Chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành xét về góc độ chuyên môn kỹ thuật

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 54 - 58)

8. Khung lý thuyết

2.1.5. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành xét về góc độ chuyên môn kỹ thuật

Chuyên môn kỹ thuật (CMKT) là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đo lường chất lượng nguồn lao động, là yếu tố tác động trực tiếp đến năng suất, hiệu quả lao động và sự tăng trưởng của các ngành kinh tế.

Khác với trình độ học vấn, CMKT nhấn mạnh đến kỹ năng thực hành nghề nghiệp của người lao động. Cũng cần phải thừa nhận rằng, công tác đào tạo nghề tại địa phương giai đoạn 2004-2013 rất được quan tâm thông qua việc thực hiện một số chính sách của Thủ tướng Chính phủ như đề án 1956-Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020, phân luồng giáo dục, hỗ trợ kinh phí học nghề tại các cơ sở trên địa bàn hoặc liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp và mây tre đan tổ chức các đợt tập huấn nghề nghiệp. Với những hoạt động đó đã tạo điều kiện cho người lao động được nâng cao trình độ CMKT. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người dân và cán bộ địa phương cho biết, công tác đào tạo nghề ở Quảng Phú vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Điều này xuất phát từ bài toán chất lượng giảng dạy của các cơ sở đào tạo. Đại đa số người lao động đều tự đào tạo ngoài.

Khi người lao động được đào tạo nghề, họ sẽ có thiên hướng tìm kiếm và làm việc trong các lĩnh vực nghề nghiệp đã được học. Chính vì vậy, phần lớn lao động tham gia vào ngành nông nghiệp chỉ thực sự tập trung ở các nhóm không có bằng cấp hoặc bằng cấp thấp. Cụ thể trong 10 năm qua, nhóm không có CMKT giảm từ 56,8% xuống còn 45,7%, nhóm sơ cấp giảm từ 14,3% - 0%, nhóm trung cấp giảm từ 30% - 25% và nhóm trên CĐ, ĐH giảm từ 60% - 0%. Như vậy, tỷ lệ lao động nông nghiệp đều có xu hướng giảm ở các nhóm CMKT, trong đó lao động ở hai nhóm sơ cấp và trên CĐ, ĐH đã hoàn toàn tách khỏi nông nghiệp, tham gia chủ lực vào ngành công nghiệp và dịch vụ.

Mức giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp ở các nhóm CMKT cũng không giống nhau. Đối với nhóm không có CMKT, mức giảm đạt 11,1%, với nhóm sơ cấp là

14,3%, với nhóm trung cấp là 5% và nhóm trên CĐ, ĐH là 60%. Có thể thấy, mức giảm cao nhất diễn ra ở nhóm CMKT cao nhất, tuy nhiên mức giảm thấp nhất lại không phải ở nhóm CMKT thấp nhất mà lại là nhóm trung cấp. Qua quá trình khảo sát trên địa bàn, đây là những trường hợp học nghề tại trường Trung cấp nghề huyện Quảng Điền, họ không thể tìm được việc làm hoặc các nghề họ đang tham gia mang lại thu nhập thấp nên phải duy trì nghề chính là làm nông. Do vậy, vẫn có tình trạng lao động được đào tạo trung cấp nhưng vẫn là lao động nông nghiệp.

Biểu đồ 2.5: Cơ cấu lao động theo ngành xét về góc độ chuyên môn kỹ thuật (%)

(Nguồn: Kết quả xử lý số liệu)

