8. Đóng góp của luận văn
3.2.2 Sự tương tác giữa tiểu phẩm – thư/nhật kí
Trong lịch sử văn học thế giới, việc sử dụng hình thức thư và nhật kí để chuyển thành tác phẩm văn học như truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ…là điều không mới. Chẳng hạn có thể kể đến các tác phẩm như: Nhật kí người điên (Lỗ Tấn), Nhật kí trong tù(Hồ Chí Minh), Những
lá thư từ cối xay gió (Anphonse Daudet)… Người ta viết nhật kí cho chính bản thân mình, hoặc viết thư cho một hay một vài người đọc, đó là mục đích vốn có và đầu tiên của hai hình thức ghi chép này. Nhật kí viết tay và thư viết tay (hay kiểu nhật kí và thư truyền thống) là văn bản cần được bảo mật (trên tư cách cá nhân), mọi sự công khai nhật kí - thư đều cần có sự cho phép của người viết hoặc người ủy quyền, người bảo hộ hợp pháp của người viết. Trừ một số trường hợp có liên quan đến công tác điều tra của cơ quan pháp luật, ngoài ra, không ai có quyền được xem nhật kí và thư của người khác. Như vậy, về cơ bản, nhật kí và thư là những văn bản mang tính riêng tư rất cao, gần như tuyệt đối.
Trải qua quá trình phát triển, thư và nhật kí trở thành những thể loại bán công khai, vừa là của riêng một cá nhân, vừa có thể để cho nhiều người đọc (như một số thư tâm sự được đăng trên các báo hay những nhật kí cá nhân trên Internet còn gọi là blog). Đặc biệt, từ khi ra đời các mạng xã hội (như Facebook, Twitter, Google Plus..v..v.), nhật kí và thư ngày càng trở nên đại chúng hóa và người ta dùng nó như cách để bộc lộ cá tính và cuộc sống của họ. Chính sự thay đổi này đã tác động không nhỏ đến tiểu phẩm. Cụ thể là Lê Thị Liên Hoan đã mượn hình thức thư và nhật kí để bày tỏ quan điểm của mình về nhiều vấn đề nổi bật trong đời sống hiện nay. Người đọc có cảm giác đang được chia sẻ những tâm sự bí mật của một số người có thật nào đó, hay thậm chí là những nhân vật chỉ có trong tưởng tượng.
Ở hình thức viết thư, tác giả vẫn chọn cho mình lối kể chuyện và tâm tình nhẹ nhàng nhưng sâu cay. Trong khi đó ở hình thức nhật kí, tác giả cũng thể hiện thành công những trăn trở của con người trước cuộc sống mới, thời đại mới cùng những cách ứng xử mới.
Dùng hiện thực kết hợp với giả tưởng, những tiểu phẩm sử dụng hình thức thư và nhật kí đi sâu khai thác những vấn đề xã hội nhưng qua dòng tâm tư, suy nghĩ của một con người nhất định. Những tâm tư này được mặc định là chân thật và đáng tin cậy bởi vậy sẽ tạo được đồng cảm cho chính người đọc.
của bà vợ cho gửi bồ nhí, Xuất khẩu cười. Trong ba tuyển tập này, chúng tôi nhận thấy xuất
hiện nhiều “bức thư” hài hước nhưng cũng không kém phần sâu sắc, mang lại tiếng cười thẩm mĩ cho người đọc. Điều đầu tiên dễ dàng nhận ra là hầu hết các bức thư đều mở đầu với những kiểu câu rào đón, không giống với việc chào hỏi thông thường trong những bức thư thông thường.
Những bức thư không phải viết ra để thăm hỏi tình hình cá nhân mà mục đích lại hướng tới những vấn đề xã hội nóng bỏng. Tuy vậy, độc giả vẫn nhận ra cái riêng trong cái chung, cái chung ngoài cái riêng được lồng ghép khéo léo.
Về hình thức của một bức thư, Lê Thị Liên Hoan tuân thủ gần như đầy đủ những cách xưng hô hay gọi tên trong thư nhằm tạo ra sự chân thực cho bức thư ấy. Chẳng hạn, trong tiểu phẩm Thư của Lợn Quay gửi lợn Tai Xanh, tác giả trình bày:
Anh Xanh thân mến! […]
Tai Xanh ơi! […]
Hỡi Tai Xanh anh dũng! […]
Tai Xanh yêu dấu! […]
Hỡi anh Xanh! […]
Chúc anh vững tin và lạc quan.
