8. Khung lý thuyết
2.2.1. Chuyển dịch về số lượng lao động theo vùng
Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, để tìm được một công việc phù hợp trong xã hội công nghiệp hiện đại ngày nay, nhiều lao động nông thôn Việt Nam buộc phải rời khỏi nơi sống của mình. Chính vì vậy, rất khó để kìm hãm làn sóng di cư ngày càng ồ ạt từ nông thôn-nông thôn, nông thôn-thành thị. Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng tại xã Quảng Phú cũng không nằm ngoài quy luật ấy.
Theo số liệu thống kê từ địa phương cho biết, từ 2004-2013 vẫn duy trì một bộ phận lao động ở Quảng Phú đi làm ăn nơi khác. Một điểm cần lưu ý, đây là số liệu thống kê số lượng lao động đi mới (trên 6 tháng) qua từng năm một. Với số lượng hàng chục lao động đi tìm việc mỗi năm như vậy chứng tỏ rằng, sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng đã từng xuất hiện và đang tiếp tục biến đổi suốt 10 năm qua. Bảng 2.6 cho thấy, số lao động làm ăn ngoài địa phương tăng lên từ 2004- 2007 nhưng bắt đầu có xu hướng chững lại từ 2008-2013. Cụ thể, số lao động đi mới ở thời điểm 2004 là 44 người, năm 2013 là 73 người thì năm 2007 đạt đỉnh 786 người. Đây là con số lao động di cư cao nhất trong 10 năm qua. Trước đó, năm
2006 cũng đánh dấu mốc của 550 người. Như vậy, số lao động đi mới qua các năm biến động không đồng đều, tăng giảm theo từng thời điểm khác nhau.
Bảng 2.6: Số lượng lao động xã Quảng Phú rời khỏi địa phương trên 6 tháng giai đoạn 2004-2013 (người)
Năm 2004 2005 2006 2007 2008 2010 2011 2012 2013
Số lượng 44 33 550 786 59 42 266 84 73
(Nguồn: Báo cáo Dân số và biến động dân số từ 2010-2013, chi cục TK Quảng Điền & Trung tâm Dân số và KHHGĐ huyện Quảng Điền)
Mặc dù so với thời điểm 2004 thì số lượng lao động đi mới năm 2013 tăng không đáng kể. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng đây là số lượng lao động rời khỏi địa phương làm ăn trên 6 tháng được thống kê từng năm, nếu cộng thêm số lao động đã đi vào các năm trước đó thì chứng tỏ rằng, tổng số lao động chuyển dịch theo vùng giai đoạn 2004-2013 ở mức khá cao. Thực trạng này một lần nữa được khẳng định khi có đến 83,4% người được hỏi đồng tình với nhận định ngày càng có nhiều lao động ra khỏi địa phương làm ăn.
Không những vậy, các kết quả phỏng vấn của người dân và cán bộ địa phương cũng cho ý kiến tương tự. Theo họ, số lượng lao động làm ăn ngoài trong thời gian qua ngày càng đông đảo, chỉ rất ít trong số đó quay trở lại quê hương nếu họ đã tìm được việc làm, chủ yếu là những người làm ăn thành công hoặc đã học được nghề nào đó rồi quyết định chuyển hẳn về quê nhà lập nghiệp. “Hiện nay lao động mình
đây khoảng 12.700 khẩu, khoảng 6.500 lao động, trong đó chỉ còn 3.500 lao động chuyển sang nghề khác và chủ yếu là đi lao động ngoài tỉnh. Chủ yếu lao động ở đây đi làm ngoài tỉnh để chuyển đổi nghề nghiệp, tết họ mới về… Bữa ni thì đi nhiều hơn trước.” [Nam, 55 tuổi, cán bộ lãnh đạo xã Quảng Phú]. Bên cạnh đó, hình
thức đi làm ăn xa của người dân cũng khác nhau trong thời gian qua: “Những năm
trước đó, nếu những người nào rời khỏi địa phương thường đi luôn cả hộ gia đình, tách hộ khẩu khỏi địa phương. Còn vài năm trở lại đây, số lượng người đi ra khỏi địa phương, tách hộ khẩu ít đi những lại gia tăng số lượng người làm việc tại những nơi khác. Thông thường, họ chỉ trở lại thăm quê một năm 1 lần vào các dịp lễ, tết” [Nam, 56 tuổi, phó trưởng thôn Hạ Lang 2, xã Quảng Phú]. Như vậy, xu
hướng chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành ở xã Quảng Phú giai đoạn 2004- 2013 ngày càng gia tăng.
