7. Phương pháp nghiên cứu
1.4.2. Mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức và phương tiện dạy học
1.4.2.1 . Mục tiêu giáo dục tiểu học
Mục tiêu giáo dục tiểu học bao gồm những phẩm chất và những năng lực chủ yếu cần hình thành cho học sinh tiểu học để góp phần vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu giáo dục tiểu học được xác định trong điều 27 của Luật Giáo dục (2005) như sau "Giáo dục tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở."
Trong chương trình tiểu học mới, mục tiêu giáo dục tiểu học được cụ thể hóa thành mục tiêu các môn học và các hoạt động giáo dục khác trong chương trình tiểu học. Đặc biệt, mục tiêu giáo dục tiểu học đã được cụ thể hóa thành các yêu cầu cơ bản cần đạt của học sinh tiểu học bao gồm các yêu cầu cơ bản về kiến thức, kỹ năng, thói quen, niềm tin, thái độ, hành vi, định hướng... Các yêu cầu cơ bản này lại phân định thành các mức độ phù hợp với từng cấp lớp ở tiểu học, cụ thể là:
+ Vềnghe, đọc, nói, viết, tính toán: có kỹ năng cơ bản.
+ Vềtự nhiên - xã hội: có hiểu biết đơn giản, cần thiết. + Về nghệ thuật: có hiểu biết ban đầu.
+ Vềrèn luyện thân thể: có thói quen. Như vậy yêu cầu về đạt mức độ kỹ năng cơ bản là cao nhất, khó nhất, trọng tâm nhất của nội dung giáo dục tiểu học. Các yêu cầu khác chỉ nhằm đảm bảo tính toàn diện của giáo dục và tạo điều kiện cho yêu cầu phát triển kỹ năng thực hiện có hiệu quả.
1.4.2.2. Nội dung chương trình tiểu học mới
Chương trình tiểu học mới là một công trình khoa học của tập thể nhà giáo lão thành, các nhà khoa học và sư phạm, các cán bộ quản lý giáo dục tiểu học từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đến các trường tiểu học, các giáo viên tiểu học ở các vùng miền khác nhau trong cả nước. Ngoài những đổi mới về quan điểm và cách soạn thảo một chương trình giáo dục của một bậc học nhằm tạo ra một chương trình vừa chuẩn mực (về mục tiêu giáo dục và trình độ học tập) vừa linh hoạt khi vận dụng và đổi mới liên tục, nội dung chương trình tiêu học mới có nhiều đổi mới rất cơ bản. Có thể nêu một số đổii mới chủ yếu sau đây:
- Tiếp tục thực hiện giáo dục toàn diện, cân đối và hài hòa về đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản.
- Tập trung vào đổi mới phương pháp giáo dục, thực hiện dạy học dựa vào các hoạt động tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; góp phần hình thành phương pháp tự học; đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học; khuyến khích giáo viên và học sinh chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong dạy và học.
- Thực hiện tích hợp và tinh giản các nội dung giáo dục: Ở các lớp 1,2,3 chỉ học 6 môn học (Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên Xã hội, Nghệ thuật và Thể dục) trong đó các môn học Đạo đức, Nghệ thuật, Thể dục chuyển thành các hoạt động giáo dục, không có sách giáo khoa. Ở các lớp 4,5 có 9 môn học (Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật, Kỹ thuật, Thể dục) trong đó môn Thể dục không có sách giáo khoa.
- Đổi mới cách đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học. Chỉ đánh giá bằng điểm đối với Tiếng Việt, Toán ở các lớp 1,2,3 và Tiếng Việt Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý ở các lớp 4,5. Các môn học khác chỉ nêu nhận xét để khuyến khích
học sinh hoàn thành các nhiệm vụ học tập ngay ở trong nhà trường, không giao bài tập làm ở nhà. Phối hợp với cách đánh giá truyền thống (tự luận) với các bài tập trắc nghiệm khách quan đánh giá toàn diện, chính xác, công bằng và có hiệu quả (phản hồi nhanh).
- Thực hiện một chương trình tiểu học thống nhất theo điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương, từng đối tượng học sinh, có những hướng dẫn áp dụng cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế nhằm bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội đi học và bình đẳng trong tiếp nhận một nền giáo dục tiểu học có chất lượng cho mọi trẻ em [15, tr. 15-16].
Đối với các trường, lớp đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về giáo viên, về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và được sự thỏa thuận của gia đình học sinh có thể tổ chức dạy học tiếng nước ngoài và tin học, tổ chức bồi dưỡng năng lực học tập và hoạt động giáo dục theo chương trình dạy học tự chọn (không bắt buộc) do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
1.4.2.3. Phương pháp dạy học
Điều 28 Luật Giáo dục (2005) ghi rõ "Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực tự giác chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh."
Chương trình tiểu học mới rất chú trọng đến việc đổi mới phương pháp dạy học, với những quan niệm mới về người dạy và người học như sau:
• Đổi mới quan niệm về dạy học.
Mục đích sâu xa của dạy học là giúp học sinh thay đổi cách nghĩ, cách làm và cách sống để thích ứng với đời sống xã hội hiện đại và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhân, gia đình, cộng đồng bằng lao động cần cù sáng tạo của bản thân. Kiểu dạy
học nhồi nhét, thụ động không quan tâm đến sự phát triển của năng lực cá nhân học sinh
đều không còn phù hợp nữa.
