Chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng xét về góc độ chuyên môn kỹ thuật

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 71 - 77)

8. Khung lý thuyết

2.2.5. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng xét về góc độ chuyên môn kỹ thuật

Theo báo cáo Điều tra lao động - việc làm năm 2012, nguồn nhân lực của nước ta tuy trẻ, dồi dào nhưng trình độ tay nghề và CMKT còn thấp. Có hơn 43,4 triệu lao động (chiếm 83,2%) chưa được đào tạo để đạt một trình độ CMKT. Trong đó, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo chỉ chiếm 10,3% lực lượng lao động và lao động đang làm việc đã qua đào tạo là 10,1% [37]. Rõ ràng, bài toán về chất lượng nguồn lao động luôn là thực trạng chung của nhiều khu vực nông thôn trên cả nước.Xã Quảng Phú cũng không nằm ngoài tình trạng đó khi tỷ lệ người hỏi cho biết không có trình độ CMKTlà 76,4%. Chính vì không được đào tạo nghề, người lao động gặp rất nhiều khó khăn khi tìm việc làm, thậm chí họ phải di chuyển đến các vùng khác trong và ngoài nước.

Kết quả khảo sát từ 237 mẫu phỏng vấn cho thấy, có đến 90,1% ý kiến cho rằng người địa phương đi làm ăn ngoài địa phương không có CMKT. Con số này vẽra một bức tranh khá ảm đảm về chất lượng nguồn lao động tại đây. Kết quả này có nhiều điểm tương đồng với những nghiên cứu tại Hà Nội, Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác thời gian qua. Cụ thể, kết quả điều tra lao động việc làm của huyện Hoài Đức (2009) chỉ ra rằng trình độ CMKT chưa qua đào tạo chiếm đến 75,11%. Hay kết quả nghiên cứu vào năm 2013 tại Hồ Chí Minh cho thấy lao động chủ yếu ở các cơ sở sản xuất nhỏ là người nhập cư và chưa có chứng chỉ/bằng cấp nghề nghiệp[34, tr.95]. Nhìn chung, đại đa số người lao động đều không được đào tạo nghề trước khi đi.

Có sự khác biệt giữa kết quả khảo sát ý kiến của người dân và kết quả điều tra của chính người di chuyển lao động ra khỏi địa phương. Trong số 34,6% lao động đã từng đi làm ăn xa, chỉ có 28,2% không có CMKT, riêng các nhóm còn lại chiếm tỷ lệ khá cao với 68,2% sơ cấp, 50% trung cấp và 45% CĐ & trên ĐH. Như vậy, xu hướng làm ăn ngoài địa phương lại rơi phần đông vào nhóm có CMKT, trong khi đó nhóm không có CMKT lại có tỷ lệ lao động chuyển vùng thấp nhất. Sỡ dĩ có kết quả trên là xuất phát từ lý do phần lớn lao động không có CMKT có xu hướng đi làm ăn xa đông hơn so với các lao động có CMKT.Trong khi đó quá trình khảo sát của chúng tôi không thể gặp được những đối tượng này vì đó không phải là thời điểm chính họ quay về.

Tuy vậy, khi đối chiếu kết quả khảo sát từ người dân và các kết quả định tính, có thể khẳng định rằng, đại đa số lao động rời khỏi địa phương làm ăn không được đào tạo nghề. Một cán bộ thôn đã chia sẻ: “Hiện nay người dân chưa qua đào tạo

là khá nhiều. Nhiều em là công nhân kĩ thuật không bằng. Có nghĩa là họ không qua một trường lớp mô (nào) hết mà họ đến học nghề chỗ mô (nào) đó, họ ra và xin làm việc ở một cơ sở thì được coi là công nhân kỹ thuật không bằng. Thực tế những người ở đây đi làm không ai có bẳng cấp”[Nam, 65 tuổi, trưởng thôn Phú Lễ, xã

