Chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành xét về góc độ học vấn

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 51 - 54)

8. Khung lý thuyết

2.1.4. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành xét về góc độ học vấn

Giáo dục và đào tạo là nhân tố quyết định để phát huy tiềm năng trí tuệ, năng lực sáng tạo của con người và cộng đồng, là động lực quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước [24, tr. 11]. Có thể nói giáo dục là hoạt động không thể thiếu đối với sự phát triển của xã hội. Chính vì lẽ đó, trình độ học vấn không những là chỉ báo quan trọng để đánh giá chất lượng nguồn lao động mà còn là nhân tố thiết yếu để xem xét khả năng đáp ứng thị trường lao động năng động, hiện đại ngày nay. Để tìm hiểu quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành xét về góc độ học vấn, nghiên cứu chia thành 4 nhóm học vấn: Chưa tốt nghiệp (TN)tiểu học, TN tiểu học, TN THCS (trung học cơ sở) và TN THPT (trung học phổ thông)

Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ lao động nông nghiệp ở các nhóm học vấn đều có xu hướng giảm dần qua thời gian. Năm 2004, tỷ lệ này phân bố ở các nhóm chưa TN tiểu học là 80%, TN tiểu học là 54,2%, TN THCS là 47,3% và TN THPT là 29,7%. Đến năm 2013 đã giảm xuống với các mức tương ứng là 70%, 45,8%, 35,5% và 14,2%. Như vậy, tỷ lệ lao động nông nghiệp đạt mức thấp nhất ở nhóm học vấn cao nhất là TN THPT.

Không những thế, nhóm học vấn TN THPT cũng là nhóm có tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm mạnh hơn so với các nhóm còn lại. Theo đó, mức giảm ở nhóm học vấn TN THPT là 22% trong khi ở các nhóm học vấn TN THCS là 11,8%, TN tiểu học là 6,4% và chưa TN tiểu học là 10%. Qua đây có thể khẳng định rằng, nhóm học vấn TN THPT là nhóm có sự chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ nhất. Điều này càng được khẳng định bởi, nếu chỉ có 10% người được hỏi có trình độ học vấn chưa TN tiểu học cho biết có chuyển nghề thì tỷ lệ này tăng dần ở các nhóm học vấn tiếp theo, cụ thể là nhóm học vấn TN tiểu học là 33,3%, nhóm học vấn TN THCS

là 36,3% và nhóm học vấn TN THPT là 53,1%. Như vậy, trình độ học vấn tỷ lệ thuận với cơ hội di động nghề nghiệp. Nói cách khác, người lao động có học vấn càng cao thì khả năng di động nghề nghiệp càng lớn.

Biểu đồ 2.4: Cơ cấu lao động theo ngành xét về góc độ học vấn (%)

(Nguồn: Kết quả xử lý số liệu)

Kết quả từ biểu đồ 2.4 cũng chỉ ra rằng, lực lượng lao động chính trong nông nghiệp hiện nay ở địa phương chủ yếu thuộc đối tượng có trình độ học vấn thấp, cụ thể là hai nhóm học vấn chưa TN tiểu học và TN tiểu học. Quả thực, với hạn chế về học thức sẽ là rào cản để người lao động có thể áp dụng và phát huy tốt kỹ thuật khoa học tân tiến vào hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy, trên thực tế những lao động có học vấn thấp chủ yếu rơi vào những lao động có tuổi. Với sự hỗ trợ của cán bộ Hợp tác xã nông nghiệp, với kinh nghiệm dày dặn tích lũy trong nhiều năm làm nghề của chính người lao động đã thực sự mang lại những biến chuyển tích cực trong năng suất lao động cũng như hiệu quả kinh tế từ lĩnh vực nông nghiệp cho địa phương trong 10 năm qua. Theo đó, cây mía là một trong những minh chứng cho sự phát triển và đổi mới trong nông nghiệp của người dân. Mặc dù từ 2004-2010, diện tích trồng mía có giảm từ 55,3ha xuống còn 47,6ha nhưng năng suất lao động lại tăng lên đáng kể, từ 324,5tạ/ha lên 420,0tạ/ha, sản lượng mía cũng do đó mà không ngừng tăng lên, từ 1025,3tấn lên 1478,4 tấn [8]. Điều này khẳng định người dân không những áp dụng kỹ thuật chăm sóc tốt mà còn biết chuyển đổi cây trồng thích hợp để nâng cao.

