Vai trò của người thưởng thức đối với văn hóa – nghệ thuật

Một phần của tài liệu đặc điểm tiểu phẩm lê thị liên hoan (Trang 56)

8. Đóng góp của luận văn

2.3.3.Vai trò của người thưởng thức đối với văn hóa – nghệ thuật

Khán giả, độc giả là yếu tố không thể thiếu trong quá trình người nghệ sĩ sáng tạo nên các tác phẩm văn hóa – nghệ thuật. Khán giả, độc giả (hay nói chung là người thưởng thức) có những tiêu chí riêng để đánh giá tác phẩm. Họ tạo lập nên những cộng đồng diễn giải, có thể ủng hộ hoặc không ủng hộ một tác giả, một tác phẩm, một trào lưu nào đó…dựa trên thị

hiếu của bản thân mình. Có hai lực lượng thưởng thức nghệ thuật, một là khán giả phổ thông, hai là các nhà phê bình.

Trước hết, trong tiểu phẩm Lê Thị Liên Hoan xuất hiện nhiều tiểu phẩm về lớp khán giả phổ thông. Khán giả chiếm một vai trò khá đặc biệt, nếu không muốn nói là quyết định đến sự thành bại của tác phẩm nghệ thuật nào đó. Nhận thức được tầm quan trọng của khán giả, Lê Thị Liên Hoan đã ngầm nhắc nhở người nghệ sĩ hãy biết hướng đến người xem, đừng cố gắng tạo nên những giá trị xa rời quần chúng.

Nhưng một thực trạng đáng buồn là nhiều khán giả đã bị thứ nghệ thuật giả hiệu lừa dối:

Muốn tóm được khán giả không nên dùng bẫy chuột, dùng lưới, dùng cách đổ nước mà tốt nhất nên dùng bả, hay nói cách khác là mồi nhử, vì bản chất của họ rất nhẹ dạ cả tin, ham mồi và dễ chết cả dây. Mồi có thể được chế biến bằng nhiều cách, nhưng quan trọng nhất là cách đặt tên. Chúng ta có thể gọi mồi là:

Đại nhạc hội Gầm gừ 98

Một loáng Sài Thành Giai điệu thu

Gà rù trong thổn thức”

[17; Khéo tay hay làm – Kì I: Thịt khán giả; trang 33] Đặc biệt, ở nhiều sân khấu hài kịch, khán giả không hề biết đó là chương trình kém chất lượng, chỉ nhằm lấy tiền của người xem:

Ta đặt bẫy ở các khu vui chơi, các nhà văn hóa, câu lạc bộ, rạp, hội chợ, bên ngoài rắc những thuốc gây mê thông dụng hiệu “tuyển chọn”, “tổng hợp”, “đặc biệt” hoặc “lần đầu tiên và duy nhất”. Khi khán giả đã đông đủ, ta nhẹ nhàng giương bẫy lên, chờ họ vừa nhe răng là nhổ một loạt.

[19; Khéo tay hay làm – Kì II: Răng xào hành; trang 269] Trong khi đó, một lớp khán giả khác với nhiệm vụ định hướng thẩm mĩ cho công chúng (đội ngũ các nhà phê bình) lại không chuyên nghiệp như mọi người vẫn nghĩ. Trước hết, họ phê bình nhưng thiếu chính kiến, thiếu chuyên nghiệp, phê bình nửa vời. Để ẩn dụ cho vấn đề này, Lê Thị Liên Hoan đã đưa ra một trận bóng đã giữa đội phê bình và đội sáng tác.

Cũng có ý kiến là tuyển chọn cầu thủ theo phong cách viết, nhưng xem ra điều ấy còn phức tạp hơn. Nhiều nhà phê bình viết bài theo phong cách cách đây một trăm năm,

nên cuối cùng, ban huấn luyện đành đưa các cầu thủ viết chung chung vào, cũng coi như đạt yêu cầu.

[19; Đội tuyển của các nhà phê bình; trang 251] Một lối phê bình chung chung chính là biểu hiện của việc nhà phê bình không làm tròn trách nhiệm và công việc của mình. Một nền nghệ thuật chỉ có thể thực sự phát triển nếu nó có được những cây bút phê bình sắc bén, có cá tính. Nhìn lại lịch sử phê bình nghệ thuật ở Việt Nam, những nhà phê bình như Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Hà Văn Cầu, Trần Văn Khê…là những người để lại dấu ấn sâu đậm đối với nền nghệ thuật dân tộc. Tuy vậy, ngày nay, có không ít những kẻ phê bình giả hiệu, mượn phê bình để che lấp sự phản ứng mang tính cá nhân, hoặc cố tình đưa người đọc vào những vấn đề hàn lâm, khó hiểu.

