Sản xuất xã hội hiện đại thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo ra những điều kiện thuận lợi chọn lựa nội dung hoạt động để thỏa mãn nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần, mở ra những cơ hội để con người thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí, trong đó nhu cầu tập luyện thể dục thể thao là một nhu cầu ngày càng lớn trong xã hội hiện đại.
Nguyên nhân sử dụng thể dục thể thao trong lao động và đời sống xã hội hiện đại bởi sản xuất công nghiệp gây nhiều mặt tiêu cực về sức khỏe, thể chất, tinh thần, nhưng song hành cùng với đời sống nâng cao thì thể thao giải trí lại được xã hội quan tâm hơn bao giờ hết.
Trong nền kinh tế sản xuất hàng hóa thì nhu cầu thể dục thể thao được quan niệm dưới góc độ kinh tế, nhiều sản phẩm thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu của con người đã được quan niệm là tiêu dùng thể dục thể thao. Chính vì vậy tiêu dùng thể dục thể thao là phạm trù kinh tế học đã được xem xét theo
các quy luật của kinh tế. Thực tế trong 25 năm đổi mới của nước ta đã chỉ ra sự xuất hiện các loại hình cung ứng dịch vụ thể dục thể thao để thỏa mãn nhu cầu tập luyện, vui chơi giải trí cho các lứa tuổi, các đối tượng, các thành phần xã hội ở nước ta. Theo số liệu của ngành Thể dục thể thao năm 2008, tỷ lệ người tập thể dục thể thao thường xuyên đã đạt trên 22,5 % so với tổng dân số cả nước, trong đó những người đang ở độ tuổi lao động tại các cơ quan nhà nước tham gia ngày một nhiều, đặc biệt là trên các địa bàn thành phố. Điều đó bắt nguồn từ quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về chăm sóc và bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn lực lao động có tri thức, có sức khoẻ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (2001) và lần thứ X (2006) đã xác định. [34];[35]
Phong trào rèn luyện thân thể của nhân dân đã chiếm hơn 22,5% dân số, chưa kể việc tập luyện và học tập môn thể dục trong nhà trường. Các thành phần xã hội khác như doanh nhân, nhà ngoại giao, nhà chính trị - xã hội người nước ngoài ở Việt Nam cũng có nhu cầu lớn về hoạt động thể dục thể thao. Chính vì vậy việc nghiên cứu nhu cầu tập luyện thể dục thể thao dưới góc độ tiêu dùng thể dục thể thao ở nước là hết sức cần thiết. Điều đó phản ánh mối quan hệ giữa hoạt động thể dục thể thao với hoạt động kinh tế trong những năm đầu của chặng đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng thể dục thể thao trong phạm trù kinh tế học để xác định những đặc điểm tính chất vận hành cung ứng dịch vụ thể dục thể thao ở nước ta phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở đó có những giải pháp về tổ chức, quản lý các hoạt động thể dục thể thao trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. [69], [77].
Nhu cầu là một trạng thái tâm lý của con người; là đòi hỏi, mong
muốn, nguyện vọng của con người về vật chất và tinh thần để tồn tại và phát triển. Tùy theo trình độ nhận thức, môi trường sống, những đặc điểm tâm sinh lý, mỗi người có những nhu cầu khác nhau.
Nhu cầu là yếu tố thúc đẩy con người hoạt động. Nhu cầu càng cấp bách thì khả năng chi phối hoạt động theo nhu cầu của con người càng cao. [24]
Theo lý luận của các nhà xã hội học thế kỷ 18-19 thì con người có 2 nhu cầu: vật chất và tinh thần.
Cũng theo các nhà nghiên cứu xã hội học, tâm lý học hiện đại thì nhu cầu có 3 cấp độ:
Nhu cầu sinh tồn; Nhu cầu phát triển; Nhu cầu hưởng thụ;
Nhu cầu là động lực phát triển, có mục đích mới trở thành động cơ, như yếu tố tích cực của tâm lý. Nhu cầu thể dục thể thao là loại nhu cầu phát triển và hưởng thụ. [21],[22]
- Tiêu dùng hoặc tiêu thụ là khái niệm thuộc phạm trù kinh tế xã hội để chỉ sự sử dụng những của cải vật chất hoặc phi vật chất do con người làm ra để thỏa mãn nhu cầu của con người. Có tiêu dùng thì mới có sản xuất và dịch vụ.
- Nhu cầu tiêu dùng là khái niệm chỉ nhu cầu, ý muốn, nguyện vọng một cái gì đó mà con người có khả năng chi trả và thực hiện.
- Tiêu dùng là mục đích và cũng là động cơ của sản xuất hay dịch vụ và đó là giai đoạn cuối cùng của quá trình lao động sản xuất hay dịch vụ của con người, sau tiêu dùng tiếp đến tái sản xuất mở rộng sản xuất dịch vụ. [69]
Như vậy, nhu cầu tiêu dùng thể dục thể thao gắn liền với nhu cầu tiêu dùng xã hội nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ và phát triển. Đồng thời là mục đích và động cơ của sản xuất dịch vụ trong quá trình lao động sản xuất của con người tạo ra của cải vật chất và tái tạo nhằm cung cấp cho con người tiêu dùng.