Có thể nói rằng, 2006-2007 là thời điểm bùng nổ của quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng. Đây cũng chính là điểm mốc tại Quảng Phú có sự thay đổi vượt bậc về cơ sở hạ tầng. Kết quả phỏng vấn ghi nhận: “Từ năm 2006, khi cầu Tứ
Phú được xây dựng xong, đường sá cũng được tu bổ nhiều, cửa ngõ của Quảng Phú được mở ra tạo điều kiện cho kinh doanh, dịch vụ phát triển. Tuy nhiên ruộng đất thu hồi nhiều, dân phải tìm nghề khác. Mà kiếm nghề ở đây thì rất khó nên dân chuyển hướng ra làm ngoài hết cả” [Nam, 45 tuổi, trưởng thôn Hạ Lang 1, xã Quảng Phú]. Ngoài ra, để đáp ứng công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều diện tích đất sản xuất bị thu hồi đã ảnh hưởng không ít đến công ăn việc làm của những con người thuần nông. Vốn dĩ là một xã xuất phát điểm từ nông nghiệp, con người quen thuộc với công việc đồng ruộng, nay mảnh đất sinh nhai không còn khiến cuộc sống của họ ngày càng khó khăn. Hơn nữa, trình độ tay nghề không có do không có cơ hội được đào tạo, rèn luyện và thực hành từ nhiều năm nay nên để tìm được một công việc mới tại địa phương là vô cùng khó khăn. Vì vậy, có đến 70,9% ý kiến người dân cho biết nhiều người phải đi làm ăn xa do không thể tìm được việc làm tại địa phương. Ngoài ra, cũng còn rất nhiều nguyên nhân khác được người dân đề cập đến nhằm lý giải cho sự ra đi ngày càng đông đúc của nhiều lao động như kinh tế quá khó khăn (56,1%), các địa phương khác có điều kiện làm việc tốt hơn (45,7%), lập nghiệp (44,8%), có việc làm tại địa phương nhưng thu nhập thấp (43%), có người quen đi từ trước (41,7%).
Khi quyết định tìm kiếm việc làm ở một nơi khác, có nhiều lựa chọn cho người lao động có thể tìm đến để liên hệ cho công việc của mình, trong đó các tỉnh phía Nam là địa chỉ được chú ý nhất không chỉ với lao động tại địa bàn xã Quảng Phú nói riêng mà với cả toàn bộ lao động miền Trung nói chung.
Biểu đồ 2.6: Nơi đến của lao động từng làm ăn ngoài địa phương giai đoạn 2004-2013 (%)
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các tỉnh phía Nam là lựa chọn của đại đa số lao động đã từng làm ăn ngoài địa phương với 53%, tiếp theo đó là làm việc trong tỉnh hoặc các tỉnh khác ở khu vực miền Trung với tỷ lệ tương ứng 26,7% và 25,3%. Chỉ 7,2% đã lựa chọn các tỉnh phía Bắc là điểm đến của họ và rất ít người đi nước ngoài, chiếm 3%. Điều này có nghĩa, di cư lao động nước ngoài không phải là hình thức chuyển dịch cơ cấu lao động điển hình tại địa phương. Đối với các vùng trong nước, miền Nam và miền Trung là hai địa chỉ đã được nhiều lao động địa phương lựa chọn để tìm cho mình một công việc phù hợp.