Quảng Phú]. Thực trạng tự đào tạo nghề cũng được phản ánh nhiều qua các câu chuyện lịch sử được tác giả ghi nhận: “Tôi học hết cấp 1 thì nghỉ vì trường cấp 2 ở

quá xa, nhà lại không có điều kiện. Hơn nữa tôi ham chơi nên không học được. Ở nhà ai thuê chi làm nấy, đến năm 20 tuổi tôi đi nghĩa vụ quân sự 2 năm 8 tháng. Sau khi trở về, tôi học nghề cắt tóc ở cây số 10, xin vô quán đó gọi là lập nghiệp, tự vận thân. 1 năm sau, tôi quay về địa phương và mở quán cho đến bây chừ. Đi quân sự về thì làm chi mà đi học nghề, chỉ có đi học cắt tóc thôi, muốn học các nghề khác phải có cha mẹ đài thọ mà nhà tôi thì quá nghèo, chấp nhận vừa học vừa làm nghề để kiếm thêm tiền. Với lại tôi bị chấn thương ở sườn nên không thể làm thợ như người ta. Dân đây tự đi học, xin vô mấy xưởng vừa học vừa làm nhiều lắm!”

[Nam, 47 tuổi, thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú]. Như vậy, phần đông người lao động tại xã Quảng Phú không có CMKT, đa số người lao động lựa chọn hình thứctự đào tạo nghề dưới dạng vừa học vừa làm tại các cơ sởsản xuất được tuyển dụng.

CMKT thấp hay không có CMKTtrở thành lực đẩy khiến xu hướng đi làm ăn xa ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Một vài nghiên cứu gần đây cho thấy, tiêu chí tuyển dụng tại các khu công nghiệp hay khu chế xuất ở phía Nam không đòi hỏi bằng cấp của người lao động, chỉ nhấn mạnh yêu cầu tối thiểu biết đọc, biết viết [20, tr.86]. Quả thực, đây là cơ hội cho lao động từ miền Trung có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm ở khu vực phía Nam. Kết quả khảo sát tại xã Quảng Phú cũng ghi nhận, đây là địa bàn được nhiều lao động lựa chọn di chuyển đến để lập nghiệp và mưu sinh, nhất là lao động không có CMKT.

Biểu đồ 2.10: Nơi đến của lao động từng làm ăn ngoài địa phương phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật (%)

(Nguồn: Kết quả xử lý số liệu)

Kết quả từ biểu đồ 2.10 cho thấy, các tỉnh phía Nam thu hút lao động đông nhất ở hai nhóm không có CMKT (63,5%) và nhóm trung cấp (57,1%), nhóm sơ cấp chủ yếu tập trung tại các tỉnh khác ở miền Trung với tỷ lệ 46,7%. Chỉ duy nhất nhóm trên CĐ, ĐH phân bổ lực lượng lao động trong tỉnh với 77,8%. Rõ ràng, có sự phân biệt nơi đến đối với các nhóm trình độ CMKT khác nhau, theo đó người lao động có CMKT thấp có xu hướng đi làm ăn ở các khu vực xa trong khi lao động có CMKT cao lại tập trung làm việc trong tỉnh.

Vào giai đoạn 2004-2013, nếu lợi thế của các tỉnh phía Nam, phía Bắc và một số tỉnh thành khác ở khu vực miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh) là sự hoạt động mạnh mẽ của các khu công nghiệp, khu chế xuất với thị trường rộng lớn, cơ chế mở thì ở Thừa Thiên Huế lại hạn chế hơn. Chính vì vậy, các tỉnh thành đó trở thành vùng đất hấp dẫn, thu hút nhiều lao động đến làm việc, họ dễ dàng xin vào các cơ sở sản xuất với đủ trình độ CMKT. Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn lao động là công nhân tập trung đông nhất ở các nhóm không có CMKT (67,3%), trung cấp (57,1%) và nhóm sơ cấp (40%). Điều này lý giải vì sao người lao động ở các nhóm CMKT trên chủ yếu tập trung làm việc ngoài tỉnh với nghề chính là công nhân. Ngược lại, với CMKT là trên CĐ, ĐH thì người lao động vẫn ưu tiên làm việc trong tỉnh hơn với nghề chính là công chức (90%). Như vậy, cùng với trình độ CMKT thì lực hút về thị trường lao động ở các vùng miền khác nhau cũng trở thành yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn nơi đến của người lao động.