David Heo quay
[18; trang 62 – 66] Chức năng tâm tình và giãi bày của thư được tận dụng triệt để. Những tâm sự (có thể xem là) chỉ nên giấu kín cũng có thể được đưa vào tiểu phẩm dưới dạng thức thư từ này. Sự hài hước đến từ chỗ, ngay cả những nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết, truyện ngắn cũng có thể viết thư cho nhau, chính điều đó làm cho nhân vật trở nên mới mẻ và người đọc bất ngờ với dụng ý nghệ thuật của tác giả.
Em Nở thân yêu!
Tại sao anh phải khẳng định những điều đó? Tại vì nhiều kẻ quên rằng bản chất kì diệu của tình yêu là sự khác biệt của nó. Trong tình yêu, ta không yêu những cái cả thế
giới yêu. Ta yêu cái của riêng ta, của mình ta, dành cho ta. Trong tình yêu, ta vừa là Chí Phèo vừa là Picasso, ta độc đoán nhưng đầy sáng tạo. Khi nào có hai con người yêu giống nhau, khi đó nhân loại nghèo đi một tâm hồn. Chí Phèo có Thị Nở, chỉ cần Thị Nở, không một ai ngoài Thị Nở. Tình cảm đơn giản và quyết liệt đó cần khắc vào đá, thế thôi!
[18; Thư của Chí Phèo gửi Thị Nở; trang 147] Tình yêu của Thị Nở - Chí Phèo được nhìn dưới góc độ sáng tạo và mới mẻ hơn, đòi hỏi chính người đọc cũng phải có cái nhìn hiện đại, rộng mở mới có thể đồng cảm được.
Sự tương tác giữa thư và tiểu phẩm chủ yếu nằm ở chỗ tác giả sử dụng sự riêng tư của thư từ dưới hình thức công khai của tiểu phẩm. Chính kết hợp này tạo nên một loại hình tiểu phẩm có tính xã hội cao. Người đọc vừa chấp nhận văn bản như một bức thư, vừa chấp nhận nó như một tiểu phẩm. Sự kết hợp về mặt thể loại không làm cho tiểu phẩm giảm bớt đặc trưng của nó, trái lại, còn giúp tiểu phẩm có tiếng nói đa chiều và đậm chất văn học hơn.
Song song với hình thức tiểu phẩm – thư là hình thức tiểu phẩm – nhật kí. Tương tự với hình thức các bức thư, hình thức nhật kí cũng khiến người đọc tò mò về những bí mật của nhân vật trong tiểu phẩm. Các nhân vật sẽ viết ra những suy nghĩ thầm kín của bản thân, theo một cách cá nhân nhất. Nếu hình thức thư có sự tương tác giữa người gửi và người nhận nào đó thì hình thức nhật kí giống như một cuộc độc thoại vô tận của nhân vật với chính bản thân họ. Nhân vật được trao cho quyền bộc bạch hoàn toàn tâm tư tình cảm, không hề giấu giếm hay phải lựa chọn lời lẽ, bởi họ viết cho bản thân họ mà thôi.
Về mặt hình thức, Lê Thị Liên Hoan rất chú ý đến cách trình bày của nhật kí, các nhật kí đều được chia làm những đoạn nhỏ, những “cảnh” nhỏ, những lát cắt thoáng qua của đời sống và nối với nhau bằng dòng chữ “Ngày” hoặc“Ngày…tháng…năm” nhằm tăng tính chất thật cho tiểu phẩm. Câu chuyện họ kể có thể là chuyện của một người cũng có thể là câu chuyện của toàn xã hội. Lời văn vì vậy rất tự nhiên, rất gần gũi, ngay cả những góc khuất trong tâm hồn con người cũng vì vậy mà hiện ra chân thực hơn.
Đây là nhật kí của một dân chơi Sài Gòn:
Ngày…
Vù vù , vù vù. Cả bọn vẫn phóng. Trong đầu mình tương lai và quá khứ lẫn lộn. Máy lạnh. Cà phê. Những chai “Hen” uống hôm sinh nhật mừng thọ mười tám tuổi, vài ba “bi” những buổi chiều mưa. Chào tình yêu, chào cuộc sống, mãi mãi ta yêu mến
Ngày…
Mình tỉnh dậy trong bệnh viện và thấy hai chân đang treo trên trần nhà. Mình nhìn sang bên: Tuyến “bốn răng” không còn răng nào đang nằm, hai tay trắng xóa.”
