sau này
Đối với các nhân viên thường trú nước ngoài của công ty tôi, khó khăn lớn nhất của họ chính là rào cản về ngôn ngữ của bản thân, của gia đình. Tuy nhiên, khác với người lớn phải đau mắt căng tai tra từ điển và bập bõm nói, những đứa trẻ lại làm quen rất nhanh và sớm dùng tốt cả tiếng Nhật lẫn tiếng bản xứ. Điều này, giống như tôi nói ở phần trước, là một khả năng đương nhiên mà trẻ có. Đối với người chưa từng sống ở nước ngoài quả là đáng mơ ước.
Tuy nhiên, khi người khác khen: "Thích nhỉ, con đã có thể nói được hai thứ tiếng", câu trả lời của các cha mẹ đó thường khá bất ngờ: "Không phải thế đâu. Khi mới về nước thì bé vẫn nói được hai thứ tiếng, nhưng một thời gian, do không có cơ hội sử dụng nên lại quên hết". Kết cục là ngôn ngữ mất công nhớ được nhờ khả năng tiếp thu tuyệt vời khi còn bé lại không phát huy được tác dụng gì lúc cần khi đã lớn lên.
Quả thật, có nhiều báo cáo nói về hiện tượng như vậy. Việc trẻ con tiếp thu ngoại ngữ nhanh nhưng cũng quên nhanh nếu không dùng đến là một mặt của chân lý. Nói một mặt vì còn một mặt khác nữa mà chúng ta không nhìn thấy. Tức là, trong trường hợp này, thoạt tiên có vẻ như đứa trẻ đã quên mất ngôn ngữ đó, nhưng thực chất bên trong các tế bào não, các tuyến để tiếp nhận ngôn ngữ đó đã được thành hình và vẫn còn giữ lại.
Có vô số ví dụ thực tế chứng minh điều này. Ví dụ, anh Kamak dạy tiếng Anh trên kênh NHK(*), là một người rất giỏi tiếng Pháp. Nhưng thực ra cho đến cấp 3 khi bắt đầu học môn tiếng Pháp, anh không hề có kiến thức gì về tiếng Pháp cả. Nhưng khi bắt đầu học anh thấy học rất dễ dàng, từ đầu đã được giáo viên khen là phát âm tốt, cuối cùng đạt đến độ xuất sắc về tiếng Pháp. Thấy kỳ lạ quá anh thắc mắc hỏi mẹ thì hóa ra là trước 3 tuổi anh theo học suốt nửa năm ở trường mẫu giáo của một bà xơ người Pháp. Như vậy, dù bản thân người đó không nhớ gì, thì khi tiếp xúc với ngôn ngữ thuở ấu thơ, những đường rãnh tế bào còn in sâu trong não vẫn được kích thích, nhờ thế khi học lại thứ tiếng đó, não bộ đã dễ dàng tiếp thu mà không phản kháng gì.
Cứ mỗi lần biết thêm những sự thực này, bản thân tôi không khỏi trăn trở, như vậy, chắc chắn còn có phương pháp giáo dục tốt hơn và tốt hơn nữa trong giáo dục ngoại ngữ. Chẳng hạn, trên thế giới tính chi ly thì có khoảng 70 loại yếu tố cấu thành nên phát âm của các ngôn ngữ. Vậy liệu có thể sáng tác ra bài hát ru bao gồm được tất cả các yếu tố này không. Mà dù
không thể đi chăng nữa, thì chỉ cần thu các bài hát ru của các nước vào băng đĩa, và bật cho trẻ nghe đi nghe lại nhiều lần từ khi mới chào đời chắc chắn vẫn có tác dụng tương tự.