Không để tivi chi phối trẻ

Một phần của tài liệu Chiến lược của mẹ thay đổi cuộc đời con (Trang 53)

Từ khi tivi xuất hiện, sự phổ cập nhanh chóng của nó đã đem lại thay đổi nhiều cho văn minh hiện đại. Tivi cũng ảnh hưởng lớn tới thế giới của trẻ. Tuy nhiên, xét về góc độ giáo dục trẻ, trước khi có tivi và sau khi có tivi thay đổi đến mức nào?

Có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc nhận định lợi và hại mà tivi mang lại. Tuy nhiên, một thực tế không thể chối cãi là chúng ta vẫn chưa biết dùng tivi một cách hợp lý. Tôi nhớ ngày trước ở Đức có xuất bản cuốn sách tên là "Bức tường thứ 5(*)" nội dung bàn về vấn đề mới của xã hội, vấn đề bức tường thứ 5 - tivi, bên cạnh bốn vấn đề đã đưa ra trước đó. Nói cách khác, tùy thuộc vào cách chúng ta sử dụng tivi mà có khi một ngày ta chỉ chăm chú nhìn vào tivi cũng chính là "bức tường", là nguyên nhân khiến các mối quan hệ giữa người với người bị gián đoạn và lỏng lẻo dần. Đặc biệt đối với đầu óc còn nguyên sơ có thể tiếp thu tất cả mọi thứ như tờ giấy trắng của trẻ nhỏ, không nên chỉ vì sử dụng không đúng cách mà để ảnh hưởng từ tivi mang tính quyết định lên trẻ.

Đối với một vấn đề quan trọng như tivi, tại sao từ trước tới nay chúng ta lại coi nhẹ nó? Ngay đến tạp chí sách báo có nội dung không phù hợp với lứa tuổi của con, thì bố mẹ còn khống chế, chứ nói gì đến tivi có thể chuyển kênh dễ dàng, xem thoải mái không mất tiền mua. Nếu cha mẹ để cho trẻ thoải mái xem tivi thì quả thực bạn nên xem lại.

Không phải những thứ mất tiền mua thì mới có ảnh hưởng lớn đến trẻ, còn những thứ miễn phí như tivi thì không ảnh hưởng gì, có thể dùng thế nào cũng được. Chúng ta dễ gặp cảnh tượng nhiều em bé thậm chí còn chưa biết nói trọn vẹn một câu, nhưng đã biết cầm điều khiển tivi đập lung tung và tùy ý chuyển kênh cha mẹ đang xem sang các kênh khác, rồi dần dần chuyển sang kênh mình thích xem. Tôi vẫn thường suy ngẫm: "những đứa trẻ lớn lên nhờ quảng cáo truyền hình và khủng long thì liệu sẽ như thế nào chứ"?

Tôi nghĩ không thể xem nhẹ thực trạng hiện nay về ảnh hưởng của ti vi với trẻ được. Đã có nhiều tài liệu chứng minh, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình coi việc trẻ thích xem tivi là chuyện bình thường, hoặc thường bật tivi để dỗ trẻ thì thường mắc chứng tự kỷ cao. Đây là vấn đề mà với tư cách là một nhà sản xuất tivi, tôi cũng không thể không quan tâm được. Thậm chí, ông Ishi Iisao một nhà giáo nổi tiếng trong lĩnh vực giảng dạy chữ Hán viết: "Những đứa trẻ đang trong giai đoạn đầu học nói, nếu chỉ cho xem tivi suốt, thì bán cầu não phải của trẻ sẽ dần dần mặc định xử lý tiếng nói của người, hay tiếng nhạc cũng đều giống tiếng máy móc". Điều đó cho thấy, cần thiết phải kiểm soát việc xem tivi của trẻ ở một mức thích hợp, không phó mặc trẻ với các chương trình tivi. Tôi nhắc lại lần nữa, điều này sẽ quyết định đến tính cách của trẻ sau này.

(*)(*) Tên gốc: Wand - das Fernsehen (1962) của Werner Rings (1910 -1998) - nhà sử học và nhà báo người Thụy Sĩ.

