7. Phương pháp nghiên cứu
1.5.1. Quản lý việc phân công giảng dạy
Phân công giảng dạy cho giáo viên thực chất là công tác cán bộ và công tác tổ chức, nếu hiệu trưởng hiểu và nắm chắc tình hình đội ngũ, chỗ mạnh, chỗ yếu của từng người thì không những sử dụng được họ mà còn làm cho họ tự tin hơn trong nghề nghiệp. Tình hình đội ngũ giáo viên ở các trường tiểu học hiện nay thường mang đặc điểm chung là thiếu vừa thừa, cũng như không đồng đều chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, nên việc phân loại giáo viên theo tiêu chuẩn cũng làm cho việc phân công giáo viên gặp không ít khó khăn. Vì vậy hiệu trưởng phải hiểu rõ, hiểu đúng đánh giá chính xác về từng con người để việc phân công được dễ dàng.
Hiệu trưởng cần quán triệt quan điểm phân công giáo viên theo chuyên môn mà họ được đào tạo, hướng họ tập trung vào môn được đào tạo ngày càng chuyên sâu nhằm vừa tạo cơ hội cho họ nâng cao chất lượng dạy vừa góp phần xây dựng đội ngũ cốt cán bộ môn.
Đối với bậc tiểu học thì nếu giáo viên có khả năng vươn lên về một môn học nào đó càng có ý nghĩa, càng động viên, khuyến khích và nếu cần thiết tạo điều kiện cho họ học nâng cao. Hiệu trưởng phải biết tin vào sức bậc, khả năng vươn lên của từng giáo viên, không được định kiến với bất cứ người nào. Mọi sự phân công giáo viên nên thận trọng, khéo léo, công bằng và khách quan.
Việc phân công nhiệm vụ cho giáo viên phải xuất phát từ chất lượng đào tạo của nhà trường và quyền lợi học tập của học sinh, tạo điều kiện cho người giỏi kèm cặp người còn ít kinh nghiệm, còn hạn chế năng lực. Do đó khi phân công giáo viên, hiệu trưởng phải căn cứ vào năng lực của giáo viên, điều kiện cụ thể của nhà trường, quyền lợi của học sinh và tham khảo nguyện vọng của giáo viên.
Tuy nhiên, trong trường hợp đội ngũ giáo viên vừa thiếu vừa không đồng đều về trình độ thì hiệu trưởng phải biết lựa chọn phương án tối ưu, phải đảm bảo ưu tiên về quyền lợi học sinh và yêu cầu của nhà trường mà chọn giáo viên cho phù hợp với các khối lớp.
Nếu việc phân công nặng về cảm tính, tình cảm cá nhân sẽ tác động xấu đến hiệu quả giảng dạy của nhà trường. Do đó, nghệ thuật và bản lãnh quản lý của hiệu trưởng thể hiện rõ nét khi thực hiện nhiệm vụ phân công giảng dạy cho giáo viên.
Tóm lại, khi phân công giảng dạy, hiệu trưởng cần theo các bước sau đây: - Nghiên cứu nắm bắt điểm mạnh, điểm yếu của từng giáo viên.
- Phối hợp với các phó hiệu trưởng và khối trưởng chuyên môn để dự kiến phân công.
- Khi cần thiết có thể đưa ra khối để thăm dò dư luận.
- Ra quyết định phân công và cũng có thể điều chỉnh sau một thời gian nhất định.