Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển du lịch Việt Nam
2.1.3. Định hướng phát triển.
2.1.3.1.Thị trường khách du lịch.
Căn cứ xu hướng phát triển thị trường du lịch thế giới và trong nước, thị trường khách du lịch của Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2010 gồm 2 nhóm chính : thị trường trọng điểm và thị trường tiềm năng.
Thị trường trọng điểm.
Bao gồm một số thị trường khách quốc tế và thị trường khách nội địa. - Thị trường khách quốc tế trọng điểm: là những thị trường có lượng khách lớn đến Việt Nam, có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, đi du lịch Việt Nam thường xuyên, có nhiều mối quan hệ trao đổi hợp tác kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội khá chặt chẽ với Việt Nam.
Trong đó, một số thị trường có điều kiện tiếp cận Việt Nam dễ dàng bằng các loại phương tiện giao thông, điển hình là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (khối Đông Bắc Á); thị trường Mỹ (Bắc Mỹ); thị trường khách Pháp, Đức, Anh (khối Tây Âu); thị trường khối các nước ASEAN; thị trường khách Ustralia.
Thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Anh, Pháp là những thị trường khách du lịch nước ngoài hàng đầu thế giới với khả năng tiêu dùng du lịch rất lớn cần được ưu tiên khai thác. Hướng khai thác thị trường này là: đối với thị trường nguồn nội vùng châu Á – Thái Bình Dương (không kể Trung Quốc) cần tăng cường các tour du lịch ngắn ngày, liên tỉnh hoặc chỉ đến một điểm; đối với thị trường khách Trung Quốc cần mở rộng phạm vi tuyến du lịch từ phía Bắc đến phía Nam; đối với thị trường từ xa (Tây Âu, Bắc Mỹ) nên kết hợp cả tour ngắn ngày, tour liên hoàn khu vực Đông Nam Á, Đông Dương, tour du lịch sông Mê Kông và tour du lịch xuyên quốc gia.
- Thị trường khách nội địa: là thị trường trọng điểm do xu hướng đi du lịch ra nước ngoài và trong nước tăng nhờ kinh tế phát triển, mức sống cao hơn, thời gian rỗi nhiều hơn, nhận thức về du lịch được nâng cao, thông tin du lịch được phổ biến thường xuyên hơn. Du lịch ra nước ngoài của người Việt Nam sẽ càng thuận lợi khi Việt Nam gia nhập AFTA và WTO. Khách du lịch Việt Nam có thể tham gia nhiều loại hình du lịch phong phú. Hướng khai thác đối với thị trường khách nội địa là đẩy mạnh các tour ngắn ngày, tour cuối tuần (cho khách đi trong nước) và các tour trong vùng Đông Nam Á nhằm tăng hiểu biết và giao lưu văn hóa giữa các nước trong vùng (cho khách ra nước ngoài).
Thị trường tiềm năng.
Thị trường tiềm năng là những thị trường khách lớn nhưng số lượng khách đến Việt Nam trong giai đoạn trước mắt còn hạn chế và khả năng chi tiêu chưa cao do khả năng tiếp cận giao thông khó khăn, số lượng đến khu vực Đông Nam Á chưa nhiều, sự trao đổi thương mại và du lịch giữa Việt Nam với những nước này chưa phát triển…
Các thị trường điển hình loại này như Bắc Âu, khối Benelux (Bỉ, Lucxembour, Hà Lan), Nga và khối Đông Nam Âu, Niuzilan, Canada… Đối
với thị trường này cần quan tâm những khách đến từ Hà Lan, Italia, Thuỵ Sỹ và Thuỵ Điển là những nước có khả năng phát triển dài hạn do lượng khách đi du lịch nước ngoài ở các nước này hàng năm khá đông.