35. Âm nhạc hay tranh vẽ cũng thế, không nên có quan niệm "cái dành cho trẻ con"

Do sự phát triển của bộ não và cơ thể em bé vừa mới sinh khác với người lớn, nên khi vừa sinh ra, chưa thể cho bé ăn những thức ăn giống như người lớn được. Chính vì thế, chúng ta cho bé bú sữa, ăn dặm, cho khẩu phần dành riêng cho trẻ, từng bước từ từ cho bé làm quen. Nếu coi sự phát triển của bộ não trẻ giống việc tập ăn này, ta thấy, bộ não trẻ cũng được phát triển nhờ vào việc người mẹ lựa chọn các kích thích và cho trẻ "ăn tri thức". Nhưng liệu trường hợp này có giống như khi tập cho ăn, tức là phải chọn những thứ "dành riêng cho trẻ" mới tốt không? Liệu chỉ với các bài đồng dao, các câu chuyện cho trẻ con, bé sẽ thỏa mãn?

Tôi nghĩ, về việc cho "ăn tri thức" này, quan niệm kiểu "bú sữa" rồi "ăn dặm" là không cần thiết, mà người mẹ hãy mang đến cho con những kích thích chất lượng tốt là được. Theo quan điểm của tôi, cái gọi là "nhạc dành cho trẻ con", hoặc là "tranh dành cho trẻ con" là thứ hoàn toàn không tồn tại. Cách nói "dành cho trẻ con" thực ra vì xuất phát từ cách nghĩ coi nhẹ những khả năng mà trẻ có. Nếu bạn nghĩ "vì trẻ con nên chưa hiểu" thì tức là bạn đang làm cản trở các kích thích có lợi đến sự phát triển của não trẻ rồi đấy.

Bác sĩ Naito Shichiro - một trong những bác sĩ tiền bối về nhi khoa của Nhật đã tuyên bố: "Câu nói, vì là trẻ con nên chưa biết gì, chẳng qua chỉ là cách suy nghĩ phiến diện của người lớn mà thôi". Việc một em bé được mẹ bồng đến phòng khám để khám bệnh khóc to lên khi mẹ chuyền qua tay bác sĩ cũng là ví dụ cho thấy trẻ con thực sự hiểu người lớn nghĩ gì. Bác sĩ Naito cho biết chưa có đứa trẻ nào ông bồng khám mà khóc cả. Tôi nghĩ đó bởi vì ông đã đồng cảm với cảm giác của người mẹ, nghĩ mình như là mẹ bé. Ông đánh giá đúng khả năng của trẻ, và tiếp xúc với bé dựa trên sự đánh giá ấy. Chính vì thế, bé tin tưởng và có thể yên tâm không khóc khi bác sĩ bồng. Điều quan trọng đối với một người mẹ chính là thái độ tin tưởng này của em bé.

Nếu cứ đưa cho con những quyển sách tranh chất lượng kém chỉ vì nghĩ con còn bé chưa hiểu gì, thì cuối cùng trong đầu bé sẽ chỉ hình thành những tuyến thần kinh chỉ tiếp thu được những bức tranh chất lượng kém như vậy mà thôi, và dẫn đến sau này lớn lên bé sẽ phải vô cùng khó khăn để tiếp thu được những cái khác có chất lượng tốt hơn. Tất nhiên, tôi không nói là trẻ con có thể hiểu hết tất cả những gì người lớn đưa cho. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh, khả năng lý giải của trẻ là vô hạn, cao hơn rất nhiều so với mức mà người lớn tưởng tượng, do đó, đừng áp đặt cách nghĩ, đưa cho bé cái này, không đưa cho bé cái kia vì nghĩ bé chưa hiểu.

Dù bé hiểu hay chưa hiểu, trước tiên hãy cứ mang đến cho bé, nếu là thứ bé có thể tiếp thu được, tự bé sẽ tiếp nhận vào đầu, để phát triển tri thức của mình. Đây là quan điểm mà tất cả các nhà nghiên cứu về giáo dục trẻ tuổi ấu thơ trên thế giới đều công nhận.

Người mẹ chỉ cần nhớ, tiêu chuẩn khi chọn lựa các kích thích để đưa cho con mình đó là, chọn những thứ có chất lượng tốt, những kiến thức thật sự, hơn là lấy tiêu chuẩn những thứ

dễ hiểu, đơn giản. Bởi vì quan niệm cố hữu "nó còn trẻ con" từ trước tới nay, chẳng qua xuất phát từ sự chưa tin tưởng khả năng có thật của con mình mà thôi.

Một phần của tài liệu Chiến lược của mẹ thay đổi cuộc đời con (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(112 trang)
w