Pháp luật quốc tế về các nguyên tắc tố tụng hình sự

Một phần của tài liệu Bảo vệ quyền con người của bị can, bị cáo trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 38 - 40)

Từ góc độ bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội, pháp luật TTHS quốc tế luôn khẳng định các nguyên tắc TTHS cơ bản như: Nguyên tắc xét xử công bằng (vụ án phải được xét xử công khai; thẩm phán không được thiên vị khi ra phán quyết; người bị buộc tội có quyền được xét xử bằng Tòa án); Nguyên tắc các bên bình đẳng trước Tòa án; Nguyên tắc xét xử nhanh chóng, công khai; Nguyên tắc suy đoán không có tội; Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội….

Công ước Châu Âu về quyền con người quy định rất rõ về quyền tự do và an toàn cá nhân, một số nguyên tắc của TTHS để bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội. Điều 5.1 Công ước quy định mỗi người có quyền tự do và an toàn cá nhân; không ai bị xâm phạm tự do ngoài trường hợp và thủ tục do pháp luật quy định. Điều 6.1 Công ước quy định người bị buộc tội có quyền được xét xử bởi Tòa án; các bên được đối xử công bằng trong xét xử và có quyền tham gia phiên tòa và xét xử công khai. Điều 6.2 Công ước quy định người bị buộc tội được suy đoán là không có tội cho đến khi tội phạm được chứng minh theo quy định của pháp luật. Theo Công ước thì đây là bảo đảm tố tụng đầu tiên (first procedural guarantee) của việc bảo đảm quyền con người trong TTHS. Đồng thời nguyên tắc này cũng đòi hỏi mọi nghi ngờ trong chứng minh vụ án phải được giải thích có lợi cho người bị buộc tội…

Quyền được xét xử công bằng đầu tiên được đề cập trong các Điều 10 và 11 Tuyên ngôn Toàn thế giới về quyền con người. Theo Điều 10 mọi người đều bình đẳng về quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án độc lập và khách quan để xác định các quyền và nghĩa vụ của họ, cũng như về bất cứ sự buộc tội nào đối với họ. Điều 11 bổ sung thêm một số khía cạnh cụ thể, theo đó: Mọi người, nếu bị cáo buộc về hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm tội theo pháp luật, tại một phiên tòa xét xử công khai, nơi người đó được bảo đảm những điều kiện cần thiết để bào chữa cho mình…..

Các quy định kể trên sau đó được tái khẳng định và cụ thể hóa trong Điều 14 ICCPR và một số điều khác. Khoản 1 Điều 14 xác định quyền của mọi người bình đẳng trước Tòa án và cơ quan tư pháp, quyền này có thể được hiểu như một biểu hiện cụ thể của nguyên tắc không phân biệt đối xử, nhắm đến bảo đảm rằng các bên tham gia tố tụng được đối xử không có sự phân biệt nào. Trong khoản này cũng đòi hỏi việc xét xử công khai và công bằng.

Khoản 2 Điều 14 xác định lại nguyên tắc giả định vô tội trong Điều 11 UDHR một cách ngắn gọn hơn: Người bị cáo buộc là tội phạm hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi hành vi phạm tội của người đó được chứng minh theo quy định của pháp luật.

Điều 6 Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế quy định về nguyên tắc suy đoán không có tội như sau: 1/Một người được coi là không có tội cho đến khi chứng minh được trước Tòa án là có tội theo quy định của pháp luật; 2/Trách nhiệm chứng minh bị cáo có tội thuộc về Trường Công tố; 3/Để kết tội bị cáo, Tòa án phải tin chắc tội của bị cáo mà không còn sự nghi ngờ hợp lý nào… [32, tr.305]. Theo pháp luật TTHS Saudi Arabia, các nguyên tắc chung liên quan đến xét xử của Tòa án là: Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, nguyên tắc xét xử công khai, nguyên tắc xét xử bằng lời, nguyên tắc được trợ giúp và bào chữa độc lập, nguyên tắc xét xử nhanh chóng và nguyên tắc xét xử có mặt các bên đương sự.

Điều 6 Tuyên ngôn nhân quyền nước Mỹ quy định nguyên tắc xét xử công bằng; Trong mọi trường hợp bị truy tố hình sự, bị cáo có quyền được xét xử nhanh chóng và công khai bởi một Bồi thẩm đoàn công bằng…, bị cáo được thông báo tính chất, lý do buộc tội, được đối chất với nhân chứng chống lại mình và được sự giúp đỡ của luật sư bào chữa….

Một phần của tài liệu Bảo vệ quyền con người của bị can, bị cáo trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 38 - 40)