[2; Nhật kí một dân chơi; trang 84 – 85] Trong mỗi tiểu phẩm ở tiểu loại nhật kí, tác giả phải hóa thân tối đa vào nhân vật của mình từ lời ăn tiếng nói, suy nghĩ đến những hành động mà nhân vật có thể làm. Việc dùng một vài từ đắt giá để miêu tả tâm trạng nhân vật chính là thế mạnh của Lê Thị Liên Hoan ở tiểu loại này:
Ngày…tháng…năm
Bọn mình nằm la liệt trên một cái sân rộng. Mình nhìn qua cửa sổ vào văn phòng thấy có một chú heo đỏ hồng đang cười. Chắc nó đang xem tấu hài trên ti vi. Nhưng sao nó cười lâu quá thế? Theo như mình biết, nhiều tiết mục hài có cười nổi đâu. A, nhìn kĩ đó là một con heo đất. Heo ấy da bóng loáng, chả ăn được gì nhưng suốt đời ngờ nghệch cười không rõ nguyên do.
[18; Nhật kí của một con heo; trang 57] “Ngờ nghệch” là một từ rất gợi hình, miêu tả rõ nét những kiểu cười như bị ép buộc hoặc cười mà không hiểu vì sao mình cười trong xã hội hiện nay.
Tiểu phẩm viết dưới hình thức nhật kí rất coi trọng tính cá nhân, những suy nghĩ độc lập. Đọc nhật kí nghĩa là đã bước vào thế giới riêng của nhân vật nào đó, một thế giới ít bị chi phối cho nên những câu chuyện sẽ thật hơn, và đôi khi, phũ phàng hơn.
Để viết được một tiểu phẩm bằng hình thức thư hay nhật kí không phải là điều đơn giản. Lớp mặt nạ hình thức này chỉ có tác dụng bổ trợ cho nội dung được nhắc đến và không thể thay thế hoàn toàn nội dung và ý nghĩa của tác phẩm. Lê Thị Liên Hoan ý thức rất rõ về điều này, cho nên, tác giả không lạm dụng hình thức thư – nhật kí mà cố gắng dung hòa những nét khả thủ của hai thể loại này sao cho phục vụ có hiệu quả công việc viết tiểu phẩm của mình.
Nhìn chung, sự tương tác giữa các thể loại trong văn học là một quá trình chuyển biến bao gồm sự dung hợp (những yếu tố cần thiết) cũng như đào thải (những yếu tố không cần thiết) để tạo nên những thể loại kép hoặc thể loại hỗn hợp. Tất nhiên, không phải bất kì thể loại nào cũng có thể tương tác hoặc kết hợp với nhau. Hay nói đúng hơn, sự kết hợp này cần có một quy tắc nhất định nhằm mang đến hiệu quả biểu đạt cao nhất cho tác phẩm.
Với tiểu phẩm của Lê Thị Liên Hoan, sự tương tác này mang lại không ít những thành công. Độc giả dễ dàng ghi nhớ tiểu phẩm của ông bởi những hình thức tiểu phẩm này được lặp đi lặp lại nhiều lần thành một kiểu phong cách khá thú vị. Tuy vậy, không phải lúc nào Lê Thị Liên Hoan cũng có được những trang viết chắc tay ở những tiểu phẩm dạng tương tác thể loại.
Trước hết, ở dạng thức tiểu phẩm – thư, nhiều trang viết của tác giả còn dàn trải, sa vào kể lể, chưa có được sự tinh gọn cần thiết. Ở dạng thức tiểu phẩm – nhật kí, một số chỗ tác giả còn áp đặt những suy nghĩ chủ quan của bản thân lên nhân vật khiến tiểu phẩm có phần cứng nhắc. Trong khi đó ở dạng thức tiểu phẩm – kí họa chân dung, Lê Thị Liên Hoan chưa thực sự thoát khỏi cách diễn đạt khoa trương thái quá ở một số cách dùng từ còn sáo mòn. Đây là những nhược điểm không hẳn lớn nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng tiểu phẩm của ông.
Tuy vậy, nếu nhìn nhận công bằng cả những ưu nhược điểm của tiểu phẩm Lê Thị Liên Hoan, người đọc vẫn nhận ra phần ưu điểm nhiều hơn, vượt trội hơn.