Con người tham gia vào các hoạt động khác nhau, với tư cách là chủ thể hoạt động, đều xuất phát từ nhu cầu của hiện thực. Nhu cầu được xem là nhân tố tiền đề, cơ sở để nảy sinh động cơ hoạt động. Nói cụ thể là con người chỉ có hành động khi thấy có nhu cầu. Vậy tham gia hoạt động thể dục thể thao chỉ có được khi có nhu cầu, như vậy: “Nhu cầu là trạng thái tâm lý cá nhân phản ánh sự mong muốn được thỏa mãn một đòi hỏi nào đó liên quan đến sự tồn tại và phát triển”
Cầu - nhu cầu trong phạm trù kinh tế học bao giờ cũng gồm 2 yếu tố hợp thành đó là ý muốn mua và khả năng mua. Nếu muốn mua sản phẩm nào đó nhưng không có tiền thì nhu cầu không thực hiện, hoặc có tiền nhưng sản phẩm đó không thích thì nhu cầu đó không tồn tại. Vậy “cầu đối với hàng hóa hoặc dịch vụ chỉ tồn tại khi người tiêu dùng vừa mong muốn và sẵn sàng chi trả cho hàng hóa hay dịch vụ đó” [25]
Phát triển nhu cầu và mức độ thực hiện nhu cầu xã hội đối với thể thao xét cho cùng vẫn được quyết định nhờ mức độ phát triển sản xuất.Tiêu dùng thể thao thuộc vào loại tiêu dùng phát triển và tiêu dùng hưởng thụ ở tầng cao, cùng với sự phát triển sản xuất của xã hội và sự nâng cao của sức sản xuất, thu nhập của con người cũng tăng lên, tỉ trọng của tiêu dùng thể thao trong cơ cấu tiêu dùng cũng sẽ tăng dần lên. Như vậy sự phát triển của sức sản xuất và nâng cao hiệu xuất lao động không chỉ làm tăng nhu cầu và sáng tạo thêm số lượng và chủng loại của sản phẩm tiêu dùng mà còn dẫn đến sự thay đổi trong cơ cấu tiêu dùng. Cùng với sự phát triển của sức lao động và thu nhập của người dân ngày càng cao, tỉ trọng của hoạt động hưởng thụ và hoạt động phát triển bao gồm cả thể thao trong cơ cấu tiêu dùng cũng tăng dần tăng lên.
Thể dục thể thao có tác dụng tăng cường sức khỏe, phát triển thể chất, vui chơi giải trí tinh thần hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của con người ở các lứa tuổi, giới tính và nghề nghiệp. Con người sử dụng thể dục thể thao để giáo dục sức khỏe, bồi dưỡng kỹ năng vận động, phát triển thể chất, hạn chế bệnh
tật...vì vậy, tổ chức hoạt động thể dục thể thao đã thành thiết chế văn hóa xã hội (với hàm ý cả văn hóa, cả giáo dục, giáo dưỡng). Hơn nữa, giá trị của thể dục thể thao chính là giúp con người phát triển về thể lực, tầm vóc, tinh thần, ý chí để lao động, học tập có kết quả, nhưng hoạt động thể dục thể thao lại đem đến giá trị về văn hóa, tinh thần, sự thích thú cái đẹp, cái hay thì lại bổ sung sự hưởng thụ cho con người. Vì vậy, các nhà khoa học xã hội học hiện đại đã đánh giá thể dục thể thao đáp ứng con người cả về phát triển và hưởng thụ mà sâu xa nhất là phát triển, hoàn thiện toàn diện trí, đức, thể, mỹ, cho con người. [54],[55],[56]
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học ở nước ngoài và trong nước đã nghiên cứu và chứng minh vai trò, tác dụng của thể dục thể thao trong việc thỏa mãn nhu cầu của con người về: sức khỏe, thể chất, tinh thần và đặc biệt với thanh thiếu niên thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí. Một trong những nội dung chính của ngành Thể dục thể thao trong nhưng năm đầu bước vào giai đoạn đổi mới quản lý là Đề án: “Xã hội hóa thể dục thể thao”, Ủy ban Thể dục thể thao (trước đây) nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn luôn coi trọng chỉ đạo và hướng dẫn các hoạt động TDTT theo tinh thần xã hội hóa mà Đảng và Nhà nước đã xác định như một chính sách quan trọng trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta. [77]
Trong thực tế hiện nay, tốc độ phát triển đô thị hóa tại các thành phố lớn trong cả nước, thành phố Hà Nội đi đầu trong việc hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục y tế và thể dục thể thao. Một bộ phận cán bộ công chức, viên chức và doanh nhân hiện đang góp một phần không nhỏ tạo ra của cải vật chất đem lại sự thịnh vượng cho xã hội. Tuy nhiên, việc dành thời gian rảnh rỗi để tham gia vào các hoạt động TDTT tập thể và cá nhân thì lại chưa được chú trọng quan tâm nhiều. Với những cản trở có thể dẫn đến việc không tham gia tập luyện TDTT thường xuyên được như: thời gian làm việc kéo dài dẫn đến không còn thời gian để tập luyện TDTT; bận rộn với công việc gia đình (đối với những đối tượng là phụ nữ); các công trình công cộng phục vụ cho việc tập luyện
TDTT chưa đáp ứng được về số lượng cũng như sự thuận tiện tới từng cụm dân cư.
Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã hệ thống về nhu cầu tham gia tập luyện TDTT, vui chơi giải trí và nghỉ ngơi trong những khoảng thời gian nhàn rỗi (thời gian tự do cá nhân); đặc biệt là trong bộ phận cán bộ công chức, viên chức và doanh nhân. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn trực tiếp đối với cán bộ công chức, viên chức đang công tác đều có mong muốn được tham gia tập luyện TDTT nhằm tăng cường sức khỏe cho bản thân nhưng lại có rất nhiều cản trở việc tập luyện TDTT như: không có thời gian nhàn rỗi; địa điểm tập luyện công cộng quá ít và quá xa nơi ở; các điểm dịch vụ mức thu phí quá cao so với thu nhập.
Tóm lại, nhu cầu tham gia tập luyện TDTT không nằm ngoài những nhu cầu thông thường được hiện hữu trong đời sống hàng ngày của mỗi con người. Nó trở nên cấp thiết và là điều kiện tiên quyết cho một xã hội phát triển toàn diện. Đặc biệt trong một bộ phận đang là cán bộ công chức, viên chức và doanh nhân, đang tập trung tại các khu đô thị lớn, các trung tâm kinh tế chính trị và văn hóa của cả nước nói chung, tại khu vực nội thành Hà Nội nói riêng. Mức sống càng cao thì đòi hỏi cung ứng dịch vụ công lập và ngoài công lập cho việc tập luyện TDTT càng cao, phát triển đồng bộ về số lượng cũng như chất lượng phục vụ nhằm thỏa mãn được nhu cầu tập luyện của nhân dân nói chung và của cán bộ công chức, viên chức và doanh nhân nói riêng.