Có thể thấy rằng, lao động nông nghiệp ở xã Quảng Phú chủ yếu là lao động không có CMKT. Chính vì vậy, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ trở nên khó khăn. Trong khi đó, muốn CNH, HĐH nông thôn thì phải CNH, HĐH nông nghiệp. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và đặc biệt là Hợp tác xã nông nghiệp, thông qua các đợt tập huấn được tổ chức hẳng năm đã giúp cho người nông dân kịp thời nắm bắt những công nghệ mới, trang bị cho họ những kỹ năng cơ bản để áp dụng các quy trình sản xuất mới, từ đó năng suất lao động tăng, thúc đẩy quá trình chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các ngành khác. Một cán bộ xã cho biết: “Từ việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào

trồng trọt, kể cả chăn nuôi thì số lượng lao động trong nông nghiệp giảm, bây giờ số lượng người làm nông vẫn nhiều nhưng làm thuần nông thì không còn bao. Bây giờ lao động nông nghiệp tại xã đây rất ít. Khoa học công nghệ tiến bộ bao nhiêu thì lao động nông nghiệp phải giảm thôi. Nói chơ so với bên Mỹ, cùng một diện tích mà ở họ chỉ 2 người làm, còn mình cả chục người làm, như rứa họ mới giàu lên được. Ở đây xu hướng cũng dần như rứa” [Nam, 55 tuổi, cán bộ lãnh đạo xã Quảng

Phú].

Đối với ngành công nghiệp, kết quả từ biểu đồ 2.5 cho thấy, tỷ lệ lao động trong công nghiệp ở hai nhóm sơ cấp và trung cấp luôn ở mức cao hơn so với hai nhóm không có CMKT và nhóm trên CĐ, ĐH. Cụ thể, vào thời điểm 2004, nếu tỷ

lệ lao động công nghiệp ở nhóm sơ cấp là 51,7%, nhóm trung cấp là 60% thì tỷ lệ này với nhóm không có CMKT là 20,5% và nhóm trên CĐ, ĐH là 40%. Đến năm 2013, tỷ lệ lao động ở hai nhóm sơ cấp là 51,7%, nhóm trung cấp là 50% thì tỷ lệ này ở hai nhóm không có CMKT là 23,7% và nhóm trên CĐ, ĐH là 50%. Mặc dù tỷ lệ lao động trong công nghiệp ở hai nhóm sơ cấp và trung cấp ở mức cao hơn so với hai nhóm còn lại nhưng có thể thấy rằng, từ 2004-2013 tỷ lệ này đang có xu hướng chững lại ở nhóm sơ cấp (0%) và thậm chí giảm xuống ở nhóm trung cấp (giảm 10%). Thay vào đó, tỷ lệ lao đông công nghiệp ở hai nhóm không có CMKT và nhóm trên CĐ, ĐH lại tăng lên với mức tương ứng 3,2% và 10%.

Đối với ngành dịch vụ, xu hướng lao động tham gia trong lĩnh vực này ngày càng tăng lên ở các nhóm CMKT. Theo đó, nếu tỷ lệ lao động dịch vụ năm 2004 ở các nhóm không có CMKT là 22,7%, nhóm sơ cấp là 28,6%, nhóm trung cấp là 10% và nhóm trên CĐ, ĐH là 0% thì đến sau đó 10 năm, tỷ lệ này đã đạt mức cao hơn với các tỷ lệ tương ứng 30,6%, 42,9%, 25% và 50%. Như vậy, nhóm CMKT cao nhất với trình độ trên CĐ, ĐH vừa là nhóm có tỷ lệ lao động dịch vụ cao hơn so với các nhóm còn lại, cũng vừa là nhóm có mức tăng tỷ lệ này cao nhất, đến 50%. Trong khi đó, mức tăng này ở các nhóm còn lại thấp hơn nhiều, cụ thể nhóm không có CMKT là 7,9%, nhóm sơ cấp là 14,3% và nhóm trung cấp là 5%.

Với những phân tích trên đây, có thể thấy rằng không có sự khác biệt quá lớn về quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động xét từ góc độ CMKT. Theo đó, nếu lao động ở các nhóm sơ cấp và trung cấp giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp và công nghiệp để chuyển dịch sang ngành dịch vụ thì lao động ở các nhóm không có CMKT và trên CĐ, ĐH lại có xu hướng thoát khỏi nông nghiệp và đóng góp lực lượng lao động vào cả hai ngành công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, xu hướng tham gia vào dịch vụ ở hai nhóm không có CMKT và trên CĐ, ĐH vẫn cao hơn so với công nghiệp (với mức tăng tương ứng là 7,9% và 50% so với các mức 3,2% và 10%). Chính vì vậy, có thể nói rằng, sự chuyển dịch cơ cấu lao động phân theo trình độ CMKT vẫn chủ yếu theo hướng tham gia lực lượng đông đảo trong ngành dịch vụ. Quả thực, đây cũng là xu hướng chuyển dịch chung ở địa bàn xã Quảng Phú trong 10 năm qua. Kết quả này

càng minh chứng rằng, tỷ lệ lao động dịch vụ ngày càng gia tăng, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động đúng hướng ở khu vực nông thôn.

