Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển du lịch Việt Nam
2.2.1. Những cơ hộ
Là một lĩnh vực dịch vụ có nhiều tiềm năng phát triển, việc Việt Nam chính thức gia nhập WTO đang mở ra cho ngành du lịch trong nước nhiều cơ hội đầu tư - vận hội mới trong tiến trình hội nhập và mở cửa về thương mại, dịch vụ.
Trước hết là cơ hội đầu tư chung cho cả nền kinh tế. Năm 2007, năm đầu tiên gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam đạt được những thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực với những con số ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế đạt 8,5%, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đạt mức kỷ lục, ước đạt hơn 20 tỷ USD và hiện có nhiều dự án với số vốn hàng chục tỷ USD đang chờ cấp giấy phép. Thị trường chứng khoán phát triển mạnh đang cuốn hút các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào Việt Nam. Ước tính số vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đầu tư vào thị trường chứùng khoán Việt Nam khoảng 5-8 tỷ USD. Lượng kiều hối tăng trưởng mạnh, đạt mức
cao nhất từ trước đến nay, ước tính đạt 5 tỷ USD. Dự trữ ngoại tệ được bổ sung thêm 9 tỷ USD.
Cùng với đó, hoạt động du lịch phát triển mạnh, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 4,4 triệu lượt người, tăng 17% so với năm 2006. Lượng khách quốc tế tăng nhanh làm cho nhu cầu về khách sạn và dịch vụ tăng theo. Cơ hội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch và dịch vụ giải trí tại Việt Nam trở nên cực kỳ hấp dẫn.
Cơ hội đầu tiên và rõ nhất sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO là sự tăng trưởng mạnh của dòng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Trên thực tế, sự kiện Việt Nam gia nhập WTO và việc tổ chức thành công Hội nghị APEC 2006 đã gây sự chú ý lớn đối với cộng đồng quốc tế, làm sống lại thị trường du lịch quốc tế bằng hình ảnh một điểm đến an toàn, hấp dẫn và cởi mở. Ngày càng có nhiều người nước ngoài biết đến Việt Nam nhiều hơn và có ý định đến tìm hiểu và làm ăn với Việt Nam. Số liệu của Tổng cục du lịch Việt Nam cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong những năm qua liên tục tăng trưởng trên hai con số. Nếu năm 2000, Việt Nam mới thu hút được khoảng 2,12 triệu lượt khách quốc tế, thì đến năm 2006, con số này đã đạt 3,6 triệu lượt. Dự kiến, đến năm 2010, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ đạt 6 triệu lượt khách, nâng mức thu nhập từ 2 tỷ USD như hiện nay lên 4 - 5 tỷ USD. Ngoài việc gia tăng về số lượng khách, thị trường khách cũng được mở rộng. Vào WTO, do đặc điểm của thị trường du lịch khác với thị trường hàng hóa nên du lịch có tính độc lập cao trong cạnh tranh toàn cầu, không bị phụ thuộc vào thị trường Mỹ cũng như không bị ảnh hưởng bởi các hiệp định về thuế quan và thương mại quốc tế như hàng hóa thông thường. Dự báo, trong những năm tới, châu Á – Thái Bình Dương sẽ là khu vực thu hút dòng khách du lịch nhiều nhất với mức tăng trưởng bình quân 7-8%. Đây cũng chính là một điều kiện thuận lợi để Việt Nam xúc tiến các chương trình quảng
bá, thu hút du khách.