Cùng với các chính sách phát triển kinh tế, nhiều vùng kinh tế trọng điểm được đầu tư xây dựng tạo nên thị trường lao động rộng lớn, thu hút nhiều lao động đến làm việc và chuyển đổi nghề nghiệp. Theo Tổng điều tra Dân số 2009 cho thấy, Đông Nam Bộ là điểm đến của đa số người lao động di cư ra khỏi vùng. Hơn 61% người xuất cư từ các vùng đã đến đây, riêng tỷ lệ lao động đến từ Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 74% [10, tr. 56]. Như vậy, nơi đến của người lao động ở xã Quảng Phú cũng nằm trong xu thế chung của cả nước, các tỉnh phía Nam luôn là nơi được nhiều lao động lựa chọn chuyển đến tìm kiếm việc làm. Đây cũng là một quy luật tất yếu bởi khu vực phía Nam là nơi có nhiều tiềm lực về kinh tế, cũng là nơi CNH, HĐH luôn đạt trình độ cao nhất, cơ hội việc làm mở tạo nên sức hút hấp dẫn với người lao động.
Ngoài xu hướng đi vào các tỉnh phía Nam thì xu hướng làm việc trong tỉnh Thừa Thiên Huế cũng là một lựa chọn của nhiều người dân ở Quảng Phú. Làm việc trong tỉnh diễn ra dưới các hình thức sau: (1) Làm việc ở thôn khác trong cùng xã Quảng Phú, (2) làm việc ở xã khác trong cùng huyện Quảng Điền, (3) làm việc ở huyện khác trong cùng thành phố Huế và (4) làm việc tại thành phố Huế. Kết quả điều tra cho thấy, xu hướng chuyển dịch cấp thôn, xã không phải sự chuyển dịch phổ biến ở địa phương. Người lao động ở các thôn, xã đều tham gia vào những nghề nghiệp đặc thù của mỗi vùng, riêng tỷ lệ lao động về các huyện lân cận hoặc thành phố Huế lại đông đảo hơn. Lý do là bởi ở các vùng lân cận như huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà có khu công nghiệp hoạt động, cùng với đó là sự phát triển rậm rộ của rất nhiều cơ sở kinh doanh tư nhân, Nhà nước. Ở thành phố Huế cũng
là địa bàn thu hút nhiều lao động lên làm thuê với sự phong phú và đa dạng của các loại hình nghề nghiệp như cán bộ viên chức, người giúp việc, buôn bán ở chợ, thợ nề, thợ hàn… Ngoài ra người lao động cũng có xu hướng đi ra ngoài các tỉnh khác ở khu vực miền Trung như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đà Nẵng… tìm kiếm việc làm theo sự giới thiệu của người quen trong gia đình hoặc trong làng. Tuy nhiên, xu hướng chuyển dịch về các tỉnh này không mạnh mẽ như các tỉnh phía Nam và trong tỉnh.
Tóm lại, từ 2004-2013 có sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng địa lý ở địa bàn xã Quảng Phú. Xu hướng chuyển dịch nông thôn-thành thị diễn ra mạnh mẽ hơn nông thôn-nông thôn. Theo đó, số lượng lao động rời khỏi địa phương làm ăn ngày càng đông, rất ít trong số đó lựa chọn quay trở về quê nhà lập nghiệp. Nguyên nhân chính buộc họ phải tìm việc nơi khác là do bản thân không thể tìm được việc làm ngay trên quê hương mình. Thay vào đó, đại đa số lao động đi đến các tỉnh phía Nam, tiếp đó là các tỉnh miền Trung, miền Bắc và nước ngoài. Nghề nghiệp của người lao động cũng rất đa dạng tùy vào đặc trưng của từng vùng miền.