Cuộc cạnh tranh khốc liệt để thi lên cấp, hay sự phát triển quá mức của các lò luyện thi dù sao đi nữa cũng đang bị mọi người lên án. Tuy nhiên, giáo dục trẻ tuổi ấu thơ cũng không ngoại lệ. Có không ít người chỉ nghĩ được giáo dục tuổi ấu thơ tức là sự chuẩn bị kỹ càng cho đào tạo thiên tài sớm, cho việc thi lên cấp sau này.
Tôi nhấn mạnh rằng, giáo dục trẻ trong giai đoạn ấu thơ là để tạo nền tảng hình thành nên con người có năng lực, có đạo đức, chứ tuyệt nhiên không phải giáo dục để nhằm thi vào trường chuyên lớp chọn như một số bậc cha mẹ ảo tưởng. Thế nhưng vấn đề này vẫn cứ phải đưa ra để phê phán, tranh luận ở đây, chính bởi vì vẫn có không ít cha mẹ có suy nghĩ rằng, giáo dục sớm là "đặt sẵn một tấm vé" cuộc đời trước để con mình sau này dễ dàng vào được trường danh tiếng, công ty tốt.
Khi tôi đề cập đến vấn đề này, có thể nhiều vị phu huynh sẽ phản biện lại rằng: "Nhưng chúng tôi làm như vậy cũng vì con cái cả thôi, chúng tôi là cha mẹ nên phải nghĩ cho con vậy chứ". Cha mẹ nào cũng nói "vì con", giống như người xưa có nói "không có cha mẹ nào mà không vui khi con mình lập thân và thành đạt cả". Nhưng việc các bạn bằng mọi giá đi theo đường ray đó liệu có phải là chỉ vì con thôi không? Tôi không khỏi cảm thấy rằng trong câu nói "vì con" này đều có kèm theo nhiều kỳ vọng phức tạp khác của cha mẹ, và có mùi của suy nghĩ coi con là người thay thế để thực hiện giùm những ước mơ mà các bạn không làm được. Thậm chí nói thẳng ra là các bạn muốn con thành công, rồi đổi lại con sẽ phải trả ơn cho các bạn cuộc sống an hưởng lúc tuổi già.
Tôi không định khuyên các bạn phải hiến mình cho đạo nghĩa, không ham hố dục vọng theo một cách cũ mèm, mà tôi muốn nói rằng, cách các bạn lên kế hoạch để con thành công như vậy nó sẽ phản lại kỳ vọng của các bạn, thậm chí còn khiến con khó có thể thành công được. Bởi những ai mong muốn con thành công rồi nhận báo đáp đa phần đều chỉ có một mường tượng cố định về "thành công". Sáo mòn nhất là con đường "đặt sẵn tấm vé" vào các trường đại học lớn, ra trường vào các công ty to nổi tiếng.
"Thành công" thực sự nếu có thể dễ dàng có được chỉ nhờ vào "tấm vé đặt trước" đấy, thì chẳng phải là điều lãng phí hay sao. Nói cách khác, "thành công" thực sự - để cha mẹ trong tương lai có thể thoải mái, và đứa con trở thành người có tài đức, là thành công không phải do cha mẹ vẽ ra, mà phải do chính bàn tay con chiến đấu và giành lấy được. Nếu cha mẹ tạo cho con nền tảng để con dù bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể thể hiện được thực lực của mình, để con cảm thấy được ý nghĩa sống trong cuộc đời, theo tôi, với tư cách làm cha làm mẹ, không còn điều gì tuyệt vời hơn. Sự báo hiếu sau này có thể nhận được từ những đứa con thành đạt, là thứ tự nhiên sẽ đến, chứ nếu từ đầu cha mẹ đã nhắm sẵn thì ngược lại là đang vùi tắt đi khả năng của con.
23. Đối với trẻ, thay vì "dạy" nên ưu tiên nhiều cho "cấm"
Tôi đã từng có dịp hỏi thầy Kawago - giảng viên Đại học Kyoto mà tôi giới thiệu ở phần trước về cách nuôi dạy con của loài khỉ. Khỉ con mới đẻ được đặc quyền là có thể làm nhiều chuyện mà không bị mắng, và được tha thứ. Đó là vì từ khi sinh ra cho đến 4-5 tháng tuổi nó chỉ bú sữa mẹ nên hầu như cũng chưa làm được chuyện gì quá ghê gớm. Nhưng từ tháng thứ 5, thứ 6 trở đi, nếu khỉ con làm gì sai khỉ mẹ và khỉ đầu đàn sẽ trừng phạt. Khỉ con sẽ bị quăng mạnh, với mức độ đủ để không bị thương, hoặc bị trợn mắt quát mắng; tất cả những điều đó cũng để nhằm giữ kỷ cương trong đàn.
Nếu quan sát kỹ cách giáo dục này, ta sẽ thấy tất cả đều dựa vào những hành động cấm. Đó không phải là cách dạy nhờ vào làm mẫu, bày cho làm thế này thế kia, tích cực hướng dẫn cái này tốt cho nên làm thế này. Mà là khỉ mẹ hoặc khỉ đầu đàn sẽ để khi con tự do trong một giới hạn cho phép, và theo dõi cẩn thận nhất cử nhất động của khỉ con, xem khỉ con làm được gì. Khi khỉ con làm điều gì nguy hiểm, khỉ mẹ sẽ nắm lấy một chân khỉ con, và đặt nó về trong tầm kiểm soát của mình, ở đó khỉ con được phép tự do hoạt động dưới sự giám sát của mẹ. Phạm vi hoạt động này của khỉ con sẽ được nới rộng ra theo quá trình trưởng thành của nó. Bất kỳ con khỉ mẹ nào cũng đều bảo vệ con thành công theo nguyên tắc này cho tới khi khỉ con đủ sức sống tự lập một mình.
Có thể bạn sẽ nói, thật kỳ quặc nếu đem cách nuôi dạy con của người ra để so sánh với khỉ. Tuy nhiên, bản thân tôi từ kết quả nghiên cứu giáo dục trẻ tuổi ấu thơ suốt những năm qua thấy, việc dạy con cho tới năm 2-3 tuổi thực ra giống với cách dạy con của loài khỉ. Theo lời bác sĩ Naitoshu Shichiro - Viện trưởng Bệnh viện Aiiku, 2 tuổi là thời kỳ mà trẻ từ một em bé sơ sinh chỉ chuyển động trong quả cầu lớn gọi là mẹ, chuyển sang giai đoạn tự đôi chân mình từng bước bước ra khỏi phạm vi quả cầu đó. Đây cũng là thời kỳ trẻ bắt đầu khẳng định bản thân, khi đó, người mẹ bảo "làm thế này" thì trẻ sẽ nói "không, không thích làm như thế". Vì vậy, bí quyết để dạy con trong thời kỳ này là để cho con chuyển động tự do trong phạm vi mẹ có thể quan sát, để ý sao cho chỉ cần con không vượt quá giới hạn đề ra là được.
Các bạn có thấy mối quan hệ này của mẹ và con giống với mẹ con loài khỉ mà tôi nói ở trên không. Không phải tôi đem loài khỉ ra để làm mẫu cho các bạn. Nhưng thực tế vẫn có nhiều bà mẹ chưa làm được việc để con tự do vừa quan sát bảo vệ con trong một giới hạn nhất định như loài khỉ. Có người thì con vừa bước ra một bước đã thấy lo lắng bất an vội vã kéo con trở về vòng tay, có người thì lại để con đi quá xa vòng kiểm soát, khiến con thành một đứa trẻ không thể giáo dục được nữa.
Đối với những đứa trẻ độ tuổi bắt đầu có chính kiến riêng, hãy để con được làm theo ý của mình, chỉ khi con phạm sang khu vực cấm, thì hãy nghiêm khắc giữ lại. Chi ly chỉ bảo làm cái này cái kia thì trẻ cũng chưa hiểu được, nên thay vì dạy như thế, thì việc tạo nền móng nhờ vào các lệnh cấm sẽ khả thi hơn rất nhiều.