Tính chất, đặc điểm của tiêu dùng thể dục thể thao

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tình hình tiêu dùng tập luyện thể dục thể thao của cán bộ công chức, viên chức, doanh nhân ở thành phố hà nội (Trang 41 - 44)

Nguyên lí cơ bản của kinh tế chính trị học chủ nghĩa Mác cho thấy: tính chất và đặc điểm của chế độ kinh tế xã hội quyết định tính chất và đặc điểm của tiêu dùng xã hội. Hay nói cách khác, tính chất và đặc điểm của chế độ sở hữu tư liệu sản xuất quyết định tính chất và đặc điểm của tiêu thụ xã hội. Chế độ sở hữu tư liệu tiêu dùng phản ánh phạm trù kinh tế cơ bản nhất trong mối quan hệ tiêu thụ, chế độ sở hữu tư liệu tiêu dùng chính là phản ánh mối quan hệ lẫn nhau giữa người với người thông qua quan hệ tư liệu tiêu dùng. Từ đó tiêu thụ thể dục thể thao có thể diễn ra dưới hình thức phúc lợi xã hội và hình thức kinh doanh.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, những đặc trưng cơ bản của tiêu dùng thể thao bao gồm những đặc tính dưới đây:

Tiêu dùng thể thao phải có lợi cho sự phát triển toàn diện của con người về các mặt đức, trí, thể, mỹ; đem lại cho người dân cuộc sống hạnh phúc và thật sự có ý nghĩa trong khoảng thời gian nghỉ ngơi. Khi toàn xã hội hình thành phương thức và phong cách tiêu dùng thể thao văn minh, lành mạnh và khoa học, sẽ thúc đẩy sự phát triển tinh thần văn hóa dân tộc, hiện đại. Do đó, ở nước ta tiêu dùng thể thao còn có tính xã hội chủ nghĩa, có tính nhân văn hiện đại phải kiên quyết phản đối phương thức sinh hoạt cổ hủ, dung tục, thấp kém trái với thuần phong mỹ tục. Đồng thời ngăn cấm phương thức thể thao tiêu dùng có hại cho sức khỏe của con người, đi ngược lại với mục tiêu nhân văn xã hội của nước ta. Nhà nước xã hội chủ nghĩa áp dụng những biện pháp kinh tế, chính trị và dư luận tuyên truyền để tăng cường và hướng dẫn một cách khoa học đối với hoạt động tiêu dùng thể thao cho mọi người để nâng cao chất lượng cuộc sống cá nhân và an ninh xã hội.

Tiêu dùng thể thao gắn liền với tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế là yếu tố cần thiết để phát triển tiêu dùng thể thao, nhưng tiêu dùng thể thao phản ánh trình độ phát triển kinh tế, tiêu dùng thể thao hướng mục đích nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế đất nước. Trình độ kinh tế nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần thông qua mức độ tiêu dùng thể dục thể thao là yếu tố phản ánh khách quan về thu nhập và chất lượng cuộc sống trong xã hội.

Đồng thời mục tiêu cơ bản của sản xuất xã hội là thỏa mãn nhu cầu về văn hóa cũng như về vật chất càng ngày càng tăng lên của toàn thể nhân dân, trong đó tiêu dùng thể thao có thể đáp ứng nhu cầu phát triển và hưởng thụ của con người. Ở chừng mực nhất định tiêu dùng thể thao là biện pháp quan trọng thực hiện mục tiêu sản xuất xã hội. Vì thế đẩy mạnh tiêu dùng thể thao gắn liền với tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ quan trọng của nền thể dục thể thao ở mỗi quốc gia.

Nhu cầu tiêu dùng thể dục thể thao là bộ phận của tiêu dùng phát triển và tiêu dùng hưởng thụ.

Tiêu dùng thể dục thể thao không thuộc vào tiêu dùng sinh tồn, nên không cấp bách so với các nhu cầu thiết yếu khác như ăn, mặc, nhà ở, đi lại.... Nhu cầu tiêu dùng thể dục thể thao không thể so sánh được với tiêu dùng sinh tồn và cũng không cấp bách như tiêu dùng y tế hay tiêu dùng giáo dục, nhưng xu hướng ngày càng tăng lên trong xã hội công nghiệp hiện đại. Trong nhiều tài liệu của các nhà xã hội học nước ngoài từng nhấn mạnh từ thế kỷ 17-18 rằng nhu cầu vật chất là có hạn còn nhu cầu về văn hóa tinh thần là vô hạn. Xã hội càng phát triển càng văn minh thì tiêu dùng văn hóa-thể thao càng phát triển rộng lớn.

Tiêu dùng thể thao mang tính thời gian và không gian trong đời sống xã hội:

Thời gian lưu hành của một số loại hình tiêu dùng thể thao khá ngắn như xem một sự kiện thi đấu thể thao nhưng cũng có loại hình kéo dài nhiều năm như việc rèn luyện thân thể nâng cao sức khỏe suốt đời. Trong quá trình phát triển nội hàm nhu cầu của xã hội thì loại hình tiêu dùng thể thao khá lớn vì tiêu dùng thể thao không phân biệt tuổi, giới tính, nghề nghiệp xã hội. Nhưng tính thời gian và không gian trong đời sống ở mỗi nước, mỗi vùng, mỗi dân cư, trình độ kinh tế-xã hội khác nhau là luôn biến động khác nhau.

Sự chênh lệch rõ rệt trình độ tiêu dùng thể thao giữa các vùng miền thành thị nông thôn.

Tiêu dùng thể thao chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố kinh tế-xã hội, trước hết là trình độ phát triển kinh tế. Ở các thành phố có nền kinh tế phát triển nên trình độ tiêu dùng thể thao khá cao; ở các vùng nông thôn và vùng núi cao, vùng sâu vùng xa việc tiêu dùng thể dục thể thao ít và không liên tục. Trong cùng một khu vực, tiêu dùng thể thao cũng thể hiện tính tầng lớp nhất định do điều kiện kinh tế và văn hóa khác nhau của người tiêu dùng thể thao. Tham gia tiêu dùng thể thao tầng lớp cao như: Golf, Tennis, Cầu lông; những người tiêu dùng thể thao với chi phí thấp hơn như: bóng bàn, bơi lội....

Tiêu dùng TDTT không mang tính chất bình quân: mỗi người tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, tập quán, tuổi, sức khỏe, ý thích.v.v…mà thực hiện tiêu dùng TDTT một cách hợp lý.

Tiêu dùng thể thao là một biện pháp quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vật chất và đời sống văn hóa đang không ngừng tăng lên của mỗi người dân trong xã hội hiện nay. Thực hiện mục tiêu sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nước ta còn là nước trình độ kinh tế-xã hội phát triển thấp thì nhu cầu tiêu dùng TDTT giữa các vùng miền có khoảng cách lớn. Nâng cao chất lượng đời sống, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người luôn là mục đích và động lực của mọi xã hội, mọi quốc gia. Đồng thời cũng là con đường phổ biến rộng rãi ý thức thể dục thể thao của toàn dân, nâng cao chất lượng sức khỏe của dân tộc. Chính vì vậy nhà nước phải chăm lo, đầu tư để thể dục thể thao phát triển không ngừng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội về mặt thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Đẩy mạnh chính sách xã hội hóa thể dục thể thao, huy động mọi thành phần xã hội đầu tư phát triển thể dục thể thao và được hưởng thụ giá trị lợi ích của thể dục thể thao. [22],[69],[79].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tình hình tiêu dùng tập luyện thể dục thể thao của cán bộ công chức, viên chức, doanh nhân ở thành phố hà nội (Trang 41 - 44)