Quyền của người bị buộc tội trong pháp luật quốc tế

Một phần của tài liệu Bảo vệ quyền con người của bị can, bị cáo trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 40 - 43)

Một nội dung quan trọng nữa trong pháp luật TTHS quốc tế về bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội được biểu hiện ở chỗ pháp luật quy định đầy đủ và cụ thể các quyền tố tụng cơ bản của họ. Đó là: Quyền tự do và an toàn cá nhân, không bị bắt, giam giữ trái pháp luật, không bị tra tấn, dùng nhục hình trong TTHS; Quyền được thông báo kịp thời lý do bị buộc tội và chứng cứ chống lại họ bằng ngôn ngữ mà họ biết; Quyền tự bào chữa hoặc nhờ người

khác bào chữa; Quyền thu thập chứng cứ, quyền kiểm tra chứng cứ và đối chất với nhân chứng chống lại mình; Quyền có người phiên dịch miễn phí…

Khoản 3 - 7 Điều 14 ICCPR quy định các bảo đảm cụ thể liên quan đến xét xử hình sự trên cơ sở liệt kê những quyền tối thiểu mà mọi người được hưởng đầy đủ và bình đẳng trong một tiến trình TTHS.

Điều 7 ICCPR chi tiết hóa quyền được bảo vệ khỏi bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm được quy định tại Điều 5 UDHR, nêu rõ: không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm. ICCPR không chỉ cấm tra tấn mà còn đặt ra những quy định tích cực cho việc đối xử nhân đạo đối với những người bị giam giữ. Các khoản của Điều 10 đề ra những quy định cơ bản cho những đối xử này: bị can được giam giữ riêng biệt với người đã bị kết án; bị cáo vị thành niên được giam giữ riêng biệt với người lớn, được đưa ra xét xử nhanh chóng. Bên cạnh các quy định trên của UDHR và ICCPR, vấn đề chống tra tấn còn được đề cập trong một số điều ước quốc tế khác về quyền con người, đặc biệt là Công ước CAT năm 1984.

Điều 4 - 5 Tuyên ngôn về nhân quyền nước Mỹ quy định “quyền tự do cá nhân, quyền về tài sản và quyền không bị khám xét, bắt giữ không có lý do chính đáng” và “không ai bị bắt giữ, bị xử lý hoặc xử phạt trái pháp luật, vô nhân đạo” [4, tr.266].

Công ước Châu Âu về quyền con người cũng có những quy định cụ thể về quyền của người bị buộc tội. Điều 5.1 Công ước quy định quyền tự do cá nhân của mỗi người. Điều 6.3 quy định các quyền tối thiểu của người bị buộc tội như: được thông báo tính chất và lý do buộc tội; được đảm bảo thời gian, phương tiện cần thiết để chuẩn bị cho bào chữa; được tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, nếu người đó không có khả năng tài chính hoặc do yêu cầu của công lý thì người bị buộc tội được đảm bảo người bào chữa miễn phí.

Điều 55 Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế quy định quyền của người có liên quan trong điều tra. Đó là quyền không bị bắt buộc tự nhận tội, quyền không chịu hình thức ép buộc, câu thúc hoặc đe dọa nào, sự tra tấn hay hình thức đối xử độc ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm, quyền bảo đảm phiên dịch miễn phí, quyền không bị bắt, giam, giữ tùy tiện, quyền được thông báo về căn cứ buộc tội, quyền được im lặng, quyền được giúp đỡ về mặt pháp lý. Điều 67 Quy chế quy định quyền của bị cáo, bao gồm: quyền được xét xử công khai, công bằng; quyền được thông báo kịp thời và chi tiết về tính chất, nguyên nhân và nội dung buộc tội bằng ngôn ngữ mà bị cáo hiểu và nói được; quyền có đủ thời gian và phương tiện để chuẩn bị cho việc bào chữa; quyền được xét xử không bị trì hoãn vô lý; quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa, được trợ giúp pháp lý nếu cần thiết hoặc không có khả năng tài chính; quyền đối chất với người làm chứng, đưa ra chứng cứ, được bảo đảm phiên dịch miễn phí…

Pháp luật TTHS Hoa kỳ quy định người bị buộc tội có quyền được xét xử nhanh chóng, công khai, không để họ bị kiệt quệ trong tù một thời gian dài trước khi xét xử hay phán quyết về số phận của họ bị trì hoãn không có lý do chính đáng; quyền được xét xử bằng Bồi thẩm đoàn không thiên vị; quyền được thông báo kịp thời về lời buộc tội; được đối chất với nhân chứng chống lại họ; được đảm bảo một thủ tục pháp lý thỏa đáng và quyền không bị ép buộc làm nhân chứng chống lại mình trong bất kỳ vụ án hình sự nào.

Ngoài ra, pháp luật TTHS nhiều nước quy định các quyền khác của người bị buộc tội như có quyền lựa chọn thủ tục xét xử rút gọn; lựa chọn xét xử bằng Bồi thẩm đoàn hay Thẩm phán; quyền im lặng khi bị hỏi cung; quyền mặc cả thú tội (nhận tội) để được phán quyết nhanh chóng và hưởng sự giảm nhẹ đặc biệt…

Một phần của tài liệu Bảo vệ quyền con người của bị can, bị cáo trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 40 - 43)