Cơ hội lớn thứ hai mà du lịch Việt Nam có thể tận dụng từ việc hội nhập với nền kinh tế quốc tế là tăng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào du lịch để phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực phục vụ khách trong và ngoài nước, đặc biệt là khách MICE. Việt Nam được đánh giá là một ngôi sao đang lên trong khu vực, với mức tăng trưởng kinh tế hàng năm vào bậc cao nhất châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Sự kiện Việt Nam trở thành thành viên của WTO đã và đang mở ra những cơ hội kinh doanh lớn cho các nhà đầu tư ở khắp thế giới. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2006 có tới 2,2 tỷ USD (chiếm gần 43% tổng vốn đầu tư cam kết vào Việt Nam) đầu tư vào lĩnh vực du lịch - dịch vụ. Trong đó, các dự án đầu tư lớn như Đan Kia - Suối Vàng (Đà Lạt, Lâm Đồng) với vốn đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD, Tổ hợp khách sạn, căn hộ tại Tp.HCM do Hàn Quốc đầu tư với số vốn 200 triệu USD…
Thứ hai, với nội dung cam kết trong phương thức cung cấp dịch vụ hiện diện thương mại, Việt Nam cam kết xoá bỏ việc hạn chế vốn sở hữu nước ngoài đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức liên doanh, liên kết trong hoạt động đại lý du lịch, kinh doanh lữ hành du lịch. Như vậy, các doanh nghiệp du lịch trong nước sẽ có cơ hội tốt trong việc tăng vốn đầu tư kinh doanh nhằm hạn chế khó khăn về tài chính bằng hình thức liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài. Sự tăng trưởng của vốn kinh doanh sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp du lịch trong nước phát triển các ý tưởng kinh doanh mới; đa dạng hoá và cá biệt hoá sản phẩm du lịch, tăng cường việc chiếm lĩnh thị trường du lịch trong và ngoài nước. Không những thế, đây còn là cơ hội để người lao động trong nước có thể làm quen với môi trường làm việc tiên tiến, trau dồi kỹ năng làm việc một cách chuyên nghiệp và đạt hiệu suất cao. Các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới
đây, làn sóng đầu tư vào du lịch - dịch vụ sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực khách sạn nhà hàng. Bởi theo cam kết gia nhập WTO về du lịch, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào lĩnh vực khách sạn nhà hàng và dịch vụ đại lý lữ hành. Một trong những điểm yếu của ngành du lịch Việt Nam là năng lực cạnh tranh và quản lý yếu, thiếu tính chuyên nghiệp. Vì vậy, gia nhập WTO chính là môi trường để các doanh nghiệp vươn lên để tự hoàn thiện mình, nâng cao tính hiệu quả và sức cạnh tranh nếu muốn tồn tại trên thị trường. Đây là cơ hội thứ ba mà doanh nghiệp du lịch Việt Nam được hưởng. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các ngành khác, hội nhập là đi cùng với sự thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém về năng lực cạnh tranh và chuyên môn nghiệp vụ, hạn chế tối đa được tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” như trong thời gian qua. Nhưng đối với những doanh nghiệp đã khẳng định được tên tuổi và thương hiệu thì đây chính là cơ hội tốt nhất để họ nâng cao vị thế của mình.
Với việc gia nhập WTO, đất nước ta chủ động tiến sâu vào tiến trình hội nhập với thế giới. Đây là một cái mốc lớn của lịch sử. Từ "ao làng" ra "biển lớn", ý nghĩa của cột mốc này vượt xa nội dung kinh tế, ghi nhận một chuyển biến mạnh mẽ về tâm thức của dân tộc: vươn ra biển lớn, khắc phục nỗi "sợ say sóng", cứ khư khư bám lấy cái "ao làng" nhỏ hẹp! Một trong những cơ hội lớn đó là chúng ta được giao lưu với các nền văn hoá trên thế giới. Đó là cơ hội để chúng ta tiếp thu những tinh hoa của văn hoá thế giới, giúp các nhà quản lý du lịch hiểu rõ hơn về phong tục tập quán của các quốc gia. Đồng thời, Việt Nam có thể quảng bá hình ảnh của mình, với những nét phong tục tập quán riêng biệt đặc sắc với bạn bè thế giới. Từ đó, mở rộng được thị trường, thu hút thêm khách du lịch và đầu tư.