Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển du lịch Việt Nam
2.4.2.4. Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc thù
Phát huy lợi thế về tiềm năng du lịch, cần xây dựng sản phẩm du lịch mang bản sắc Việt Nam, kết hợp với du lịch hiện đại, ví dụ như các chương trình du lịch biển đảo, du lịch Việt Bắc, du lịch Tây Nguyên, con đường di sản miền Trung…
- Trên cơ sở định hướng chiến lược về phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch thời kỳ 2001-2010 vầ tầm nhìn đến 2020, cần xây dựng một số chương trình hành động cụ thể đối với việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù cho từng vùng miền.
Những chương trình này cần được xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu cơ bản có định hướng về tài nguyên du lịch đặc thù, về các điều kiện để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở các cấp địa phương, vùng và quốc gia. Ở đây cần đặc biệt chú trọng đối với việc khai thác các giá trị di sản thế giới gắn với các truyền thuyết, văn hoá bản địa; các giá trị văn hoá truyền thống làng quê Việt Nam như những tài nguyên đặc thù của Việt Nam.
- Để có được hướng dẫn cụ thể đối với việc thực hiện các chương trình hành động trên đối với các nhà quản lý, các nhà đầu tư, cần thiết phải có được đánh giá toàn diện và có hệ thống các sản phẩm du lịch Việt Nam, đặc biệt là
các sản phẩm du lịch đặc thù. Trên cơ sở những đánh giá này mới có thể xác định được sản phẩm du lịch nào cần được “nâng cấp” hoàn thiện và sản phẩm du lịch nào cần phát triển mới cũng như cấp quy mô (địa phương, vùng, quốc gia) cần phát triển.
- Cần nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý và hướng dẫn đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù thông qua việc đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và thẩm định các dự án của các cơ quan quản lý, tư vấn du lịch. Ở đây, vấn đề nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý và tư vấn du lịch cần được đặt ra một cách nghiêm túc. Thực tế cho thấy năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý và tư vấn các dự án phát triển du lịch nói chung, phát triển các sản phẩm du lịch nói chung còn rất hạn chế.
- Cần có sự hợp tác, tham vấn của các cơ quan quản lý và tư vấn trung ương đối với các dự án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù hoặc nằm trong các khu vực nhạy cảm về môi trường sinh thái, văn hoá.
- Cần nâng cao nhận thức xã hội, trước hết là nhận thức của các nhà quản lý các cấp, về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhất là các sản phẩm du lịch đặc thù, nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay.