Đối với con trẻ chưa biết xấu tốt, không cần phải nói lý lẽ nhiều mà cứ thế dạy cho con những gì cần dạy. Tuy vậy, trong một số trường hợp, nếu chỉ nhìn mẫu cha mẹ làm, và làm thử
một vài lần cơ bản trẻ vẫn không thể nhớ được. Đặc biệt trong những việc cấm không được làm có không ít những việc mà chỉ cần sơ sẩy là có thể dẫn đến thương tật, hỏa hoạn, sự cố lớn. Khi dạy những việc quan trọng như thế này, cho xem mẫu, nghiêm khắc dặn dò để mong trẻ nhớ, thì vẫn không thể biết thực tế là khi nào sự cố sẽ xảy ra, và cũng không thể thản nhiên mà chờ đến lúc đó được.
Vừa rồi khi đọc một cuốn sách của nữ diễn viên Miyagi Mariko, người lập ra trường Nemunoki của Trung tâm bảo trợ các em khuyết tật tay chân, có một tình huống như thế này. Một cậu bé bị thiểu năng trí tuệ do di chứng của bệnh tổn thương não, đã vặn van của bình nước nóng chỗ bồn rửa mặt, khiến ga bị rò rỉ làm mọi người náo loạn. Người quản lý giải thích với cậu rằng: "Hít nhiều khí ga có thể chết đấy. Nếu bị bắt lửa còn gây phát nổ nữa". Khi nghe nói vậy, lúc đó cậu bé có hơi biết lỗi một tí, nhưng chỉ được một lúc lại định thò tay ra vặn van nguồn của ga tiếp. Người quản lý đã đánh vào tay cậu bé và mắng cậu rất nhiều để cậu biết lỗi nhưng dường như cậu bé không thể nào hiểu được sự nguy hiểm của việc mình làm. Cuối cùng người quản lý nắm tay cậu dẫn tới chỗ giặt giũ có đặt máy vắt khô. Chắc có lẽ chỗ đó có một cái nồi hơi rất lớn. Rồi châm lửa ngay trước mặt cho cậu bé thấy. Ngay lập tức, một ngọn lửa to bùng lên. Cậu bé vô cùng kinh hãi đến mức sau đó người quản lý nói gì cũng gật đầu lia lịa.
Một trường hợp tương tự khác là câu chuyện của nhà văn Komatsu Sakyo. Nghịch lửa là trò chơi hấp dẫn với mọi đứa trẻ, tuy nhiên, những hậu quả kèm theo đó thì không ai lường trước được. Vì thế Komatsu cho rằng khi những đứa trẻ còn nhỏ các gia đình nên tạo cơ hội nào đó cho trẻ được trải nghiệm để hiểu lửa đáng sợ đến mức nào. Ví dụ như dưới sự giám sát của cha mẹ, cho trẻ dùng diêm đốt lửa và trải nghiệm cảm giác có thể sém cả tay khi ngọn lửa bùng lên cao cũng được.
Viện trưởng Shichiro của Bệnh viện Aiikukaiincũng chung quan điểm trong việc giáo dục "Atsui Atsui! - Nóng quá! Nóng quá!". Ví dụ, khi người mẹ cắm bàn là để là quần áo, nếu bất cẩn đứa trẻ có thể thò tay chạm vào. Nếu chạm thật sự chắc chắn sẽ bị bỏng, nhưng nếu lúc đó, bà mẹ cầm tay con và cho sờ nhẹ một cái rồi bảo: "Cái này nóng đấy!". Chắc chắn lúc đó đứa bé vì ngón tay chưa từng sờ vào vật gì nóng tương tự như thế sẽ giật mình và rút tay lại ngay.
Đối với trẻ nhỏ, dù bạn có nói "nguy hiểm đấy, đau đấy" bao nhiêu lần đi nữa chúng cũng không thể hiểu được, thay vào đó chỉ cần cho trải nghiệm một lần cũng bằng vạn lời nói rồi. Phương pháp cho cơ thể trải nghiệm thực tế để ghi nhớ như thế này, không chỉ giới hạn phải là những việc có sắp xếp trước, nhiều khi cơ hội đến trong những hoàn cảnh vô cùng tình cờ.
Ví dụ, trong nhà ăn của lớp học của tôi có một chỗ thấp hơn khoảng hai bậc so với phần khác. Chỗ này có lót thảm nên nếu trẻ em bị ngã cũng không bị thương. Vừa rồi có một em bé
khoảng 8 tháng tuổi khi đứng trong xe tập đi hình tròn chạy đi chạy lại khắp nơi trong phòng thì bị ngã chỗ cái bậc ấy. Đứa bé này vẫn còn trong độ tuổi chưa thể hiểu được nếu người lớn có nói chỗ đấy nguy hiểm, không được lại gần, nên có nói cũng không thay đổi tình hình được. Tuy nhiên, sau khi bị ngã, dù người lớn không ngăn lại, đứa trẻ cũng tuyệt nhiên không có ý định lại gần chỗ bậc thang đấy nữa. Thậm chí, nếu cố tình cầm tay dắt đến nó còn khóc toáng lên không chịu đi. Có thể nó sẽ lại còn ngã ở chỗ đấy vài lần nữa nhưng ít nhất những lần sau này nếu có đi lại đó chắc chắn nó sẽ thận trọng hơn nhiều so với lần đầu.
Nếu trong trường hợp này cha mẹ cứ bảo "nguy hiểm" và tìm cách ngăn không cho lại gần chỗ bậc thang thì thế nào? Thì chắc chắn là cha mẹ sẽ chỉ có thể ngăn cấm được lúc đó, còn sau đó hễ có cơ hội là nó sẽ tìm cách lại gần chỗ mà cha mẹ cấm ngay. Nói cách khác, mỗi lần cha mẹ ngăn cản không cho con lại gần chỗ như vậy, tức là làm mất đi của con một cơ hội quý để trải nghiệm rằng: cần phải để ý dưới chân mình lúc đi lại. Và biết đâu, nếu vậy có thể giữ được con không bị ngã ở đây, nhưng lại khiến con bị ngã ở một nơi khác nguy hiểm gây thương tật hơn nhiều.
Khi dạy trẻ các quy tắc, luật lệ, thói quen trong xã hội thì chỉ có cách giải thích, làm mẫu, lặp đi lặp lại nhiều lần cho nhớ. Còn đối với những thứ có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng thì chỉ có thể cho trải nghiệm thế nào là đau, là khó chịu, cho bé nhớ bằng cơ thể, thì bé mới nhớ lâu được. Việc này không chỉ đơn thuần là dạy cho bé khả năng chú ý, khả năng tự bảo vệ bản thân mà còn có ý nghĩa quan trọng dạy cho bé trở thành người có thể hiểu để đồng cảm với nỗi đau của người khác cũng như nỗi đau của mình. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng, người nào khi còn nhỏ đã từng bị dao cắt phải tay sẽ hiểu được một cách sâu sắc hơn rằng tội ác làm tổn thương người khác là thế nào, so với người mà chưa từng có trải nghiệm như thế trước đây.
33. Khi trẻ bắt đầu tập nói, trước tiên hãy dạy trẻ nói "cảm ơn" và "xin lỗi"
Khi tôi khuyên các ông bố bà mẹ hãy tập cho con thói quen chào hỏi và cảm ơn dù bé chưa hiểu gì, thì luôn gặp phải thắc mắc: "Liệu tạo cho đứa trẻ một thói quen chào hỏi và cảm ơn máy móc, sau này đứa trẻ có trở thành một người dễ dàng nói ra những câu nói không xuất phát từ tình cảm chân thành không?". Quả thật, những đứa trẻ nhỏ sau khi được cho quà gì đó thì chỉ nói và cúi cảm ơn một cách miễn cưỡng cho xong, sở dĩ bé làm như vậy vì được dạy thế, chứ khó mà nói nó thực lòng biết ơn được. Dù vậy, tôi vẫn chấp nhận điều đó, và theo tôi như thế là được. Khi con bắt đầu tập nói các bạn hãy tập cho con biết chào hỏi và nói lời cảm ơn càng sớm càng tốt.
Tôi có cơ sở rõ ràng khi nói điều này. Rút cuộc, một đứa trẻ bắt đầu học nói liệu có thể hiểu và vận dụng được bao nhiêu trong số vốn từ vựng chúng có. Ngoài những từ vô cùng đơn giản để chỉ người và đồ vật như mẹ, bố hay tiếng khóc gọi mẹ để thể hiện cảm xúc khó chịu hoặc mong muốn của mình, thì những từ cảm xúc ở cấp độ cao như từ tôn kính người khác, từ để thể hiện sự biết ơn người khác, dù bé có muốn hiểu đi chăng nữa thì cũng không thể. Vì ngay trong bản thân bé cũng chưa xuất hiện những cảm xúc như thế. Do đó, bảo bé xuất phát từ trái tim để nói ra là điều không thể. Quan điểm của tôi là, nhờ vào việc dạy cho bé nói sớm những lời như thế này, sẽ giúp bé quen dần với chúng, dần dần biến cái "TÂM" của nội dung câu chữ thành cái TÂM nảy mầm thực sự trong trái tim bé.
Ngược lại, những từ ngữ thô lỗ, bậy bạ cũng giống như vậy. Nếu nói việc dạy cho đứa trẻ nói cảm ơn xin lỗi một cách máy móc là không được, vì đứa trẻ chưa hiểu gì, vì không chân thành. Vậy chẳng lẽ những từ ngữ thô lỗ bậy bạ thì có thể cho dùng thoải mái với lý do vì trẻ chưa hiểu gì sao. Chắc chắn không phải vậy bởi vì những từ ngữ đầu đời này, ban đầu có thể trẻ chỉ dùng một cách vô thức, nhưng đáng sợ là dần dần nó sẽ ngấm vào trong tâm hồn trẻ, đến một lúc nào nảy mầm trong tâm hồn trẻ cái tâm xấu cười nhạo người khác ngốc nghếch, chửi thề khi có việc không vừa ý. Do đó, nếu phản biện rằng dạy trẻ nói cảm ơn, xin lỗi trước khi trẻ hiểu được ý nghĩa của câu từ là việc làm vô ý nghĩa là không hợp lý.
Ngày xưa khi bắt đầu học chữ Hán, tôi thường luyện đọc thầm và đoán mò cách đọc, chứ không dùng từ điển. Do vậy, tôi luôn nhớ câu "shi notamawaku" là "hinotamakuu(*)". Chính vì vậy mà ấn tượng đọng lại khi những năm sau này được bày cho câu trả lời đúng rất sâu sắc, mà chắc chắn là hơn hẳn so với những người chưa từng luyện qua kiểu đọc này.
(*)(*) Shinotamawaku: Nghĩa là "giống như Khổng Tử nói" Hinotamakuu: Nghĩa là "ăn sao băng". Tiếng Nhật có các từ đồng âm khác nghĩa, cùng một cách đọc nhưng nghĩa và mặt chữ lại khác nhau nên rất dễ nhầm.