Trong dạy học nếu học sinh chủ yếu chỉ nghe giáo viên giảng sẽ rất hay quên. Nhưng nếu giáo viên tổ chức và hướng dẫn học sinh học tập bằng cách tham gia vào các hoạt động
để phát hiện và giải quyết vấn đề của nội dung bài học, sau đó thực hành ngay các kiến thức mới thì học sinh dễ nhớ và nhớ lâu.
Dạy học không chỉ tập trung vào nội dung mà còn tập trung hình thành phương pháp học tập, phương pháp tự học, tự phát hiện, tự giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi bài học
để tự chiếm lĩnh kiến thức mới. Nghĩa là giáo viên và học sinh chăm lo đến dạy và học như
thế nào để đạt hiệu quả cao.
• Đổi mới quan niệm về người dạy, người học.
Học sinh trước khi đến trường đã có một số kỹ năng nhất định để tham gia các hoạt động giáo dục ở trường. Vì vậy, giáo viên cần hỗ trợ một cách cao nhất về phương tiện, điều kiện để học sinh hoàn thành việc học tập một cách chủ động, sáng tạo.
Giáo viên phải có kế hoạch (cả năm và từng bài) để giúp học sinh đạt được mục tiêu của giáo dục theo đúng năng lực của từng các nhân. Vì vậy, giáo viên phải là người tổ chức, hướng dẫn để học sinh tham gia thực hiện kế hoạch. Giáo viên phải phối hợp chặt chẽ với học sinh khi thực hiện kế hoạch, hỗ trợ học sinh để các em tự chiếm lĩnh kiến thức và kỹ năng mới. Cần quan tâm đúng mức đến môi trường học tập của học sinh vì nó có tác động nhất định đến quá trình dạy và học.
Chính vì vậy, giáo viên và học sinh đều là chủ thể của hoạt động dạy học, phương pháp dạy học kiến tạo, tương tác, cộng tác giữa giáo viên và học sinh có vai trò trung tâm trong nhà trường.
1.4.2.4 .Hình thức tổ chức dạy học.
Có thể có nhiều phương pháp và hình thức dạy học để chuyển tải cùng một nội dung dạy học. Tuy nhiên người dạy phải lựa chọn phương pháp sao cho phù hợp với đối tượng và hình thức tổ chức. Việc tìm hiểu rõ đối tượng để lựa chọn hình thức và phương pháp dạy học là yếu tố để tạo nên hiệu quả của phương pháp dạy học. Do đó, trong quá trình chọn lựa hình thức dạy học đạt hiệu quả, người dạy cần chú ý:
• Tổ chức các hình thức đa dạng và phong phú.
Nhằm giúp học sinh lĩnh hội kiến thức và hình thành kỹ năng. Điều này có nghĩa là phải tổ chức cho học sinh hoạt động một cách tích cực, học sinh là người tham gia các hoạt động ấy, các em tự tìm tòi, khám phá... dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Ví dụ: học sinh phải trao đổi, thảo luận để giải quyết nhiệm vụ, học sinh được đóng vai, được tham gia vào
trò chơi học tập, đóng kịch diễn xuất... Giáo viên chú ý cho học sinh nhiều cơ hội thực hành, thực tập, được thể hiện, được phát biểu trên lớp...
• Tổ chức các hoạt động phát triển khả năng tự học của học sinh.
Giáo viên phải tổ chức học sinh cách tự học, cách quan sát hiện tượng xung quanh... Tự học là kỹ năng quan trọng nhất cần hình thành ở người học. Nếu học sinh không có kỹ năng này thì việc học tập gặp rất nhiều khó khăn, và học sinh rất ít có khả năng sáng tạo sau này. Phần lớn những kiến thức và kinh nghiệm có được trong cuộc đời nhờ vào việc tự học.
Tóm lại, chương trình tiểu học mới chú trọng việc đổi mới hình thức tổ chức dạy học sao cho phát huy tính tích cực của học sinh như: Phối hợp giữa dạy học cá nhân, dạy học theo nhóm nhỏ, dạy học cả lớp, dạy học ở hiện trường (ở cơ sở sản xuất, bảo tàng địa phương, ở vườn trường...), dạy học có sử dụng trò chơi một cách hợp lý.
1.4.2.5 .Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở tiểu học.
Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học có tầm quan trọng trong quá trình dạy học. Bởi vì nó là phương tiện để làm sáng tỏ lý thuyết, kiểm nghiệm lại lý thuyết, giúp học sinh tự chiếm lĩnh tri thức, khám phá ra những tri thức mới. Nó cũng làm tăng khả năng truyền tải thông tin, nâng cao hiệu quả sư phạm. Ngoài ra trang thiết bị dạy học có thể phát huy tối đa chức năng của các phương pháp dạy học tích cực. Sử dụng phương tiện, thiết bị dạy học hợp lý sẽ giảm đi những thời gian "chết" của lớp học, ví dụ học sinh không phải chờ đợi quá lâu để giáo viên viết bảng hay vẽ xong một hình ảnh nào đó...
Để đáp ứng cho việc giảng dạy theo chương trình tiểu học mới cần phải đổi mới cơ sở vật chất, thiết bị dạy học như: khuyến khích sử dụng hợp lý các đồ dùng dạy và đồ dùng học tập, các phiếu học tập; động viên và tạo điều kiện cho giáo viên và cha mẹ học sinh tự làm lấy một số đồ dùng dạy và đồ dùng học; tăng dần việc sử dụng băng hình, băng tiếng, đĩa CD... trong dạy học; từng bước tổ chức các phòng chức năng để phục vụ cho các hoạt động giáo dục và dạy học tự chọn ở tiểu học.