Hai kiểu khán giả trên đây, một bị lợi dụng, một chưa làm đúng với chức năng của mình đã dẫn đến việc nền nghệ thuật Việt Nam hiện nay tuy đã hội nhập với quốc tế nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề làm chính những người trong nghề bức xúc.

Bên cạnh kiểu phê bình bàng quan còn có cả kiểu phê bình trục lợi. Không cần quan tâm đối tượng được phê bình có những ưu – nhược điểm như thế nào, các nhà phê bình vẫn hết lời ca ngợi và khen tặng tác phẩm.

Đỉnh cao của mâu thuẫn trong tam giác tác giả – tác phẩm – độc giả chính là phiên tòa đòi xử tội khán giả do các nhà sáng tác lập ra. Họ kết tội khán giả như sau: “Thích màu sắc,

xa lạ với tuyên ngôn, dửng dưng với những lời răn dạy đã trở thành tội lỗi của khán giả một cách có hệ thống”. [19; Phiên tòa xử tội khán giả; trang 232]. Nhưng sau đó, cũng chính họ nhận ra mình không thể sống thiếu khán giả và nghệ thuật sinh ra nhất định cần đến khán giả.

Vấn đề người tiếp nhận không phải là vấn đề mới trong nghệ thuật, nó xuất hiện và tồn tại từ hàng ngàn năm nay. Tuy vậy, chưa bao giờ nghệ thuật đứng trước một nguy cơ lớn như hiện nay. Nguy cơ ấy được tiểu phẩm Lê Thị Liên Hoan cảnh báo. Đó chính là sự khủng hoảng trong tiếp nhận. Khán giả hoang mang với chính bản thân mình. Họ thiếu những trải nghiệm cần có của một khán giả thực thụ. Tiếng cười bật ra một phần cảnh tỉnh khán giả, nhắc nhở họ đừng nên quá dễ dãi với những gì mình nghe – xem - thấy; bởi sự dễ dãi đó sẽ tiếp tay cho những kẻ cơ hội làm lợi trên nghệ thuật phi nhân văn. Đồng thời, những tiểu phẩm trên cũng khuyên các nhà phê bình hãy làm đúng với những gì xã hội đã phân công, không nên góp phần làm trì trệ nền nghệ thuật nước nhà.

Đây là những vấn đề không hề nhỏ. Cho nên, sự nhắc nhở đôi khi cần kiên quyết hơn, trực diện hơn. Đứng trên bình diện nào đi chăng nữa, tác giả cũng ý thức được vai trò của mỗi khán giả đối với nghệ thuật. Đó là phẩm chất đáng quý mà không phải người cầm bút nào cũng ý thức được.

Văn hóa nghệ thuật là mảng đề tài sở trường của Lê Thị Liên Hoan. Với kinh nghiệm và cách nhìn nhận của một người trong nghề, tác giả đã xoáy sâu vào nhiều hiện tượng có thật và gây bức xúc hiện nay. Bằng tiếng cười của tiểu phẩm, nhiều câu chuyện, nhiều lát cắt trong nghệ thuật được kể lại với hiệu ứng thẩm mĩ cao, tạo được sự đồng cảm với người đọc.

Với loạt tiểu phẩm này, trước hết tác giả bày tỏ thái độ của bản thân với chính nghề nghiệp và môi trường làm việc của mình. Sự châm biếm đó có thể xem là một kiểu tự trào với giọng điệu chua chát, cay đắng, có phần mỉa mai. Đây có thể xem là sự dũng cảm của người cầm bút khi dám nhìn thẳng và nói thật, không né tránh.

Tiếng cười bật ra từ những tiểu phẩm trong đề tài văn hóa – nghệ thuật thường là tiếng cười mang tính chiêm nghiệm, đúc kết. Không chỉ dựa trên những tình huống đơn lẻ, nhất thời; Lê Thị Liên Hoan đã nhận ra quy luật phát triển của văn hóa nghệ thuật và nhấn mạnh tính sáng tạo, tính dân tộc, tính trung thực vẫn là một trong những yếu tố quyết định mang lại sự thành công cho tác giả cũng như tác phẩm.

Tuy vậy, mảng đề tài này cũng để lộ một nhược điểm của Lê Thị Liên Hoan, đó chính là những nhận xét quá gay gắt và mang nặng tính chủ quan trong các tiểu phẩm thuộc loạt bài

Phỏng vấn con bò. Sự lặp lại cứng nhắc về cách thức thể hiện và vấn đề được trình bày đã

phần nào làm giảm đi giá trị của câu chuyện được phản ánh. Sự quan tâm đặc biệt của Lê Thị Liên Hoan dành cho điện ảnh là điều dễ hiểu khi ông là một đạo diễn, một nhà biên kịch. Nhưng chùm tiểu phẩm dài hơi dủng bảy tiểu phẩm để bàn cùng một vấn đề tương tự nhau sẽ gây cảm giác nhàm chán cho người đọc.

Với hơn năm mươi tiểu phẩm về văn hóa nghệ thuật, chiếm một phần chín số lượng tiểu phẩm của Lê Thị Liên Hoan tính đến thời điểm hiện nay, văn hóa – nghệ thuật chắc chắn sẽ còn là đề tài được tác giả tiếp tục khai thác trên những bình diện mới mẻ hơn, sinh động hơn. Thời kì mở cửa chứng kiến bước phát triển mạnh mẽ của đất nước trên nhiều lĩnh vực, nhưng cũng không thể phủ nhận những hệ lụy mà nó mang lại, đặc biệt là trong mảng văn hóa – nghệ thuật. Sự phát triển của văn hóa – nghệ thuật, xét đến cùng, không thể thiếu

Tiếng nói của tiểu phẩm là tiếng nói cần thiết và kịp thời góp phần đưa văn hóa nghệ thuật trở về đúng với tinh thần chân – thiện – mỹ vốn là chức năng cơ bản của nghệ thuật chân chính từ trước đến nay. Lê Thị Liên Hoan đã ít nhiều góp được tiếng nói của mình vào quá trình ấy.

Tóm lại, qua phần tìm hiểu trên, chúng ta có thể hình dung ra được nhiều đề tài phong phú trong tiểu phẩm Lê Thị Liên Hoan. Muôn mặt của đời sống hiện đại được phản ánh thông qua những câu chuyện hài hước, trào phúng. Từ chuyện giá cả hàng ngày, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, nạn dạy thêm học thêm tràn lan đến những vấn đề như chảy máu chất xám, tệ quan liêu tham nhũng, chạy đua bằng cấp…đều trở nên sinh động dưới ngòi bút của tác giả.

Đi sâu vào những tình huống thường nhật của con người hiện đại với nhiều trăn trở, nghĩ suy; Lê Thị Liên Hoan mang đến cho người đọc một cái nhìn khá toàn diện về xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI. Ở đó, người đọc có thể đồng cảm với những con người cần nhiều sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng (như trong các tiểu phẩm

Phỏng vấn một cô con riêng, Cô bé bán diêm, Phỏng vấn một anh hề…) vừa lên án những

cá nhân làm tổn hại đến sự phát triển chung của xã hội (như trong các tiểu phẩm Những danh xưng vĩ đại, Kẻ hi sinh, Vụ án CG…). Tất cả đều nhằm mục đích đưa đời sống vào

trang viết, và ngược lại, đưa những trang viết ấy quay lại soi chiếu vào cuộc sống.

Những chủ đề Lê Thị Liên Hoan quan tâm đồng thời cũng nhận được sự phản hồi tích cực từ độc giả. Câu chuyện gần mà xa, quen mà lạ, có thể bắt gặp đâu đó ngoài đời thường cũng có thể chỉ có trong tưởng tượng; nhưng chính sự phong phú về mặt nội dung của những câu chuyện ấy mang lại những tiểu phẩm thiết thực với nhiều người đọc. Cái duyên mà ngòi bút Lê Thị Liên Hoan có được là việc biết làm mới những chủ đề vốn đã quen thuộc thông qua cách xây dựng tình huống, ngôn ngữ v.v.

Tuy vậy, đôi khi người đọc vẫn thấy ở một số tiểu phẩm, tác giả có phần sa vào việc khai thác một vài chi tiết khá vụn vặt, không nhiều thông điệp, tiếng cười trong những tiểu phẩm ấy vì vậy còn đơn giản, máy móc, chưa thể hiện được sự sáng tạo của Lê Thị Liên Hoan. Sự khắc họa quá rõ, quá chi tiết tình cảnh, trạng thái nào đó vô tình làm tăng sự nặng nề cho câu văn cũng như tư tưởng tác phẩm. Nhược điểm này tuy không xuất hiện nhiều nhưng vẫn là điểm tác giả nên lưu ý khi sáng tác tiểu phẩm.

CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT VIẾT TIỂU PHẨM CỦA LÊ THỊ LIÊN HOAN

Bên cạnh sự bao quát phong phú nhiều đề tài của đời sống, tiểu phẩm Lê Thị Liên Hoan còn gây được chú ý bởi cách thể hiện mới mẻ, sinh động thông qua nghệ thuật viết tiểu phẩm được đầu tư với khá nhiều dụng công. Chúng tôi chọn trình bày dưới đây ba nghệ thuật nổi bật trong tiểu phẩm Lê Thị Liên Hoan.

3.1. Thủ pháp lạ hóa trong tiểu phẩm Lê Thị Liên Hoan

Một phần của tài liệu đặc điểm tiểu phẩm lê thị liên hoan (Trang 56)