Trên thực tế, lao động được đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp thường có định hướng rõ ràng trong việc lựa chọn ngành nghề đào tạo. Phần lớn họ có thể xin vào làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp, trở thành công nhân may, công nhân sửa chữa máy móc hoặc thợ xây dựng. Phần khác có thể tham gia vào lĩnh vực dịch vụ như mở tiệm sửa xe máy, điện lạnh, cắt tóc, may mặc… Tuy nhiên, có một vấn đề đáng bàn là ngay bản thân những lao động có trình độ trên CĐ, ĐH cũng không thể tìm được việc làm từ chính ngành nghề mình được đào tạo, nhất là tìm việc tại quê hương lại càng không thể. Một cán bộ địa phương cho biết: “Con em học Đại học ra không có việc làm lại phải xin làm những việc khác dù không đúng ngành nghề được học. Chẳng hạn mấy con bé nhà tôi khi ra trường, không xin được việc phải đi phụ bán cà phê, con lớn đã vô trong Nam xin làm tạm ở các nhà máy trong khi chờ việc khác. Thôn đây, một số em học xong Đại học, Cao đẳng phải chấp nhận đi may. Những nghề thợ may, thợ mộc, thợ hồ rất dễ kiếm. Nhưng nghề đối với các em ra có bằng cấp thì khó, nhất là các em học Đại học, Cao đẳng” [Nam, 45 tuổi, trưởng thôn

Hạ Lang 1, xã Quảng Phú]. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều khu vực nông thôn trên cả nước.

Tóm lại, sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành phân theo trình độ CMKT biểu hiện rõ sự suy giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp và gia tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ. Trong đó, nhóm CMKT cao nhất có mức giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp lớn nhất. Không có sự khác biệt quá nhiều về quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động ở các nhóm CMKT, hầu hết lao động ở các nhóm trên đều có xu hướng tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực dịch vụ hơn so với công nghiệp.

Có thể nói rằng, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành ở xã Quảng Phú giai đoạn 2004-2013 mang tính tích cực, phù hợp với xu hướng chuyển dịch của huyện Quảng Điền cũng như góp phần thúc đẩy công cuộc CNH, HĐH khu vực nông thôn. Sự biến đổi cơ cấu lao động theo ngành thể hiện rõ dưới hai hình thức tiến bộ, đó là chuyển dịch nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại và

chuyển dịch nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Theo đó, tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm kéo theo sự gia tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, đặc biệt là sự phát triển ngày càng mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ. Không những vậy, sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành ở địa phương cũng diễn ra khác nhau phân theo giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn và trình độ CMKT của người lao động.

2.2.Thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng

Chuyển dịch cơ cấu lao động không chỉ thể hiện qua sự thay đổi trong phân bố lực lượng lao động theo ngành mà còn được thể hiện qua sự thay đổi nơi làm việc của chính người lao động trong một khoảng thời gian xác định, hay nói cách khác đó là quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng địa lý/di cư lao động - một hiện tượng tất yếu và phổ biến ngày nay.

Sự dịch chuyển cơ cấu lao động theo vùng địa lý trong nghiên cứu này được xem xét theo 5 hình thức: (1) làm việc ở các nơi khác trong tỉnh (thôn, xã, huyện, thành phố), (2) làm việc ở các tỉnh khác trong khu vực miền Trung, (3) làm việc ở khu vực miền Bắc, (4) làm việc ở khu vực miền Nam, (5) làm việc ở nước ngoài.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 54 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(142 trang)
w