể thấy rõ xu hướng tăng tỷ lệ lao động ở cả hai ngành công nghiệp và dịch vụ ở các nhóm tuổi. Cụ thể, cơ cấu lao động trong công nghiệp 10 năm qua ở nhóm tuổi 28-35 là 32,7% và 34,7%, nhóm tuổi 36-45 là 28,2% và 33,3%, nhóm tuổi 46-60 là 16% và 19,2%. Như vậy, nhóm tuổi 28-35 là nhóm có tỷ lệ lao động công nghiệp cao hơn so với hai nhóm còn lại, nói cách khác tỷ lệ lao động công nghiệp tập trung đông nhất ở nhóm tuổi trẻ nhất. Xu hướng này cũng không có gì thay đổi trong giai đoạn 2004- 2013. Tuy nhiên, khi so sánh mức tăng tỷ lệ lao động trong nội bộ ngành công nghiệp thì nhóm tuổi 45-60 lại là nhóm có mức tăng cao nhất, đến 13,2%. Trong khi đó, mức tăng ở nhóm tuổi 28-35 là 2% và nhóm tuổi 36-45 là 5.1%. Điều này cho thấy, ngày càng có nhiều lao động trên 36 tuổi tham gia vào hoạt động công nghiệp.

Lý giải điều này, quá trình khảo sát cho thấy, xã Quảng Phú được biết đến là địa bàn có nghề thủ công truyền thống là mây tre đan và chằm nón. Do phải cạnh tranh với thị trường kinh tế khốc liệt nên hoạt động đan lát và chằm nón đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều lao động phải bỏ nghề và tìm việc làm ở một ngành khác. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, người dân đang dần quay trở lại với nghề tiểu thủ công với một hoạt động hoàn toàn mới, đó là làm vành nón. Nghề này đã và

đang thu hút lực lượng lao động địa phương từ mọi độ tuổi, trong đó bao gồm cả người lao động từ độ tuổi 36 trở lên. Mặc dù hoạt động làm vành nón còn mới, chưa được nhân rộng và phát triển thành hợp tác xã nhưng bước đầu đã giải quyết được việc làm tại chỗ cho người lao động ở địa phương, góp phần gia tăng tỷ lệ lao động trong công nghiệp, nhất là với người lao động ở nhóm tuổi 36-46 và 46-60. Kết quả phỏng vấn một cán bộ thôn cho biết: “Ngày trước dân đây chỉ có làm nông, nghề

truyền thống làm chằm nón nhưng bữa ni chằm nón ít, họ lại qua làm vành nón. Mặc dù vành nón không lên được tổ hợp nhưng lại thu nhập cao hơn nghề truyền thống của Bao La… Làm vành nón không phụ thuộc ai cả, khác với đan lát Bao La là một nhà chỉ có vài người làm. Nghề ni đàn ông, phụ nữ chi cũng có thể làm hết, đủ mọi độ tuổi, từ 10 tuổi đến tận 60 tuổi. Tuy nhiên thì ở đây tầm tuổi trên 30 mới làm chính, tranh thủ lúc ở nhà, vừa làm ruộng vừa làm vành nón, cho thu nhập cũng khá” [Nam, 45 tuổi, trưởng thôn Hạ Lang 1, xã Quảng Phú].

Cùng với tỷ lệ lao động công nghiệp ngày càng gia tăng thì thực trạng này cũng diễn ra tương tự đối với ngành dịch vụ. Cơ cấu lao động dịch vụ giai đoạn 2004-2013 ở các nhóm tuổi được phân bố cụ thể như sau, nhóm tuổi 28-35 là 30,8% và 44,9%, nhóm tuổi 36-45 là 25,9 và 33,3%, nhóm tuổi 46-60 là 16% và 21,9%. Kết quả này chỉ ra rằng, nhóm tuổi 28-35 là nhóm tuổi có nhiều lao động làm việc trong ngành dịch vụ nhất và xu hướng này giữ nguyên so với 10 năm về trước. Không những vậy, mức tăng tỷ lệ lao động dịch vụ ở nhóm tuổi 28-35 cũng đạt mức cao nhất với 14,1%, riêng các nhóm tuổi 36-45 là 7,4% và nhóm tuổi 46-60 là 5,9%. Có thể thấy rằng lực lượng lao động đều gia tăng ở cả hai lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, trong đó nhóm tuổi 28-35 chiếm tỷ lệ cao hơn so với hai nhóm tuổi còn lại. Không những tỷ lệ lao động hai ngành trên có sự khác nhau phân theo tuổi tác mà mức tăng tỷ lệ lao động trong công nghiệp và dịch vụ ở ba nhóm tuổi cũng không giống nhau. Theo đó, nếu mức tăng tỷ lệ lao động công nghiệp ở nhóm tuổi 28-35 là 2%, nhóm tuổi 36-45 là 5,1% và nhóm tuổi 46-60 là 3,2% thì mức tăng tỷ lệ lao động dịch vụ ở các nhóm tuổi trên lần lượt là 14,1%, 7,4% và 5.5%. Như vậy, so với công nghiệp thì dịch vụ là lĩnh vực thu hút nhiều lao động hơn ở cả ba nhóm tuổi.

Tóm lại, trong 10 năm qua tại xã Quảng Phú có sự chuyển dịch cơ cấu lao động phân theo tuổi tác. Sự chuyển dịch diễn ra mạnh mẽ nhất ở nhóm tuổi trẻ nhất.Nhìn chung, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp đều có xu hướng giảm xuống ở cả ba nhóm tuổi và giảm nhiều nhất ở nhóm tuổi 28-35. Tỷ lệ lao động trong công nghiệp và dịch vụ ở nhóm tuổi này cũng cao hơn so với hai nhóm tuổi còn lại 36-45 và 46-60. Trong đó, người lao động cóxu hướng tham gia vào dịch vụ đông đảo hơn so với công nghiệp.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 47 - 51)