Đối với ngành công nghiệp, nhóm học vấn càng cao thì có tỷ lệ lao động công nghiệp càng lớn. Theo đó, vào năm 2004, tỷ lệ lao động này ở nhóm học vấn chưa TN tiểu học là 20%, nhóm TN tiểu học là 22,2%, nhóm TN THCS là 23,3% và nhóm TN THPT là 41,1% thì vào năm 2013 đạt các mức tương ứng là 20%, 17,6%, 34,8% và 35,1%. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động công nghiệp ở các nhóm học vấn lại có sự biến chuyển hoàn toàn khác nhau. Chỉ riêng nhóm học vấn TN THCS có số lao động làm việc trong ngành công nghiệp tăng lên trong 10 năm qua (tăng 12,5%), nhóm học vấn chưa TN tiểu học không thay đổi (0%) thì trái lại, số lượng lao động trong công nghiệp lại giảm xuống ở nhóm học vấn TN tiểu học (giảm 4,6%) và

nhóm học vấn TN THPT (giảm 6,3%). Điều này cho thấy, cùng với sự suy giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp thì tỷ lệ lao động trong công nghiệp cũng đang có xu hướng giảm xuống trong 10 năm qua, ngoại trừ nhóm học vấn TN THCS.

Với xu hướng giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp và công nghiệp đã khiến tỷ lệ lao động dịch vụ ở các nhóm học vấn tăng lên đáng kể. Cơ cấu lao động dịch vụ ở nhóm học vấn chưa TN tiểu học là 0 - 10%, nhóm TN tiểu học là 22,5% - 38,8%, nhóm TN THCS là 28,9% - 29,2% và nhóm TN THPT là 12,2% - 40,5%. Số liệu này cho thấy, nhóm học vấn cao nhất là TN THPT không những có tỷ lệ lao động dịch vụ cao hơn so với các nhóm khác mà mức tăng tỷ lệ này cũng đạt cao nhất, đến 28,3%. Trong khi đó, mức tăng ở các nhóm chưa TN tiểu học là 10%, nhóm TN tiểu học là 16,3% và nhóm TN THCS là 0,3%.

Thông qua những phân tích trên đây, có thể thấy rõ xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động ở các nhóm học vấn hoàn toàn khác nhau. Nếu phần lớn lao động ở các nhóm học vấn chưa TN tiểu học, TN tiểu học và TN THPT đều có xu hướng thoát khỏi nông nghiệp và công nghiệp để tham gia vào lĩnh vực lĩnh dịch vụ thì lao động ở nhóm học vấn TN THCS lại có xu hướng rời hoạt động nông nghiệp để cùng tham gia vào công nghiệp và dịch vụ, trong đó xu hướng tham gia vào công nghiệp (tăng 11,5%) cao hơn so với dịch vụ (tăng 0,3%).

Mặc dù có sự biến đổi cơ cấu lao động khác nhau đối với hai ngành công nghiệp và dịch vụ ở các nhóm học vấn thì sự thay đổi này cũng đều phản ánh thực trạng chung của quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động. Nhận định của một cán bộ thôn cho biết: “Trong chục năm trở lại đây thì số lượng lao động nông nghiệp giảm, nhất là

giới trẻ hiếm lắm mới làm nông, chủ yếu người ta đi làm nghề như công nhân, thợ nề, thợ mộc, không thì mở hàng tạp hóa, sửa xe máy, bán vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng thì nhiều lắm. Làm nghề chi còn tùy thuộc vào sức học của mỗi em. Bây giờ thanh niên nắm bắt cũng vững vàng hơn trước, cảm thấy mấy anh chị học lên đại học ra trường mà xin việc khó thì cũng cố học đến lớp 9 rồi đi tìm nghề làm” [Nam, 55 tuổi, cán bộ lãnh đạo xã Quảng Phú].

Tóm lại, sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành phân theo trình độ học vấn diễn biến trong xu thế của địa phương, đó là giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp và gia tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, ở mỗi nhóm học vấn khác

nhau lại có sự chuyển dịch khác nhau. Học vấn càng cao thì xu hướng tách hẳn khỏi nông nghiệp càng nhanh và ngược lại. Sự lựa chọn các ngành công nghiệp hay dịch vụ ở các nhóm học vấn cũng không giống nhau, trong đó dịch vụ trở thành lựa chọn của đại đa số lao động, ngoại trừ lao động có học vấn TN THCS lại có xu hướng lựa chọn công nghiệp.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 51 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(142 trang)
w