Một thực tế đang diễn ra hiện nay là, nhiều em dù có chuyên môn cao, tốt nghiệp Đại học vẫn không thể tìm được việc từ chính nghề nghiệp được đào tạo, nhất là tìm việc tại quê hương lại là điều không thể. Thực trạng này cho thấy một xu hướng mới, đó là mặc dù người lao động có CMKT cao thì họ vẫn phải di chuyển ra khỏi địa phương để tìm việc với nghề nghiệp hoàn toàn khác so với nghề được đào tạo, trong số đó chấp nhận trở thành thợ công nhân. “Hiện nay, tỉ lệ các em đậu Đại

học nhiều nhưng học xong ra không có việc làm. Ra trường rồi đi may ở ngoài Scavi ở Phong Điền, may 17 ở thị xã Hương Trà, các em nam làm cũng rất nhiều chứ đừng

nói các em nữ. Dân ở đây hay kháo với nhau bữa đi đi học chỉ có học Đại học Scavi là mau” [Nam, 47 tuổi, thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú]. Đó là lý do vì sao nhiều em

không mặn mà với việc học, quyết định rời bỏ địa phương, học nghề và làm nghề. Điều đáng bàn là, ngay tại địa phương đã có cơ sở dạy nghề với rất nhiều ưu đãi dành cho con em xã Quảng Phú. Tuy nhiên, nhiều lao động tỏ ra không mặn mà với loại hình đào tạo này mà lại lựa chọn đi xa, tự học nghề để sinh sống. Lý giải cho điều này, tổng hợp các thông tin định tính cho thấy: Thứ nhất, người dân cảm thấy việc dạy và học không có chất lượng bằng việc đi học ngoài. Thay thế vào đó, họ chấp nhận tự đào tạo tại các cơ sở tư nhân, như vậy vừa kiếm được thu nhập vừa đảm bảo tay nghề. Thứ hai, học ra không có việc làm. Nếu người lao động vừa học vừa làm, nghiễm nhiên họ đã có được một chỗ làm khá ổn định thay vì phải học nghề để lấy bằng cấp rồi mới xin vào làm việc ở các cơ sở, xí nghiệp. Như vậy, người lao động có xu hướng chấp nhận không có bằng cấp mà tự đào tạo nghề bằng hình thức vừa học vừa làm như một lựa chọn tối ưu.

Tóm lại, sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng ở xã Quảng Phú có sự khác nhau về trình độ CMKT. Người lao động có CMKT càng cao thì càng có xu hướng làm việc trong tỉnh,trong khi nhóm CMKT thấp lại di chuyển ra khỏi địa phương, làm việcở khu vực phía Nam, khu vực phía Bắc hoặc một số tỉnh khác ở miền Trung. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn dự báo xu hướng gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở các lao động có CMKT cao, họ không thể tìm được việc làm đúng ngành đào tạo ở địa phương và cũng phải di chuyển ra các địa bàn khác để làm nghề.

Có thể nói rằng, sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng ở xã Quảng Phú giai đoạn 2004-2013 có nhiều biến đổi qua từng thời kỳ. Nhìn chung, số lượng lao động rời khỏi địa phương làm ăn trong 10 năm qua có xu hướng tăng. Quá trình chuyển dịch nông thôn-thành thị diễn ra mạnh mẽ hơn so với nông thôn-nông thôn. Phần đông lao động lựa chọn miền Nam là điểm đến ưu tiên nhất so với các tỉnh thành khác trong cả nước và nước ngoài. Với cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp hoặc tìm kiếm được việc làm có thu nhập cao hơn ở nơi đến đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nói chung của địa phương. Bên cạnh đó, sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo

vùng cũng khác nhau phân theo giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn và trình độ CMKT của người lao động.

Như vậy, dưới tác động của quá trình CNH, HĐH, chuyển dịch cơ cấu lao động ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2004- 2013 diễn ra theo hai hướng, đó là chuyển dịch theo ngành kinh tế và chuyển dịch theo vùng địa lý. Cụ thể, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp giảm, tỷ lệ lao động trong công nghiệp và dịch vụ tăng lên, trong đó dịch vụ đã, đang và sẽ là lĩnh vực thu hút nhiều lao động hơn cả. Ngoài lựa chọn ở lại quê hương chuyển đổi nghề nghiệp, không ít lao động cũng có xu hướng tìm kiếm việc làm ngoài địa phương.Họ đi đến nhiều nơi trên cả nước như các tỉnh ở khu vực miền Trung, đi ra các tỉnh phía Bắc và tập trung đông nhất ở các tỉnh phía Nam. Có thể nói rằng, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương thời gian qua là đúng hướng, vững chắc, góp phần không nhỏ trong quá trình thực hiện công cuộc CNH, HĐH nông thôn.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 71 - 77)